Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm!

Ngày đăng: 02:12 10/08/2020 Lượt xem: 312

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm!

                                               Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cảm nhận về “anh Phiêu” là người lãnh đạo vừa dám chịu trách nhiệm cá nhân vừa giữ được đoàn kết tập thể…


 

Ông Phạm Thế Duyệt là một trong những người hiếm hoi còn lại của lớp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông Duyệt là người đảm nhiệm vị trí Thường trực Bộ Chính trị thay ông Phiêu khi ông Phiêu trở thành Tổng Bí thư. Sự kiện diễn ra tại Hội nghị Trung ương 4, khóa VIII, tháng 12/1997. Đó là những “năm tháng không thể quên” với nguyên Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt.

Chia sẻ trên báo Đại đoàn kết khi nhận tin “anh Phiêu” đi xa, ông Phạm Thế Duyệt rơm rớm nước mắt kể lại hồi ức về một thời cùng nguyên Tổng Bí thư chung sức làm việc trong Bộ Chính trị khóa VIII.

3h sáng ngày 7/8, ông Duyệt nhận tin buồn. Tuổi đã cao, không thể tới nhà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó, ông Duyệt đợi sáng mới chạy tới.

“Vừa ngày hôm trước đó, tôi vào Bệnh viện 108 thăm vì anh Phiêu yếu nhiều. Hỏi anh em thì được biết, gia đình muốn đưa anh ấy về, để anh được an nghỉ những ngày cuối cùng tại nhà theo nguyện vọng của anh ấy. 3 giờ sáng hôm sau thì nhận điện thoại, anh vừa “đi”, tôi sững sờ. Sáng ra tôi sang nhà anh xem tang lễ thế nào. Bùi ngùi, ngổn ngang nhiều suy nghĩ, nhưng quy luật tuổi già mà, mình cũng đến lúc thế thôi…” – ông Duyệt kể.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm! - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Phạm Thế Duyệt giữ gìn bức ảnh Bộ Chính trị khóa VIII, khi ông Lê Phả Phiêu (thứ 4 từ phải sang, hàng đầu) làm Tổng Bí thư, ông là Thường trực Bộ Chính trị (thứ 2 từ phải sang, hàng 2) chụp cùng các vị cố vấn Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh.

Lãnh đạo từng qua binh nghiệp, quyết đoán và nhanh nhạy

Thời gian ông Duyệt trực tiếp làm việc cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là từ đầu Trung ương khóa VIII. Khi đó, Tổng Bí thư là ông Đỗ Mười, ông Phiêu đảm nhận vị trí Thường trực Bộ Chính trị, ông Duyệt là Trưởng ban Dân vận.

Việc đầu tiên gây ấn tượng với ông Duyệt cho đến giờ là khi có vụ “làng Nhô” xảy ra ở Thái Bình, ông được phân công trực tiếp xử lý, hàng ngày báo cáo và thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Bộ Chính trị, chính là ông Lê Khả Phiêu. Ông Duyệt kể, hôm nào nghe điện thoại báo cáo tiến trình giải quyết sự việc, thấy cần thiết là ông Phiêu đều bố trí gặp để trao đổi, bàn hướng tháo gỡ ngay.

Sự việc kéo dài nhiều tháng, đến gần cuối năm đó, Bộ Chính trị mới lập Tổ công tác xử lý điểm nóng Thái Bình nhưng với tư cách Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận, ông Duyệt đã chủ động lăn vào những nơi khó khăn, những điểm “tâm chấn” của hầu hết các xã ở Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy, Tiền Hải…

“Khi tôi điện thoại về, bao giờ anh Phiêu cũng lắng nghe, tỏ quan điểm đồng tình hay không đồng tình một cách kịp thời, không bao giờ chậm trễ. Trực tiếp ở “điểm nóng”, sau khi lắng nghe ý kiến các lãnh đạo lão thành ở tỉnh, ở các huyện, các cơ sở, tôi cũng cơ bản nắm được tình hình, đã hình dung ra hướng giải quyết. Tôi nghĩ, để dứt điểm vấn đề, phải giải quyết công tác tổ chức, phải đảm bảo công bằng, dân chủ với người dân, không thể để kéo dài tình trạng nhân dân kêu ca mãi mà không giải quyết. Tôi báo cáo với anh Phiêu và được ủng hộ, công việc rất thuận lợi. Đến lúc thành lập Tổ công tác, tôi báo cáo với anh Phiêu, anh Khải (Thủ tướng Phan Văn khải), thì anh Phiêu dành thì giờ về Thái Bình họp trực tiếp với lãnh đạo địa phương. Anh lắng nghe những trao đổi thẳng thắn khi nói những vấn đề cần xử lý công tác tổ chức, công tác cán bộ, tỏ rõ chính kiến, không hề lưỡng lự. Tôi cảm nhận được thái độ của một người lãnh đạo từng kinh qua công tác ở quân đội, rất quyết đoán, rất rõ ràng, nhanh nhạy. Anh Phiêu suy nghĩ, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn, khiến chúng tôi yên tâm khi đưa ra đề xuất, phương pháp” – ông Duyệt chia sẻ.

