Lần đầu gói bánh chưng ở Trường Sơn - Hồi ức của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 11:32 09/02/2021 Lượt xem: 422
      LẦN ĐẦU GÓI BÁNH CHƯNG Ở TRƯỜNG SƠN
                         

                                Hồi ức của Phạm Thành Long

          

 
     Từ cuối tháng 8 năm 1973, chúng tôi đứng chân ở khu vực Bến Giằng, huyện Nam Giang, Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam). Bao nhiêu năm sống trong những căn hầm nửa chìm nửa nổi trên Trường Sơn. Trở về Đất Mẹ, lần đầu chúng tôi được làm nhà “nổi” trên mặt đất. Mọi sinh hoạt, hoạt động đều được thực hiện khá thuận lợi. Tưởng không còn niềm vui nào hơn.
       Ban Tuyên huấn chúng tôi mang từ Phù Trường sang hai chú ỉn con. Để nuôi lợn, mỗi khi lấy cơm về ăn, mười người trong Ban quyết định mỗi bữa dành ra một bát B52 đầy để nuôi lợn. Chúng tôi phân công nhau hàng ngày vào rừng kiếm cây chuối về thái rồi băm làm thức ăn nuôi lợn. Số cơm ấy trộn với rau chuối rừng băm nhỏ và nước vo gạo đặc lấy từ bếp ăn của phòng, chú ỉn chén rất ngon lành. Tôi với tư cách là Bí thư Liên chi đoàn, đã vận động Liên đội điện ảnh và Đội Tuyên văn, để cơm thừa cho chú ỉn của Ban. Chú ỉn lớn nhanh như thổi. Đến tháng thứ tư thì sức nuôi của chúng tôi không kham nổi nữa. Biết điều ấy, trong một lần họp phòng, Chủ nhiệm Chính trị Ngô Mạnh Thu quyết định: “Lợn của Ban Tuyên huấn nhưng trách nhiệm nuôi là của cả phòng. Toàn bộ cơm cháy từ nay không chia nữa mà dành để nuôi lợn”. Những anh lâu nay nghiện cơm cháy cứ thèm nhỏ rãi mà không làm gì được. Ai xin cháy, cô  Hồng “trố” và cô Sử nuôi quân dứt khoát không cho. Có anh nào mè nheo thì bị hai cô đốp luôn: “Chủ nhiệm đã ra lệnh. Anh ăn tranh phần của lợn à?” Thế là “nghỉ cho khỏe”.
Hai chú ỉn ngày ngày đủng đỉnh kiếm ăn quanh bếp nuôi quân. Chúng khá hiền, thân quen với cả phòng. Chú lợn lớn nhất, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Ngô Mạnh Thu thống nhất với lãnh đạo Ban Tuyên huấn cho mổ thịt ăn mừng Quốc khánh.
      Chú ỉn còn lại được cả Phòng tiếp tục nuôi chuẩn bị cho Tết Giáp Dần. Sáng ngày 22/1/1974 (29 Tết), lãnh đạo Phòng quyết định ngả thịt chú ỉn. (Tôi còn nhớ, khi cân móc hàm được những hơn tám mươi ký. Thật tuyệt vời! Thịt lợn thừa cho cả phòng hơn sáu mươi người ăn Tết hai ngày Ba mươi và Mồng Một khá thoải mái. Bữa trưa Ba Mươi, riêng bộ lòng và cái thủ lợn, cả phòng đã được một bữa tất niên tươi ngon rồi).
       Hôm ấy, Phòng cũng quyết định gói bánh chưng. Cứ mỗi cán bộ, nhân viên của phòng được nửa chiếc bánh. Tổ gói bánh quyết định gói bốn mươi chiếc bánh chưng. Thịt gói bánh được tổ thịt lợn cấp cho bảy ký thịt để gói bánh. Như vậy là mỗi chiếc bánh chưng được gần hai lạng thịt. Thế là tươm lắm rồi. Anh Thái Doãn Điền, Phó Ban Tuyên huấn được phân công làm tổ trưởng tổ gói bánh. Anh nói với chúng tôi: “Ở nhà choa, gói bánh, nhân thịt nỏ được thế ni mô”. Tôi thầm nghĩ, quê Đô Lương của anh ấy nghèo thì thế thôi, chứ mẹ tôi gói bánh chưng Tết thường mỗi chiếc hơn hai lạng rưỡi thịt kia.
      Trừ những người phải trực ban, còn gần như cả phòng sáng Ba Mươi Tết đều tập trung trước sân nhà của Ban Cán bộ. Ngôi nhà của Ban Cán bộ có vị trí khá bằng phẳng. Trước nhà một con suối nhỏ chảy qua, rất tiện lợi cho việc mổ thịt lợn và gói bánh chưng. Anh Điền, tổ trưởng gói bánh chưng quay ra chỉ vào tôi:   
     - Thành Long có biết gói bánh không?
     Mấy anh đứng cạnh thấy thế đều nói:
     - Nó là dân cày đường nhựa chỉ giỏi bóc bánh chứ biết gói ghém gì!
     Tôi nóng mặt, phản ứng lại:
     - Nếu tôi gói được thì các anh mất gì nào?
     Anh Điền chỉ luôn tôi:
     - Thế thì cậu xung vào tổ gói bánh luôn. Như vậy là 6 tay gói. Tốt rồi!
     Tôi đớ người nhưng biết làm sao, khi mình đã chót “thách đố” với mấy anh ấy.
