Rơi vào tay Quốc dân Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị "hành" ra sao?

Ngày đăng: 10:56 09/02/2021 Lượt xem: 407

Rơi vào tay Quốc dân Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị "hành" ra sao?

 

 
 Thứ ba, ngày 09/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
 
Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943, lãnh tụ Hồ Chí Minh bị giới cầm quyền Quốc Dân Đảng (Trung Quốc) bắt giữ. Qua các tư liệu lịch sử, bài viết dưới đây giới thiệu về cuộc vận động đòi chính quyền Quốc Dân Đảng trả tự do cho Nguời.
 
 
 

 

 

Hạ tuần tháng 8/1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pắc Bó (Cao Bằng) sang Trung Quốc với mục đích đến Trùng Khánh, nơi Chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đặt trụ sở, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta và liên lạc với các lực lượng Việt Nam đang hoạt động ở đây.

Khi bị Quốc dân Đảng bắt giữ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bị "hành" ra sao? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trên đường đi, Người dừng lại thôn Pà Mông cách huyện lị Tĩnh Tây (Quảng Tây) 17 km, nơi Người đã có những năm tháng hoạt động, gắn bó với bà con dân tộc thiểu số trước khi về Việt Nam tháng 1/1941. Nhiều gia đình ở đây đã trở thành nơi dừng chân tin cậy thân thiết của Người, trong đó có gia đình ông Từ Vĩ Tam, coi Người như người thân  trong nhà.

Ông Từ Vĩ Tam kể lại: "Năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Lê Quảng Ba dẫn đường từ Việt Nam sang Trung Quốc, hơn 4 giờ chiều ngày 12/7 âm lịch  thì đến nhà tôi.

 
ADVERTISING
 

Ông Hồ đeo trên lưng một túi lưới, tay cầm gậy, mặc áo kiểu cổ nhà Đường, hai vạt áo màu xám nhạt, để râu, trông giống như một thầy địa lý nông thôn. Ông nói với tôi, lần này ông sang đây là muốn đến Trùng Khánh gặp một nhân vật quan trọng, dự định từ đây sẽ đi Bình Mã (huyện lị Điền Đông, tỉnh Quảng Tây), rồi đáp ô tô đi tiếp".

Hồ Chí Minh nhờ Từ Vĩ Tam tìm người tin cậy dẫn đường đến Điền Đông, nhưng Từ Vĩ Tam cố giữ Người ở lại đón tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy âm lịch), một ngày tết quan trọng của người Trung Quốc.

Khó lòng từ chối, Bác lưu lại đến ngày 16 âm lịch. Sáng 27/8/1942, Từ Vĩ Tam nhờ Dương Đào, một thanh niên chưa đầy 20 tuổi, người dân tộc Choang, hết sức nhanh nhẹn, dẫn Người đi Điền Đông.

Khi đến xã Túc Vinh cách huyện lị Thiên Bảo (Quảng Tây) 20km, Người  bị lính canh giữ lại, kiểm tra giấy tờ. Bác Hồ rút trong túi chứng minh thư do phân hội Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp quốc tế chống xâm lược cấp, ghi rõ: "Nay cử đặc phái viên Hồ Chí Minh đi gặp chính quyền Trung Quốc, mong được giúp đỡ trên đường đi" đưa cho chúng.

Tuy nhiên, khi khám xét, thấy Hồ Chí Minh còn mang nhiều giấy tờ khác, như giấy chứng nhận là Hội viên Hội viết báo Thanh niên Trung Quốc, giấy chứng nhận là Thông tín viên đặc phái của Thông tấn xã Tân Văn quốc tế, và giấy thông hành quân dụng do Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu ký năm 1940, bọn lính canh nghi ngờ Bác nên giữ lại để xét hỏi.

Sau đó, chúng áp giải Hồ Chí Minh từ Túc Vinh lên Thiên Bảo, rồi đưa về huyện Tĩnh Tây. Trên đường đi chợ Đô An, chị gái Từ Vĩ Tam thấy Hồ Chí Minh bị cảnh sát áp giải, vội vàng chạy về báo cho Từ Vĩ Tam. Ngay lập tức, Từ báo cho Lê Quảng Ba khi đó đang ở tại nhà ông, đồng thời cử Vương Tích Cơ, người em kết nghĩa đến nhà lao huyện tìm hiểu sự tình.

Vương Tích Cơ kể lại: "Tôi nấu cơm, mua thức ăn, xin vào thăm ông Hồ Chí Minh. Ăn cơm xong, ông lấy bút chì viết mấy chữ bằng tiếng Việt đưa cho tôi. Tôi giấu thư vào ống tay áo, chạy về nhà đưa cho Lê Quảng Ba. Ba hôm sau, tôi đi cùng Lê Quảng Ba lên gặp Hồ Chí Minh. Lê Quảng Ba trực tiếp nghe ông Hồ căn dặn rồi đi thẳng về Việt Nam".

