Lân Tôn Một thời lửa đạn - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 05:46 30/01/2021 Lượt xem: 502
-----------------------------------------------------------------
 
Lân Tôn
Một thời lửa đạn

NGUYỄN KIM CHÚC
 
         Đường B46 là một trong 21 trục ngang của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Những đoàn quân ra trận cùng vũ khí đạn dược từ ngoài bắc theo trục dọc 128 vào tới Chà Vằn thuộc tỉnh Tàvenoọc (Lào) rẽ trái theo hướng đông vượt dãy Trường Sơn về với Trung Trung bộ, bắc Tây Nguyên. Những trận đánh lớn của quân giải phóng liên tiếp diễn ra. Quân Mỹ - Ngụy tổn thất nặng nề. Bọn chúng tìm mọi cách ngăn chặn, đánh phá hòng cắt đứt sự chi viện của ta trên tuyến đường này. Hơn một trăm km đường B46 bị đánh phá ác liệt, nhiều trọng điểm bị oanh tạc suốt ngày đêm. Trong đó khu vực Lân Tôn bị đánh phá nhiều nhất cả trên không và trên bộ.
         Đường B46 do Binh trạm 44 phụ trách với đầy đủ các đơn vị binh chủng: Tiểu đoàn 21 Công binh, Tiểu đoàn 28 Cao xạ, Tiểu đoàn 56 Ô tô vận tải, Tiểu đoàn 4 Bộ binh, Tiểu đoàn 17 Giao liên và các Đại đội trực thuộc … Với quyết tâm rất cao: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, tháng 5 năm 1968 được sự chi viện của Trung đoàn 10 Công binh ta mới đưa được 2 Đại đội pháo 85; 2 Đại đội pháo 23ly vượt Đruđốc theo đường 14 về Khâm Đức. Từ sau tháng 5 năm 1968 hàng hóa từ ngoài vào chỉ tới được km113 nơi chốt giữ của kho Ô3 kiên cường dũng cảm. Năm 1969 từ km103 đường B46 Trung đoàn 10 Công binh mở thêm một nhánh nữa nối thông với đường 14 ở phía nam Khâm Đức 2km. Song do địch đánh phá ác liệt hàng hóa mới chỉ vào tới km7, hình thành một khu kho mới nhưng vẫn do kho Ô3 đảm nhiệm.
          Từ ngã ba km103 vào tới km113 đường B46 và km7 đường nhánh km103 về Khâm Đức tạo thành một tam giác ôm trọn địa danh Lân Tôn - một làng của người Cờ tu thuộc huyện 40 tỉnh Kon Tum bị địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Lân Tôn trở thành một địa danh không thể quên của những người lính Binh trạm 44 Trường Sơn và những người đã từng qua đây. Lân Tôn trở thành đầu mối nơi có kho Ô3 cung cấp vũ khí đạn dược cho quân giải phóng miền Trung Trung bộ. Bọn Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên lại bị đền tội và bọn chúng càng điên cuồng đánh phá tuyến B46 hòng cắt đứt sự chi viện của ta. Lân Tôn ngày cũng như đêm rền vang tiếng nổ của bom đạn Mỹ.


