“Nhớ mãi về anh – Liệt sỹ Nguyễn Thanh Sơn. Tùy bút của Nguyễn Minh Châu
NHỚ MÃI VỀ ANH! LIỆT SỸ NGUYỄN THANH SƠN.
Tùy bút của Nguyễn Minh Châu
(Tư liệu do đồng đội cung cấp)
Liệt sỹ Nguyễn Thanh Sơn tại chiến trường Nam Lào 1972 (ảnh tư liệu)
Anh Nguyễn Thanh Sơn, quê ở xã Hoan Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bố là ông Nguyễn Đình Đạo, cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời điểm anh Sơn nhập ngũ, ông đang xây dựng Đề án thành lập Quỹ tiết kiệm XHCN Việt Nam trên toàn miền Bắc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao phó.
Khi anh Sơn nhập ngũ, vì điều kiện công tác, ông không về để tiễn Anh lên đường. Mẹ là bà Phan Thị Kim Tiến, Trưởng phòng kho qũy Ngân hàng tỉnh Nghệ An. Gia đình có 6 người con, 4 trai 2 gái, anh Sơn là con cả. Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, do nhiệm vụ công tác, gia đình ra cư trú tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Anh Sơn học cấp 3 Yên Thành 2, là học sinh học giỏi, vui nhộn, chăm ngoan, ham bóng đá, ham đàn hát. Năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đến gia đoạn quyết định. Mỹ ngụy thua đau trên khắp các chiến trường miền Nam, phòng tuyến phòng ngự Bắc Quảng trị và hàng rào điện tử Macnamara bị phá vỡ, Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh thất thủ, tỉnh Quảng trị được hoàn toàn giải phóng, con sông Bến Hải không còn là ranh giới chia cắt 2 miền Đất nước mà thay vào đó là dòng sông Thạch Hãn nằm kề Thành cổ Quảng Trị. Để cứu thua ở miền Nam, Mỹ điên cuồng phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Để kịp thời bổ sung quân cho miền Nam đánh những đòn quyết định nhằm tạo ưu thế ký Hiệp định Pa ri, miền Bắc đã huy động tổng lực lực lượng để chi viện cho miền Nam. Năm 1972, huyện Yên Thành gọi nhập ngũ 4 đợt. Anh Nguyễn Thanh Sơn chuẩn bị vào học lớp 10 đành tạm biệt mái trường cấp 3 với bao mơ ước để cùng gần 200 anh em Yên Thành hăng hái lên đường tòng quân. Đó là ngày 28 đến 31 tháng 12 năm 1972. Gần 200 anh em Yên Thành được biên chế vào Đại đội 5 và Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 22 A, Quân khu 4, huấn luyện tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Những ngày đầu tiên trở thành người lính, với những gương mặt ngây thơ của những học trò còn dở dang trên mái trường, ai cũng bỡ ngỡ với công việc của người chiến sỹ, nhưng rồi cũng quen dần với cuộc sống của người lính trong thời chiến tranh. Anh Sơn dáng mảnh dẻ, cao, đẹp trai, vui nhộn, hay đàn hát. Anh rất căm thù giặc Mỹ vì trận bom Mỹ đánh vào Bắc Sơn, anh thường nói” Được vào lính là cơ hội để trả thù cho Bắc Sơn”. Anh đã mang theo cây đàn ghi ta vào đơn vị. Những lúc nghỉ giải lao, lúc rỗi rãi, anh lại mang đàn ghi ta ra gảy để đồng đội hát những bài ca Cách mạng. Có tiếng đàn, tiếng hát, anh em nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà…
Huấn luyện được hơn 2 tháng thì có lệnh vào chiến trường. Mặc dù chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhưng ai nấy cũng háo hức được ra trận. Đơn vị đã hành quân bộ từ Hậu Thành, qua Đô Thành theo đường 205, qua Diễn Thắng, sang Nghi Công và theo đường Giao liên đi qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, qua Cựa Nẫm để vượt qua rừng núi cheo leo của Đông Trường Sơn sang Lào. Một tháng hành quân, đường xa, mang nặng, mệt mỏi, chân phồng rộp nhưng không ai bỏ cuộc. Cây đàn ghi ta vẫn theo anh vào tận chiến trận vào những thời khắc ác liệt nhất.. Mỗi lúc nghỉ chân, mỗi khi rảnh rỗi, anh lại đàn để đồng đội ca hát cho quên những thấm mệt.