     Quả thật tôi lúng túng vô cùng. Ngày trước, tôi chỉ được mẹ cho làm một số việc lặt vặt của công đoạn gói bánh, như: rửa lá dong, tước cuộng lá, cạo bì lợn… chứ có được gói bánh bao giờ. Vả lại, mẹ tôi thường gói bánh chưng bằng khuôn. Nếu bây giờ gói khuôn thì tôi có thể võ vẽ. Đằng này tất cả đều “gói bộ” mới chết chứ! Đã chót “bốc phét” rồi thì phải “theo” luôn thôi. Tôi định bụng đứng ngoài nhìn các anh ấy gói, mình coi và cố ghi nhớ rồi mới bắt tay vào gói. Đang đứng lơ ngơ thì anh Thỉnh, trợ lý cán bộ vội kêu:
     - Ơ, Thành Long vào gói đi chứ! Nhanh lên không đến sáng Mồng Một cũng chưa có hánh ăn thì giông cả năm đấy.
     Tôi giật mình, vội “vâng” theo cảm tính rồi vội ngồi xuống. Nhìn thấy mấy tàu lá dong còn đọng nước. Tôi như “bắt được vàng”, vội kêu lên:
     - Trời ơi ai lau lá mà ẩu thế. Đầy nước đây này! Lá không khô thì bánh sẽ không ngon đâu.
     Thế là tôi lau lại đống lá dong để trước mặt. Tôi lẩm nhẩm: “Các anh cứ gói đi nhé. Lau xong đám lá còn nước này tôi sẽ gói”. Thế là vừa lau lá, tôi vừa quan sát anh Thanh “chột”, trợ lý Ban Chính sách, người được đồn thổi là rất giỏi gói bánh. Anh Thanh là người rất vui tính. Anh bị thương từ chống Pháp. Một hôm đang chơi bóng chuyền, anh vội kêu lên: Tất cả các cậu đứng yên tại chỗ không được nhúc nhích! Rồi anh cúi xuống tìm kiếm trên mặt đất. Một lúc sau anh kêu lên: Đây rồi! May quá! Cậu nào mà dẫm phải nó thì coi như con mắt của tớ hôm nay xong luôn. Hóa ra trong khi chơi bóng, anh va chạm với đồng đội, thế là con mắt giả của anh rơi ra. Anh vội nhặt lên chạy ra vòi nước bên suối cạnh sân bóng rửa con mắt giả rồi nhét nó vào hốc mắt. Anh lại vào sân chơi tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Ngày ở Quảng Bình, anh ở trong một nhà dân. Cô bé con ông chủ nhà rất hay hờn dỗi. Không đồng ý điều gì là nó lăn ra ăn vạ và khóc rất dai. Cả nhà dỗ mãi mà con bé vẫn không chịu nín. Anh Thanh liền dọa nó: Cháu có nín không thì bảo. Còn khóc, bác móc mắt cho mày ăn nhé. Nói rồi anh lấy tay móc con mắt giả ra, để trên tay, đưa tận mặt cho con bé xem. Thấy thế, con bé sợ quá thét lên một tiếng. Nó chạy như bay ra khỏi nhà và nín bặt từ đấy…  
      Anh Thanh quay sang bảo tôi:
     - Cứ nhìn anh mày gói mà học nhé. Tán gái khó thế mà thằng nào cũng cưa được vợ. Gói bánh thì nhằm nhò gì.
       Mọi người đứng quanh cười ran.
       Khi tự tin là đã nằm lòng thứ tự công đoạn gói bánh rồi, tôi mới bắt đầu ngồi gói.
      Thuộc lý thuyết nhưng bắt tay vào thực hành quả không dễ chút nào. Chiếc bánh đầu tiên tôi gói chưa được vuông và chặt tay cho lắm. Anh Thỉnh thấy thế liền lên tiếng:
      - Nhìn chiếc bánh của dân cày đường nhựa này, “đẹp” quá! Tôi vội chống chế:
     - Chiếc đầu ai chả thế, anh. Mà bao năm nay ở Trường Sơn chúng ta có ai được nó máy chuyện gói bánh chưng đâu. Chiếc đầu gói hơi xấu một chút thì đó “Chuyện thường ngày ở huyện” ấy mà.
       - Thằng này giỏi chống chế nhỉ? Anh Thỉnh lại tiếp. Tôi cũng “phản công” lại:
       - Sự thật là thế, việc gì phải chống chế kia chứ!
      Rút kinh nghiệm, chiếc thứ hai tôi gói chặt tay hơn và điều chỉnh cho chiếc bánh vuông hơn, dù phải gập đi gập lại tới hai ba lần. Nhìn chiếc bánh cũng kha khá. Của đáng tội, chiếc bánh tôi gói đặt cạnh những chiếc bánh của các anh khác trong tổ là nhận ra ngay. Đến chiếc bánh thứ tư thì “tình hình” đã được cải thiện trông thấy. Chiếc bánh đã vuông, chặt khá đẹp… Tôi tự động viên mình: “Thế là được rồi. Bộ đội Trường Sơn không việc gì là không thể làm được”!
       Bữa sáng Mồng Một Tết cả phòng được ăn bánh chưng với giò xào, ngon tuyệt. Riêng tôi thấy ngon hơn vì tôi được thưởng thức sản phẩm đầu tay của chính mình.

tin tức liên quan