"Đêm ấy, không có trăng.". Truyện ngắn của Đặng Khánh Cường

Ngày đăng: 05:41 17/05/2020 Lượt xem: 591


---------------------------------------------------------------


ĐÊM ẤY, KHÔNG CÓ TRĂNG
Truyện ngắn
  
Đêm ấy, không có trăng. 
Em nhớ rõ lắm và còn ghi lại cả ngày tháng ở trang đầu tiên trong cuốn sổ nhật ký năm mới vào lính. Bởi vì…., bởi vì anh ấy là người đầu tiên trong cùng đơn vị gọi đúng tên em là Hằng Nga, cái tên mà em ao ước bấy lâu nay. Ngày ở quê, khi còn đi học cấp ba hay học lớp đào tạo y tá cấp tốc của huyện mở, mọi người gọi em là Phạm Thị Đào. Cái tên rất chi là quê mùa, để đỡ quê mùa hơn em tự động bỏ chữ Thị đi và thêm chữ Anh vào trước chữ Đào thành Phạm Anh Đào, tạo ra khoảng cách khá xa với nhà Thị Tấm, Thị Cám, Thị Nở, Thị Hến….gì gì,,đấy ở miền quê khuất nẻo của em Em rất thích cái tên là Hằng Nga, thích lắm lắm í, vì nó gợi nên cái gì đó trong sáng, tươi mát, bay bổng xa xôi. Hôm nhập ngũ, em có thẳng thắn đề nghị tại bàn ghi danh sách quân nhân đổi lại tên cho em. Nhưng anh bộ đội trẻ gõ máy chữ lập danh sách biên chế đơn vị nói rằng không được vì việc này là điều cấm số một trong quy định, nó liên quan đến nhiều vấn đề như chế độ chính sách, bảo mật. Muốn đổi tên phải được cấp trên đồng ý và thống nhất vớIcơ quan Tư pháp cấp tỉnh, địa phương và gia đình. Tóm lại, lúc này là không có điều kiện thời gian để làm việc ấy. Thấy em băn khoăn đứng nằn nì mãi, anh ấy nheo mắt ngước lên nhìn, nở nụ cười an ủi:
- Tên gọi là cái bên ngoài con người, như cái áo mặc ấy mà em, lúc nào có điều kiện thì may áo mới cho đẹp, may hai, ba cái một lúc cũng được Em bằng lòng vậy nhé. Em xinh thế này không khéo lại bỏ nghề y để thành văn công khi nào không hay, lúc đó tha hồ mà đổi tên. Cô văn công nào mà chả có hai, ba nghệ danh. Anh gặp Đào một lần là thấy có ấn tượng ngay, muốn nhớ mãi không quên, cái đó mới là quan trọng đối với người con gái. Mỗi khi nhắc đến tên em là anh lại cảm thấy đời hồng tươi như mùa xuân ở trước mặt. Thôi em ra ngoài nhé, để đến lượt người khác.
- Nào, mời đồng chí tiếp theo.
Thế là việc tận dụng cơ hội đặc biệt để đổi tên mới của em không thành. Em mang cái tên Phạm Anh Đào suốt mấy tháng huấn luyện điều lệnh nội vụ cho mãi đên khi được chính thức biên chế về làm y tá ở Binh trạm 209. Trong cái đêm không có trăng ấy,không hiểu sao anh ấy lại gọi đúng cái tên em hằng ao ước.
Binh trạm bộ ở trong xóm núi lẫn với dân địa phương. Căn nhà thùng ba gian nửa nổi nửa chìm nền sâu một mét rưỡi, do đại đội công binh mới làm, được chia làm ba gian. Gian giữa là phòng giao ban của chỉ huy binh trạm,một gian đầu hồi là nơi ở của chính ủy và của anh Phúc lái xe con, kiêm công vụ, gian đầu hồi còn lại là trạm y tế sơ cứu của chung đơn vị do em đảm nhiệm. Bốn bên nền nhà là vách đất được gọt nhẵn nhụi phía trên đắp bờ ngăn nước mưa cao chừng nửa mét vượt quá đầu người, mái nhà lợp bằng lá cọ trùm qua phần bờ đất đắp. Mỗi khi trời mưa là nước chảy tràn ra vườn trồng chè tươi của bọ mạ (bố, mẹ phương ngữ) chủ nhà tên Hòa, nên nền nhà thùng thường không bị ẩm ướt. Con cái nhà bọ mạ Hòa đều đã ra tiền phương cả, người thì bộ đôi, người thì thanh niên xung phong. Nên gian nhà chính nhường cho bộ phận tuyên huấn của binh trạm ở và làm việc và thi thoảng đội văn nghệ xung kích làm chỗ tập, bọ mạ thì ăn ngủ phía nhà bếp bên dưới. 
