Tết Tân Sửu (1961) ở Trường Sơn.

Ngày đăng: 09:57 14/02/2021 Lượt xem: 335

TẾT TÂN SỬU  (1961) Ở TRƯỜNG SƠN


Ba giờ sáng một ngày giáp tết Tân Sửu (1961), chiếc xe tải Liên Xô che bạt kín bịt bùng đưa đoàn cán bộ văn hóa, văn nghệ chúng tôi lên đường đi vào chiến trường miền Nam. Đoàn có 6 người, trong đó có tôi là biên đạo múa, 2 cán bộ âm nhạc ở Đoàn văn công Liên khu 5 và Đoàn văn công Tây Nguyên, cùng với 3 cán bộ kỹ thuật ngành in ở nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội. Tất cả đều là người miền Nam trở về xây dựng phong trào Văn nghệ cách mạng và xây dựng Ngành in giải phóng miền Nam.
 

Xe qua cầu Long Biên,  qua ga Hàng Cỏ, công viên Thống Nhất tiến về Nam, mang theo tâm trạng lưu luyến bồi hồi của người đi xa Hà Nội, xa nơi đầy ắp những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, nơi có bạn bè, người thân, có những chiều Hồ Tây, những đêm mưa dắt tay nhau chạy trên đường phố. Hà Nội đang chìm trong giấc ngủ. Đêm cuối năm, mưa giăng và lạnh buốt. Không một cái bắt tay, không một lời tiễn biệt. Xa Hà Nội rồi, không biết bao giờ trở lại.
 

Tối mùng một tết năm đó (1961), lợi dụng lúc địch sơ hở nhất, từ trạm giao liên thượng nguồn sông Bến Hải chúng tôi vượt qua sông, bắt đầu cuộc hành quân đầy hy sinh gian khổ trên con đường đi vào cuộc chiến đấu của cách mạng miền Nam.

Đêm vượt qua sông mưa gió tầm tã. Trời tối đen như mực. Chúng tôi đi trong rừng sâu, cứ nhìn bóng người lờ mờ phía trước mà lần theo. Ba lô, súng đạn,  đôi dép lốp cao su cũng phải mang trên vai, với hai bàn chân trần đạp lên gai góc, đá tai mèo chạy bám theo giao liên, sợ nhất là bị lạc ở giữa rừng. Nói là đường giao liên, nhưng chưa có đường. Chúng tôi cắt rừng mà đi, tránh xa những con đường mòn, lội theo suối, trèo lên thác đá bằng thang dây, theo con đường của voi đi ở những nơi rừng sâu, núi cao, không để lại một hạt cơm rơi,  một dấu vết lạ trên đường. Cứ như thế chúng tôi đi cả ngày lẫn đêm, dù đói khát, đau yếu đến mấy cũng phải bươn tới, cố vượt thật nhanh qua khỏi vùng giới tuyến và vượt qua Đường số 9, con đường chiến  lược từ Quảng Trị sang Lào, là hai nơi địch tập trung lực lượng quyết ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào.Vậy mà đến trạm giao liên phía bắc đường 9, cũng phải dừng lại khá lâu vì có thuyền của địch giả dạng người đánh cá  trên sông Thạch Hãn suốt ngày đêm để phát hiện đường dây giao liên của ta.

 

Trạm giao liên bắc đường 9 là một cái nhà sàn nhỏ, cũ kỹ của đồng bào dân tộc bỏ lại trên đỉnh núi cao, suốt ngày mây phủ. Hàng ngày cứ đến 3 giờ chiều, từ đó chúng tôi luồn rừng  ra ngồi chờ vượt đường ở trong lòng con suối nhỏ, cây cối um tùm, nước chảy luồn qua cái cống bi sâu hun hút phía dưới đường 9, sang phía bên kia đổ vào sông Thạch Hãn. Chúng tôi mang ba lô ngồi ngâm chân trong nước dưới trời mưa gió, rét run người mà không dám để bật ra một tiếng ho, một tiếng động nhỏ. Phía trên đường, xe của địch lên xuống ầm ĩ không ngớt. Một giờ sáng giao liên quay lại báo vẫn còn địch. Anh em lại bám nhau, lần mò trong rừng tối trở về trạm.

Những ngày nằm chờ ở trạm giao liên mới thấm thía hết nỗi gian nan, vất vả không kể xiết trên con đường đã đi qua. Hơn mười ngày băng rừng, vượt núi với hai bàn chân trần (không được mang dép vì sợ để lại dấu dép sẽ lộ đường dây) nên chân ai cũng bị gai góc, đá tai mèo cứa nát, sên vắt bu vào hút máu, nhiễm trùng sưng tấy lên, nhức nhối.  Hai bàn chân của tôi, bàn chân của một diễn viên múa chuyên nghiệp, giờ đây bị rách te tua, máu tứa ra, sưng đỏ lên nóng như lửa đốt, người cứ sốt hầm hập.

