Chơi vơi câu hát "Giận... thương". TG: Lê Lân

Ngày đăng: 06:50 21/09/2020 Lượt xem: 427
Ký ức về người lính.
CHƠI VƠI CÂU HÁT “GIẬN… THƯƠNG”
Lê Lân
 
         Ngày ấy, đang trên đường hành quân vào chiến trường B2, tôi bị sốt rét ác tính quật ngã, phải nằm lại điều trị dài ngày tại Quân y viện K6 tiền phương của Đoàn 559. Cùng nằm viện với tôi có anh Phan Văn Tánh, tuy là người khác huyện nhưng cùng đồng hương xứ Nghệ với nhau là mừng lắm. Anh hơn tôi đến 5 tuổi, vào đây từ những năm đầu mở tuyến đường giao liên xuyên Việt phía đông Trường Sơn, thời kỳ đầu của “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Tính anh vui vẻ, xởi lởi với mọi người và hay nói trạng. Chuyện gì dù lớn bé, quan trọng đến đâu anh cũng tếu táo pha trò được tất, lắm khi khiến cho cả phòng điều trị được một phen cười vỡ bụng, quên cả bệnh tình đau đớn. Anh có giọng hát hay và hay hát, toàn những bài ca về Trường Sơn hùng vĩ và Dân ca Nghệ Tĩnh, như bài “Giận thì giận mà thương thì thương/ “Em” đi sai đường “Anh” không chịu nổi” trong vở kịch hát dân ca “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong. Anh cố tình nhấn mạnh và hát sai từ “anh” thành từ “em” là có lý do riêng mà sau này tôi mới biết. Giường bệnh anh nằm cạnh tôi nên chúng tôi thường có dịp chuyện trò, tâm sự.
- Anh Tánh vào trong này lâu chưa? Đi phép mấy lần rồi?
- Từ năm 1962, ở tịt mãi đến giờ chưa một lần ra Bắc!
         Tôi nhẩm tính cũng đã hơn 8 năm rồi và ái ngại hỏi tiếp:
- Anh có vợ con rồi chứ? Cô ấy xinh không?
         Anh thở dài mặt đượm buồn. Tôi linh cảm có điều gì đó nên vội tảng lờ sang chuyện khác.
        Vào một buổi tối dưới ánh trăng rừng, hai anh em ra ngồi hóng mát bên dòng suối trước nhà điều trị của bệnh viện, anh chủ động tâm sự tiếp câu chuyện hôm trước còn bỏ dở: “Kết thúc khoá huấn luyện tân binh ở Thanh Hoá, trước ngày đi B, bọn mình được đơn vị cho về phép nửa tháng. Hoàn cảnh gia đình lúc đó neo đơn, bố mẹ tuổi già, sức yếu, chị gái đi lấy chồng xa, cô em út đang học cấp 3 trường huyện, xa nhà hơn 10 cây số chủ nhật mới về. Tình thế buộc mình phải chiều theo ý các cụ là phải cưới vợ trước lúc vào chiến trường. Hai cụ đã nhắm cho mình cô Thảo, con bà cụ Thân trong làng ở xóm dưới, hiện cô ấy đang làm Phó Bí thư Đoàn xã. Hồi ở nhà chúng mình cũng chỉ biết nhau sơ sơ, qua những lần sinh hoạt đoàn hay đi làm thuỷ lợi. Mọi chuyện diễn ra một cách chóng vánh, đám cưới chúng mình được chi đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức ở hội trường Hợp tác xã, ghép 2 đôi làm một (cũng là lính), thật đơn giản, gọn nhẹ mà vui đáo để, cô dâu chú rể cũng lên hát như ai”.
         Anh nhìn sang tôi ý nhị, tôi chăm chú chờ đợi: “Sau khi trả phép, đơn vị được lệnh hành quân ngay vào chiến trường. Tưởng được về đơn vị trực tiếp chiến đấu, ai dè vừa vào đến cửa rừng, đoàn hành quân của mình được lệnh dừng lại bổ sung quân cho đơn vị “đặc biệt”, rải đường dây giao liên Đoàn 559, làm nhiệm vụ gùi thồ hàng hoá, vũ khí, quân lương vào chiến trường. Thời gian làm lính gùi thồ được gần 3 năm thì bọn mình được chuyển về Trạm giao liên 73, Binh trạm 37, làm nhiệm vụ đưa đón dẫn khách các đoàn hành quân vào Nam ra Bắc. Một lần tình cờ mình gặp được người đồng hương cùng xã, đang trên đường vào B2, dừng chân nghỉ lại trạm 2 ngày vì tắc đường. Mình biết được quê hương đang bị máy bay Mỹ leo thang bắn phá ác liệt. Cống Ba - ra thuỷ lợi của hệ thống nông giang cạnh làng mình trở thành mục tiêu đánh phá của địch suốt ngày đêm. Bom đạn địch đánh lạc cả vào trong làng làm chết nhiều người, hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn. Lớp thanh niên tuổi trẻ đều xung phong lên đường nhập ngũ. Nam vào bộ đội, nữ thì đi Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến… Ở làng chỉ còn toàn người già, trẻ con nhưng lòng yêu nước thì vẫn luôn sôi sục, khí thế: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lưỡng lự một lúc sau, anh bạn mới cho mình hay tin dữ, như sét đánh ngang tai: Ở nhà hai cụ vẫn khoẻ, cô em gái hết học về tham gia vào trung đội dân quân trực chiến phòng không súng 12ly7 trên đồi rú Gám. Còn Thảo (vợ mình) đã ngoại tình với tay Phó Chủ tịch xã, có một đứa con trai... Sau bao tai tiếng của xóm làng, Thảo bế con về bên ngoại. Bố mẹ mình rất buồn phiền nhưng cũng đã rộng lòng tha thứ, khuyên giải mãi nên mẹ con cô ấy mới dám về lại gia đình. Ông cụ mình là lính Điện Biên thời chống Pháp 1954, nên rất thấu hiểu với nỗi đau mất mát, hy sinh của người lính. Ông đã khuyên bảo cô ấy: “Mọi chuyện chờ anh Tánh về nhưng con cứ yên tâm, bố mẹ sẽ khuyên nhủ có lý có tình, chắc nó sẽ nghe ra!”. Mình quá đau khổ dẫn đến bi quan, chán chường, mất cả tuần, nhưng dấu nhẹm không một ai trong đơn vị biết chuyện. Từ đó mình cũng không thư từ gì về nhà nữa và từ chối mọi cơ hội được ra Bắc để kết hợp về phép thăm nhà!”.
         Anh xuất viện trước tôi mấy hôm, tôi tiếp tục được bổ sung vào đoàn lính thu dung hành quân tiếp vào mặt trận phía trong. Và từ đó chúng tôi cũng bặt tin nhau, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về anh và câu chuyện buồn anh kể…
***

