Nguồn gốc ra đời bộ phim " Ngày độc lập 02-9-1945". Lê Lân

Ngày đăng: 11:04 23/08/2020 Lượt xem: 711

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

NHỮNG THƯỚC PHIM VÔ GIÁ
NGUỒN GỐC RA ĐỜI BỘ PHIM “NGÀY ĐỘC LẬP 2/9/1945”

 
         Ngay sau khi ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam được thành lập. Tại chiến khu Việt Bắc những người làm điện ảnh đầu tiên đã bàn đến việc phục dựng lại quang cảnh ngày lễ Quốc khánh 2/9 để đưa vào phim, do hình ảnh về ngày Độc lập 2/9/1945 để lại quá ít ỏi, chỉ có một vài tấm ảnh đen trắng, không có lấy một máy quay phim để ghi lại hình ảnh hào hùng của sự kiện lịch sử đó. Đạo diễn Phạm Văn Khoa, lúc đó là Giám đốc điện ảnh quốc gia, nói: “Chiến thắng về Hà Nội ta sẽ dựng lại quang cảnh ngày Độc lập. Chính mình tham gia dựng lễ đài mà, mình còn nhớ như in ngày đó. Ta mời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập để ghi hình vào phim”.
         Nhưng rồi ước muốn đó đã không thực hiện được. Kháng chiến chống thực dân Pháp qua đi, Hà Nội mới giải phóng với bao công việc bộn bề, sau đó là cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Đến mùa thu năm 1974, để chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945 – 2/9/1975). Đoàn làm phim tài liệu của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, được cử đi Pháp để thực hiện bộ phim “Nguyễn Aí Quốc - Hồ Chí Minh”, ghi lại những dấu chân mà Bác Hồ còn để lại trên bước đường cách mạng đầu tiên (1917 – 1923), khi Người còn hoạt động dưới cái tên Nguyễn Aí Quốc. Là chặng đường đưa Bác từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ anh Ba đầu bếp đến vị Chủ tịch nước, đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ, lầm than, đến những thành công giành tự do, độc lập huy hoàng của lịch sử.
         Trong chuyến đi này, đoàn làm phim còn được tặng những thước phim lịch sử vô cùng quý giá. Đó là những thước phim tư liệu duy nhất quay cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Trong hồi ức của Đạo diễn Phạm Kỳ Nam có kể lại câu chuyện về những thước phim tư liệu quý giá ấy như sau: “Tôi vẫn còn bồi hồi khi nghĩ mình có trong tay những thước phim lịch sử độc nhất vô nhị ấy, cũng là do tình cờ. Sang Pháp năm đó, tôi tìm gặp rất nhiều nhân chứng lịch sử và các tư liệu liên quan đến hoạt động của Bác Hồ vào những năm 1920, để làm phim. Thế rồi một buổi sáng nọ, có người liên hệ với tôi qua điện thoại, giọng nói ấm áp: “Có một người bạn của Việt Nam luôn quý mến nhân dân Việt Nam, muốn gặp ông để tặng món quà nhỏ. Tôi mong món quà này rất quý cho công việc của các ông”. Tôi tới ngay nơi hẹn. Ông chủ nhà thân mật tiếp. Rồi ông mở tủ lấy ra hộp phim nhỏ phai màu thời gian. Tôi xin phép ông chủ nhà cầm dao khẽ cậy nắp hộp phim, bóc lớp giấy chống ẩm thấy cuộn phim nhỏ. Tôi nhẹ tay kéo dần từng đoạn phim soi lên cửa sổ. Mới xem qua vài khuôn hình, tôi đã bàng hoàng vì hình ảnh phim hiện lên cảnh Quảng trường Ba Đình, quần chúng mít tinh, hình ảnh lễ đài ngày 2/9 trang nghiêm. Tôi ôm hộp phim vào lòng phần xúc động, phần muốn về xem lại phim trên máy dựng, nên chỉ kịp cảm ơn ông chủ mà quên hỏi về nguồn gốc của phim. Về đến nơi làm việc, lòng vừa mừng rỡ hy vọng, vừa lo âu phấp phỏng, sợ phim lâu ngày bị lão hoá, khô dòn, khi lên máy dựng sẽ bị đứt. Tôi cho lau máy thật sạch sẽ, chỉ sợ một hạt bụi sẽ làm xước phim. Tuy thời gian đã mấy chục năm rồi nhưng do khí hậu ở Pháp khô ráo nên hình phim còn sáng đẹp. Cả mấy anh em chúng tôi ngồi xem mà ai nấy đều nín lòng xúc động, khi thấy hình lễ đài, hình ảnh Bác và quần chúng náo nức với các khẩu hiệu “Ngày độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm”. Toàn bộ đoạn phim chiếu lên chỉ có vài phút, nhưng thật vô cùng cảm động”.

