Tưởng nhớ Đại tá - Tiến sỹ Đặng Văn Phúc, người cán bộ xuất sắc Công binh Trường Sơn.

Ngày đăng: 07:32 01/09/2020 Lượt xem: 1.874
TƯỞNG NHỚ ĐẠI TÁ - TIẾN SỸ ĐẶNG VĂN PHÚC
NGƯỜI CÁN BỘ XUẤT SẮC CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN
 
Đại tá Trần Văn Phúc, nguyên Cán bộ Công binh Trường Sơn
 
         Chiều thứ 6  ngày 28/8/2020 tôi cầm  điện thoại  nghe anh Đỗ Đức Dương gọi :
- Anh đã nhận được tin gì chưa ?
- Tôi  chưa nhận được tin gì - Tôi trả lời .
- Anh Đặng Phúc mất rồi anh ạ ! 13h30 phút ngày 28/8/2020 ...
- Anh Đặng Phúc đã mất - Tôi thốt lên ...
        Thế là người Trưởng  ban Liên lạc Cục Tham mưu Công binh của chúng tôi đã đi xa.  Dù biết anh bệnh trọng nhưng chúng tôi vẫn còn hy vọng sẽ kéo dài một thời gian nữa. Vậy mà anh đã ra đi,  biết bao công việc còn dang dở mà anh đang có ý tưởng  tiếp tục thực hiện .


Đại tá - tiến sỹ Đặng Văn Phúc (1940 - 2020)
 