(Ảnh minh họa)
         Sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất (30/4/1975), tôi được ra quân chuyển ngành đi học rồi về nhận công tác ở thành phố tỉnh nhà. Biết tin anh cũng đã xuất ngũ về địa phương với gia đình. Nhưng cũng mãi đến hơn 10 năm sau, nhân chuyến đi công tác tôi đã tìm về làng Yên thăm anh. Tôi ngỡ ngàng, thương xót, trước hoàn cảnh đau lòng, thiếu thốn của một gia đình người lính sau hoà bình, giữa thời bao cấp khó khăn. Chị Thảo vợ anh sau mấy lần sinh nở đều không nuôi được, chỉ giữ lại được bé gái mắc bệnh đao, lên 10 tuổi rồi mà cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn suốt ngày, nói không rõ tiếng, được giám định là vì ảnh hưởng di chứng phơi nhiễm chất độc Da cam Điôxin từ người bố, nhưng mãi vẫn chưa làm được chế độ gì? Cu Thương con riêng của chị Thảo giờ đã lớn tướng, đang học lớp cuổi cấp Phổ thông trung học. Anh Tánh coi nó như con đẻ, chăm lo cho nó học hành tử tế. “Nhà nghèo quá nhưng tui cũng cố nuôi nó học lên hết đại học!”. Anh rơm rớm nước mắt chia sẻ nỗi niềm, như ngày nào đã hát tôi nghe câu hát “giận mà thương” đầy chơi vơi của số phận. Tôi xúc động cảm thông, ôm lấy anh nói lời tạm biệt trong niềm tự hào về người lính, người anh đồng đội bao dung và độ lượng.

LÊ LÂN
(Bài in trong tập “Mền ký ức”- Xuất bản 2020)

tin tức liên quan