Ngày 15-7-1969, Bộ các lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng Cuba cử đoàn cán bộ quân sự gồm 8 người, do Thiếu tá Enrique Carreras Rolas-Tư lệnh Không quân dẫn đầu sang Việt Nam, thực hiện chương trình nghiên cứu tình hình chiến tranh không quân của Mỹ, kinh nghiệm tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam. Sau khi tiếp kiến thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam, đoàn chia thành 3 nhóm để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể, nhóm không quân có 4 người, do Tư lệnh Enrique Carreras Rolas làm Trưởng nhóm và các thành viên gồm Thượng úy Jose Gonzalez Roche phụ trách kỹ thuật, Thượng úy Jose Legro Sauguet phụ trách thông tin không quân; Thiếu úy Jorge Menendez Barrera phụ trách kỹ thuật cabin; nhóm thông tin quân sự có 2 người: Thượng úy Luis Pardo Machado làm Trưởng nhóm và Trung úy Nesto Perez Jefe; nhóm mã hóa có 2 nhân viên cơ yếu: Thiếu úy Carlos Chaviano thuộc Bộ Các LLVT cách mạng Cuba làm Trưởng nhóm và Roberto Gambara Fernandez thuộc Bộ Nội vụ Chính phủ Cuba.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, kết hợp nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị, đoàn cán bộ quân sự Cuba đã hoàn thành nội dung đặt ra. Đặc biệt, trong buổi làm việc với Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam, đoàn đã trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn xây dựng và huấn luyện một số bộ phận lực lượng không quân tác chiến chuyên biệt, nhất là không quân đánh các mục tiêu trên biển-một trong những thế mạnh vượt trội của lực lượng không quân chiến thuật Cuba. Từ đây, một hướng hợp tác quân sự mới giữa Việt Nam với Cuba mở ra.
Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Việt Nam, sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt, đầu năm 1971, Bộ Các LLVT cách mạng Cuba cử đoàn chuyên gia huấn luyện bay và tác chiến đánh các mục tiêu trên biển thuộc lực lượng Không quân chiến thuật Cuba, do Trung úy phi công Ernesto Delapaz Palomo làm Trưởng đoàn, cùng một số cán bộ kỹ thuật không quân sang giúp Quân đội nhân dân Việt Nam mở lớp huấn luyện cho 10 phi công điều khiển máy bay MiG-17 của Trung đoàn Không quân 923. Với nghĩa tình đồng chí-anh em, các chuyên gia không quân Cuba đã dành tâm sức, kiến thức và kinh nghiệm, không quản ngày đêm để bồi dưỡng, huấn luyện từng thao tác kỹ thuật, tình huống chiến thuật... trong môi trường và mục tiêu tác chiến rất đặc thù, mới mẻ này cho các học viên-những phi công đã dạn dày kinh nghiệm chiến đấu với không quân Mỹ, lập nhiều chiến công xuất sắc. Với sự đồng lòng, chung sức nỗ lực chạy đua với thời gian của cả “thầy” và “trò”, đến tháng 3-1972, trong số 10 phi công tham gia huấn luyện đã có 6 đồng chí hoàn thành tốt chương trình đặt ra, đủ khả năng tham gia đánh các mục tiêu trên biển của địch.
|
Các chuyên gia Cuba và bộ đội Trường Sơn trên công trường thi công đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
|
Ngày 19-4-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân quyết định giao nhiệm vụ cho các phi công vừa hoàn thành xuất sắc lớp huấn luyện trên là Nguyễn Văn Bảy và Lê Xuân Dị sử dụng hai chiếc MiG-17 (mỗi chiếc mang hai quả bom) cất cánh từ sân bay Gát (Quảng Bình) cơ động, bất ngờ tập kích các tàu tuần dương USS Oklahoma City và khu trục DD-806 Higbee thuộc Hạm đội 7 Mỹ, phá hủy tháp đôi súng máy phòng không 12,7mm, đánh hỏng nặng phần đuôi khu trục DD-806 Higbee. Đây là chiến công xuất sắc đầu tiên của không quân tiêm kích Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tác chiến đánh các mục tiêu trên biển của Mỹ. Có thể khẳng định, đây cũng chính là một trong những dấu ấn sâu đậm trong hợp tác quân sự Việt Nam-Cuba.
Đến năm 1973, một sự kiện đặc biệt về hợp tác quân sự Việt Nam-Cuba có ý nghĩa góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam-đó là cuộc tiếp kiến giữa Tổng tư lệnh Các LLVT cách mạng Cuba Fidel Castro với Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm lịch sử của Tổng tư lệnh Fidel tới Việt Nam từ ngày 12 đến 17-9-1973. Tại đây, hai nhà lãnh đạo thống nhất việc hợp tác củng cố, nâng cấp và mở rộng tuyến vận tải quân sự Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Với nghĩa tình keo sơn “anh em một nhà”, Tổng tư lệnh Fidel Castro khẳng định: Sẽ đưa một lữ đoàn kỹ thuật quân sự cùng với các máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại sang Việt Nam để tham gia thực hiện nhiệm vụ chiến lược cần kíp này.