Nhưng khổ nhất vẫn là cái đói. Với sức trẻ của tuổi hai mươi, từng nổi tiếng là ăn như múa. Giờ đây suốt ngày băng rừng, vượt núi với ba lô súng đạn nặng trĩu trên vai, mà mỗi bữa ăn chỉ có hai lưng bát cơm nát, lẫn với mọt được nấu bằng những hạt gạo đỏ của đồng bào dân tộc  cất giấu trong rừng, từ trước ngày ta tập kết ra Bắc. Ngày nghỉ còn kiếm rau rừng ăn thêm. Ngày hành quân lên dốc là run chân, hoa mắt, cái đói hành hạ suốt ngày đêm, sức khỏe cạn kiệt. Nhiều người sốt rét, đau yếu vẫn cố chống gậy theo đoàn. Anh em giúp đỡ dìu nhau đi, không để ai phải nằm lại dọc đường.

Một đêm chờ thông đường, chúng tôi cột võng dưới sàn nhà của trạm, nằm ép vào nhau cho ấm. Trên trạm, các đồng chí giao liên báo tin vui, đã nhận được quà tết của miền Bắc gởi vào, có mứt kẹo Hà Nội, trà Hồng Đào, thuốc lá Điện Biên, mời Đoàn cán bộ lên liên hoan. Chúng tôi rất xúc động, nhưng  đều từ chối, xin để các anh được hưởng trọn vẹn món quà tết của Đảng, của Bác, của nhân dân miền Bắc gởi cho giao liên miền Nam.

Hơn một tuần giăng bẫy trên sông không phát hiện được gì, bọn địch kéo thuyền đi nơi khác. Đêm đó, chúng tôi bí mật lần theo con suối nhỏ, bò qua cái cống bi tối đen, sang bên kia đường 9, đến bờ sông Thạch Hãn. Đang mùa lũ, nước sông lên cao, đập vào ghềnh đá ào ạt. Trăng tháng giêng chiếu qua màn mưa mờ đục, khiến dòng sông trong đêm thêm huyền ảo và rộng mênh mang. Chúng tôi gói ba lô, quần áo và khẩu súng ngắn vào ni lông rồi dìu nhau qua sông. Vốn không biết bơi, tôi cứ ôm cứng bọc ni lông  cho giao liên đẩy đi. Cái lạnh ở dưới nước trong đêm khuya, giữa rừng núi, nhức nhối như dao cắt vào da thịt. Bị dòng nước cuốn trôi đi một đoạn khá xa, vừa đặt chân lên bờ giao liên đã giục, chạy, hai chân tê cứng ríu lại, người run cầm cập, cứ tồng ngồng như thế vác ba lô chạy lao vào rừng. Đêm đó chúng tôi đi luôn tới sáng và đi cả ngày hôm sau mới tới chỗ nghỉ.

Đường đi qua Quảng Trị vô cùng gian nan vất vả, nhưng đến đất Thừa Thiên và đi dần về phía nam đã bớt khó khăn hơn. Nhiều làng đồng bào dân tộc vùng cao đã được giải phóng. Vì sống trong vùng kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm lâu ngày nên đời sống của đồng bào hết sức cực khổ. Nhiều nơi phải mặc vỏ cây và ăn tro tranh thay muối.

Một buổi chiều đang đi trong rừng sâu, trên miền Tây tỉnh Thừa Thiên, chúng tôi gặp mấy người đồng bào dân tộc đang đợi ở đầu dốc để chào đón bộ đội Cụ Hồ trở về. Họ nắm tay chúng tôi vui mừng, xúc động và nói rằng, bộ đội về mau, đánh đổ hết bọn Mỹ, Diệm, giải phóng buôn làng, cho đồng bào bớt khổ. Quà của đồng bào mang tới tặng cho bộ đội là một nải chuối chín và mấy khúc củ mì. Giữa buổi chiều mưa, trong rừng già lạnh buốt, mà trên người các chị chỉ có cái áo, cái váy rách bươm. Trên người các anh cũng chỉ có mỗi cái khố. Để tỏ nỗi vui mừng chào đón Bộ đội Cụ Hồ trở về, bà con nắm tay nhau múa hát. Những bài ca, điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trong các ngày lễ hội. Đó cũng là lần đầu tiên, chúng tôi gặp được đồng bào mình kể từ ngày trở về miền Nam.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhớ về mùa xuân ấy, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động.

 NSƯT Hiền Minh

tin tức liên quan