Sau một thời gian giam giữ, Sở Chuyên viên Tĩnh Tây không có cách nào xác minh được lai lịch của Hồ Chí Minh, nên đưa Người đến Liễu Châu, rồi giải đến Quế Lâm để Văn phòng Ủy ban quân sự thẩm tra.

Nhưng nhà đương cục Quế Lâm cũng không xác minh được lai lịch của Người, trung tuần tháng 1/1943, lại giải Người về Liễu Châu để Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu xác minh. Đến đây, nhà chức trách của Chính phủ Trùng Khánh (Quốc dân đảng) đã dẫn giải Hồ Chí Minh qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Nhật ký trong tù Bác viết:

"Quảng Tây giải khắp mười ba huyện

Mười tám nhà  lao đã ở qua"

(Đến Đệ tứ chiến khu)

Khi bị Quốc dân Đảng bắt giữ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bị "hành" ra sao? - Ảnh 2.

Phùng Ngọc Tường - người đã có những tác động để Tưởng Giới Thạch trả tự cho cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hồi ức của Bành Đức, Thượng úy, Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, viết: "Buổi sáng mưa dầm đầu năm 1943, người ta áp giải một ông già râu tóc lốm đốm bạc đến Cục Chính trị, lệnh cho ông ta ngồi xổm dưới cây khuynh diệp ở bên phải rồi vào văn phòng trình giấy. Sau đó, ông già được giao cho trung đội cảnh vệ coi giữ.

Ông già này là người như thế nào? Không ai rõ! Trung đội cảnh vệ giam ông vào trong một gian phòng nhỏ bốn phía tường gạch, có lưới dây thép gai bao quanh. Hằng ngày, ông già ngồi tựa vào hàng rào, trầm tư hoặc xem sách"...

Khi nhận được tin Bác bị bắt, nhân danh các đoàn thể cứu quốc, Trung ương Đảng ta lập tức viết một loạt kiến nghị bằng chữ Hán và chữ Pháp, gửi tới chính quyền Tưởng Giới Thạch, các cơ quan quốc tế ở Trùng Khánh như Sứ quán Mỹ, Đoàn cố vấn Liên Xô, các cơ quan thông tấn báo chí... phát động chiến dịch đòi thả Hồ Chí Minh, đại biểu của phong trào cách mạng Việt Nam bị bắt nhầm.

Những kiến nghị đó đã phát huy tác dụng.

A.Patti, Thiếu tá, Trưởng phòng Đông Dương thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) thừa nhận, Sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh chuyển về Washington các bản kiến nghị trên.

Còn Phân xã TASS ở Trùng Khánh đã điện thúc giục Chính phủ Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Hồ Chí Minh... Nhận được kiến nghị, Viện trưởng Viện Lập pháp (Quốc hội) Tôn Khoa đã chuyển tới Ngô Thiết Thành, Chánh văn phòng Trung ương Quốc dân đảng. Ngô Thiết Thành đã gửi điện cho Tỉnh trưởng Quảng Tây, chỉ thị: "Xét rõ rồi phóng thích". Nhưng khi đó, Bác đang bị giải trên đường nên lệnh trên không thực hiện được.

Biết tin đồng chí Hồ Chí Minh bị giam cầm, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Chu Ân Lai bàn bạc với Chính phủ Quốc dân đảng.

Thay mặt lãnh đạo đảng, Chu Ân Lai tìm gặp Phùng Ngọc Tường, viên tướng của quân đội Tưởng Giới Thạch có khuynh hướng thân Cộng sản, đề nghị ông ta tìm cách cứu Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đoàn cố vấn Liên Xô ở Trùng Khánh cũng nhờ tướng Phùng Ngọc Tường tìm cách  khuyên Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Bác. Phùng Ngọc Tường gặp và chất vấn Tưởng Giới Thạch:

"Hồ Chí Minh là Cộng sản hay không tạm chưa bàn đến. Mà dù có là Cộng sản Việt Nam, liệu chúng ta có cần và có quyền bắt giam người của Đảng Cộng sản ngoại quốc hay không?

Thành viên trong đoàn cố vấn Liên Xô ở Trùng Khánh chẳng phải là Cộng sản đó sao, tại sao chúng ta không bắt giữ họ? Việt Nam ủng hộ Trung Quốc kháng chiến. Vậy, coi Hồ Chí Minh là bạn chứ tại sao lại là tội phạm?...".

Ông ta yêu cầu Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Hồ Chí Minh với tư cách là người bạn của nước Đồng minh.

Qua nhiều thông tin, tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu đóng tại Liễu Châu biết được Hồ Chí Minh là lãnh tụ hết sức có uy tín với phong trào cách mạng Việt Nam. Ông ta muốn tranh thủ được sự ủng hộ của các đoàn thể ở Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Nhật nên muốn trả tự do cho Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 9/1943, nhân dịp Hầu, Chủ nhiệm Cục Chính trị của Đệ tứ chiến khu về Trùng Khánh họp, Trương Phát Khuê giao Hầu báo cáo ý kiến của ông lên nhà đương cục tối cao. Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã nhận được nhiều thông tin về việc bắt giam Hồ Chí Minh, lại đang chịu nhiều áp lực về sự việc trên nên  khi nghe Hầu báo cáo, ông ta lệnh cho Đệ tứ chiến khu trả tự do cho Bác.

