Út Hương - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 09:16 06/02/2021 Lượt xem: 407
Út Hương
                                 NGUYỄN KIM CHÚC
                                 Hội viên Sư đoàn 471 Trường Sơn
 

     Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác hụt hẫng khi nhìn thấy Út Hương vào buổi sáng mồng Ba Tết Canh Tuất (1970) ở xóm nhỏ Kỳ Yên, nam Tam Kỳ, Quảng Nam. Trước mặt chúng tôi là một cô bé mười tuổi nhỏ thó, tóc đuôi gà, chống nạng tre chào bọn tôi như mọi khi: “Con chào mấy chú!”…
Lần đầu tôi gặp Út Hương là vào một buổi sáng cuối tháng 9 năm 1969. Hôm ấy tôi, Tơn, Phú được lệnh của  đoàn trưởng Đoàn pháo binh 78 đánh căn cứ không quân Chu Lai do quân Mỹ chiếm đóng về Kỳ Sanh xác định tọa độ một khu vực định đặt trận địa bắn. Ba anh em thận trọng tiếp cận xóm nhỏ Kỳ Yên nắm tình hình địch nống lấn rồi sẽ băng qua cánh đồng Kỳ Yên về Kỳ Sanh. Men theo lối mòn theo sườn đồi chúng tôi vào nhà đầu xóm. Một cô bé chừng chín, mười tuổi ở hiên nhà thấy bọn tôi cất tiếng chào lễ phép:
- Dạ! Con chào mấy chú.
- Chào Út Hương. Phú tiếp lời cháu.
Lần đầu tiên tôi gặp Út Hương là thế. Tôi cảm nhận một cô bé dễ thương, xinh xắn, mau mồm mau miệng. Út Hương nhìn tôi hỏi Phú:
- Chú ni mới vô chú?
- Sao cháu biết chú mới vô? Tôi hỏi.
- Chú còn mới không à! Thì ra bộ quân phục vải Tô Châu tôi mặc, dép cao su đúc và lần đầu tiên tôi tới đây đã được cháu nhận diện. Tôi thầm khen: Con bé khôn …
Tôi bắt đầu có cảm tình với Út Hương và muốn biết rõ hơn về mảnh đất Kỳ Yên này. Tôi mới được điều động về nắm quyền chỉ huy phân đội chỉ huy Đoàn pháo binh 78. Mọi việc liên quan tới tình hình địa bàn hoạt động tôi phải dựa vào anh em cũ đã có vài năm gắn bó với mảnh đất này. Qua họ tôi nhanh chóng tiếp cận công việc và dần hiểu mảnh đất và con người nơi đây.
Kỳ Yên là một thung lũng có những cánh đồng lúa nước chạy dài theo triền sông - nhánh thượng nguồn của con sông chảy qua mỏ vàng Bồng Miên; có tỉnh lộ nối với thành phố Tam Kỳ. Phía nam của Kỳ Yên là những cánh rừng già nơi cư trú của đồng bào Mơ Nông, Cơ Ho chuyên phát nương trồng tỉa lấy lương thực nuôi bộ đội giải phóng. Kỳ Yên thời gian này bị chiến tranh tàn phá, kẻ thù o ép, dồn dân lập ấp chiến lược. Do vậy chỉ còn mấy chục nóc nhà cất tạm vào sát chân núi. Gần những căn nhà tạm này là những hầm trú ẩn tránh bom đạn. Dọc đường mòn trên núi xuống, men theo cánh đồng rất nhiều những hầm hố khoét sâu vào núi do quân ta đào. Dấu tích của lực lượng giải phóng dừng chân nơi đây để chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Kỳ Yên cũng là điểm tập kết của quân ta. Để từ nơi đây tỏa về phía bắc đánh địch vùng Tam Kỳ; về phía đông nam đánh địch ở vùng Chu Lai. Mỹ - ngụy không đủ sức đồn trú ở Kỳ Yên. Bằng chứng lần nào chúng nống lấn ra ở các cao điểm quanh Kỳ Yên cũng bị quân ta tiêu diệt. Bọn Mỹ - ngụy chỉ quản lý được Kỳ Yên ban ngày từ những chuyến bay lượn của bầy trực thăng; của bọn pháo binh ngồi trên L19, OV10 chỉ điểm cho pháo bắn vào cánh đồng. Bọn Mỹ ngồi trên “Rọ heo” - OH6 mặt đỏ gay với những thùng lựu đạn US, bay sát ngọn cây sẵn sàng rút chốt lựu đạn quăng xuống nơi chúng nghi ngờ. Bọn chúng bay tuần tra, thị uy không theo quy luật nào cả. Cối 106,7 ly của bọn chốt giữ các cao điểm phía đông Kỳ Yên thỉnh thoảng lại nã vài trái vào bìa rừng. Những tiếng nổ vang dậy cả một vùng Kỳ Yên. Kỳ Yên không lúc nào yên tĩnh.