(Ảnh minh họa)
         Mật danh đầu mối B46 được gắn với địa bàn Lân Tôn từ năm 1968 cho đến khi ký kết Hiệp định Pari. Đường đã nối thông với Kon Tum ở Đruđốc; với Quảng Nam ở Khâm Đức. Nhưng địch đánh phá vô cùng ác liệt xe hàng không thể vượt quá km113 đường B46 và km7 đường ngang về Khâm Đức. Do vậy ta chấp nhận khu vực Lân Tôn đặt kho O3 tập kết hàng hóa giao cho khu V và cấp phát cho những đoàn quân tăng cường cho khu V. Cơ quan tiếp nhận của Quân khu V và các đơn vị gùi thồ cũng tập kết ở đây để dùng sức người vận chuyển vũ khí đạn dược phân phối cho các chiến trường.
         Bọn Mỹ - Ngụy biết rất rõ đầu mối B46 ở Lân Tôn và tìm mọi cách đánh phá ngăn chặn. Bọn chúng tổ chức trinh sát nghiên cứu về ta rất bài bản. Trên bộ chúng dùng trực thăng đổ những toán biệt kích thám báo ở vùng phụ cận, rồi tổ chức thâm nhập chỉ điểm đánh phá ta. Bọn chúng dùng những kẻ chiêu hồi cùng với bọn lính người Thượng được huấn luyện bài bản biết dùng bản đồ địa hình, biết sử dụng các loại máy truyền tin. Đêm đến các nhóm biệt kích thám báo này dùng đạn vạch đường, pháo hiệu để nhận biết nhau và chỉ điểm cho không quân địch đánh phá. Mờ sáng máy bay trinh sát cánh quạt OV10, OV2 bay lượn lùng sục khắp tuyến và dùng đạn khói chỉ điểm cho lũ F4 cắt bom đánh phá tuyến tạo thành những trọng điểm phá hoại đường xá, ngầm vượt sông trên toàn tuyến. Bọn trinh sát điện tử RF4 ngày cũng như đêm chụp ảnh toàn tuyến. Từ những bức không ảnh này bọn Mỹ dễ dàng nhận ra: đêm đêm xe ta vẫn hoạt động trên tuyến và chỉ vận chuyển tới khu Lân Tôn. Lân Tôn được bọn Mỹ - Ngụy chọn là nơi đánh hủy diệt.
         Không lực Mỹ sử dụng những chiêu trò, vũ khí tân tiến nhất để đánh phá Lân Tôn. Máy bay trinh sát OV10 thay nhau tìm kiếm lực lượng ta. Ở Lân Tôn chúng dùng đạn khói bắn chỉ điểm cho F4 cắt bom đánh thăm dò ta. Các loại bom đạn như bom phát quang, bom vướng nổ, bom bi, mìn lá, mìn tai hồng chúng đều rải khắp Lân Tôn. Đêm đến AC130 tìm diệt xe ta trên tuyến thì ở Lân Tôn bọn B57 bay lượn tìm ánh sáng phát ra cắt bom. Bọn B57 gây cho ta không ít khó khăn, chúng bay bằng cắt bom xuống nơi chúng nghi ngờ - lính ta thường gọi là bom tọa độ. Chưa nghe tiếng máy bay bom đã nổ dậy đất …
         Nhận rõ tầm quan trọng ở đầu mối Lân Tôn. Binh trạm 44 Trường Sơn đã có những chỉ đạo cụ thể, xác định rõ đầu mối Lân Tôn sẽ kiên cường bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ giao hàng cho khu V. Để đối phó với các thủ đoạn đánh phá của địch chỉ huy Binh trạm đã có chỉ thị cụ thể: Trước hết là phải làm tốt công tác phòng gian bảo mật, làm thật tốt công sự và ngụy trang. Hầm chữ A được đào chắc chắn. Tất cả hầm hào phải được kiên cố vững chắc có kết nối với các khu vực. Người và kho hàng luôn hoạt động và cất dấu dưới lòng đất. Địa hình Lân Tôn bị chia cắt bởi những ngọn đồi với rừng nhiều cây cổ thụ chưa được khai phá. Theo sườn đồi đường ô tô được mở đến đâu ngụy trang kín đáo tới đó. Ở các sườn ta luy dương đều được mở các hầm “xương cá” để cất dấu hàng hóa. Đường trong kho Ô3 có đường vào, đường ra riêng biệt và đều được ngụy trang kín đáo. Cũng vì địa hình chia cắt không có bến bãi để xe, nên xe từ ngoài vào tới kho Ô3 đều được giải phóng hàng hóa xuống cất dấu ngay để xe kịp quay ra về khu Ô2 ở km65.
         Binh trạm trưởng Vũ Xuân Phương ra chỉ lệnh: Chủ nhiệm thông tin Nguyễn Trọng phải tổ chức đường dây thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến luôn thông suốt với kho Ô3. Những ngày tháng cao điểm ở khu vực Lân Tôn được lập sở chỉ huy tiền phương, thường là do Binh trạm phó Tăng Văn Hoán phụ trách. Do vậy mà mọi tình huống xẩy ra ở khu vực đầu mối B46 Lân Tôn đều có người chỉ huy đứng ra giải quyết. Các đơn vị ở khu vực B46 Lân Tôn kho Ô3, viện quân y 46, các Đại đội Pháo binh, Công binh, Giao liên … đều được sở chỉ huy tiền phương kết nối chỉ đạo. Nhưng những con người dũng cảm kiên cường bám trụ phải kể tới những chiến sỹ khu kho Ô3. Họ là những người bám trụ nơi đây ngày nào cũng có bom rơi đạn nổ trong khu vực, chịu đựng mất mát hy sinh để cung cấp vũ khí đạn dược cho các chiến trường đánh Mỹ.