Tối ngày 11 tháng 12 năm 1972, đơn vị vào đến Salavan – Nam Lào, được biên chế về Sư đoàn 968 (Quân tình nguyện Việt Nam – Lào). Anh Sơn cùng 20 đồng đội quê hương Yên Thành được biên chế về Đại đội 1 – Tiểu đoàn 7 – Trung đoàn 39 – Sư đoàn 968. Đại đội 1 là đại đội Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lúc bấy giờ. Về Tiểu đội 1 – Trung đội 1 – Đại đội 1 cùng anh Sơn có anh Huỳnh và anh Lợi ở xã Vĩnh Thành. Lúc này, Nam Lào đang là mùa khô, nắng cháy da, 6 tháng không có một giọt mưa nào. Ngày 12 tháng 12 năm 1972, gần 12 giờ đêm, anh Sơn cùng đồng đội lên chốt. Anh Sơn đến chia tay anh Quýnh để lên chốt (Anh Quýnh là bạn học cấp 3), anh đã đề nghị anh Quýnh nhường thêm cho 1 số đạn nữa và anh Quýnh đã đưa thêm cho anh Sơn 1 túi đạn AK khoảng 360 viên. Anh Sơn chào anh Quýnh và nói: “Lần này Nhất thì xanh cỏ, Nhì thì đỏ ngực”rồi ra đi. Anh Huỳnh xã Vĩnh Thành cùng ở 1 hầm với anh Sơn ngoài chốt ở Na Phai Nọi – Thị xã Sa La Van. Mờ sáng ngày 26 tháng 12 năm 1972, địch huy động lực lượng nhiều hơn ta hàng chục lần bắt đầu tấn công vào chốt, ta và địch bắn nhau loạn xạ. Anh Sơn vừa bắn AK vừa bắn B40. Mặc dù lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần, đơn vị đã dũng cảm chiến đấu đầy lùi nhiều đợt tấn công của địch, kiên cường giữ chốt. Anh xông xáo, bắn AK rồi bắn B40, đến 8 giờ sáng, Anh đã bắn được 4 quả B40 thì địch lại ào lên, anh vươn ra định bắn tiếp quả thứ 5 thì anh bị trúng quả đạn phóng lựu M79 vào ngực. Anh ngã xuống trong tay anh Huỳnh. Trước khi nhắm mắt anh còn kịp nói với anh Huỳnh: “Mình chết Huỳnh ạ”. Do chiến sự ác liệt nên mãi 4 giờ chiều hôm đó mới đưa được thi thể anh Sơn ra đến hậu cứ đơn vị. Anh Huỳnh được giao nhiệm vụ chăm lo công tác chôn cất. Thế là anh Nguyễn Thanh Sơn đã vĩnh viễn ra đi, vĩnh viễn từ biệt gia đình và đồng đội. Chúng ta vĩnh biệt Anh với nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Sau khi hy sinh, Sư đoàn đã phát động học tập Anh, một tấm gương lạc quan yêu đời trên chiến trường, dũng cảm kiên cường trong chiến đấu. Chiếc đàn ghi ta của Anh hiện tại là kỷ vật chiến trường tại Bảo tàng đường Trường Sơn.
Noi gương Anh và các đồng đội đã hy sinh, chúng ta nguyện sống xứng đáng với các anh, xứng đáng với những hy sinh, mất mát thương đau mà chiến tranh đã để lại cho gia đình, đồng đội, quê hương, Đất nước.
Nguyễn Minh Châu
Hội Trường Sơn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
ĐT: 09542905008