Ký ức về Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc. TG: Nguyễn Hữu Luận
KÝ ỨC
VỀ ĐOÀN VĂN CÔNG XUNG KÍCH HÀ BẮC
Nguyễn Hữu Luận
Hội viên BLL Sư đoàn 470 Trường Sơn -
Nguyên trưởng đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh
Ảnh minh họa
Đầu tháng 9 năm 1970, mười bốn anh chị em chúng tôi ở các đơn vị Nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh, về tập trung ở xóm Dương Sơn, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc để thành lập Đoàn văn công xung kích Hà Bắc.
Đoàn nghệ thuật Chèo gồm có: Lê Danh Phan diễn viên, Bùi Khánh Tuyên diễn viên, Nguyễn Hữu Luận diễn viên kiêm nhạc công, Hoàng Linh nhạc trưởng kiêm nhạc công, Thân Quang Kết nhạc công, Minh Chính diễn viên, Hoàng Thắm diễn viên.
Đoàn dân ca Quan họ gồm có: Lệ Ngải diễn viên; Phương Lan diễn viên.
Đoàn Ca - Múa - Kịch gồm có: Xuân Trường diễn viên kiêm nhạc công, Xuân Được diễn viên, Bích Sâm diễn viên. Hùng Việt tác giả ở phòng văn nghệ Ty văn hóa Hà Bắc. Nguyễn Đắc An phóng viên Báo Hà Bắc sang lãnh đạo Đoàn văn công xung kích Hà Bắc.
Lúc này, khí thế chiến thắng ủa quân và dân hai Miền Nam - Bắc lên rất mạnh. Những đoàn quân trên mũ có sao thì tích cực hăng say luyện tập rồi tỏa đi các chiến trường. Những đoàn quân trên mũ sao vuông thì đảm nhiệm những nơi địch đánh phá ác liệt nhất để ngày đêm thông xe, chi viện hàng cho tuyền tuyến. Những đoàn quân trên mũ không sao như chúng tôi, mang giọng hát, tiếng đàn của mình để phục vụ chiến trường.
Theo tôi được biết, đến thời điểm này đã có nhiều Đoàn Nghệ thuật của các tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái bình, Nam Hà, Hà Tây cũ đã vào chiến trường. Có đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, có Đoàn đang làm nhiệm vụ trên dãy Trường Sơn. Hà Bắc, Hải Dương và Cao Bằng đang tích cực chuẩn bị, lúc nào có lệnh sẵn sang lên đường.
Đoàn chúng tôi mới tập trung chiều hôm trước, anh em còn đang ổn định chỗ ăn, chỗ ở thì sáng hôm sau tác giả Hùng Việt, nét mặt tươi cười, tay cầm một kịch bản tác giả viết cả đêm qua khoe với chúng tôi. Đây là hoạt cảnh Chèo: "Tấm lòng hậu phương". Chúng tôi ai cũng phấn khởi nhìn tác giả Hùng Việt với con mắt kính trọng. Đúng là một hoạt cảnh Chèo rất phù hợp với chuyến đi này. Chỉ khoảng hơn 30 phút thôi nhưng nó nói lên được tấm lòng của những người ở hậu phương lớn đang hết lòng, hết sức vì tiền tuyến lớn.
Hơn hai tháng xây dựng tiết mục và rèn luyện thân thể, với một tinh thần khẩn trương và đầy trách nhiệm, Đoàn chúng tôi đã xây dựng được một hoạt cảnh Chèo và một hoạt cảnh Quan họ cùng nhiều đơn ca, đối ca và tốp ca nam, nữ. Chúng tôi chọn ra một chương trình hay nhất để báo cáo với tỉnh. Được lãnh đạo tỉnh đồng ý, lại còn thời gian chưa phải đi ngay, chúng tôi xin đi diễn ở ba huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam để xin ý kiến. Đi đến đâu cũng được Quân đội và Nhân dân khen "Nội dung hay, gọn nhẹ, cơ động".
Ngày 14/12/1970 rời Hà Bắc, chúng tôi về Hà Nội. Tiễn chúng tôi đi có ông Nguyễn Trọng Trai Phó trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc cùng người vợ hiền yêu quý của tôi Nguyễn thị Thúy Tình đang mang trong mình đứa con năm tháng tuổi đầu tiên của tôi.