(Ảnh minh họa)
         Địch đánh phá gây cho ta nhiều tổn thất. Song càng ác liệt người chiến sỹ đầu mối Lân Tôn B46 càng kiên cường bám trụ. Ngay sau các đợt đánh phá của máy bay Mỹ vào khu vực, chỉ huy Binh trạm tiền phương; các đơn vị phụ cận đều có mặt tại nơi bị đánh phá để khắc phục hậu quả, củng cố lại công sự ngụy trang để tiếp nhận hàng hóa. Sở chỉ huy tiền phương đã chủ động liên hệ với các đồng chí ở đầu mối B46 đề nghị khu V dùng sức người gùi thồ giải phóng hàng nhanh không để hàng, vũ khí, đạn dược ùn ứ nhiều ở khu kho Ô3. Hàng ngày hàng trăm lượt chiến sỹ giải phóng tới kho Ô3 cõng hàng ra mặt trận. Kho Ô3 nhộn nhịp suốt ngày đêm mặc cho lũ giặc trời bay lượn bắn phá trên đầu, trút bom đạn xuống khu vực Lân Tôn. Các thủ đoạn đánh phá của Mỹ đều được chiến sỹ ta vô hiệu. “Cây nhiệt đới” Mỹ thả xuống được chiến sỹ ta nhẹ nhàng, im lặng di chuyển tới vị trí khác gây tiếng động thu hút bom đạn về chỗ không người. B52, B57, F4 ngày đêm bắn phá không theo quy luật nào cả. Các loại bom nổ phá, phát quang, bom bi, Rốc két Mỹ thả xuống Lân Tôn do nhiều cây cối, địa hình nhấp nhô nhiều khe suối sâu nên ít gây hại cho ta. Các loại bom vướng nổ, mìn tai hồng, mìn lá … chiến sỹ ta dùng lượng nổ nhỏ gây nổ, dùng sào dài chọc nổ, thu nhặt mìn lá, mìn tai hồng về nơi tiêu hủy. Lính ta kiên cường bám trụ như thế đó.
         Tháng 6 năm 1971 để trực tiếp chỉ huy khu vực đầu mối B46 sở chỉ huy cơ bản của Binh trạm B44 đã chuyển vào Lân Tôn , đóng quân ngay bên phải đường km113 ngay cạnh kho Ô3. Mỗi mùa khô - mùa vận chuyển qua đi hàng nghìn tấn hàng hóa vũ khí đạn dược được chuyển giao cho khu V. Những người lính Trường Sơn Binh trạm 44 càng thêm tin tưởng vào thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thống nhất Tổ quốc …
         Thời ấy đã qua đi nửa thế kỷ. Địa danh Đầu mối B46 Lân Tôn đã đi vào sử sách hào hùng của Bộ đội Trường Sơn. Những người lính Trường Sơn bám trụ hơn 1.000 ngày đêm trong tọa độ lửa Lân Tôn ngày ấy giờ đã là những Cựu chiến binh già. Nhưng tâm hồn họ vẫn luôn hướng về những ngày hào hùng đó. Và trong những kỳ cuộc gặp mặt họ lại hát vang bài ca: “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” và tưởng nhớ những ngày đã qua.
 
Nguyễn Kim Chúc
(Phó CTTT Hội Trường Sơn Sư đoàn 471
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
tin tức liên quan