Từ hội nghị Trung ương 6 lần 2
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Cái chúng tôi lo nhất là làm sao xây dựng được bộ máy của mình trong sạch, gắn bó với nhân dân”.
Từ “những điều lo nhất” đến quyết tâm của Tổng bí thư
Ngày 5/5/1998, Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã gặp gỡ với đại diện của 23 hãng thông tấn quốc tế thường trú tại Hà Nội tại Trung tâm báo chí quốc tế để trả lời trực tiếp hàng loạt các vấn đề nóng bỏng mà thế giới quan tâm.
Phóng viên AFP đặt câu hỏi: “Ngài coi vấn đề gì là mối đe dọa về mặt kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam?”
Ông đáp: “Chúng tôi coi nạn tham nhũng, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước; tệ quan liêu, cửa quyền của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền ở cơ sở, ở cấp tỉnh, thậm chí ở trung ương là những nguy cơ. Vấn đề đó ảnh hưởng tới sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân và hạn chế động lực phát triển”.
Ông nói tiếp: “Cái chúng tôi lo nhất là làm sao xây dựng được bộ máy của mình trong sạch, gắn bó với nhân dân. Chúng tôi đã thấy và sẽ làm, chắc chắn chúng tôi sẽ khắc phục được vấn đề này”.
|
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng thành công tốt đẹp, ngày 30/1/2011, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Cuộc họp báo quốc tế là một sự kiện rất hiếm có và diễn ra chỉ hơn 4 tháng sau khi ông được bầu giữ chức Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hơn nửa năm, hội nghị Trung ương 6 (lần 2) do Bộ Chính trị triệu tập đã diễn ra chỉ tập trung bàn một nội dung là những vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng - như “điều lo nhất” của Tổng bí thư.
Ông Phan Diễn, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban bí thư được báo chí tường thuật nhớ lại: “Lúc ấy, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần trao đổi với tôi về hiện tượng chạy chức, chạy quyền trong Đảng, các biểu hiện cơ hội, mua chuộc nhau”. Ông Diễn nhận xét: “Phải khẳng định anh Phiêu là người sát thực tế, thực sự trăn trở và quan điểm về xây dựng Đảng là nhất quán, mạnh mẽ”.
Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 đánh giá: Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém như “sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”.
Nghị quyết cũng xác định các cấp ủy và người đứng đầu từ trung ương tới cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng nơi mình phụ trách - lần đầu tiên Đảng đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu. Bộ Chính trị phân công một số ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phải phân công ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 6 lần 2 vào ngày 2/2/1999, Tổng bí thư đã phác họa ra hàng loạt các hiện tượng “cơ hội dưới nhiều hình thức, suy thoái về đạo đức và lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, sách nhiễu, ức hiếp nhân dân, gia trưởng độc đoán, tham vọng cá nhân, kèn cựa địa vị, kém kỷ luật, phát ngôn và làm việc tùy tiện, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây mất đoàn kết nội bộ”. Những hiện tượng đó có mặt tiếp tục phát triển, gây hậu quả nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Ông nói: “Như vậy, những khuyết điểm và tồn tại ấy là nghiêm trọng, không thể xem thường”.
|
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với công nhân nhà máy đường Cao Bằng, tháng 12/1998. Ảnh: TTXVN |
Nguyên ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nhớ lại, sau hội nghị đó, Bộ Chính trị phải kiểm điểm từ cá nhân Tổng bí thư trở xuống. Có những vụ việc lớn như xử lý kỷ luật các lãnh đạo cấp cao, Đảng đều có thái độ rất rõ. Cuộc kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong Bộ Chính trị khi triển khai cũng được làm rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn, tới mức dư luận bên ngoài lúc ấy đặt câu hỏi, không hiểu trong nội bộ Đảng có việc gì. “Quyết tâm chỉnh đốn Đảng từ đó mới lan toả ra toàn thể Ban chấp hành Trung ương, lan toả ra toàn thể các cấp uỷ”, ông nói.
Đến Đại hội 9 tháng 4/2001, ông Phiêu thôi chức Tổng bí thư.
Ông Phạm Thế Duyệt nói với báo Đại Đoàn Kết gần đây: “Chỉ tiếc là sau đó, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 đã không được tiếp tục triển khai quyết liệt”.
“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải lâu dài”
Trên thực tế, nạn tham nhũng, lãng phí đã được đặt ra từ trước đó nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng “đạt hiệu quả rất thấp”, như nhận xét của người tiền nhiệm của ông Phiêu, Tổng bí thư Đỗ Mười.
Trong Nghị quyết số 14-NQ/TW về lãnh đạo cuộc chống tham nhũng ngày 15/5/1996, Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta”.
Như vây, cách đây gần ¼ thế kỷ, trước cả hội nghị Trung ương 6 lần 2, các cơ quan cao nhất của Đảng đã thừa nhận tham nhũng đang “tràn lan, phổ biến” chứ không còn là “nguy cơ”.
Điều đáng quan tâm là kể từ sau Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 15/5/1996 và Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 về phòng, chống tham nhũng, đã có thêm nhiều nghị quyết trung ương, nhiều văn bản của lãnh đạo cấp cao về vấn đề này. Tình trạng tham nhũng được đánh gia mang lại hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ….
Bên cạnh đó, các báo cáo chính trị tại các kỳ đại hội và các nghị quyết của Đảng thường quy nguyên nhân gây ra tham nhũng là do cán bộ đảng viên xao lãng trong rèn luyện, tu dưỡng; đưa ra các nhóm giải pháp như kiểm điểm, kê khai tài sản, xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng.
Cho đến khóa 12, quyết tâm chống tham nhũng, chỉnh đốn lại bộ máy được thực hiện với quyết tâm rất cao và hành động cũng được thực hiện ở mức tương ứng “chưa từng có”.
|
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm nơi ở của đồng bào mới được di dời tránh lũ tại ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An, trong chuyến thị sát và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, tháng 9/2000. Ảnh: TTXVN |
Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng”.
Ban chấp hành Trung ương khóa 12 (2016-2020) đã ra Nghị quyết về chống tha hóa của đội ngũ cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội 13 của Đảng, trong đó nêu: “Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn […], mất đoàn kết, "cục bộ", "lợi ích nhóm"; thiếu gương mẫu, […]; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, "dĩ hòa vi quý"...”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Ông nói: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.
Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống, tham nhũng gần đây nhất, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm: “Hôm nay thảo luận bước đầu, còn phải thảo luận nữa để tổng kết nhiệm kỳ, xây dựng chương trình hành động của Ban chỉ đạo khóa tới, bởi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn phải làm lâu dài, còn nhiều việc phải làm”.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng rõ ràng sẽ còn lâu dài để mang lại niềm tin trong nhân dân.
( C. H sưu tầm)