 

 
         Về nước, bằng nhiều thủ pháp kỹ thuật của điện ảnh, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và đạo diễn dựng phim Lê Mạnh Thích, đã tạo dựng, gia cố thêm cho những hình ảnh đó sống động, chặt chẽ và logíc hơn. Có lẽ người quay những thước phim tư liệu trên là một nhà điện ảnh nghiệp dư, nên quay theo kiểu ghi chép, thích gì quay nấy những hình ảnh vô cùng giá trị về ngày lễ lịch sử có một không hai này. Chỉ cần bổ sung thêm vài cảnh quay đơn giản, thêm nền nhạc bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, cùng lời bình phim của Đào Trọng Khánh và lời tuyên thệ của quốc dân đồng bào là có được bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” hoàn chỉnh, với độ dài 6 phút chiếu. Hai đạo diễn đã tái tạo lại không khí náo nức, sôi động của ngày lễ 2/9 với giọng nói hào sảng của Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước hàng triệu đồng bào ta và nhân dân thế giới: “Nước Việt Nam kể từ nay có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do, độc lập!”.
         Cả hai bộ phim “Nguyễn Aí Quốc - Hồ Chí Minh” và “Ngày Độc lập 2/9/1945” đã được nỗ lực hoàn thành vào tháng 5 - 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, và cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh của Bác, trong không khí hân hoan phấn khởi, vì đã thực hiện thắng lợi ước mơ của Người lúc sinh thời: Đất nước Việt Nam được thống nhất, dân tộc Việt Nam được sum họp một nhà. Kể từ đó năm nào cũng vậy, vào ngày Quốc khánh 2/9, những thước phim tư liệu trong bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” xuất hiện hàng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm xúc động người xem. Chỉ còn một nỗi băn khoăn, ai là tác giả của đoạn phim ấy? Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã có dịp hỏi lại ông chủ nhà, ông ôn tồn trả lời là không thể nói gì hơn vì ông không phải là người quay “Chỉ biết đoạn phim đó có ích cho các ông và đã gửi đúng địa chỉ, thế là yên tâm rồi!”. Sau này, việc tìm hiểu ai là tác giả những hình ảnh thiêng liêng đó vẫn còn được tiếp tục đề cập. Tại sao sau 30 năm những thước phim tư liệu ấy lại ở Pháp và được gửi tới đoàn làm phim Việt Nam? Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đang - nguyên Trưởng ban Tổ chức ngày lễ Độc lập năm 1945 - có nêu giả thiết: Một là có nhân viên trong phái đoàn Mỹ được phép vào Quảng trường Ba Đình, có thể họ có máy quay tinh xảo để quay phim. Hai là ông chủ hiệu ảnh Hương Ký, hiệu ảnh lớn nhất ở Hà Nội thời ấy có máy quay phim, nên ông được phép tới ghi hình, nhưng sau đó ông bỏ đi nước ngoài sinh sống, nên câu chuyện cũng bẵng đi.
         Vậy là những hình ảnh tư liệu quý hiếm trong bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” cho đến nay vẫn khuyết danh, tác giả những thước phim vô giá này vẫn chưa xác định?

LÊ ĐỨC LÂN
47, Đặng Thúc Hứa, Vinh – Nghệ An
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)

tin tức liên quan