“Xuân Tân sửu nói chuyện con trâu” – TG: Hoàng Kiền

Ngày đăng: 07:20 15/02/2021 Lượt xem: 422
--------------------------------------------------------------------
 
XUÂN TÂN SỬU NÓI CHUYỆN CON TRÂU
 
"Con trâu là Đầu cơ nghiệp"
         Tôi sinh ra lớn lên ở nông thôn trong gia đình bần nông, gắn với con trâu cái cày mấy đời liền .
Chào đời mẹ đặt nằm nôi
Nhìn ra đã thấy ông tôi đi cày
Bố mang sức yếu thân gầy
Tuổi xuân đã sớm cầm cày thay ông
Lớn lên em bám ruộng đồng
Mười lăm nghỉ học cấy trồng không ngơi
Cày sâu cuốc bẫm một thời
Cha truyền con nối ba đời cày trâu.
        Tôi chỉ biết đến ông tôi, cụ thì không biết, đến đời con tôi thì trâu không còn kéo cày nữa, nên ba đời cày trâu là chắc trăm phần trăm.
         Hôm nay nhớ lại một thời chăn trâu của Hợp tác xã.
         Chăn trâu cắt cỏ bốn năm từ 1963 đến 1966. Học hết cấp 2 nghỉ học ở nhà lao động cầm cày theo trâu từ 1966 - 1967. Năm 1965 cưỡi trâu lên huyện thi được Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Giao Thuỷ tặng giấy khen "Chăm trâu ba nhất" .
         Xa quê từ năm 1967 đến nay vẫn nhớ đến con trâu một thời gắn bó, mỗi khi về làng lại ra đồng chăn trâu hộ bà con quê hương.
         Khi xây dựng Bảo Tàng Đồng Quê, tôi đi tìm thợ đúc trâu. Hai mẹ con con trâu đặt dưới khóm tre bên cổng Bảo Tàng – Với ý tưởng mô phỏng: Con trâu đang gặm cỏ trên bờ, cậu bé Hoàng Kiền ngồi lưng trâu đọc sách; Con trâu đang cày ruộng, chàng thanh niên Hoàng Kiền đang cầm cày theo trâu.
         Những kỷ niệm sâu đậm trong đời mãi mãi không quên.
         Con Trâu với đời sống con người
1. Trâu kéo cày, đây là ưu thế lớn nhất của con trâu đối với con người ở một nước nông nghiệp.
2. Trâu kéo xe:
Ở đồng bằng người ta dùng trâu kéo xe gọi là xe trâu.
Ở vùng núi người ta dùng trâu kéo xe gọi là xe quệt .
3. Trâu kéo gỗ, ở vùng rừng núi người ta dùng trâu kéo gỗ khai thác trong rừng, nó có sức khoẻ rất bền bỉ dẻo dai, leo dốc rất kiên cường.
4. Châu chọi, có các lễ hội truyền thống chọi trâu ở một số nơi trong các dịp lễ tết.
5. Da trâu dùng bịt trống, đây là một loại đồ vật gắn bó với văn hoá truyền thống của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sừ của dân tộc. Hiện nay trống đang là một loại nhạc cụ dân tộc phổ biến và điển hình của Việt Nam trong các lễ hội mang tầm quốc gia, quốc tế.
6. Sừng trâu làm tù và, đây là một dụng cụ đã được sử dụng từ xa xưa để làm phương tiện truyền tin "vác tù và hàng tổng", trong Bảo Tàng Đồng Quê đã trưng bày.
7. Trâu nuôi lấy thịt, một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất lành dễ tiêu hoá.
8. Da trâu còn dùng nấu lên làm keo da trâu dùng vào rất nhiều việc như pha sơn...keo dán nhiều loại...
9. Da trâu đốt lên bôi vào hậu môn chữa được bệnh rĩ rất hay.
         Con trâu xuất phát từ trâu rừng, được con người thuần hoá hàng nghìn năm trước rồi gắn bó với con người cho đến ngày nay. Do tính cần cù, chịu khó, lại có sức khỏe mà hình ảnh, tính nết của con trâu hay được dân gian dùng để mô tả, gắn kết, ví von để làm tăng phần sinh động, hấp dẫn của cuộc sống như: bự như trâu, mập như trâu, khoẻ như trâu và có khi cũng… “điên như trâu”!
         Trong lịch sử can chi đã quen dùng ở phương Đông số thứ tự thứ 2 là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Giờ Sửu được tính từ 1 đến 3 giờ đêm, là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, thế nhưng con trâu lại thức lặng lẽ nhai lại. Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết. Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn thân.
         Trong ca dao, dân ca, trâu được nói đến nhiều vì trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt ở nông thôn. Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam, nữ... đều có mặt trâu. Trước đây, trâu gần gũi thân thiết với con người như hình với bóng. Thế nên trong cơ nghiệp nhà nông con trâu được xếp hạng nhất: "con trâu là đầu cơ nghiệp".
         Trâu thay sức người làm công việc đồng áng nên việc mua sắm trâu là việc hệ trọng. Nhà nghèo thường khó sắm được trâu để làm mùa, phần nhiều là mướn trâu.
“Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay”
         Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước con trâu đã là người bạn thân thiết gắn bó với nông dân. Tất cả đều phải cần cù làm lụng, hỗ trợ cho nhau để có miếng ăn. Tuy bận rộn vất vả trong những ngày mùa nhưng trâu cũng có ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi hoặc nằm trong chuồng nhỏ nhẹ nhấm bó rơm khô. Số phận của con trâu và người nông dân gắn bó đồng cam cộng khổ.
         Nông dân rất quý con trâu, nó là một phần tài sản của họ. Ở nông thôn Việt Nam , gia đình bần nông không có trâu, gia đình trung nông lớp trên mới có trâu, trung nông thì mấy nhà chung một con, địa chủ có nhiều trâu. Con trâu là vật đã được đưa ra so sánh đánh giá sự giàu nghèo. Hình ảnh con trâu cũng được dùng để phê phán những kẻ lừa đảo xấu xa , ích kỷ.
“Lái trâu, lái lợn, lái bò
Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào”
         Hoặc tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm:
“Thật thà như thể lái trâu,
Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”.
         Ai cũng biết quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng rất phức tạp, nhất là xưa kia, khó có sự dung hòa được. Lại có câu ca dành cho người thích lấy vợ dại, ngoan hiền…
“Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm”
         Bởi vậy ta nên trở về với cái vốn có không nên quá mộng tưởng. Cái gì của mình có sẵn quý hơn vì nó là có thực. Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau một cách tình tứ trong những lúc lao động để quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả.
“Trâu kia kén cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con”
         Thời gian dần qua đi, hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, hát nghêu ngao những bài đồng dao cũng đã dần mất đi. Thế nhưng hình ảnh làng quê, đồng ruộng, cây lúa, con trâu vẫn thấm sâu mãi mãi trong tâm hồn người dân Việt Nam chúng ta. Bây giờ hình ảnh người ta dắt trâu đi chăn vẫn còn tồn tại ở đồng quê làng tôi.
         Với sự phát triển của khoa kỹ thuật, máy móc đang dần thay thế sức người; "trâu sắt" thay thế "trâu đen" trên những cánh đồng canh tác nông nghiệp; phương tiện cơ giới đã trở thành chủ lực trong chuyên chở, vận chuyển thay thế cho sức kéo của trâu. Nhiều người cho rằng, con trâu đã mất vị thế trong đời sống nhưng không phải như vậy. Nó chỉ giảm nhiệm vụ, chức năng cày kéo và thồ vác, còn nó vẫn là con vật mang lại nhiều giá trị kinh tế trong đời sống của người dân hiện nay, đặc biệt trong cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng và giá tương đối cao so với các vật nuôi khác. Nghiên cứu cho thấy, thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt bò, và còn ưu điểm hơn là thịt nhiều nạc, ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp. Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương đã phát triển đàn trâu thịt theo hướng chăn nuôi hàng hóa, lấy thịt và phụ phẩm.
Một biểu tượng văn hoá.
         Trong mười hai con giáp, trâu là loài vật thiết thân, gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Từ buổi đầu sơ khởi của đất nước, con trâu đã được tạc thành hiện vật trang trí gắn liền với cư dân người Việt cổ ngay tại trung tâm của đồng bằng sông Hồng (các vật đeo hình trâu được chế tác bằng đá ngọc đã được tìm thấy ở văn hóa Gò Mun, cách ngày nay khoảng 3.000 năm) .
         Với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, con trâu là cả một khối tài sản vật chất khổng lồ - “đầu cơ nghiệp”, là thước đo của sự giàu có (giàu khi có “ba bò chín trâu”), thậm chí là biểu tượng của cả niềm hạnh phúc, của thành công đối với người trưởng thành (“tậu trâu” bên cạnh “cưới vợ, làm nhà”). Vì thế con trâu gánh chở biết bao ân tình, gửi gắm của người Việt xưa:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
         Cho đến tận ngày nay bất kỳ ai cũng thuộc lòng bài thơ này, nhất là những thế hệ sinh ra từ những năm 1975 về trước.