Ở dưới nhà thùng một lát thì được, nhưng lâu lâu lại thấy bí thở. Công việc y tá của em thường ngày rảnh nên em hay lên nhà bọ mạ Hòa chuyện trò.
Cái giường cá nhân của em được gọi tên là giường “công binh”, cái tên đã đặc biệt và có cấu tạo cũng rất đặc biệt có một, không hai trên thế giới này. Bốn cột là bốn khúc gỗ thông cỡ bắp đùi bằng nhau được xẻ bóc bìa bốn mặt vuông vắn cao chừng sáu mươi phân, hai thành giường là hai tấm gỗ thông xẻ, không bào, rộng bằng gang tay người lớn dầy ba bốn phân được liên kết với chân giường bằng bốn chốt tre già vót tròn to bằng ngón tay cái, người ta ướm cái thành giường vào chân giường rồi dùng khoan xi-nhon tự chế khoan mỗi đầu hai lỗ xuyên thủng qua cả thành và chân giường sau đó vót chốt tre già ướm vừa vặn lỗ khoan rồi dùng búa đóng thông qua lỗ mới khoan, phần đầu và cuối giường cũng được làm như vậy, nhưng thành gỗ dài khoảng tám chục phân để vừa với kích thước cái chiếu một, dát giường cũng làm bằng gỗ thông xẻ dày hai phân đặt khít nhau trên hàng thang giường chắc nịch. Kiểu giường này đến cả tiểu đội ngồi lên chắc cũng không bị sập. Giường được đóng trên mặt đất. Khi mang xuống nhà hầm cho em, mấy anh công binh phải nhờ cả anh ấy giúp sức chuyển vào kê đúng chỗ.
Anh ấy tên là Phương làm cán bộ ở ban tuyên huấn là người đồng đội đầu tiên gọi đúng tên em là Hằng Nga vào cái đêm không có trăng mà em đã hé lộ lúc mới vào truyện. Người mà em muốn kể trong câu chuyện này chính là anh ấy. Ngoài thời gian đi họp giao ban kế hoạch để nắm tình hình rồi lần lượt đi đến các đơn vị lấy tin, anh thường ở nhà viết bài cho bản tin Tiền phương của bộ tư lệnh Đoàn và mấy báo trung ương ngoài Hà Nội. Thấy chúng tôi quý nhau, mỗi khi đun nồi nác (nước) mới, mạ Hòa thường bảo em mang lên trên nhà cho anh. 
Thi thoảng đội văn nghệ xung kích được triệu tập về đây luyện tiết mục, mấy chị con gái dáng cũng thanh thoát, nhìn đằng sau thì tạm được nhưng mặt tiền khi không trang điểm thì không hấp dẫn mấy. Dù chỉ là tập luyện tiết mục nhưng các chị không bỏ lỡ cơ hội trang điểm má hồng, môi son rồi nhõng nhẽo:
- Anh Phương ơi, trông em thế này đã được chưa, theo anh thì có nên đánh đậm hơn chút nữa không? 
- Anh phải góp ý cho em trước cơ, tiết mục của nó bao giờ cũng biểu diễn sau cùng, lui ra, chưa cần vội. 
Em mới nghe thế mà đã thấy khó chịu quá cơ.
Nói thật lòng là em rất có cảm tình với anh Phương. Không những anh ấy có gương mặt trông sáng sủa, dễ coi mà còn rất tự trọng, tế nhị và có nhiều điểm cực kỳ tốt của người đàn ông mà riêng em đã từng có cơ hội được biết rất rõ trong cái đêm không có trăng ấy. Em sẽ giữ gìn ký ức này như một báu vật suốt đời. Không phải đời người con gái nào cũng có được hạnh phúc đó, Hơn bốn chục năm trôi qua, giờ nghĩ lại em vẫn hồi hộp và nhiều người còn không tin câu chuyện như thế là có thật trên đời này.