Ngay sau khi về nước ngày 18-9-1973, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị để bàn định chủ trương, giải pháp cụ thể giúp Việt Nam. Ngay sau đó, ông trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ cho các đồng chí: Antonio Menendez Silverio thuộc Công ty xuất nhập khẩu máy móc xây dựng Cuba, Manuel Santana Ona là kỹ sư công binh thuộc Bộ Các LLVT cách mạng Cuba và đưa bản danh sách đầu tiên về những vấn đề mà Việt Nam yêu cầu đã được Chính phủ Cuba thông qua, khẩn trương sang Hà Nội để thông báo ý kiến của Chính phủ Cuba cho Chính phủ Việt Nam kèm theo lời căn dặn: Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự thận trọng rất cao, bởi nhiệm vụ này là để giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Đúng như lời khẳng định của Tổng tư lệnh Fidel Castro, Chính phủ Cuba nhanh chóng cử chuyên gia Manuel Santana Ona và Antonio Menendez Silverio trực tiếp sang Nhật Bản để mua sắm các máy móc, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tháng 12-1973, sau khi hoàn tất việc mua sắm với tổng trị giá hơn 6 triệu USD, gồm cả thảy hơn 200 thiết bị, máy móc được đưa lên tàu thủy hành trình xuyên đại dương chuyển sang Việt Nam. Ngày 2-4-1974, tàu “hàng đặc biệt” này đã cập cảng Hải Phòng an toàn. Cần phải nói thêm rằng, hành trình của chuyến tàu chở máy móc, thiết bị kỹ thuật mở đường cho Việt Nam phải “khôn khéo” vượt qua bao nhiêu “tai, mắt” tình báo chìm nổi rình rập của các thế lực đối địch, đó là chưa kể sóng gió hung dữ đại dương “cản bước” thường xuyên... càng thấy rõ hơn tình nghĩa đặc biệt “có một không hai” Việt Nam-Cuba.
Sau khi toàn bộ máy móc và thiết bị kỹ thuật được vận chuyển vào Trường Sơn, đầu tháng 8-1974, Thứ trưởng Bộ Các LLVT cách mạng Cuba Raul Diaz Arguelles ký Lệnh số 0041, thành lập Lữ đoàn kỹ thuật quân sự Cuba (BTMC) gồm 23 người với nhiệm vụ: Tư vấn trực tiếp cho phía Việt Nam trong quá trình chuẩn bị xây dựng cũng như trong tổ chức đào tạo công nhân vận hành, bảo trì, sửa chữa kỹ thuật các thiết bị vận hành. Thời gian lữ đoàn công tác tại Việt Nam là 10 tháng.
Đến Việt Nam, BTMC được tổ chức thành hệ thống điều hành chuyên môn hóa chặt chẽ gồm Ban điều hành chung (chỉ huy chung) có 2 chuyên gia; nhóm đắp đất và san nền có 4 chuyên gia; nhóm vận chuyển có 5 chuyên gia; nhóm thiết bị hạng nặng có 4 chuyên gia; nhóm vận hành thiết bị có 5 chuyên gia; nhóm phụ tùng thay thế có 1 chuyên gia; nhóm nhiên liệu và dầu nhớt có 1 chuyên gia; nhóm vệ sinh có 1 chuyên gia... Cần nói thêm rằng, ngay cuối tháng 6-1974, đoàn tiền trạm của BTMC, gồm 3 chuyên gia (Đại úy Justo Julian Chacon Lopez-Chỉ huy phó BTMC và các đồng chí Enrique Silva, Orlando Prado) đã đến Quảng Trị để khảo sát và chuẩn bị các yếu tố bảo đảm cho công tác thi công kịp tiến độ theo kế hoạch đã xác định.
Đặc biệt hơn, theo sự thống nhất của hai bên, tháng 11-1973, Việt Nam cử 36 cán bộ và nhân viên kỹ thuật đường bộ sang Cuba đào tạo trong 7 tháng (từ tháng 11-1973 đến tháng 5-1974). Khóa đào tạo này được tổ chức tại Trường Kỹ thuật giao thông La Coca ở Campo Florido, tỉnh Havana. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, các cán bộ và nhân viên kỹ thuật này đã nhanh chóng về nước bắt tay vào công cuộc xây dựng đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Tiếp đó, cuối tháng 12-1974, được sự giúp đỡ của các chuyên gia, Việt Nam đã mở liên tiếp các khóa đào tạo nhân viên vận hành, bảo trì và sửa chữa thiết bị, máy móc ngay tại Quảng Trị cho 416 người.
Trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại, dưới sự tư vấn và tham gia điều hành trực tiếp trên từng cung đoạn, từng cây cầu... của đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật lành nghề Cuba, hơn hết là tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của toàn thể cán bộ, nhân viên và công nhân... thi công hiệu quả trên công trường đặc biệt này, cùng với diễn tiến mau lẹ theo chiều hướng hoàn toàn có lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sự giúp đỡ của Cuba đã đóng góp tích cực cho bộ đội Trường Sơn xây dựng được những con đường đủ tiêu chuẩn. Đến lúc phải chuẩn bị khẩn trương cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhờ những phương pháp tốt xây dựng những chiếc cầu, đã chuyển hướng đúng lúc các phương pháp và chỉ trong 20 ngày, bộ đội Trường Sơn đã có thể xây dựng một loạt cầu dã chiến bị địch phá hủy khi chúng rút lui theo quốc lộ miền Trung vào Đông Nam Bộ, tạo điều kiện cho các quân đoàn chủ lực hành quân thần tốc theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau khi hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, chúng ta thu giữ được khối lượng rất lớn vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự của đối phương; trong đó có nhiều chủng loại rất hiện đại mới đưa vào sử dụng ở chiến trường miền Nam chưa lâu. Do vậy, được sự thống nhất của Đảng, Chính phủ hai nước, việc hợp tác quân sự, quốc phòng Việt Nam-Cuba tiếp tục được đẩy mạnh trên mọi phương diện. Một trong những lĩnh vực được tập trung ưu tiên là hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự...
NGUYỄN TRỌNG THÀNH