"Nhớ Tết Trường Sơn - Xuân Kỷ hợi, nửa Thế kỷ trước" - Ký ức của Hoàng Kiền

Ngày đăng: 06:37 18/02/2021 Lượt xem: 373
NHỚ TẾT TRƯỜNG SƠN,
XUÂN KỶ HỢI NỬA THẾ KỶ TRƯỚC (1971 - 2021)

         Đầu xuân mới tết Tân Sửu, dịch Covid bùng phát rất phức tạp, Hà Nội đã có các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, các cửa hàng ăn, quán ba, một số nơi tham quan, lễ lạt đã đóng cửa. Ở nhà ngồi bó gối trên giường, chả đi đâu được.
Mùng năm tết vẫn chưa qua
Thủ đô covid phát ra khó lường
Nhắc nhau hạn chế ra đường
Lão ngồi bó gối trên giường thảnh thơi .
         Người đời thường nói: "Nhàn cư vi bất thiện", nhưng không, bỗng dưng nhớ lại cái tết, mùa xuân tròn nửa thế kỷ trước tại chiến trường Trường Sơn, tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào, thế là mở máy viết ra mấy dòng.
         Ngày 19/8/1970 đang dạy cấp hai, thầy giáo Hoàng Kiền rời lớp xa trò, tạm biệt mái trường thân yêu lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 - Tỉnh đội Nam Hà hơn 500 chiến sĩ, phần lớn là thầy giáo cấp 1, cấp 2 lên đường vào chiến trường đánh Mỹ.
         Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn vô cùng gian nan. Hơn một tháng chúng tôi vào đến đường 9 Nam Lào, được bổ sung cho Bộ tư lệnh Trường Sơn. Thế rồi tôi gắn bó với Trường Sơn, với con đường huyền thoại gần 6 năm liền.
          Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; nhưng khí thế lên đường vẫn hừng hực, hào hùng thôi thúc đoàn quân ra chiến trường đánh Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào đến đường 9 Nam Lào đã là một một sự cố gắng lớn. Những đơn vị vào miền Đông Nam Bộ phải đi mất 6 tháng vượt Trường Sơn, đến miền Tây Nam Bộ mất bảy tháng hành quân, chưa chiến đấu cũng xứng đáng được thưởng huân chương rồi.
         Tết Tân Hợi năm 1971, cái tết đầu tiên tại chiến trường Trường Sơn. Đón tết xong là chúng tôi bước vào chiến dịch lớn.
          Tôi được biên chế vào tiểu đội khảo sát thuộc Ban Tham mưu Công binh Binh trạm 32, đơn vị đóng quân ở khu vực Bắc - Nam đường số 9. Đường 9 cắt ngang Đông Dương, mọi con đường vào chiến trường đều phải cắt qua đường 9, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ngăn chặn tạo thành các trọng điểm khu vực vô cùng ác liệt.
         Ngay sau tết, tại SCH cơ bản trên đường 128 B khu vực Tây Bắc đường số 9 mất liên lạc với SCH tiền phương ở Đông Nam đường số 9 trên đất bạn Lào. Theo chỉ thị của Binh trạm trưởng, Ban Công binh cử thiếu uý Nguyễn Văn Hưng và binh nhì Hoàng Kiền đi trinh sát đường và vào nắm tình hình SCH tiền phương. Tôi đeo ba lô, một khẩu súng AK và 3 băng đạn, bi đông nước, lương khô ăn đường; anh Hưng đeo ba lô như tôi và khẩu súng ngắn K 54, sáng sớm hôm ấy xuất phát. Vượt qua dốc 69 cứ leo hun hút lên đỉnh giải lao, lại bám dây bám cây đi xuống cứ thăm thẳm chùn hết đầu gối lại, gặp đường ô tô là hết dốc. Theo đường 128 A, đi xuôi về phía Đông Nam đến trọng điểm Văng Mu thì dừng lại. Nhìn Văng Mu tan hoang ngùn ngụt, làm thế nào vượt qua đây.
