"Kỷ niệm với Đảo Lý Sơn" – Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 03:53 07/03/2021 Lượt xem: 360
Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền
 
KỶ NIỆM VỚI ĐẢO LÝ SƠN
(1995 - 2021)
  
         Những năm công tác tại Quân chủng Hải quân, tôi được đi khắp các miền biển đảo của đất nước, đã đến đảo Lý Sơn năm 1995, một hòn đảo ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, một điểm trên đường cơ sở của Việt Nam. Hơn một phần tư thế kỷ đã qua, đầu Xuân Tân Sửu thời covid ngồi viết lại mấy dòng lưu niêm.
HAI TAY HAI DẤU
         Ngày14/3/1988 Trung Quốc đơn phương gây ra cuộc xung đột vũ trang trên biển khu vực đảo Gạc Ma, bắn chìm 2 tàu vận tải, bắn cháy 1 tàu đổ bộ, sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, họ đã chiếm đảo chìm Gạc Ma của ta, đến lúc này họ đã xâm chiếm và dùng vũ lực đánh chiếm tổng số 7 bãi đá ngầm trên khu vực Trường Sa. Sau sự kiện này, họ tiếp tục gây tình hình rất căng thẳng trên biển Đông, đặc biệt là khu vực Trường Sa.
         Để bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng công trình bảo vệ Trường Sa được đầu tư tăng lên rất lớn theo chương trình Biển Đông - Hải Đảo. Do sử dụng nguồn vốn Nhà nước, các đơn vị Công binh lại không có pháp nhân nên phải làm B phụ cho các Công ty, rất nhiều vấn đề phức tạp. Là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân chủng Hải quân, đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa từ năm 1976 đến nay, tôi nghĩ đến việc thành lập Công ty.
         Được đi học Lớp Quản lý kinh tế 3 tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức, Khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy, giúp tôi mở mang ra nhiều điều. Thế là vừa học, tôi vừa viết Đề cương thành lập Công ty, quan trọng nhất là vốn pháp định phải có 1 tỷ đồng, vào năm 1993 cũng khá lớn. Tôi bàn trong Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn là trích 500 triệu đồng tiền làm kinh tế đường dây tải điện 500 KV và chuyển 1 máy ủi D7, 1 máy gạt, 1 máy xúc, 1 xe ô tô sang; tính ra giá trị 500 triệu, tự Trung đoàn trưởng ký đống dấu đưa vào hồ sơ. Tôi giao cho đồng chí Lê Hồng Trường – Trợ lý Tài chính hoàn chỉnh Đề án thành lập Công ty. Việc cắt trang bị sang thành lập Công ty, Thượng tá Nguyễn Văn Thiều – Phó Phòng Quân lực không đồng ý, với tình cảm tôi là học viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, anh là Tiểu đoàn trưởng quản lý học viên đã có mối quan hệ tình cảm thân thiết anh em, tôi đề nghị anh cứ để tôi mượn trang bị của Trung đoàn góp vốn thành lập Công ty, sau này làm ra tiền tôi sẽ mua xe máy mới trả lại Trung đoàn. Anh Thiều không ra quyết định vì liên quan đến trang bị phải báo cáo Cục Quân lực, nhưng cũng ngầm lờ đi, không ý kiến gì. Tôi và đồng chí Trường ra làm việc với Phòng Kinh tế, được anh Bính – Trưởng phòng và anh Ninh – Trợ lý nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ. Tôi trực tiếp gặp Tư lệnh Mai Xuân Vĩnh báo cáo việc thành lập Công ty, Tư lệnh nói: Tôi nghe anh báo cáo cũng thấy lạ lắm, Quân đội ta nói riêng, trên thế giới nói chung chưa thấy ở đâu Trung đoàn thành lập Công ty cả. Tôi trình bày lý do rất kỹ với Tư lệnh và đề nghị Thủ trưởng cứ đồng ý, còn lại các vấn đề do chúng tôi tự giải quyết. Tư lệnh điện triệu tập ngay các cơ quan Bộ Tư lệnh họp đột xuất ngay nghe Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83 báo cáo Đề án thành lập Công ty; chỉ có Phòng Kinh tế là ủng hộ, còn tất cả các cơ quan đều nghi ngại, chưa có tiền lệ, chưa có mô hình, có đúng luật không? Tôi giải thích thêm do yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Trường Sa, thành lập Công ty là một đặc thù, vốn tự có, tách một bộ phận cán bộ quản lý, chỉ huy của Trung đoàn sang, hợp đồng thêm cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Các công trình nguồn vốn Nhà nước và các công trình kinh tế bên ngoài Công ty ký, Trung đoàn phối hợp thi công, Công ty từng bước củng cố phát triển, có các đội thi công độc lập. Sau khi nghe giải trình, Tư lệnh đồng ý ký vào các văn bản đề