Chính ủy đi công tác vào trong ngầm Khe Tang nói em chuẩn bị cơm nắm bữa tối cho ba người gồm cả anh Phúc và em. Đường xa, nên chính ủy quyết cho xe chạy lấn ngày từ lúc mặt trời mới xuống chạm đỉnh núi phía tây. Lát sau, chỉ còn để lại một vệt sáng bao viền hình răng cưa gãy khúc màu vàng chói trên đỉnh núi Giăng Màn. Bầu trời trong veo và im ắng lạ thường. Từ lùm cây ven đường, một nam quân nhân hớn hở vẫy vẫy cái mũ mềm giải phóng. Nhận ra người cùng đơn vị, chính ủy ra hiệu cho xe dừng lại
- Báo cáo chính ủy, tôi chuẩn úy Phương đi công tác vào bến chuyển tải Đò Vàng xin thủ trưởng cho phép nhờ một đoạn tới nhà ga để chờ xe goòng.
Xe chạy sắp đến đoạn ngang rừng Lộc Yên thì có chiếc máy bay vỉ ruồi loại F. 4H rẹt ngang trên đầu. Một vệt bom bi quả dứa chớp lửa, nổ ran phía trước mặt. Tiếp đó hai chiếc máy bay loại Thần Sấm F.5E từ hướng tây bổ nhào xuôi theo ánh sáng, ném mấy chùm bom loang loáng xuống phía nhà ga Tân Ấp, tiếng bom nổ rùng rùng mặt đất chuyển tới tân đây.
Chính ủy nhảy xuống xe, ra lệnh:
- Mọi người sơ tán gấp, cậu Phúc giấu xe vào đường ngang rồi đi với tôi!
Em khoác vội lấy cái ba lô chạy theo đường mòn bên phải cạnh ngầm Lộc Yên, tranh thủ trời còn chưa tối, cấp tập đi. 
Dưới bóng cây rừng, trời sập tối rất nhanh. May quá gặp được con suối nhỏ. Khi huấn luyện, giảng viên phổ biến kinh nghiệm là nếu gặp tình huống bị lạc trong rừng mà gặp được suối thì hãy đi theo hướng dòng nước chảy, sớm muộn gì cũng đến nhà dân hay ra được đường lớn. Cho rằng mình đã gặp may mắn, lần đầu một mình lạc trong chừng một giờ, em đang dò dẫm bước theo mép suối, bỗng thấy một hòn đá to ném xuống bên cạnh, nước bắn tung tóe và tiếng quát dõng dạc:
- Ai, đứng lại, giơ tay lên!
Nhận ra anh ấy tiến tới, giơ cai gậy bằng cây rừng còn lá tươi định quật xuống. Em mừng quá:
- Ơ, đừng anh, em y tá đây mà.
- Thấy động, tôi vớ được hòn đá ném hú họa, may mà không trúng em. Hòn đá to như vậy, nếu trúng không chết thì cũng bị thương rồi. Anh buông gậy, nhoài tay ra kéo em lên bờ rồi thân mật hỏi:
- Lần đầu em Hằng Nga bị lạc rừng, có sợ không?
- Ơ, sao anh lại biết tên bí mật của em?
Sau một hồi kêu đói vì lúc anh đi cơm nhà bếp nấu chưa chín. Em giở gói cơm nắm ra cùng ăn. Anh chậm rãi giải thích:
- Trước lúc em về đơn vị, bạn anh ở phòng quân lực có kể chuyện em xin đổi tên mới khi nhập ngũ. Anh ấy khen em xinh gái nhất đợt lính này nên lộ bí mật cái tên để tạo cơ hội cho anh làm quen sớm được với em. Mấy lần rảnh, anh định xuống phòng y tá nói chuyện, nhưng lại ngại làm ồn chính ủy. Không ngờ hôm nay thằng Mỹ tạo cho anh em mình tình huống này. Chúng tôi hồn nhiên kể cho nhau về hoàn cảnh gia đình mình như một bản trích ngang lý lịch, còn thêm cả phần mơ ước sau khi thắng Mỹ thì sẽ học gì, làm gì. Nói xong, anh ngả lưng vào hòn đá tảng ngay phía sau. Đi công tác nhanh, anh chỉ mang theo mỗi cái xà-cột bạt đựng vài cuốn sổ tay và ít giấy chưa viết. Ở nơi bom đạn ngày đêm này, quân nhân không mấy khi có cơ hội deo quân hàm, vì cái đó không thật cần thiết, em nghe được câu đồng dao trong lính trẻ phân biệt rằng; cán bộ to xà-cột đỏ, cán bộ nhỏ xà- cột đen, cán bộ lèm nhèm xà- cột bạt.