Trạm đón tiếp chúng tôi, 83 Lý Nam Đế Hà Nội. Chúng tôi ở đây bốn ngày diễn báo cáo cho Quân đội, diễn cho anh em mới ở chiến trường ra. Chúng tôi gặp Khánh Vân nữ diên viên của Đoàn văn công Trường Sơn cụt một chân trong khi làm nhiệm vụ, cũng đón tiếp chúng tôi trên xe đẩy. Ngày nào Khánh Vân cũng sang chơi hát hò cùng chúng tôi, phổ biến cho chúng tôi những điều hay, điều bổ ích và cần thiết khi phục vụ ở chiến trường.
Ngày 19/12/1970 Đoàn chúng tôi rời Hà Nội vào chiến trường. Trên đường đi chúng tôi đi xe Quân đội, mặc quần áo Quân đội, lại có giấy tờ ưu tiên của Quân đôi, nên không có trở ngại gì. Chỉ trong hai ngày chúng tôi đã vào đến hậu cứ của Đoàn 559 đóng tại đất Quảng Bình. Tối 23/12 biểu diễn tại hậu cứ Bộ Tư Lệnh Trường Sơn. Tối 24/12 biểu diễn tại Đoàn An Dưỡng của Bộ Tư lệnh. Tối 26/12 biểu diễn tại Đội điều trị 559. Ngày 27 và 28 chúng tôi hành quân bộ vào thị xã Đồng Hới, sang đất Quảng Trị vượt đèo Khế vào Nam.
Đúng 10h20 phút ngày 14/01/1971 chúng tôi đến Binh trạm 27, Binh trạm đầu tiên ở chiến trường. Từ đây chúng tôi tỏa đi phục vụ các đơn vị, Bộ binh, Pháo binh và Công binh, Xe, Thông tin, Hậu cần, Kho, Quân y và các Trạm giao liên. Diễn ở trong hang, trong rừng, trong hầm, dưới địa đạo, trên bếp Hoàng Cầm cho hàng nghìn người, từng Đại đội, Trung đội, Tiểu đội, Tổ tam tam, trên đỉnh núi hay hát qua máy điện thoại trên chòi cao, bên giường bệnh. Ngoài biểu diễn chúng tôi còn khâu vá quần áo, vào rừng lấy củi, hái rau, bốc rỡ hàng cùng các anh Bộ đội và Thanh niên xung phong…
Ngày nào chúng tôi cũng hành quân, sáng hành quân chiều diễn hoặc ngược lại sáng diễn, chiều hành quân. Có ngày diễn hai buổi, tối lại vui liên hoan không kém gì đêm diễn.
Cái đêm đầu tiên ngủ hầm chữ A ở Cổng Trời, bom B52 nổ từng đợt như sấm sét bên tai, có cô trong Đoàn sợ quá đã khóc. Vượt cửa khẩu Bến Mới chúng tôi phải chia nhỏ ba người một tổ. Vượt lần thứ nhất 5h sáng không tổ nào qua được. Vượt lần thứ hai 12h trưa, chín người sang được. Vượt lần thứ ba 16h chiều sang được cả. Mừng mừng tủi tủi chúng tôi đã ôm nhau, ai cũng khóc.
Cua Đá là một đèo rất nguy hiểm, Mỹ đã lợi dụng sự nguy hiểm này thả bom đánh phá ta liên tục, hòng cắt đứt sự chi viện của ta. Máy bay OV 10 không ngừng dò thám thấy hiện tượng gì khả nghi, ném hỏa mù lập tức pháo kích ngay. Cấp trên cân nhắc, tính toán mãi mới cho Đoàn văn công xung kích Hà Bắc vượt đèo Cua Đá bằng ôtô. Nhưng éo le thay khi xe đến đỉnh đèo thì xe không đi được vì một số chiến sĩ quân đội ta xin được: "Nhìn thấy các cô gái miền Bắc" trong tình thế vượt đèo khẩn cấp, không còn cách nào khác, chúng tôi phải khẩn trương xuống xe để thỏa mãn yêu cầu của các anh. Nhìn thấy chung tôi, đặc biệt là thấy các cô nữ văn công đã có anh ngoảnh mặt đi "Khóc" chỉ thế thôi khoảng hơn phút, các anh lại để chúng tôi đi ngay. Lên xe nhiều anh chị em chúng tôi cũng không cầm được: "Nước mắt".
Đã năm mươi năm trôi qua rồi, mỗi khi nghĩ đến đèo Cua Đá, chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh các anh Bộ đội nhìn thấy các cô nữ văn công đã ngoảnh mặt đi, lau nước mắt.
Đầu tháng 2/1971, Đoàn chúng tôi nhận được lệnh đi sâu vào đất bạn Lào. Thời gian này vẫn mưa và rét nên hành quân và biểu diễn vất vả lắm. Cả Đoàn chúng tôi ai cũng bị vắt cắn. Điển hình có ba vụ, Khánh Tuyên trên đường hành quân nói với anh em: "Chân phải mình sao hôm nay đổ mồ hôi nhiều thế" nhưng vì hành quân gấp nên vẫn cứ đi, đến địa điểm bỏ dầy ra thì một con vắt cắn no bị mình giẫm phải, máu mình ước đậm dưới chân mình. Hồng Thắm nằm ngủ cũng bị vắt cắn, cắn no lăn ra ngủ cùng mình đến sáng. Bích Sâm đang biểu diễn đơn ca, cô phát hiện một con vắt bò từ dưới chân mình lên hông cắn, con vắt vừa bò đến đúng tầm tay thì bị Bích Sâm chặn lại, diễn xong vào hậu trường cô ngất đi, tay gí nát con vắt trong quần.
Nhiều buổi chúng tôi phải diễn trong hang, có những hang rất to rộng và đẹp chứa vài ba trăm người, đang diễn B52 thả bom cách khoảng 3km sức ép mạnh làm tắt cả đèn măng sông, rách cả màn che biểu diễn. Lại có hôm diễn ở trong hang quá nhỏ, chỉ có một khoảng trống hơn chiếc giường đôi để làm sân khấu, Bộ đội ngồi xem đủ các tư thế trong các ngõ, ngách.
Trong quá trình làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường ốm, sốt rét phải thay vai, thay vở, thay đổi chương trình diễn, điều này chúng tôi đã lường trước ngay từ ở nhà. Có hôm Lệ Ngải và Hồng Thắm đều ốm. Bích Sâm thay Lệ Ngải, Hồng Thắm Phương Lan thay chương trình diễn vẫn đảm bảo chất lượng.
Trên đường đi chúng tôi gặp biết bao người anh hùng với những chiến công rực rỡ. Ở trạm giao liên mười ba tôi được gặp Đoàn tỉnh Quảng Đà, toàn là những Thương binh đủ các loại với hơn chục cháu nhỏ nhiều lứa tuổi. Tôi được gặp cháu Cường, cháu mới hơn hai tuổi, đang bệp bẹ tập nói và tập hát; "Ai - yêu - Bác - Hồ". Được biết lúc cháu Cường 9 tháng cha, mẹ cháu hy sinh. Anh của Cường 9 tuổi trước lúc ra đi dặn lại. "Nhà cháu còn ít gạo các chú mau lấy đi, nuôi em cháu mau lớn trả thù cho nhà cháu". Từ đấy Cường theo quân Quảng Đà trên địu.
Chuyện vui thì nhiều nhưng chuyện buồn thì không phải không có. Một bộ đội đảo ngũ người Hà Bắc gây nên, chỉ có thể để trong ký ức, chứ không thể viết ra đây được.
Tôi còn nhớ, một hôm vừa mới diễn xong, thanh niên của Đoàn tôi đã vây kín một bông hoa tuyệt đẹp chuyện trò thỏa mái như đã từng quen biết.
Cô gái tên là Tem, ở ngay bản đây. Được biết Tem đã yêu Thanh một chiến sĩ Quân y của quân đội ta, vì kỷ luật chiến trường không cho phép nên Thanh đã phải điều về Việt Nam để Tem cứ phải trông ngóng, đợi hoài.
Đi đến đâu Đoàn chúng tôi cũng được sự quan tâm rất ân cần, chu đáo của các Thủ trưởng Bộ tư lệnh Trường Sơn nhất là thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đến các thủ trưởng các đơn vị, có những thủ trưởng nhận xét rất hay.
Trai Cầu Vồng Yên Thế
Gái Nôi Duệ Cầu Lim
Đã chiến được trái tim
Của Đoàn quân 38
(Ký tên thủ trưởng Chính trị Binh trạm 38)
Trong chuyến đi này, tôi là người sốt rét đầu tiên, tại điểm diễn gần sân bay Trà Vằn. Tôi sốt rất nặng, phải khiêng đi điều trị chứ không thể đi theo Đoàn được. Minh Chính là người sốt thứ hai nhưng cô chỉ sốt vài ngày rồi lại cùng Đoàn đi diễn được. Diễn hết Binh trạm 38 sang Binh trạm 35 rồi về Đoàn 470 ở trên đất Camphuchia mà tôi vẫn nằm ở một nơi để điều trị sốt rét. Cắt cơn sốt tôi đuổi theo Đoàn rồi lại cùng Đoàn biểu diễn.
Ngày 8/6/1971 chúng tôi hành quân ra. Tính theo cách tính của các anh Bộ đội thì chúng tôi phải hành quân một tháng mười ngày mới ra đến đất Quảng Bình, mà trên đường đi vẫn phả biểu diễn. Có những ngày rất thuận lợi. Nhưng cũng nhiều ngày gặp nạn, phải nhịn đói cả ngày, trời cứ mưa, quần áo ướt chẳng thay được, người rét run cầm cập.
Ngày 9/7/1971 Đoàn chúng tôi ra đến đất Quảng Bình nhưng vẫn còn hai anh Đắc An và Thân Quang Kết chưa ra được. An dưỡng ở Quảng Bình 1 tháng, da dẻ chúng tôi được hồi dần, ai cũng được lên cân, mỗi người năm lạng.
Ngày 16/8/1971 Đoàn chúng tôi về Hà Bắc nhưng hai anh An và Kết vẫn chưa ra được. Tổng kết chuyến đi này, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc đã biểu diễn được 128 buổi và hơn chục buổi liên hoan cho các Binh trạm của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Sư đoàn 470. Đó là các Binh trạm: "27, 41, 42, 33, 35, 38, 55 ". Vượt qua nhiều trọng điểm Bến Mới, Cua Đá và Cửa Tử. Qua sông Sê Bang Hiêng, sông Bạc. Băng đèo, lội suối tắm mình trong mưa bom, bão đạn, bầu bạn với mưa rừng, muỗi, vắt và sốt rét. Đi bộ mấy ngàn cây số trên tuyến Trường Sơn trải dài trên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đoàn văn công xung kích Hà Bắc, từ lúc thành lập đến lúc giải tán chỉ hơn một năm nhưng Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc giao cho.
Trong số mười bốn người ra đi năm đó, đã có bẩy đồng chí về với tổ tiên: "Nhạc trưởng Hoàng Linh ở Thuận Thành, Bùi Khánh Tuyên ở Yên Dũng, Thân Quang Kết ở Việt Yên; Xuân Trường và Bích Sâm ở Lạng Giang, Lê Danh Phan ở Tiên Du, Nguyễn Đắc An ở thành phố Bắc Giang.
Những đồng chí còn sống: "Nguyễn Hữu Luận. Hồng Thắm, Lệ Ngải và Phương Lan đã nghỉ hưu tại thành phố Bắc Ninh. Hùng Việt và Xuân Được nghỉ hưu ở thành phố Bắc Giang. Minh Chính nghỉ hưu tại thị xã Tân Yên".
Tháng 9 năm 2020, kỷ niệm tròn 50 năm thành lập Đoàn văn công xung kích Hà Bắc. Tôi Nguyễn Hữu Luận nguyên Đoàn phó, Phó bí thư chi bộ của Đoàn lúc bấy giờ, nhân dịp này muốn mời cả vợ lẫn chồng những đồng chí còn sống, mời đại diện gia đình những đồng chí đã mất về một địa điểm nào đó ở thành phố Bắc Giang hay thành phố Bắc Ninh để ôn lại những kỷ niệm Trường Sơn. Nhưng bệnh dịch còn đang phát triển, nên khất các đồng chí đến năm 2021.
Rất mong các đồng chí thông cảm?. Chân thành cảm ơn !
Bắc Ninh, ngày 10 tháng 9 năm 2020