nghị lên Bộ Quốc phòng cho phép thành lập Công ty, tên Tư lệnh đặt cho là Công ty Xây lắp Hải Công nghĩa là Công binh Hải quân. Tôi và đồng chí Lê Hồng Trường cùng các anh Phòng Kinh tế rất mừng, mở ra khả năng thành công. Bước tiếp theo là báo cáo Bộ Quốc phòng, được anh Bính, anh Ninh giúp đỡ cùng đi làm việc, lên Hà Nội nằm ở Nhà khách Phùng Hưng suốt gần một tháng. Chúng tôi làm việc với Vụ Tổ chức - Lao động - Đào tạo/Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và kinh tế, nhờ anh Nguyễn Trọng Đào – Vụ trưởng, anh Thưởng, anh Tư – Chuyên viên giúp đỡ để hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ; trực tiếp gặp Văn phòng/ Bộ Quốc phòng đề nghị giúp đỡ, sau đó gặp báo cáo Trung tướng Phan Thu – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế . Đồng chí còn phân vân về mô hình chưa có tiền lệ và thấy lạ… Tôi đã trình bày kỹ các vấn đề, tất cả vì Trường Sa thân yêu; Thứ trưởng Phan Thu đã ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Công ty Xây lắp Hải Công. Bước quan trọng nhất là cấp Chính phủ, phải qua các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước, cơ bản nhận được sự ủng hộ thuận lợi; riêng Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải rất khó khăn. Nhờ có anh Bính thân với anh Phan Đình Đại – Vụ trưởng của Bộ Giáo dục & Đào tạo có anh là Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng gặp mặt tác động nên đã thông qua được Bộ Xây dựng. Bộ Giao thông vận tải mới gian nan, đến gặp đồng chí B – Chuyên viên, anh ấy khinh khỉnh, không ủng hộ, gặp nhiều lần ở cơ quan cũng không được. Chúng tôi phải nhờ người hỏi địa chỉ nhà riêng. Một tối mùa Đông mưa phùn, gió bấc, trời rét căm căm; bốn chúng tôi: Kiền, Bính, Linh, Trường mò mẫm tìm vào nhà anh B, trao đổi chân tình, tặng quà thỏa đáng, hôm sau mới lấy được chữ ký thẩm định của Bộ Giao thông vận tải. Chúng tôi đi xe con của Bộ Tư lệnh phục vụ, quá trình đi lại trao đổi với nhau; đồng chí lái xe nói tên B này ăn dày quá, kinh tế thị trường mở ra như thế đấy.
         Hội đồng Thẩm định Doanh nghiệp Nhà nước họp nghe báo cáo của các đơn vị, trong đó Công ty Xây lắp Hải Công do tôi trình bày, Công ty Xây dựng Hải Triều (Trung đoàn CB131) cùng phối hợp thực hiện, các bước theo kinh nghiệm của Trung đoàn CB83. Sau khi hội nghị thảo luận đều thống nhất ý kiến, báo cáo Thủ tướng cho phép thành lập Công ty Xây lắp Hải Công và Công ty Xây dựng Hải Triều. Thủ tướng Chính phủ đã ký cho phép thành lập doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có Công ty Xây lắp Hải Công. Chúng tôi vẫn ở trên Hà Nội, bám đề nghị các cơ quan triển khai. Đại tướng Đoàn Khuê – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định thành lập Công ty Xây lắp Hải Công, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử của Trung đoàn CB83.
         Tôi mang Quyết định về hội ý Thường vụ, Chỉ huy để triển khai và thông báo cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ; niềm vui mừng, phấn khởi trong toàn đơn vị và cả khu vực Sơn Trà, các cơ quan, đơn vị của Quân chủng Hải quân. Công tác tổ chức được triển khai ngay; Trung đoàn trưởng kiêm Giám đốc Công ty, tách một bộ phận sang Công ty; đồng chí Vũ Ngọc Xuân, đồng chí Võ Hồng Khanh hai Kỹ sư được điều hẳn sang Công ty, đồng chí Phùng Vinh – Chánh Văn phòng và một số nhân viên khác; thông báo việc thành lập lên báo và tuyển dụng Kỹ sư, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bộ máy đã nhanh chóng được hình thành và đi vào hoạt động. Công ty thành lập một Chi bộ thuộc Đảng bộ Trung đoàn CB83, bắt đầu từ năm 1994 tất cả các công trình thuộc nguồn vốn Nhà nước ở Trường Sa do Công ty ký, Trung đoàn ký làm B phụ. Tôi là Trung đoàn trưởng kiêm Giám đốc Công ty; hai tay hai dấu. Trung tá Nguyễn Văn Thống - Trung đoàn phó kiêm Phó giám đốc.
         Một giai đoạn mới mở ra từ đây, chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như trên thế giới .
Một thời áo trắng quần xanh
Hai tay hai dấu song hành mở ra
Ven bờ, biển đảo Trường Sa
Bừng lên vang rộn bài ca công trình.