 
Rừng tối không nhìn rõ cái gì,cũng hơi sợ, một mình em lội bì bõm theo mép suối, trượt chân mấy lần suýt ngã, nhưng em cứ thế quyết tâm đi vượt qua thử thách nhỏ đầu đời lính. Bây giờ đã đến lúc phải nghỉ ngơi lấy lại sức, đêm rừng tối thui, vắng tanh, mà chỉ hai người khác giới sẽ nằm ngủ như thế nào đây? Chả nhẽ…. Em thoáng nghĩ ra một vài tình huống.Rồi em lấy võng bạt ở trong ba lô ra, mạnh dạn nói với để thăm dò anh ấy:
- Em có mang võng theo, anh tìm chỗ buộc cho em, rồi anh em mình cũng phải đi nghỉ lấy sức, mai còn tìm đường về đơn vị. Cái võng này từ ngày được cấp em chưa mắc lần nào, thú thật là em học rồi nhưng chưa biết cách buộc võng; mà lần này nó lại gánh vác cả hai anh em mình. Anh Phương giúp em nhé.
Chỉ một loáng hai đầu dây võng đã được buộc chắc chắn lên hai thân cây to tương đương nhau Anh cẩn thận,ngồi xuống dún, dún thử độ chắc của hai mối buộc. Cái võng đung đưa mời mọc, dọc theo lối đi. Như vậy là đủ điều kiện để ngả lưng được rồi.Em chợt nhận ra nét bối rối của anh ấy, thì ra không chỉ riêng em mà anh ấy chắc cũng có ngại ngần khi hai đứa tuổi trẻ một nam, một nữ sẽ nằm chung nhau trên một cái võng trong rừng tối, vắng vẻ.
Nào, đã đi nằm được ngay đâu. Viện lý do anh là đàn ông lại hơn tuổi, đầy đủ khả năng ngồi canh thú rừng cho em ngủ an toàn. Rồi đến ý kiến bây giờ là thời thế nam nữ bình đẳng, anh nam giới đi bộ đội được thì đây em cũng là bộ đội. Đã gọi nhau là đồng chí, chữ đông ở đay mang ý nghĩa là đồng hạng, bằng nhau Không ai chịu thua, cuối cùng hai anh em nhớ ra trò chơi của trẻ con “oản, tù, tì” nhưng trời tối quá, không thể nhìn rõ bàn tay xòe hay nắm, lại hòa cả làng. Hai đứa đồng ý cùng đi nằm, nhưng anh ấy lại còn ra điều kiện là mỗi đứa phải quay mặt một hướng, để phần lưng tựa vào nhau và cấm cựa quậy, ai có nhu cầu đổi tư thế nằm thì lên tiếng trước và phải được người kia đồng ý. Võng là võng đôi, có mảnh vải phụ để đắp chống sương. Em lấy khăn xuống suối rửa mặt rồi nằm xuống võng trước. Anh ấy rón rén nằm xuống sau, ổn định vị trí xong, không ai bảo ai cùng thì thào:
- Ta ngủ nhé!
Anh ấy ra sao em không rõ, nhưng em bồn chồn lắmkhông thể nào ngủ được, nhiều nỗi lo lắng vu vơ làm người em như lơ lửng trên ngọn cây tre, tay chân muốn run lập cập. Lưng em nóng ran như bị hơ cạnh đống than vì thân nhiệt của anh ấy cao, hai cái lưng lại áp quá gần.
- Anh bị sốt phải không, trong túi công tác của em có thuốc cảm và nhiệt kế đấy. Anh ấy cười khùng khục:
- Anh cũng đang nghi em bị sốt, lưng em chắc cũng không nóng bằng lưng anh.