         Trọng điểm Văng Mu trên đường 128 A địa hình vô cùng hiểm trở, bên phải là núi cao dốc đứng, bên trái là vực sâu thăm thẳm, liền kề là con sông Nậm Cốc, đường độc đạo. Địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt, đủ các loại bom đạn, đánh suốt ngày đêm; đêm đêm pháo sáng thả khắp cả vùng không giây nào ngừng. Văng Mu được ví là "Cánh cửa thép Trường Sơn". Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn Công binh 31 của Binh trạm 32 bảo đảm trọng điểm này. Cán bộ chiến sỹ Đại đội đã dũng cảm bám trụ phá bom từ trường, bom mổ chậm, các loại mìn địch thả xuống, xông lên san lấp kịp thời để thông đường cho xe vận chuyển vượt qua trọng điểm. Nhiều đồng chí anh dũng hy sinh. Đại đội 2 đã được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đường 128 qua Văng Mu
Đêm đêm sáng trắng đèn dù
Đạn xới, bom cầy rừng tan nát
Đá hoá thành vôi, đất đỏ lừ.
Vách đứng vực sâu lượn vượt qua
Không lực Hoa Kỳ đánh xát trà
Mưu toan cắt chặn đường chi viện
"Cửa thép Trường Sơn" vẫn mở ra.
Công binh bám trụ quyết không rời
Chờ thời đợi lúc ngớt bom rơi
Xông lên tháo phá, san gạt lấp
Rầm rập xe lao chuyển đất trời.
         Chúng tôi dừng chân tại Trạm điều chỉnh giao thông, còn gọi là Barie phía Bắc đèo, hỏi anh em Công binh về tình hình, quy luật đánh phá của địch. Chọn thời điểm địch ngừng đánh phá, giữa trưa hai anh em cuốc bộ chạy qua, ban ngày không có xe chạy, phải đi bộ kết hợp kiểm tra đường, đất bột ngập đến nửa ống chân, trời mùa khô nắng chang chang. Suốt khu vực bốn năm ki lô mét chiều dọc, hai ba ki lô mét chiều ngang, rừng bị tàn phá tan hoang trơ trụi hoàn toàn, không còn ngọn cỏ, cành cây. Dù pháo sáng rơi xuống bám trắng trên các gốc cây cụt cháy đen nham nhở, đất đá ngổn ngang, hố bom chồng lên hố bom chi chít. Hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi vượt qua an toàn, thật là may, rất mừng, hồi hộp lắm.


(Ảnh minh họa)
 
         Chiều hôm ấy đến vị trí chỉ huy của Đại đội 2 Anh hùng, đơn vị đóng quân tại khu rừng già ven bờ suối khá xa trọng điểm Văng Mu nên vẫn an toàn. Anh Nguyễn Ngọc Sơn quê thành phố Nam Định là Đại đội trưởng, nhận đồng hương ngay; anh Bùi Minh Dần quê ở Nghệ An làm Chính trị viên, anh Dần cùng tuổi tôi, tôi Binh nhì Chiến sĩ, anh đã là Chính trị viên Đại đội với rất nhiều huân chương , thật trân trọng Anh. Hai anh cùng Chiến sĩ đơn vị đón tiếp thân tình. Nghỉ ngơi rồi ra xem anh em chơi bóng chuyền, chiến trường vẫn có hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe để chiến đấu. Bữa cơm chiều, rất vui, ấm tình đồng đội nơi trọng điểm trên đường Trường Sơn huyền thoại.
         Đêm hôm ấy ngủ trong hầm của đơn vị, nghe tiếng xe ầm ầm chạy qua, tiếng bom nổ từng đợt từng đợt, tiếng đạn 20 ly, 40 ly do máy bay AC - 130 bắn đuổi xe chói tai không ngớt, xe cháy, có đồng đội hy sinh, anh Sơn, anh Dần cùng anh em ra vị trí chỉ huy đơn vị bảo đảm giao thông, chống phá hoại, cấp cứu thương binh, chôn cất tử sĩ, suốt đêm không nghỉ.
         Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân sớm. Đi qua ngã 3 Na Bo cũng là một trọng điểm ác liệt, máy bay địch thả truyền đơn trắng xoá cả khu vực , rơi xuống từng bó chưa tan, chúng tôi nhặt xem, thơ văn của bọn nguỵ vô vần, bất luật chả ra gì cả
"Trưa hè trời nắng chang chang
Tiếng chim cu gáy buồn ơi là buồn
Ơi anh Bộ đội lính trơn
Bỏ quân cộng sản về theo cộng hoà"
         Rồi những lời văn kêu gọi "hỡi các anh lính Bắc Việt hãy bỏ quân cộng sản Bắc Việt xâm lược Việt Nam cộng hoà về với chính nghĩa Quốc gia sẽ được khoan hồng và đối xử tử tế."
          Bọn tay sai bán nước nói năng bậy bạ, văn thơ chẳng ra cái quái gì, chúng tôi châm lửa đốt từng đống.
         Từ ngã ba Na Bo theo đường 35 khoảng hơn mười ki lô mét đến sông Sê Băng hiêng, một con sông lớn ở Nam Lào chảy ra sông Mê Công. Mùa khô xe ta vượt sông bằng ngầm Tha Mé, qua ngầm Tha Mé là đèo Tha Mé, một trọng điểm vô cùng ác liệt phía nam đường 9, đây là một khu vực trọng điểm vừa ngầm vừa đèo nên bảo đảm vô cùng khó khăn. Chúng tôi dừng chân phía Bắc ngầm, vào Trạm điều chỉnh giao thông của Công binh chờ đợi. Tiếng máy bay rít trên đầu, pháo cao xạ nổ rầm rầm trên trời , bom nổ ầm ầm, vừa dứt tiếng bom, nó đánh không trúng ngầm, thế là anh em nhanh chân lội qua ngầm rồi lại tạm dừng, tiếp tục chờ thời cơ ngớt bom là vượt qua đèo, an toàn thế là yên tâm.
         Tôi theo anh Hưng tiếp tục đi bộ vào Sở chỉ huy tiền phương của Binh trạm 32, bom địch vừa đánh phá xong, rừng cây đang cháy nghi ngút. Chúng tôi tìm đến hầm chỉ huy tiền phương, Đại uý Nguyễn Ngọc Quang - Trưởng Ban Tham mưu Công binh của Binh trạm 32 đang trực chỉ huy ở đây. Địch vừa đánh bom phá, bom cháy, cháy hết quân tư trang, tất cả chui vào hầm chữ A phòng tránh, khói tạt vào ngạt thở hết cả vô cùng nguy hiểm.
         Tôi lần đầu gặp thủ trưởng Quang, anh Hưng đã biết ông.
         Ông hỏi: Các cậu đi đâu?
         Anh Hưng báo cáo: ở SCH mất liên lạc, không biết tình hình trong này thế nào nên Binh trạm trưởng chỉ thị, Ban cử chúng tôi đi khảo sát nắm tình hình đường xá và tình hình SCH tiền phương.
         Trưởng ban Tham mưu Công binh với nét mặt nghiêm nghị nói :
       Nó đánh bom liên tục mấy hôm nay, hữu tuyến điện, vô tuyến điện hỏng hết cả; nó đang chuẩn bị đổ bộ xuống đây cắt đứt đường 35. Sáng mai các cậu về ngay báo cáo tình hình, phải mở đường tránh phía tây ngay.
         Bấy giờ khoảng hơn 5 giờ chiều, nắng nóng kèm bom đánh cháy nghi ngút vô cùng ngột ngạt, ai cũng chảy hết nước mắt nước mũi ra, mồ hôi đầm đìa quyện mùi khói cây cháy, hơi thuốc bom khét lẹt.
         Ông lấy ăng gô đường đỏ mở ra, kiến đỏ nhỏ li ti chui vào ăn đường kín cả ăng gô. Ông múc ra 3 thìa pha 3 bát nước, kiến lẫn đường, ông bảo mỗi thằng một bát uống đi. Ông bê lên nói : kiến ăn của ta, ta ăn kiến, thế rồi uống hết luôn, chúng tôi cũng uống theo. Kiến cũng là thực phẩm bổ mà, ở chiến trường được cung cấp mấy lạng đường đỏ là quí lắm, kiến cũng thèm đường, nó ăn của ta ta ăn nó, đành phải ăn cả kiến thôi.