 
         
Đảo Lý Sơn (Ảnh minh họa)           
           XÂY DỰNG TRẠM RA ĐA LÝ SƠN
         Ngày 17/2/1979 Trung Quốc đưa 60 vạn quan mở cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta, đến 18/3/1979 họ rút hết quân nhưng xung đột vũ trang vẫn diễn ra, ác liệt nhất là khu vực Vị Xuyên - Hà Giang kéo dài suốt gần mười năm liền…
         Cuối năm 1987, đầu năm 1988 Trung Quốc đã đưa lực lượng Hải quân xuống xâm chiếm một số bãi đá ngầm trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ đã gây ra sự kiện 14 tháng 3 năm 1988 bắn chìm tàu vận tải HQ604 tại đảo chìm Gạc Ma, tàu vận tải HQ 605 tại đảo chìm Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ505 tại đảo chìm Cô Lin, sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chiếm đảo Gạc Ma của ta. Sau đó họ tiếp tục gây tình hình rất căng thẳng trên Biển Đông, dẫn đến sự tranh chấp chủ quyền trên biển giữa các nước trong khu vực xảy ra quyết liệt và liên tục.
         Đầu những năm 1990, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, Liên Xô tan rã, Các nước XHCN đông Âu sụp đổ, Chủ nghĩa xã hội đi vào thoái trào. Viện trợ cho Việt Nam không còn, tình hình đất nước còn khó khăn về nhiều mặt.
         Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton thực hiện một bước đi lịch sử là dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, mở ra một cơ hội mới cho nước ta về nhiều mặt trong quan hệ với các nước phương Tây.
         Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, cần tăng cường khả năng quan sát biển, bảo đảm nắm hoạt động của tàu bè đối phương và bảo đảm an toàn hàng hải trên Biển Đông. Bộ tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh - Tư lệnh Hải quân, ông đã được đào tạo cơ bản về ra đa Hải quân bên Liên Xô, đề nghị với Bộ Quốc phòng cần xây dựng hệ thống ra đa quan sát biển tầm xa bổ sung cho hệ thống đã có. Trên cơ sở báo cáo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị thiết lập hệ thống ra đa CGB Quốc gia tầm xa mang tầm chiến lược để thực hiện nghị quyết 03/NQ/TW ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị nhằm tăng cường quản lý biển và bảo vệ chủ quyền, quyền lợi Quốc gia trên biển.
         Dự án này lúc đó rất cấp thiết và khẩn trương, và sau này đã được quyết định 121/TTg quy định rõ phải hoàn thành trong ba năm 1995 - 1998. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng là hai Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện dự án, trong đó Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản đầu tư, đàm phán và ký kết hợp đồng (do sử dụng vốn ODA để nhập thiết bị liên quan đến mục đích quân sự), Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật của dự án: tư vấn lập dự án, lắp đặt, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đào tạo và quản lý khai thác sử dụng hệ thống.
         Ban chỉ đạo Biển Đông - Hải đảo của Nhà nước do Phó thủ tướng Trần Đức Lương làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo. Các bước được triển khai ngay từ cuối năm 1994 bao gồm khảo sát vị trí, lập dự án xây dựng hệ thống trạm ra đa và đàm phán với hãng Thomson của Cộng hoà Pháp mua thiết bị ra đa. Giai đoạn 1 có 2 trạm ra đa Lý Sơn và Phú Quí. Tư lệnh Hải quân Mai Xuân Vĩnh ký giấy giới thiệu, Trung tá Hoàng Kiền - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 kiêm Giám đốc Công ty xây lắp Hải Công đến làm việc ký hợp đồng với Ban quản lý dự án Biển Đông tại Hà Nội nhận thi công hai Trạm ra đa Thomson. Sau đó giao Trạm ra đa đảo Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi cho Xí nghiệp xây dựng của Công ty xây lắp Hải Công thi công, Trạm ra đa Phú Quí - Bình Thuận do Trung đoàn Công binh 83 "làm B phụ" cho Công ty xây lắp Hải Công thi công.
         Ở Hải quân đã khá lâu, tôi đã đến nhiều Trạm ra đa, tất cả đều chọn địa hình ven biển và trên các đảo gần bờ ở các điểm cao theo nguyên lý sóng truyền thẳng, phải có độ cao mới vượt qua vòng cầu của mặt biển đi xa được. Ra đa Thomson lại khác hoàn toàn, nó hoạt động theo nguyên lý hiệu ứng đường ống, sóng ra đa phát ra bò theo mặt biển gặp vật cản cũng phản xạ trở lại theo mặt biển, do đó trạm ra đa đặt thấp chỉ cao hơn mặt biển khoảng 5 mét thôi nên việc xây dựng cũng thuận lợi hơn.
         Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách cách bờ biển Quảng Ngãi 15 hải lý tương đương 27 ki lô mét về hướng Đông Bắc, với diện tích tự nhiên hơn 10 km2. Địa hình xây dựng trạm ra đa cũng thuận lợi, nhưng vận chuyển vật liệu ra đảo rất khó khăn, đều phải đưa từ đất liền ra. Tất cả đều chở từ cảng Sa Kỳ ra bằng tàu vận tải của dân.

         (Còn nữa)

tin tức liên quan