Ông nhấn mạnh, việc ông Phiêu trực tiếp về Thái Bình là sự hỗ trợ rất lớn với ông trong việc khẳng định sự dân chủ khi lắng nghe ý kiến của địa phương, của tỉnh ủy, để thống nhất hướng giải quyết ổn định tình hình tại đây.

Nguyên Trưởng Ban Dân vận, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ nhấn mạnh: “Nói như thế để thấy một người có trách nhiệm khi lo công việc cho Đảng là phải có thái độ dám chịu trách nhiệm, có tầm, có suy nghĩ, có quyết đoán. Tôi thấy anh Lê Khả Phiêu là người như vậy...”.

Chịu trách nhiệm trước lịch sử việc cắm mốc biên giới với Trung Quốc

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm! - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Phạm Thế Duyệt có nhiều ấn tượng mạnh về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Ấn tượng mạnh mẽ khác của ông Phạm Thế Duyệt với vị Tổng Bí thư của mình không phải chỉ là công cuộc chỉnh đốn Đảng, không chỉ là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Ông Duyệt khái quát, dù làm Tổng Bí thư trong thời gian không dài nhưng ông Lê Khả Phiêu đã làm được rất nhiều việc.

Vào thời điểm đó, Tổng Bí thư phải gánh vác những trọng trách rất lớn khi các nước đều phải nỗ lực để vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á năm 1997. Với Việt Nam, đất nước vừa chập chững gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chuẩn bị ký Hiệp định thương mại với Mỹ, những việc đó đều rất mới, không dễ thống nhất trong nhận thức, chủ trương.

Tổng Bí thư, theo đó, phải lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, của Chính phủ để có đủ cơ sở đưa ra chủ trương. Với sự quyết đoán, đồng lòng trong bộ máy, trong một thời gian không lâu, Việt Nam đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Năm 2000, Việt Nam chính thức ký Hiệp định thương mại với Mỹ.

Nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt khẳng định, những kết quả đó không thể không kể đến công lao của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, “không thể xem nhẹ công lao của anh Phiêu được”.

Ông Phiêu cũng là vị Tổng Bí thư phải giải quyết một vấn đề có tính lịch sử, chịu trách nhiệm trước lịch sử, đó là vấn đề phân định hơn 1000 cây số biên giới với Trung Quốc của 6 tỉnh phía Bắc.

Ông Duyệt nhận định: “Không có thái độ xử lý dứt khoát, làm sao giải quyết được việc này, để đất nước yên bình, ổn định được. Anh Phiêu có quan điểm rất rõ ràng. Lúc ấy các đồng chí Cố vấn Đỗ Mười (Tổng Bí thư tiền nhiệm), Lê Đức Anh (Chủ tịch nước), Võ Văn Kiệt (Thủ tướng Chính phủ) cũng rất đồng tình. Theo đó, vấn đề được đưa ra Bộ Chính trị, đưa ra Ban Chấp hành Trung ương bàn đều thống nhất, chủ trương chung là phải sớm ký kết Hiệp định biên giới với Trung Quốc, giải quyết việc cắm mốc biên giới”.

Ông Duyệt nhớ lại, những vị trí mà đàm phán hết sức khó khăn như là bãi Tục Lãm hay thác Bản Giốc mà sau này dư luận đề cập, bàn tán nhiều đều đã được bàn rất kỹ lưỡng. Có những thời điểm còn ý kiến băn khoăn, thắc mắc trong nội bộ Trung ương, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại giao cho Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt mời lãnh đạo các tỉnh biên giới về Hà Nội họp để trao đổi thẳng thắn, trình bày rõ với Trung ương phương án xử lývới yêu cầu đảm bảo cơ sở pháp lý, có đạo lý, trên nguyên tắc đảm bảo độc lập chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ được đặt lên cao nhất.

Ông Duyệt quả quyết, không có chuyện các cấp lãnh đạo thiếu cẩn thận hay không cương quyết bảo vệ chủ quyền của quốc gia như những ý kiến phán xét trái chiều phát sinh sau này.

Ông giải thích, việc giải quyết những điểm khó khăn, có nơi phía Việt Nam được nhiều hơn thì cũng có những vị trí phải nhân nhượng phía bạn. Nhưng nguyên tắc giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ luôn phải đảm bảo.

“Đúng là có những chỗ đáng tiếc do những sơ xuất trong lịch sử chứ không phải là trách nhiệm riêng của anh Phiêu. Anh ấy chịu lắng nghe và chịu trách nhiệm trước lịch sử để giải quyết một vấn đề rất khó. Đích thân phải trực tiếp qua lại giữa hai nước để giải quyết vấn đề này nhưng anh ấy là người rất vững vàng. Tôi vẫn đánh giá như thế” – ông Phạm Thế Duyệt nhận định.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan