“Các nhà giáo đi B ngày ấy” – TG: Phạm Trọng Thanh

Ngày đăng: 06:50 18/11/2020 Lượt xem: 513
HƯỚNG VỀ KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20-11)

CÁC NHÀ GIÁO ĐI B NGÀY ẤY (*)
Phạm Trọng Thanh
 
         Giữa năm học 1960-1961, thầy giáo Nguyễn Đức Siêu, dạy cấp 2 ở thành phố Nam Định được triệu tập về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Trước kỳ nghỉ hè năm ấy, các cô cậu học trò yêu quý và những đồng nghiệp không hề biết người thầy quê Hoài Nhơn, Bình Định đã ba-lô trên vai, lên đường đi B theo sự điều động của Ban Tổ chức Trung ương. Đây là chuyến đi đầu tiên của các nhà giáo miền Bắc vào chi viện cho mặt trận giáo dục vùng giải phóng miền Namsau cuộc đồng khởi năm 1960.
        Các nhà giáo đi B theo đường dây bí mật, bằng lối mòn len lỏi xuyên dải rừng già Trường Sơn, qua bao nhiêu dốc đèo sông suối hiểm trở, tiến về đất "Thành Đồng Tổ quốc". Đội mũ tai bèo, nằm võng, ngủ rừng...các nhà giáo đi B hệt như các chiến sĩ trên đường ra mặt trận.Vượt Trường Sơn vào Nam công tác, họ đương đầu với sốt rét ác tính, với thám báo, biệt kích, bom mìn rình rập suốt lộ trình. Thời kỳ đầu, bình thường một chuyến đi phải mất bốn tháng mới đến điểm tập kết nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, cũng hành trình ấy, có đoàn phải hơn một năm mới tới nơi. Bao nhiêu gian khổ dọc đường không kể xiết. Nhưng không có gì cản được bước chân của những người lên đường vì sự nghiệp giáo dục cách mạng, thống nhất đất nước. Họ chấp nhận khó khăn thử thách, cả những hy sinh xương máu.
         Điểm lại, từ tháng 5-1961 đến cuối tháng 8-1974 đã có 28 đoàn đi B của 2950 thầy cô từ các mái trường, giảng đường, nhiệm sở ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc đã đi B chi viện cho miền Nam. Nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Có người vừa tốt nghiệp Đại học, nhưng cũng có những nhà giáo ở tuổi bốn, năm mươi đã có thâm niên và thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giảng dạy. Một số thầy, cô quê gốc miền Nam, ra Bắc, "đi B" là lúc "trở lại quê nhà". Còn số đông là các thầy, cô quê ở bên này bờ sông Bến Hải, tự nguyện lên đường vì nghĩa vụ cao cả khi Tổ quốc cần. Đi B,số đông các thầy, cô được phân công về các cơ sở, bám trụ ở các địa bàn công tác. Họ trực tiếp góp công sức xây dựng trường sở, vận động quần chúng, lên lớp giảng dạy. Họ còn tham gia chiến đấu, chống càn, phá vây, thực hiện "ba cùng" với nhân dân các xóm ấp, làng buôn vùng tạm chiếm, vùng tranh chấp, vùng giải phóng.
         Có 10 đoàn đi B về nhận nhiệm vụ tại B3, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - Ban có 24B, từ B1 đến B24. Tiểu ban Giáo dục R (B3) được thành lập tháng 10-1962, có chức năng làm tham mưu cho Tung ương Cục miền Nam, đề xuất chủ trương, đường lối, nhiệm vụ công tác giáo dục cách mạng từng thời điểm cụ thể và cả định hướng lâu dài. Xin đọc lại một đoạn "trích dẫn văn bản" để "tiếp cận" khung cảnh cuộc đấu tranh trên "mặt trận không tiếng súng" ở miền Nam ngày ấy:
         "Dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi truỵ của Mỹ-nguỵ, tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng chính trị, văn hoá cho nhân dân lao động trước nhất là cán bộ và chiến sĩ, nhằm đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khoẻ để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và kiến thiết xã hội sau này" (Thông tư 44/TT ngày 13-2-1963, tr.8).
         Những mái trường lợp lá dừa nước ríu ran tiếng trẻ học bài. Những mái lán lợp lá trung quân trong tán rừng chiến khu hội tụ những chiến sĩ trẻ măng say sưa giải toán, làm văn bên các thầy, cô giàu nghị lực và tâm huyết trước từng trang giáo án. Những cuốn sách giáo khoa, những tài liệu giáo dục biên soạn và in ấn bên ngọn đèn chai, trong ánh hoả châu ra đời, toả về các cơ sở. Những cuộc họp chi bộ, những cuộc hội ý chớp nhoáng giữa 2 trận càn. Các nhà giáo đào hầm tránh bom B52, làm bếp Hoàng Cầm che mắt địch, làm rẫy trồng mì chống đói, đan lưới bắt cá suối, hái rau rừng cải thiện bữa ăn, san sẻ từ hạt muối mặn đến viên thuốc đắng để duy trì sinh hoạt, công tác. "Tiểu ban giáo dục R một thời để nhớ" còn sưu tầm được những trang nhật ký, hồi ức của nhiều thầy, cô cùng những sáng tác thơ, ca khúc... những tấm ảnh tư liệu - kỷ vật thiêng liêng...
         Sau bao nhiêu năm tháng năm gian khổ đến ngày hội tụ, các nhà giáo gặp lại nhau: “Tay trong tay, mừng mừng, tủi tủi/ Nụ cười vui mà nước mắt rưng rưng/ Đếm lại thử ai còn, ai mất/ Ôm ước mơ nằm xuống giữa chừng. (Mừng thầy trò Trường Giáo dục Tháng Tám, khoá 2 gặp nhau sau 35 năm xa cách - Thanh Sơn).
“Ôi những linh hồn tận cuối sông 
Cùng lục bình tím trôi bềnh bồng
Những mảnh võng nát nhừ, thấm máu 
Cưỡi gió mây về cõi mênh mông...”

(Hồn thiêng trong gió - Trần Danh Lân)
“Anh ra đi ngày ấy chưa về
Rừng thổn thức, Tây Ninh chiều lộng gió
Đồng đội gọi, Mẹ đang chờ trước ngõ
Về đi Anh! Theo tiếng gọi quê nhà”

(Anh đi ngày ấy chưa về - Nguyễn Thị Phương Vân)
         Sâu hơn nữa, trong tâm khảm những người đồng nghiệp còn lại hôm nay, gương sáng của trên 600 nhà giáo hai miền Nam, Bắc đã hy sinh trên dải đất miền Nam trước ngày đất nước thống nhất, để lại những dòng tên bất khuất khắc trên tấm bia tưởng niệm các nhà giáo liệt sĩ được xây dựng trên đồi 82 Tây Ninh, khánh thành năm 2005.
         Trong danh sách các nhà giáo "Hiến thân cho nước: sống đã vinh mà thác cũng vinh/ Hết dạ vì dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ" (Trích văn bia tưởng niệm do Giáo sư Vũ Khiêu soạn) có thầy Nguyễn Đức Siêu lên đường từ Nam Định, đi B ngày 22-5-1961, hy sinh ngày 23-3-1967, tại Đăklăk.
         Trong đoàn đi B ngày 20-12-1964, cô Nguyễn Thị Yến Lan, sinh năm 1942, quê Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre, giảng viên Trường Sư phạm 10+1 Nam Định, hy sinh ngày 19-4-1969 tại Long An.
        Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh năm 1935, quê Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, cán bộ Ty Giáo dục Nam Định, hy sinh ngày 28-2-1969 tại Thủ Dầu Một.
         Đoàn đi B ngày 5-1-1966, thầy Phạm Khắc Nhượng, sinh năm 1936, quê Trực Tiến, Trực Ninh, Nam Định, giáo viên Trường Sư Phạm cấp 2 Hải Phòng, hy sinh ngày 15-7-1969, tại Xuân Lộc, Đồng Nai.
         Đoàn di B tháng 1-1971, thầy Nguyễn Thế Oanh, sinh năm 1944, quê Hoàng Nam, Nghĩa Hưng, Nam Định - giáo viên Trường cấp 2 Nghĩa Hưng, Nam Định, hy sinh ngày 20-9-1971 tại trạm 85-BTL470.
         Đoàn đi B ngày 28-11-1973, có thầy Trần Thế Lộc, sinh năm 1945, quê Tam Thanh, Vụ Bản Nam Định - Phó Hiệu trưởng Trường cấp 3 Xuân Trường, Nam Định, hy sinh tháng 3-1975, tại Bảo Chánh, Xuân Lộc, Đồng Nai. Thầy Trần Thế Lộc là nhà giáo liệt sĩ cuối cùng trong danh sách các thầy, cô đi B hy sinh trước ngày toàn thắng.
         Kiểm lại đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục từ miền Bắc vào miền Nam công tác, theo tư liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có 111 người hy sinh ở các mặt trận, cùng với 510 nhà giáo địa phương miền Nam hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - các nhà giáo liệt sĩ hai miền đã dâng hiến trọn vẹn nhân cách, tài trí và tình yêu cho non sông đất nước này trở về toàn vẹn, để lại cho chúng ta niềm tự hào và lòng tiếc thương vô hạn.
         Còn sáng mãi hình ảnh cô giáo Lê Thị Bạch Cát quê Nghi Thuỷ, Nghi Lộc, Nghệ An - giáo viên Thể dục Thể thao Bộ Giáo dục, đi B ngày 20-12-1964, tham gia chiến đấu trong đội ngũ các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, xuân Mậu Thân, đợt II - 1968 và hy sinh tại đây. Giờ đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, quận 11 có một đường phố mang tên cô.
         Đó là tấm gương cô giáo trẻ Dương Lệ Chi quê Long An, anh dũng hy sinh khi lấy thân mình che cửa hầm tránh pháo cho các em học sinh lớp 3 Trường Nguyễn Văn Trỗi trong trận càn Đông Dương tháng 5-1970.
