"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phần III (Tiếp theo..)

Ngày đăng: 07:05 17/05/2020 Lượt xem: 472
-----------------------------------------------------------

Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 
 
PHẦN III
ĐẤU TRÍ VÀ ĐỌ SỨC TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGĂN CHẶN
CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN

(Tiếp theo)


         III. THAM GIA VÀ BẢO ĐẢM CHI VIỆN TRỰC TIẾP CHO CÁC CHIẾN DỊCH.

         Trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp cho BTL 559 mở đường chiến dịch để cơ động lực lượng. Mở đường từ ngã ba biên giới áp sát Kon Tum; mở 2 con đường xuống Thừa Thiên - Huế, bảo đảm cho pháo binh cơ động áp sát thành phố Huế. Bảo đảm đường cho xe tăng đánh Làng Vây, Khe Sanh mở màn chiến dịch. Trực tiếp bảo đảm hậu cần cho lực lượng đánh vào thành phố Huế.
         Lần đầu tiên chở 1.997 người hoả tốc bằng cơ giới vào chiến trường đúng thời gian qui định; dùng xe tải nhỏ chở hàng z (các loại tiền, vàng) vào gấp chiến trường. Vừa bảo vận chuyển chi viện cho chiến dịch, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, Bộ đội Trường Sơn đã diệt 734 tên Mỹ, 105 tên nguỵ, bắn rơi 86 máy bay.

         Tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972.
        Bộ Tư lệnh Trường Sơn sử dụng Binh trạm 12 và 2 trung đoàn pháo cao xạ, 2 trung đoàn công binh, Sư đoàn 473, Sư đoàn phòng không 377 trực tiếp chiến đấu và bảo đảm chiến đấu giải phóng Đông Hà, thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn ca nô 166 trực thuộc Binh trạm 12 được thành lập vận chuyển vũ khí, hậu cần, chở thương binh từ Thành cổ ra. Tuyến đường từ bến đò Mai Xá, theo sông Hiếu vào sông Thạch Hãn đến Thành cổ. Từ ven biển ca nô vận chuyển chi viện cho mặt trận B5.
         Bom, đạn pháo, thuỷ lôi của địch đánh phá vô cùng ác liệt. Tiểu đoàn đã chi viện cho trung đoàn 48 suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo về Thành cổ và các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ Thị xã Quảng Trị..

         Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
+ Hai Sư đoàn ô tô 471 và 571 được thành lập để vận chuyển chi viện cho các chiến trường B1, B2, B3, Campuchia và Nam Lào.
+ Tổ chức hành quân bằng cơ giới: Tổ chức 2 trung đoàn giao liên cơ giới e572 và e573. Từ cuối năm 1973 và từ năm 1974, bộ đội hành quân vào chiến trường đều đi bằng cơ giới, thời gian rút ngắn so với hành quân bộ hàng chục lần, bảo đảm kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 1974, đã đưa vào chiến trường 80.000 quân và nhiều đoàn binh khí kỹ thuật an toàn.
+ Tham gia Chiến dịch Tây Nguyên
         Ngày 15/1/1975, nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh,
         Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tập trung toàn bộ lực lượng vận tải gồm hai Sư đoàn ô tô 471 và 571 vận chuyển để giao hàng cho Tây Nguyên. Các trung đoàn của Sư đoàn công binh 470 tập trung mở đường mới, sửa đường cũ để lực lượng tăng pháo của chiến dịch áp sát Ban Mê Thuật.
         Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động Sư đoàn 968 của BTL Trường Sơn từ Nam Lào về tham gia chiến dịch Tây Nguyên, tiến công địch ở Kon Tum. Sư đoàn 471 chở lực lượng Sư đoàn BB10 truy kích địch trên đường 7 và Sư đoàn 320 theo đường 14. Ngày 25/3, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng, Sư đoàn 470 tiếp quản Kon Tum,              Sư đoàn 471 vào đóng tại đại bản doanh của Sư đoàn 23 nguỵ tại căn cứ Mai Hắc Đế - Ban Mê Thuật.
+ Tham gia chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.
         Ngày 20 tháng 3 năm 1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. BTL Trường Sơn đã chuyển từ kế hoạch bảo đảm cơ bản sang bảo đảm theo thời cơ, bảo đảm hậu cần trực tiếp cho chiến dịch. Các đơn vị công binh được điều động khẩn trương tham gia bảo đảm cầu đường, rà phá bom mìn thuỷ lôi để bắc cầu bảo đảm vượt sông. Một bộ phận của Sư đoàn ô tô 571 cơ động gấp Sư đoàn BB 325 vào tiến công địch. Ngày 25/3 1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.
         Sư đoàn công binh 473 cùng các trung đoàn 9, 509 thu chiến lợi phẩm của địch khôi phục cầu đường để lực lượng Chiến dịch tiếp tục truy kích địch, giải phóng các tỉnh dọc Miền Trung.
+ Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
         Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ chính của Bộ đội Trường Sơn là cơ động lực lượng chủ lực hành tiến tiến công quân địch. Các Sư đoàn công binh 470, 472, 473 và một số trung đoàn độc lập tập trung bắc cầu, sửa cầu, bảo đảm cầu đường cơ đông trên các hướng chiến dịch.
         Hai Sư đoàn ô tô vận tải 471 và 571 với hơn 5.000 xe ô tô đã bảo đảm cơ động cho các Quân đoàn 1, 2, 3 trên các hướng tiến công nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu của Chiến dịch và tiến công đánh chiếm Dinh Độc lập.
         Sư đoàn phòng không 377 cùng các trung đoàn độc lập 527 và 528 cơ động bảo vệ đội hình tiến công Chiến dịch gồm các Quân đoàn 1, 2, 3.
         Bộ đội đường ống bảo đảm kịp thời đầy đủ xăng dầu cho các phương tiện cơ giới tham gia Chiến dịch.
Lực lượng của BTL Trường Sơn gồm 6 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập đã tham gia bảo đảm chiến đấu, chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
         Ngày 15/5/1975, hàng trăm "Tuấn mã" Trường Sơn của Sư đoàn ô tô vận tải 471 được tham gia diễu binh trong Lễ mừng Toàn thắng và ra mắt của Ủy ban Quân quản Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )

tin tức liên quan