Từ trên núi theo lối mòn về Kỳ Yên ngày cũng như đêm, quân ta đều phải thận trọng bám sát, theo dõi mọi động tĩnh, mùi vị … nơi cửa rừng để khỏi rơi vào ổ phục kích của quân thù. Bọn Mỹ - ngụy biết rõ vị trí Kỳ Yên là cửa ngõ của quân ta tiến về đồng bằng. Vì vậy bọn chúng thường tổ chức đổ quân cỡ chừng đại đội bộ binh xuống cánh đồng Kỳ Yên rồi tổ chức mật phục các đường mòn từ trên núi xuống để ngăn chặn quân ta. Song quân ta chỉ cần tinh ý: Thấy yên ắng khác thường hoặc mùi thuốc lá, mùi thuốc diệt côn trùng, mùi khét từ lính Mỹ là phát hiện ra có mật phục. Khi ấy quân ta chỉ cần tìm đường vòng tránh là thoát hiểm ngay. Khi quân ta tiếp cận được các ngôi nhà dân sát bìa rừng, thì chính người dân nơi đây sẽ báo cho chúng ta biết có địch hay không; nếu có thì bọn chúng đang ở đâu …
Dân Kỳ Yên là thế! Một lòng theo cách mạng. Khó mấy, ác liệt đến mấy vẫn bám trụ lại để làm tai mắt cho quân ta. Ban ngày về Kỳ Yên bộ đội ta rất ít khi chạm mặt người lớn. Chỉ bọn con nít là thân ngay với các chú giải phóng. Chỉ vài lần qua Kỳ Yên là tôi đã thân được với Út Hương. Quả thực gần cô bé này cũng làm cho tôi đỡ nhớ quê. Ở quê nhà tôi cũng có những đứa cháu nhỏ như Út Hương và đã hơn sáu năm tôi chưa có một lần ghé thăm nhà. Lần nào gặp cũng vậy câu đầu tiên của bé là: “Con chào mấy chú”. Tiếng “con” thật ngọt ngào, dễ thương. Có lần mấy chú cháu đang ngồi chuyện trò dưới bóng tre. Bất ngờ Út Hương la lớn: “tàu rà mấy chú”. Tức thì Út Hương nhắc chiếc nong dựa vách núi, miệng hầm lộ ra mấy anh em lập tức cùng đồ đoàn chui vào. Nong được kéo che miệng hầm. Tiếng phành phạch ro, ro … của tàu rọ OH6 bay qua, lượn vòng trên cánh đồng. Máy bay đi khỏi, chiếc nong mở ra chú cháu lại chuyện trò vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Bọn tôi khi ấy không biết Kỳ Yên có bao nhiêu nóc nhà và bao nhiêu người bám trụ. Nhưng cánh đồng Kỳ Yên vẫn được canh tác. Dân chủ yếu trồng ngô, khoai, sắn. Người dân nhằm vào những giờ bọn địch không quấy nhiễu; chủ yếu vào chập tối và sáng sớm và làm ban đêm để lấy lương thực nuôi sống mình và phục vụ cách mạng. Bọn con nít cũng phải tinh khôn vừa trông nhà vừa trông chừng giặc săn lùng để cảnh báo cho các chú giải phóng.
Về Kỳ Yên là về với Út Hương. Nhà Út Hương ngay đầu xóm. Út Hương bảo đang ở với bà nội. Chưa bao giờ Út Hương nói thật với bọn tôi về bố mẹ. Hỏi miết Hương chỉ nói: “Ba mẹ con như mấy chú”. Thế là hiểu. Một hôm vui chuyên tôi hỏi:
- Út Hương giờ thích gì nhất?
- Con chỉ muốn mau lớn để vượt Trường Sơn như anh Hai ra Bắc học thôi.