         Đó là nhà giáo Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) - cán bộ giảng dạy Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào Nam từ năm 1964, hy sinh ở Long An năm 1968. Trước đó anh đã kịp khắc hoạ bằng thơ hình tượng chiến sĩ Giải phóng quân trên trường bay Tân Sơn Nhất, một "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" trong bài thơ tuyệt bút Dáng đứng Việt Nam.
         Đó là nhà giáo Trần Thế Lộc - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường cấp 3 Xuân Trường, Nam Định - trên chiến hào bám trụ chiến đấu đã anh dũng hy sinh cùng nhân dân và du kích địa phương xã Bảo Chánh, Xuân Lộc, Đồng Nai trước ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975 chừng 4 tuần lên lớp. Nay, ở Xuân Lộc, Đồng Nai, gần ngôi mộ tập thể thầy Lộc và những bạn chiến đấu ngày ấy có một ngôi trường mang tên Trần Thế Lộc...
         Học sinh khoá học 1960-1964 trường cấp 3 Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định mỗi lần họp mặt không bao giờ quên thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chiển. Thầy Chiển đi B ngày 20-12-1964 cùng với người bạn đời - cô Nguyễn Thị Hồng Vân, cán bộ Ty Giáo dục Nam Định. Cô Vân anh dũng hy sinh ở Thủ Dầu Một; thầy Chiển bị giặc bắt ở Củ Chi, bị đày ra Phú Quốc. Năm 1973, trao trả tù binh, thầy về Bắc nhận công tác đến ngày nghỉ hưu ở Hà Nội.
         Trong hai cuốn sách tư liệu - kỷ yếu này những người biên soạn trân trọng in ảnh chân dung cùng những dòng "trích ngang" tiểu sử những nhà giáo đức độ, giàu nhiệt huyết, từng trực tiếp "đứng mũi chịu sào", tham gia lãnh đạo Tiểu ban Giáo dục miền Nam từ những ngày đầu gian khổ, đến ngày toàn thắng, tiếp quản Sài Gòn, tháng 5-1975, hoàn tất công việc chuyển giao, hợp nhất ngành Giáo dục toàn quốc từ ngày đất nước thống nhất. Đó là các ông Ngô Văn Cát (Ba Cát), Lê Văn Chí (Mười Chí), Nguyễn Hữu Dụng (Tư Dụng), Trần Đạo(Sáu Thành), Hoàng Đào (Chín Nam),Tôn Thất Dương Kỵ, Vũ Môn(Hai Trọng), Nguyễn Ngọc Thưởng(Sáu Thưởng) cùng chân dung 379 thầy, cô từng có "một thời để nhớ" ở Tiểu ban giáo dục R - những người góp phần làm nên những dấu son sáng mãi trong sự nghiệp giáo dục cách mạng Việt Nam thế kỷ vừa qua.
         Gửi cho tôi hai cuốn sách tư liệu quý này, nhà giáo Phạm Thanh Liêm - người được phân công tập hợp tư liệu biên soạn cuốn Nỗi niềm thương nhớ và là đồng biên soạn cuốn Tiểu ban Giáo dục R một thời để nhớ không nói thêm điều gì ngoài những trang sách cẩn trọng mà thầy đã góp công biên soạn công phu với bao tâm huyết, góp phần bảo lưu một phần "thân thế sự nghiệp" của những người đồng nghiệp - đồng chí - đồng hành suốt chiều dài đất nước những năm tháng không thể nào quên. Là thành viên Ban Liên lạc Truyền thống Tiểu ban Giáo dục miền Nam, nhà giáo Phạm Thanh Liêm, quê xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm I (7+2) Nam Hà, đi B năm 1968, nhận công tác năm 1969 ở Phòng Phổ thông B3 rồi Tiểu ban Phổ thông Sư phạm. Sau giải phóng, thầy là Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ Giáo dục và Đào tạo II.