         Đêm hôm ấy nằm trong hầm chữ A chật chội, ngột ngạt, mệt quá rồi cũng ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
       Sáng tinh mơ chúng tôi dậy ăn sáng rồi lên đường, Đại uý Nguyễn Ngọc Quang nói: Chúng mày phải đi đường tắt, theo đường mòn mà về cho nhanh và an toàn, đi đường ô tô nguy hiểm lắm. Ông đưa bản đồ ra hướng dẫn cụ thể, anh Hưng lấy bản đồ ra vẽ theo. Tôi vào Ban tham mưu Công binh, trước tết cũng được các anh Trợ lý là Kỹ sư, Trung cấp cầu đường tập huấn cho một tuần nên đã biết đọc bản đồ, đứng nhìn theo cũng nắm được.
         Hai anh em lên đường khẩn trương, đi qua quả đồi không tên, cây cối lúp xúp, thấy đơn vị phòng không 12,7 ly đào công sự chiến đấu, đang nguỵ trang, bất ngờ tôi gặp bạn học cấp 2 là Đinh Văn Các, đồng hương cùng xã mừng lắm, được biết đây là đơn vị phòng không thuộc Sư đoàn 2 do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn chỉ huy đã về đón phục ở đây từ trước.
         Các hỏi: hai anh em đi đâu?
         Chúng tôi về Binh trạm 32 báo cáo tình hình.
        Chạy nhanh lên, trực thăng nó sắp đổ bộ rồi. Ở chiến trường gặp bạn học đồng hương là quí vô cùng, không kịp nói chuyện với nhau, thật là tiếc.
         Hai anh em nhanh chóng vừa đi vừa chạy thật nhanh theo đường mòn, thế rồi trực thăng nó bay đến như chuồn chuồn, súng phòng không của ta bắn lên, chúng rụng như sung, nó vẫn đổ bồ xuống sau lưng chúng tôi, chậm chân một tí là rất nguy hiểm, sẽ bị nó chụp xuống, mình chỉ có 1 khẩu AK, 1 khẩu súng ngắn thôi, chiến đấu không địch nổi bọn chúng đông nhung nhúc. Mình cần về báo cáo tình hình, phải nhanh chân thế là thoát khỏi nơi chiến sự ác liệt xảy ra.
         Chúng tôi về theo đường 128 B, là đường tránh của đường 128 A, qua trọng điểm Phú Kiều cũng vô cùng ác liệt. Đã có kinh nghiệm vượt qua an toàn.
         Về Binh trạm bộ báo cáo tình hình, tiểu đội khảo sát của Ban Tham mưu Công binh Binh trạm 32 do thiếu uý Vũ Văn Chuyển - Trung cấp cầu đường, Trợ lý phụ trách lên đường đi khảo sát ngay, phối hợp với Đại đội khảo sát của Cục Tham mưu Công binh - Bộ tư lệnh Trường Sơn khảo sát đoạn đường tránh đường 35, gọi là đường 32A.
         Khi về Binh trạm bộ mới được phổ biến về Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đang diễn ra.
         CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 NAM LÀO.
- Từ năm 1964 đến 1970 suốt hơn 6 năm sử dụng tối đa sức mạnh của không quân, Mỹ vẫn không ngăn chặc được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mỹ- nguỵ đã quyết định mở chiến dịch qui mô lớn bằng bộ binh tiến công đánh vào đường Trường Sơn. Lực lượng gồm quân Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn, quân hoàng gia Lào và quân đội đội Thái Lan tham gia.
- Ngày 30 tháng 1 năm 1971 cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ miền Nam, 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất. Với số lượng lớn binh khí kỹ thuật, gồm 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52), chúng tập kết tại Đông Hà tiến lên khu vực xuất phát là Khe Sanh. Từ đây cuộc hành quân được thực hiện bằng hai phương thức:
- Tiến công đường bộ: Đánh sang theo đường 9 mục tiêu là đánh tới Bản Đông, Sê Pôn trên đất Lào.
- Đổ bộ đường không: Đổ bộ xuống các khu vực trọng điểm để cắt đứt đường Trường Sơn trong một phạm vi có chính diện và chiều sâu khá lớn ở khu vực nam đường 9.