          Tranh chăn trâu thổi sáo của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
          Hình tượng con trâu là khối tài sản tinh thần chung của người Việt nhưng cách thể hiện, cách ghi nhớ, cách sáng tạo hình ảnh ấy mang đậm dấu ấn riêng của những người sáng tạo, dù là Nghệ nhân của các dòng tranh dân gian hay những người Họa sĩ, điêu khắc gia thời hiện đại. Trâu đi vào dòng tranh dân gian Đông Hồ trong những bức vẽ “chăn trâu thả diều”, “chăn trâu thổi sáo”, “chăn trâu học bài” ngộ nghĩnh, đặc tả sự thanh bình của làng quê. Đến thế kỷ 20, hình tượng trâu cũng là một đề tài được ưa chuộng trong tranh của nhiều họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Sáng (Chọi trâu), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé, 12 con giống), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực)... Gần đây hơn, khi đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games năm 2003, các nhà tổ chức Việt Nam đã chọn Trâu vàng làm “linh vật” tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.
         Trâu góp phần tạo nên tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân.
         Hiện nay, làm cách nào để những sáng tạo gắn với trâu, ở nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ sản phẩm tinh thần cho đến vật chất, được công nhận, được bảo hộ quyền sáng tác, sáng tạo? và không ai khác có thể sao chép, cạnh tranh không lành mạnh? hay để những giống trâu đặc trưng của Việt Nam được biết tới nhiều hơn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trâu của Việt Nam?
         Nếu như trong quá khứ, hình ảnh trâu gắn với sáng tạo của cộng đồng, cá nhân và được thừa nhận nguồn gốc xuất xứ cũng bởi cộng đồng thì nay nhãn hiệu trâu có thể được đăng ký, bảo hộ độc quyền. Tra cứu trên Thư viện điện tử IPLIB của Cục Sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu có từ khóa là “trâu” hoặc “buffalo”, đã có đến 238 nhãn hiệu nộp đơn đăng ký, trong đó có 142 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó nhiều nhãn hiệu thuộc về các sản phẩm truyền thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam như giống, lương thực, thực phẩm, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp…thật là một tài sản trí tuệ rất ý nghĩa.
         Đất Nước mình mãi còn là vì có những thứ không cầm nắm được nhưng có thể truyền lại cho đời sau, có những thứ bình dị nhưng gột nên bao điều thiêng liêng mà không ai được phép lãng quên. Chẳng hạn, âm thanh của tiếng trống hội gióng lên ngày xưa như vẫn còn vọng mãi đến muôn đời...
         Ngày nhỏ đi chăn trâu, bọn trẻ con chúng tôi rất thích xoa vào bụng trâu rồi vỗ vỗ tay vào để nó kêu lên như trống. Về cấu trúc sinh học, trâu khác với các loại động vật khác ở chỗ bụng luôn căng ra, bất kể no hay đói. Trâu thả trên đồng thì nó cứ gặm cỏ suốt buổi, mỗi lần nhấm nháp một ít để tối về nhai lại. Bụng trâu căng ra như một cái trống, khi đưa tay vỗ vào nó sẽ phát ra tiếng kêu và nhờ đó biết được trâu đã no cỏ hay chưa. Trẻ con đi chăn trâu bày nhau cái mẹo này và cứ vỗ hoài nên thành ra một trò chơi. Những buổi chiều muộn, lũ trẻ cưỡi lên lưng trâu về nhà. Khi đó trâu đã no lắm rồi, chúng đi chậm chạm nhưng dũng mãnh, bụng lắc qua lắc lại. Mỗi ngày, những chiếc trống bụng trâu cứ thế đi trên đường làng, còn lũ trẻ thì dùng tay làm dùi đánh vào nghe bộp bộp rất vui tai. Người dân quê biết đánh trống ngay từ thuở ấu thơ là vậy.
         Con trâu có một đặc điểm là nó đi rất hiên ngang, vững chãi, thấy đàn trâu đi trên đường là người và xe cộ phải tránh nó chứ chúng nhất định không tránh ai, nên mới có câu ca nhắc lái xe trên đường tuần tra biên giới: “chó tránh đầu, trâu tránh đít”.
         Con trâu đã được dùng làm linh vật cho Siageme 23 tại Việt Nam. Ở Ninh Bình có biểu tượng con trâu trong quán Trâu vàng rất đông khách đến ăn.
         Con trâu hay như thế đấy, về vui vườn lão tôi lại chơi với trâu, ra đồng chăn trâu ngắm lúa, thế là vui sướng nhất trần gian.
 
Ngày mồng một tết Tân Sửu 2021
Hoàng Kiền

 
tin tức liên quan