        Anh Đặng Văn Phúc sinh năm 1940 quê Kiến Xương, Thái Bình. Tôi và anh quen biết nhau từ khi học Trường Trung cấp Giao thông ở Cầu Giấy, Hà Nội (Khóa 11, 1959 - 1962 ). Ra trường anh về xây dựng cầu Hàm Rồng Thanh Hóa. Chính nơi đây anh đã cùng chị Tuất, quê thành phố Thanh Hóa nên duyên. Ngày 1/4/1965 anh được lệnh về Bộ Giao thông - Vận tải nhận nhiệm vụ mới là đi B vào Trường Sơn do Thiếu tướng Phan Trọng Tuê,  Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải làm Tư lệnh Đoàn 559. Đoàn có 10 người do anh Nguyễn Nam Hải, Phó Viện trưởng Viện Thiết kế Giao thông  làm Trưởng đoàn. Đêm 5/4/1965 đoàn nghỉ tại Rừng thông ở Trệu Sơn Thanh Hóa, do yêu cầu bí mật nên anh không được về thăm người yêu ở thị xã Thanh Hóa, chỉ viết vội lá thư gửi về báo tin cho chị Tuất. Đoàn vào tuyến được đồng chí Nguyễn Văn Nhan Phó Tham mưu trưởng Đoàn 559 tiếp và giao nhiệm vụ  khảo sát gấp Đường 128 từ Xóm Péng  đến Na Po dài gần 130 km. Bộ Giao thông - Vận tải đã điều một lực lượng lớn ở  Đường 6 vào thi công đoạn đường này. Từ đấy anh trở thành cán bộ kỹ thuật của  Ban Công trình thuộc Phòng Tham mưu Công binh Đoàn 559. Năm 1967 anh chính thức được  chuyển  thành anh bộ đội . Năm 1973 anh  là trợ lý phòng Bảo đảm Giao thông thuộc Cục Tham mưu Công binh. Đầu tháng 4/1973 đồng chí Đặng Tính, Chính ủy ( ký hiệu 602 )  làm Trưởng đoàn đi công tác phía Tây Trường Sơn. Đồng chí Trung tá Nguyễn Thúc Yêm, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Công binh và  anh Đặng Phúc trợ lý được cử đi cùng để nắm tình hình cầu đường . Đi cùng cùng xe anh Yêm và anh Phúc đi có đoàn Văn nghệ sỹ từ Hà Nội mới vào  đi thực tế ở Trường Sơn, như : nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn ...
          Ngày 4/4/1973 đồng chi Trung tá Vũ Quàng Bình Chính uỷ Sư đoàn 968 mời Chính ủy Đặng Tính tới thăm một đơn vị đang làm nhiệm vụ tại Pắc Xòong ( nước bạn Lào.).  Chỉ có một số cán bộ cùng đi, còn ở lại làm việc với đơn vị . Anh Phúc xin đi nhưng đồng chí Yêm bảo cậu ở lại,  tớ đi thôi. Xe đi đầu trót lọt, xe của Chính ủy đi sau bị trúng mìn, cả xe hy sinh . Ngoài Chính ủy hy sinh còn có đồng chí Vũ Quang Bình, đồng chí Nguyễn Thúc Yêm, nhạc sỹ Trịnh Quý , tác giả bài hát trước ngày hội bắn nổi tiếng .... Mỗi lần nhớ lại anh Phúc thường nói vui: cái số mình còn may,... Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của anh Phúc trên đường Trường Sơn. Ngày 30/4/1973 anh  được cử đi học Kỹ thuật ở Liên Xô. Trước ngày lên đường cơ quan  Cục Công binh tổ chức chia tay và hẹn ngày chiến thắng gặp lại . Năm 1978 anh về nước công tác tại  Bộ Tư  lệnh Công binh. Năm 1981 anh lại sang Liên Xô  làm luận án Tiến sỹ, năm 1986 về nước với tấm bằng đỏ và công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh, sau đó  được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ Tư lệnh Binh chủng Công binh, sau  làm Trưởng ban quản lý Dự án 678 Bộ Quốc phòng . Năm 2004 anh nghỉ hưu và được chúng tôi  bầu làm Trưởng Ban Liên lạc Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn. Bất cứ nhiệm vụ nào được cấp trên và tập thể giao cho anh đều hoàn thành xuất sắc.
           Anh đã đi xa nhưng anh đã để lại những tác phẩm về Công binh Trường Sơn sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng và bất tử . Đó là quyển Lịch sử Công binh 559 - Đường Trường Sơn,  anh đã cùng Lãnh đạo và tập thể Bộ Tư lệnh  Công binh chỉ đạo chặt chẽ  về nội dung và những sự kiện rất chính xác, cuốn sách dầy 636 trang được in tháng 5/1999 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Anh tiếp tục chỉ đạo Ban Liên lạc Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn  tổ chức viết hồi ký và quyển Ký ức Công binh Trường Sơn dầy 446 trang in năm  năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 51 năm ngày truyền thống Bộ  Trường Sơn. Những tác phẩm trên  là những viên gạch góp phần xây dựng lâu đài về Lịch sử và Truyền thống của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng trong những năm chống Mỹ cứu nước.  
           Đặng Văn Phúc sống đầy tình nghĩa với đồng đội và luôn biết ơn,  nhớ đến những đồng chí cán bộ lão thành của Công binh Trường Sơn đã góp phần làm nên con đường huyền thoại mang tên Bác. Ngày 3/6/2018 tại Hà Nội anh đã chủ trì cuộc hội thảo có đại diện Binh đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công binh, Hội Trường Sơn Việt Mam , Ban Liên lạc Trung đoàn 98 và thân nhân gia đình để làm hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Thiếu tướng Phan  Quang Tiệp nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 Công binh, nguyên Cục trưởng Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 và cố Đại tá Phạm Văn Diêu nguyên Trưởng phòng Công binh Đoàn 559, nguyên Cục Trưởng cục Tham mưu Công binh Bội đội Trường Sơn, những con người đã tham gia hai cuộc kháng chiến và chống Pháp.và chống Mỹ... Tiếc rằng hồ sơ đã được gứi đi nhưng có nhiều lý do nên mong ước của anh và đồng đội chưa thành hiện thực thì anh đã đi xa. Chúng tôi vẫn tin có thể  sắp tới,  5 năm  rồi 10 năm nữa những thế hệ mai sau sẽ tiếp nối ý tưởng của anh, tiếp tục đề nghị lên trên có thể sẽ thành hiện thực.
              Sáng nay thứ 2 ngày 31/8/2020 trong buổi giao ban của Hội Trường Sơn Việt Nam khi được thông báo tin anh mất, mọi người lặng đi trong giây lát . Đồng chí Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nói nhỏ với tôi:
- Tiếc quá anh Đặng Phúc không được lên cấp tướng. Anh ấy hội tụ đủ các tiêu chuẩn ...
- Anh nói thế nhưng còn bao nhiêu cấp, bao nhiêu con người có trách nhiệm soi vào, chỉ một tý thôi là loại bỏ, mất thời cơ ... đúng là tiếc thật!
           Tôi lại nhớ anh Đặng Phúc có lần nói chuyện vui :
-  Sinh tuổi Canh thìn ( 1940 )  như tôi, anh Trần Văn Phúc,  anh Nguyễn Hùng Phong... chỉ làng nhàng lên cấp Đại tá là hết cỡ rồi ... Thôi có lẽ có số phận cả các cậu ạ! Chúng tôi chỉ biết nở những  cười cho vui ...
          Anh Đặng Phúc ơi,  ai cũng biết rằng khi chết là địa chỉ cuối cùng của mỗi con người đi tới. Vậy mà anh ra đi còn biết bao công việc của gia đình, của Ban Liên lạc ... vẫn còn đó. Về  cõi vĩnh hằng anh lại gặp Đại tá Phạm Văn Thọ, nguyên Phó Tư lệnh Công binh mất ngày 12/12/1919, vừa là đồng đội Trường Sơn, vừa là thông gia với anh ...
        Tôi viết những dòng này trong tâm tưởng nghẹn ngào ngấn lệ… xin được thay nén hương thơm dâng lên hương hồn anh, người đồng đội, người cán bộ Công binh Trường Sơn xuất sắc của chúng tôi. Xin vĩnh  biệt .
 
Những tấm ảnh này anh “gói” mang theo
Còn chúng tôi - gieo lòng mình mãi mãi…
 
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Bộ đội TS (18/05/1999)
tại bảo tàng đường HCM (đ/c Đặng Văn Phúc thứ 2 từ trái sang)


Ngày 12/10/2012 Ban LL Cục TM Công binh mừng thọ 80 Đại tá Hoàng Ngọc Châu (thứ 3 từ phải sang) .
Đồng chí Đặng Văn Phúc - trưởng Ban LL (thứ 2 từ phải sang)

Đồng chí Đặng Văn Phúc (thứ 2 từ trái sang) chủ trì cuộc họp Ban LL Công binh (10/03/2019)
 
Hà Nội đêm 31/8/2020. .

tin tức liên quan