         Phối hợp ở phía tây, quân nguỵ lào huy động 4 tiểu đoàn từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, phía tây Mường Phìn, quân đội Thái Lan hỗ trợ, sẵn sàng tham chiến.
         Mục tiêu trong chiến dịch này là hành quân này là cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá huỷ tối đa các kho chiến lược trên đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện các mặt cho lực lượng của ta ở chiến trường.
Để đánh bại cuộc hành quân này, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.
         Do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã lấy được toàn bộ kế hoạch cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ nguỵ, báo cáo ra Bộ Tổng tư lệnh, chúng ta đã chuẩn bị trước để đối phó.
         Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công. Lực lượng của Bộ được điều động đến phục sẵn như Sư đoàn bộ binh 2 và một số đơn vị.
         Cánh đông Bắc thành lập mặt trận B70 bao gồm các Sư đoàn 304, 308, 320 và các Trung đoàn, Tiểu đoàn độc lập.
         Cánh phía tây giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách gồm: Sư đoàn 968, Sư đoàn 2, Trung đoàn 48, Trung đoàn 29, cùng một số Trung đoàn, Tiểu đoàn binh chủng. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng dự bị đánh địch tại chỗ trên toàn địa bàn chiến dịch, các đơn vị của BTL Trường Sơn được trang bị vũ khi bộ binh để tham gia đánh địch.
         Ngày 3/1/1971 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận đường 9 - Nam Lào " .... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược....Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này".
         Ngày 23 tháng 3 năm 1971 chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Quân đội Sài Gòn nòng cốt của học thuyết Ních Xơn "Việt Nam hoá chiến tranh" bị giáng một đòn thất bại nặng nề. Hơn 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. 1.138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, 112 pháo lớn bị phá huỷ, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay trực thăng bị bắn rơi....
         Vừa trực tiếp bảo đảm cho chiến dịch, vừa tham gia chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 125 xe pháo các loại.
         Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược cho các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra.
         Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc chiến tranh ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam qua đường Trường Sơn của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn.
         Sau này về học tại Học viện Lục quân, Học viện Quốc phòng tôi hiểu sâu hơn về Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, là một chiến dịch phản công điển hình nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được đưa vào giảng dạy ở các Học viện, Nhà trường trong Quân đội.
         Nửa thế kỷ nhớ lại kỷ niệm xưa, vẫn bồi hồi xúc động và tự hào. Gặp Đại uý Nguyễn Ngọc Quang lần đầu và duy nhất, chỉ biết ông là người Quảng Nam tập kết ra Bắc, năm ấy ông khoảng gần bốn mươi tuổi, người to cao, sau đó không gặp lại ông nữa. Không biết sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào Thủ trưởng Ban Tham mưu Công binh của chúng tôi ra sao. Vẫn nhớ đến ông với kỷ niệm sâu đậm về chiến trường Trường Sơn năm ấy.
        Hoà Bình, thắng Mỹ trở về, tôi đến thăm gia đình bác Đinh Văn Bơ là bố mẹ của bạn Đinh Văn Các, thông báo bạn Các đã hi sinh ở chiến trường Trường Sơn trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Gia đình cho biết: Các đã nhập vào em gái báo tin hy sinh, gia đình đã biết các thông tin cùng giấy báo tử. Là gia đình theo đạo Thiên chúa, tôi hỏi các bác có thờ anh Các không?
         Hai bác nói chúng tôi giao cho em trai của Các là Đinh Văn Bình thờ, vì bên Thiên Chúa giáo chỉ thờ Chúa thôi… Chú Bình đưa tôi về nhà đến bàn thờ ở một góc nhà, có Bằng Tổ quốc ghi công, có ảnh , có bát hương thờ Đinh Văn Các. Tôi đặt lễ, thắp nén nhang khấn bạn với lòng tiếc thương sâu sắc.
         Cái tết đầu tiên của tôi tại chiến trường Trường Sơn, mùa xuân Kỷ hợi nửa thế kỷ trước như thế đấy - Những năm tháng không thể nào quên.

 
Hà Nội ngày 5 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 (Nhằm 16/2/2021)
Thiếu tướng Hoàng Kiền

tin tức liên quan