Từ Trùng Khánh trở về, Hầu chủ nhiệm thực hiện mệnh lệnh, đưa Hồ Chí Minh ra khỏi trại giam, nhưng lưu lại Cục Chính trị "để xem xét cảm hóa".

Ngày 10/9/1943, sau 1 năm 14 ngày bị giam giữ, "tự do trở lại" với Bác.

Bành Đức kể lại: "Sau khi ông Hầu đi họp ở Trùng Khánh về, một hôm sắp dùng cơm trưa, ông ta yêu cầu phải làm thêm mấy món để mời một ông già đang bị giam giữ (tức Hồ Chí Minh) cùng ăn, ông còn mời thêm mấy trưởng phòng.

Khi bị Quốc dân Đảng bắt giữ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bị "hành" ra sao? - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng vô cùng gian khổ.

 

Tuy Hầu chủ nhiệm không giới thiệu gì về ông già trước mọi người nhưng ai cũng bàn tán về ông. Họ nói ông khi thì bị bắt giam, khi thì được đãi như khách quý, thật kỳ lạ!

Sau đó ít lâu, có người mới tiết lộ đó là một nhà cách mạng Việt Nam, từ đó ông già không bị giam nữa. Ngày ngày, ông già cùng ăn cơm, chuyện trò, cười nói với các nhân viên ở Cục Chính trị. Mọi người đều gọi ông già là "ông Hồ". Ông Hồ  rất giản dị, ăn mặc quân phục vải thô, lúc ra ngoài ông luôn đi bộ".

Được trả tự do, Hồ Chí Minh tìm cách liên lạc với các đồng chí trong nước.

Thư từ Liễu Châu gửi về, Hồ Chí Minh đều nói sức khỏe rất tốt, căn dặn mọi người chớ bận tâm về Người mà ảnh hưởng đến công việc, động viên tất cả hãy cố gắng.

Người cũng báo tin tuy được tha, nhưng vẫn bị "giữ lại làm cố vấn", nên cần có những văn kiện vận động mạnh mẽ hơn để chúng thả thật sự. Người còn căn dặn một số công việc cụ thể phải làm gấp.

Để giữ bí mật, những lời dặn dò trên được Bác viết bằng cháo loãng  trên lề tờ báo, khi nhận được các đồng chí ở nhà lấy cồn iốt bôi lên, chữ hiện ra.

Năm tháng tù đày đã làm cho Bác "răng rụng mất một chiếc. Tóc bạc thêm mấy phần", sức khỏe giảm sút. Người tự nhủ "Một chiến sĩ bị tê thấp thì không làm gì được", nên cố gắng rèn luyện, lấy leo núi, tắm sông để hồi phục sức khỏe.

Một buổi sáng chủ nhật, mùa đông năm 1943, thấy Người đang tắm dưới sông, tướng Trương Phát Khuê phải thốt lên: "Hồ tiên sinh là người An Nam. An Nam ở vùng nhiệt đới, sang đất Liễu Châu chúng tôi chịu được cái rét mùa đông đã không đơn giản. Thế mà nay Hồ tiên sinh còn bơi được dưới dòng nước lạnh giá này thật là kỳ tài! Thật là kỳ tài".

Thời gian ở Liễu Châu,  Hồ Chí Minh ra sức vận động, xây dựng lực lượng cho Cách mạng Việt Nam, tìm sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với cách mạng trong nước, đào tạo cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền. Đặc biệt, vận động nhà đương cục Quốc dân đảng sớm để Người về nước.

Ngày 9/8/1944, Hồ Chí Minh rời Liễu Châu về Việt Nam, cùng đi với Người có 18 thanh niên Việt Nam đã qua các lớp huấn luyện đặc biệt.

Thừa lệnh cấp trên, ngoài giấy tờ đi đường, tướng Trương Phát Khuê còn cấp bản đồ quân sự, tài liệu tuyên truyền, thuốc chữa bệnh và 76 nghìn đồng quan kim để đi đường và kinh phí huấn luyện.

Ngày 20/9/1944, Hồ Chí Minh về đến Pắc Bó, kết thúc một quãng thời gian khá đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Tháng 10/1944, trong thư gửi đồng bào, Người kính cáo "Nhân dịp ở ngoài mà tôi hiểu rõ chính sách của các hữu bang" và khẳng định "Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!".

Biên soạn theo:

Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Quân Giải phóng Trung Quốc, 1987

Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Nxb Quảng Tây, Trung Quốc 2006

Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG 2000. Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, Tập 2,Nxb CTQG 1993


tin tức liên quan