Đã loáng thoáng có vài con muỗi rừng vèo qua mặt, anh ấy vung miếng vải võng phụ đắp sang bên em để chặn muỗi, tình cờ chạm phải tay em, em nắm chặt lấy cổ tay ấy cho khỏi run. Em để nguyên tay anh ấy trên bờ vai mình và dùng khăn rửa mặt phủ kín cả khuôn mặt và phần cổ che muỗi, xong lại nắm chặt lấy bàn tay ấy, yên tâm cố chìm vào giấc ngủ; rồi một lúc sau cảm thấy tay mình bị buông lỏng ra. Anh ấy đã rút tay về để ôm lấy mặt mình, xua xua ngăn chặn bầy muỗi rừng đã phát hiện ra có hơi người đang ào ạt xông tới.
Ước chừng khoảng cuối đêm gần sáng anh ấy đột nhiên ngồi phắt dậy vi phạm thỏa thuận trước lúc đi ngủ, thay đổi tư thế mà không hề lên tiếng trước. Em còn chưa biết ra sao thì anh ấy quớ tay nắm lấy tay em đặt lên mặt mình:
- Muỗi rừng dã man quá em ạ! Biết nó đốt nhiều vơ tay là được cả nắm mà anh không dám cựa mình. Anh hỏi thật, nếu lúc đêm anh cựa mình thì em có sợ không, có ghét anh không? Anh sợ nhất là em nghĩ không đúng về con người anh.
Bàn tay em lướt khắp khuôn mặt anh, nốt muỗi đốt dầy chi chít như bị mọc rôm, cả mặt như cái bánh tráng bị chát kín hạt kê, đôi chỗ thấy ươn ướt, chắc là máu trong bụng muỗi bị đập chết. Em xót xa tự trách mình, hồi đêm sao không nghĩ ra đưa cái khăn mùi-xoa to cho anh bịt mặt chắn muỗi. Khăn mùi-xoa băng vải mỏng thế thì muôĩ vẫn cứ đốt qua được. Em gỡ khăn mặt, đem xuống suối vò sạch để lau mặt cho anh ấy.Trời đã hửng, nhìn thương quá, em ôm lấy gương mặt chi chít nốt muỗi đốt của anh ấy mà lau thật kỹ,sau đó lấy bông cồn sát trùng trong túi thuốc ra chấm vào mấy chỗ bị muỗi đốt rớm máu nhiều, vừa làm vừa khóc tấm tức.
 Bao nhiêu lỗi lo lắng vu vơ con gái của em tối hôm qua đã không xảy ra, bây giờ đã có câu trả lời minh bạch. Em chủ động hôn thật lâu lên môi anh ấy và nức nở trong nước mắt:
- Em thương anh quá, xin anh hãy hiểu nụ hôn này của Nga nhé! 
Đêm hôm qua đúng là một - đêm - không - có - trăng. Anh ấy cũng ôm nhẹ lấy vai em, thay vì một nụ hôn say đắm mà em chờ đợi thì chỉ có bàn tay anh vỗ vỗ vào lưng như kiểu hai bạn trai ôm nhau. Trời bừng sáng hẳn,chúng em đã nhìn tỏ mặt nhau và cùng nở nụ cười thân thiện.Anh Phương vuốt mấy nốt muỗi đốt trộm trên má em mà thì thầm:
- Mấy con muỗi rừng này hỗn quá dám động đến cả cái má đẹp này của anh.
Em đáo để thân thiện cãi lại:
- Của anh, của anh từ khi nào vậy, chỉ được cái nhận vơ? 
Hai anh em tiếp tục tìm đường về đơn vị. 
Ai xác định được con nào trong hàng ngàn con muỗi đêm qua mang kí sinh trùng sốt rét? Em định bụng mấy ngày tới sẽ chuyển anh ấy lên tuyến y tế cấp trên để tiêm phòng bệnh sốt rét, chứ có cái bệnh sốt rét nó hại người lắm. Gần về tới nhà, em vẫn còn chưa thôi khóc tấm tức làm anh ấy cứ phải dỗ dành. Thực lòng, một phần của tiếng khóc tấm tức này là có ý trách móc khéo sao anh không hôn lại, khi em đang khao khát chờ đợi, em là con gái mà đã chủ động thể hiện tình cảm của mình trước.