 

Trang bìa cuốn sách "Tiểu ban Giáo dục R một thời để nhớ".
         Người bạn đời của thầy Liêm - nhà giáo Đặng Nguyệt Anh, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Hải Hậu, đi B năm 1973, nhận công tác ở B3 - Phòng Sư phạm Tiểu Ban I. Sau giải phóng, chị là giáo viên trường Trung học Phổ thông Mari Curie thành phố Hồ Chí Minh. Vừa công tác, dạy học, nuôi con, chị còn sáng tác thơ, trường ca... Chị hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Anh chị trong hành trình đi B của các nhà giáo không quản khó khăn gian khổ, đã có bao nhiêu kỷ niệm để đời trong mái lán rừng chiến khu B3, miền Đông Nam bộ. Cháu Ngọc Anh, con gái đầu của họ ra đời ở đây:
“Ngày mai con lớn khôn 
đất nước sẽ thanh bình 
rừng miền Đông sẽ trở thành chứng tích chiến tranh 
sẽ trở thành bảo tàng lưu niệm 
trở thành ngày xửa ngày xưa 
đời tất bật ngược xuôi 
người về quê về phố 
rừng miền Đông mấy ai còn nhớ nữa! 
Ngày mai con ơi 
hãy mở nhật ký tìm quá khứ
nhớ cô bác đã cưu mang che chở 
nhớ rừng miền Đông 
gian khổ - thiêng liêng - trong sạch - đầu đời”...

(Rừng miền Đông và con gái tôi - Đặng Nguyệt Anh)
         Cảm ơn Giáo sư Vũ Khiêu, người đã soạn bài văn bia tâm huyết góp vào công trình tưởng niệm trên đồi 82 Tây Ninh một nghĩa cử đối với những nhà giáo yêu nước, để mai đây càng sáng đẹp những trang đời:
"Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao
Gương trí thức đời đời sáng tỏ!"

 

Bia tưởng niệm trên đồi 82 Tây Ninh
 
Phạm Trọng Thanh – Nam Định
------------------------
*Nhân đọc Nỗi niềm thương nhớ - Ban Liên lạc Truyền thống Tiểu ban Giáo dục Miền Nam - NXB Giáo dục 2004 và Tiểu ban Giáo dục R một thời để nhớ - Nguyễn Quốc Bảo, Phạm Thanh Liêm,Trần Trâm Phương,Trịnh Hồng Sơn biên soạn - NXB Giáo dục, 2005, tái bản năm 2012).
tin tức liên quan