Tôi bất ngờ vì câu trả lời của Hương. Nhìn cô bé nhỏ thó chỉ đôi mắt đen sáng là lớn hơn cả mà lại mong lớn để vượt Trường Sơn ra Bắc như anh Hai. Nhìn kỹ cô bé tôi nhận thấy có những nét báo hiệu một cô bé trưởng thành sẽ xinh đẹp: mặt trái xoan thanh tú, miệng, mũi đều xinh, nói năng lưu loát. Chỉ mỗi cái tóc là không đoán được khi lớn sẽ ra sao. Hiện giờ tóc mới ngang vai …
Lần nào ghé thăm Út Hương cũng chỉ thấy Út Hương ở nhà. Chưa lần nào chạm mặt bà nội Hương, chỉ thấy bóng dáng bà từ xa lẫn trong những vạt sắn nương rau. Không thấy có các bạn cùng lứa tới chơi. Hỏi ra mới rõ: Bọn trẻ được người lớn căn dặn, mọi chuyện vá chỉ được chơi quanh nhà, gần hầm hố khi có súng đạn nổ chui hầm … Tuy ở trong nhà nhưng bọn trẻ rất rõ tình hình làng xóm nhất là hoạt động của bọn Mỹ - ngụy. Chúng tôi rất tin, những tin mà Út Hương cung cấp và cũng chưa lần nào chúng tôi gặp nguy hiểm khi vượt qua cánh đồng Kỳ Yên.
Đã hơn hai tháng chúng tôi chưa qua Kỳ Yên. Công việc chuẩn bị cho những trận đánh lớn buộc chúng tôi phải bám căn cứ Chu Lai từ dãy núi Răng Cưa (phía tây Chu Lai). Lợi dụng những ngày ngừng bắn để đón xuân Canh Tuất từ Mỹ ngụy và Quân giải phóng để nhân dân đón xuân. Chúng tôi hai phía chúng tôi lại về vùng Kỳ Sanh để thực hành trinh sát khí tượng. Chúng tôi cảm nhận không khí Tết qua chiếc đài bán dẫn, bí mật hoạt động và lót lòng khi đói với những chiếc bánh sắn và nước suối. Hậu cần đơn vị mua được con trâu của đồng bào mang về để đơn vị ăn Tết. Đúng hôm ông Công, ông Táo về Trời thì một quả pháo của bọn Mỹ ở trận địa Trà Bồng bắn tới đã giết chết nó. Cả đơn vị đành phải mổ trâu ăn Tết sớm. Xong việc ở Kỳ Sanh đã là mồng Ba Tết chúng tôi về hậu cứ qua lối Kỳ Yên. Dự tính gặp Út Hương chúc mừng năm mới và sẽ kể cho Út Hương nghe chuyện tết ở miền Bắc nơi anh Hai của Hương đang ở đó. Chuyện về miền Bắc xã hội chủ nghĩa Hương rất thích nghe và chưa bao giờ thấy đủ; Nghe rồi vẫn muốn nghe nữa.
Giờ Út Hương đang đứng trước chúng tôi. Vẫn câu chào quen thuộc: “Con chào mấy chú” mà lòng chúng tôi nhói đau. Mảnh pháo của bọn Mỹ xâm lược đã cướp đi một phần chân phải của cháu. Chiến tranh là thế, không ngờ chuyện xui xẻo lại đến với Út Hương - Một cô bé mười tuổi sống trong bom đạn nhưng vẫn luôn mong ước một ngày nào đấy đủ lớn để vượt Trường Sơn ra Bắc học như anh Hai của cháu. Thương cháu vô cùng. Chúng tôi chỉ còn biết an ủi cháu rằng: Khi hết chiến tranh nước nhà thống nhất cháu sẽ được làm chân giả. Cháu sẽ được chạy nhảy cùng các bạn cắp sách đến trường. Nghe thế cháu hỏi tôi:
- Bao giờ hết chiến tranh hả chú?
- Chóng đến thôi mà. Tôi vội trả lời cháu. Nhưng trong thâm tâm chúng tôi khi ấy, câu hỏi của cháu như lời cảnh tỉnh phải nỗ lực hơn nữa quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời nhắn nhủ của Bác Hồ kính yêu …
Câu hỏi của Út Hương: “Bao giờ hết chiến tranh hả chú” đeo đẳng chúng tôi trong suốt những năm tháng đánh giặc giải phóng quê hương. Phải mất năm năm nữa - Năm 1975 chúng ta mới giành toàn thắng, thống nhất đất nước. Và cũng từ đấy - Xuân Canh Tuất đến nay, tròn năm mươi năm, tôi không có dịp về lại Kỳ Yên thăm Út Hương. Năm Canh Tý qua đi mùa xuân Tân Sửu đã đến. Đất nước đổi thay hàng ngày. Tuổi của bọn tôi đã rất cao, nhưng cũng rất hy vọng một ngày nào đấy được sự giúp đỡ của đồng đội sẽ được về thăm lại mảnh đất mà chúng tôi đã từng sống và chiến đấu. Hy vọng sẽ gặp lại Út Hương trên mảnh đất Kỳ Yên.

tin tức liên quan