Khoảng chín giờ sáng, chính ủy cùng anh Phúc và tiểu đội vệ binh của binh trạm mới về đến nhà. Mạ Hòa đang dùng nước trà tươi hái trong vườn nhà chăm sóc gương mặt bị muỗi đốt cho anh Phương. Em cũng chuẩn bị một mũi thuốc trợ lực để tiêm cho chính ủy và quyết định mang cuốn sổ được tặng hôm nhập ngũ làm sổ nhật ký. Em ghi rõ ngày tháng và thật tỷ mỉ những cảm xúc, suy nghĩ của đêm hôm qua, kể cả những lo sợ phập phồng của mình và em những rung cảm khi chủ động hôn anh ấy và khi được anh ấy ôm lại và vỗ về ra sao. Những run rẩy đầu đời của một cô gái nông thôn trong sáng như em trong đêm không trăng hôm qua là báu vật quý giá cần được giữ gìn và ghi nhớ suốt đời. Lúc lấy cái túi ni lon gói ghém kỹ cuốn nhật ký lại cất kỹ dưới đáy ba lô, em nhận biết rõ là mình đã yêu anh ấy. Còn tình cảm đáp lại của anh ấy ra sao, em cần có thời gian bình tĩnh để xem xét cách thể hiện của anh ấy. Bao giờ anh ấy sẽ là của mình thì em không biết. Em tiếc là không có mẹ ở bên cạnh mà tâm sự mà thổn thức, hỏi han và chia sẻ.
Em buồn suốt một tuần anh ấy đi điều trị phòng ngừa sốt rét ở bệnh xá cấp trên. Chỉ có mạ Hòa nhận ra điều này. Anh Phúc lái xe thì than phiền:
- Vắng cậu Phương tuyên huấn là mình quá thiệt thòi, không được nghe tiếng hát chèo, tiếng đàn bầu của đội văn nghệ xung kích. Bao giờ thì cho cậu ấy về hả cô bác sĩ Đào?
Anh Phúc đâu có biết em không thích mấy cô má phấn môi son õng ẹo với anh Phương, mà em còn sốt ruột khi anh Phương nằm viện hơn cả anh Phúc nhiều. Những ngày anh Phương nằm điều trị ở bệnh xá cấp trên, thì ngày nào em cũng giở cuốn nhật ký đã bọc kỹ ra đọc đi đọc lại cho đỡ nhớ nhung. Từ gian đầu hồi bên kia, chính ủy nói vọng sang:
- Mai tôi lên bệnh xá cấp trên thăm thương binh đây, đồng chí y tá có muốn đi cùng không?
- Dạ báo cáo thủ trưởng tôi phải trực ở nhà sợ nhỡ binh trạm bộ có người ốm đột xuất ạ.
- Đồng chí có gì gửi cho cán bộ tuyên huấn không?
- Dạ em không có gi nhắn gửi cả, thủ trưởng cho em gửi lời chúc anh ấy mau lành để ra viện ạ.
Buột miệng trả lời xong rồi mà em cứ tiếc mãi cả ngày hôm đó, Sao mình lại phải cố tỏ ra lạnh nhạt với anh ấy như thế nhỉ. Hình như chính ủy đã lờ mờ đoán ra điều gì trong quan hệ giữa em và anh ấy, thì mới quan tâm hỏi như thế chứ. Biết đâu câu trả lời cố tỏ ra thờ ơ của em lại như lời tự thú, Đối với những người lớn tuổi giàu kinh nghiệm sống, nhất là người tâm lý sâu sắc như chính ủy, lớp trẻ tụi em thật khó che đậy điều gì.
Đang điều trị ở bệnh xá, anh Phương được gọi về để nhận quyết định đi học đại học. Nhân dịp này binh trạm cũng quyết định thăng quân hàm cho anh ấy lên cấp thiếu úy.
Không rõ anh ấy thế nào, nhưng em thấy rất phấn khởi nên cười nói líu lo suốt ngày. Thời đó có loại thuốc bổ tổng hợp poly-vitamin sản xuất tại Trung Quốc, mỗi gói ni lon chứa 20 viên tròn màu vàng, nhỏ cỡ bằng nửa hạt lạc, em chuẩn bị 10 gói cho vào trong túi cóc ba lô anh ấy và không quên dặn chỉ dùng khi thấy mệt, không nên ăn nhiều cùng một lúc, đừng lo nước giải sẽ chuyển màu vàng một vài ngày, không làm sao đâu. Em kín đáo kéo anh ấy xuống bếp nhà mạ Hòa nghiêm trang hỏi nhỏ: 
- Anh Phương, em hỏi nghiêm túc nhé,anh cũng phải trả lời em nghiêm túc đấy, anh đã có người yêu chưa?
- Anh có rồi, bon anh cùng xóm thân nhau từ hồi đi học cấp ba. 
- Chị ấy tên là gì?
- Tên là Mai, học dưới anh một lớp, đang ở quê.
Thế là mọi thắc mắc về biểu hiện tình cảm của anh ấy với em lập tức được giải tỏa. Không được đền đáp lại tình cảm tương xứng với mình đã có lý do chính đáng, em càng quý trọng anh ấy hơn.Thâm tâm em mừng cho người bạn gái chưa biết mặt tên Mai đang sống ở một vùng quê mà em cũng chưa từng biết. Mừng vì chị ấy có được anh, một người thanh niên chung thủy, có tài, có chí phấn đấu, lại đẹp trai, nói năng có duyên.
Anh ấy rời đơn vị sáng hôm trước thì chiều hôm sau em được điều động chuyển về làm y tá ở trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng Nguyễn Thị Hạnh. May quá, em mà còn ở lại nơi cũ thì chắc buồn đến não ruột, vì nhìn cái gì ở nhà mạ Hòa cũng gợi đến hình ảnh của anh ấy. Chỗ này là chỗ anh ấy thường tập thể dục hàng sáng, chỗ này anh ấy hay ra phơi quần áo và thường ngước mắt nhìn lên trời.
Đến đơn vị mới, không được ở nhà hầm mà em được ở trong hang núi đá. Chị Viễn, trung đội trưởng xếp cho em ở cùng chỗ với chị ấy ngay ở phía cửa hang cho thuận lợi việc của hai người mỗi khi có biến động. Lạ với nơi ở và nếp sống nơi mới, em thẫn thờ mất mấy hôm đầu.
Thấy vậy, chị Viễn hỏi:
- Em có bỏ quên cái gì ở nơi ở cũ phải không. Có gì buồn mà mấy hôm nay hồn vía cứ như để ở đâu ấy. 
Chị Viễn hơn ba mươi, nhưng vẫn thuộc diện lính “phòng không”, nhìn chị khá gon gàng, cân đối sao mà chưa có anh nào dòm ngó tới? Thương chị, em không dám nói với chị về chuyện tình cảm của em với anh Phương, Hàng ngày không có anh ấy, em như thiếu hơi thở. Ai đã từng trải rồi nói cho em biết với; như thế có phải là em đã yêu rồi không, oái oăm quá Nhưng anh ấy đã có chị Mai rồi, em là người lẻ ra của cặp đôi ấy. Có khi nào anh ấy nhớ đến em, như em từng giờ từng phút cháy lòng nhớ đến anh ấy không? Em chưa đủ mười tám tuổi làm sao trả lời được câu hỏi này. Suổt mấy năm đó, em không nhận được lá thư nào của anh ấy. Em tự an ủi đã là số phận rồi, đành chấp nhận thôi. Anh ấy đã có chị Mai. Chấp nhận thế cho lòng nguôi ngoai đi, để còn sống như các chị em chứ.
Em lần lượt dịch chuyển theo đơn vị chị Viễn qua các vùng chiến sự ác liệt. Sau ngày giải phóng miền Nam em được ra quân, chuyển quê hương bản quán và vẫn nguyên cái tên cũ Phạm Anh Đào trong mọi giấy tờ. Nhưng là một cô Anh Đào chững chạc đã hai mươi ba tuổi không còn nhí nhảnh, háo hức mơ mộng, ham hố đổi cái tên Hằng Nga như hồi mới nhập ngũ nữa. Nhiều lúc em nghĩ lẩm cẩm hay tại em không đổi được tên thành Hằng Nga nên cái dêm ngủ chung võng với anh Phương trong rừng vắng ấy là một đêm không có trăng? Trong cái đêm không có trăng ấy, nhưng anh Phương đã gọi mình là Hằng Nga. Trong tâm thức của anh ấy, em có là một mảnh – trăng - cuối - rừng không? Cược sống thực tế trước mắt, khônh thể ôm mãi những suy nghĩ lãng mạn như thế được.
Hai chục năm sau, em đưa con gái mình lên nhập vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi làm xong đầy đủ thủ tục nhập học cho cháu với nhà trường, hai mẹ con em lững thững ra cổng. Thấy một dáng người quen quen giống anh ấy đứng đó.Em kéo tay con gái đi vòng ra phía trước nhận diện, đúng rồi:
- Em chào anh Phương!
- Có phải em là Hằng Nga không?
Con gái em lôi tay mẹ đi vì nghĩ mẹ đã chào nhầm người và người đàn ông sang trọng kía cũng nhận nhầm.
- Ôi đúng anh rồi, chị Mai có khỏe không anh? Lúc này,con gái em chắc đã hiểu rằng em gặp đúng người quen cũ. Bác ấy cười rất thân thiện:
- Con gái em đây hả, xinh không kém gì mẹ cháu ngày xưa. Mẹ cháu là đồng đội cũ với bác trong Trường Sơn thời chiến tranh. Một thanh niên bước vội vá từ trong trường ra đến chỗ chúng tôi:
- Cháu chào cô ạ. Bố chờ con lâu chưa ạ? Con xin lỗi, mấy bác hành chính trong trường giải quyết công việc chậm quá. Bố đưa chìa khóa, con đi lấy xe.
- Em thấy đấy, đây là cháu Trường, con trai anh; đề tài tốt nghiệp của cháu được nhà trường công nhận như một công trình nghiên cứu khoa học, chắc cháu vừa được thưởng.
Lát sau, anh Trường lái chiếc xe con trong bãi xe ra. Anh mở cửa mời mọi người lên xe, chiếc xe từ từ lăn bánh ra đường chính. 
- Nhân hôm nay nhà ta có khách và con cũng vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học với nhà trường, bố cho phép con được mời bố với cô và em đây đi liên hoan ăn mừng. Lúc vào lấy xe con đã gọi diện báo tin này, để mẹ biết.
- Trường à, ý cô là con đón cả mẹ Mai đi ăn cùng cho vui. Cô và mẹ cháu chưa từng được gặp nhau.
Chắc chắn hai người trẻ tuổi trên xe có nhiều thắc mắc. Để lớp trẻ hiểu đúng được cũng cần nhiều thời gian. 
Khi bữa liên hoan kết thúc, anh Phương đưa cả bốn người sang phòng uống nước truyện trò, bởi từ lúc nhận ra nhau chưa đủ thời gian để nói được câu chuyện nào tròn chĩnh. Về anh Phương sau ngày rời đơn vị về học ở trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau hơn chục năm giảng dạy và làm quản lý, anh được điều sang làm viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Xã hội. Trường Đại học này có quan hệ mật thiết với viện của anh. Chị Mai tình nguyện ở nhà chuyên lo chăm sóc cho hai bố con học tập và làm việc. Như thế chỉ cần con gái em học tốt thì không còn phải lo chỗ làm việc sau này. 
- Ban nãy gặp, thấy cháu gái đây quá giống em thời trẻ nên anh mới nhận ra. Công việc dưới quê có vất vả lắm không em, phải có kế hoạch tự chăm sóc bản thân chứ, nhìn em thấy mệt mỏi quá.
- Thưa bác, ở dưới quê, bố cháu đi làm xa, mọi công việc dồn cả lên vai mẹ cháu. Cháu có hai chị em gái, cháu là Thạch Phương, em cháu là Cẩm Hà, tên là do mẹ cháu đặt cả đấy bác ạ, bố cháu nói đặt tên là để phân biệt người này với người khác, thì gọi là gì chẳng được, miễn là không trùng nhau. Mẹ cháu bảo ở trong Trường Sơn nhiều đá, đá còn gọi là thạch, để kỷ niêm mẹ cháu đặt là Thạch Phương, còn cẩm là Cẩm Xuyên một địa danh đẹp thuộc tỉnh Hà Tĩnh, em cháu được gọi là Cẩm Hà 
- Nhà anh rộng rãi; sau đây, anh điện cho chị sắp xếp phòng, mời hai mẹ con về nghỉ, tha hồ mà tâm sự. Anh cũng thường xuyên kể với chị Mai về em và những ngày sống ở binh trạm 209. Gặp em chắc chị mừng lắm.
- Trường ơi, ta về thôi con. 
Đường Hà Nội đã lên đèn sáng trưng. Mấy chục năm sống giữa ánh sáng chói lòa của đèn điện thành phố, liệu anh có còn nhớ đến trong đời mình từng có một đêm không có trăng không?

Đặng Khánh Cường

tin tức liên quan