"Kỷ niệm với Đảo Lý Sơn" – Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo)
Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền
KỶ NIỆM VỚI ĐẢO LÝ SƠN
(1995 - 2021)
(Tiếp theo)
NHỮNG LẦN RA LÝ SƠN
* Lần thứ nhất:
Tháng 8 năm 1995 tôi dẫn đầu đoàn của Công ty xây lắp Hải Công ra đảo triển khai xây dựng Trạm ra đa Lý Sơn. Xuất phát từ cảng Sa Kỳ - Quảng Ngãi. Khi ấy cảng biển Sa Kỳ mới hoàn thành, công trình do Công ty xây dựng Lũng Lô của Bộ tư lệnh Công binh thi công khâu nổ phá đá ngầm khơi thông luồng vào cảng, Trung đoàn Công binh 83 đã có chiếc cần cẩu lớn PH tham gia với Công ty xây dựng Lũng Lô trên cảng Sa Kỳ mấy tháng liền. Tôi đã đến đây từ năm 1993, đứng trên cảng Sa Kỳ nhìn rõ đảo Lý Sơn sừng sững trước mặt ngoài biển khơi, mong có ngày ra thăm đảo, nay được ra rồi. Lần đầu ra đảo làm nhiệm vụ xây dựng công trình, tàu cập cảng là cùng bên A đến làm việc với Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn, nhận mặt bằng thi công, triển khai công việc cho anh em, cơ bản thuận lợi, giao lưu với lãnh đạo của huyện rất thân tình. Chủ tịch huyện còn trẻ, rất nhiệt tình, sôi nổi, hăng hái. Chỉ có tiếng nói ở đây là đặc biệt, người dân miền Nam Trung Bộ lại ngoài biển khơi nói ríu rít như chim, như tiếng nước ngoài vậy, ban đầu phải có phiên dịch mới nghe được.
Việc triển khai bước đầu thuận lợi, tôi vào bờ giao lại cho Đại uý Kỹ sư Vũ Ngọc Xuân - Giám đốc xí nghiệp chỉ huy trưởng công trường . Kỹ sư Nguyễn Văn Chàng phụ trách kỹ thuật, một đội xây dựng của Công ty, một Trung đội của Trung đoàn Công binh 83 do đồng chí Tám - Trung đội trưởng phụ trách.
Toàn công trường bước vào thi công ngay thật khẩn trương.
* Lần thứ hai:
Khi công trình thi công đã đạt được khối lượng cơ bản, đồng chí Xuân điện vào báo cáo: Tư vấn giám sát có ý kiến đề nghị Giám đốc công ty ra làm việc, thế là bố trí vào Quảng Ngãi đi tàu khách ra đảo. Hệ thống công trình gồm: Công trình đặt ra đa, khu nhà ở sinh hoạt đồng bộ cho Phân đội Trạm ra đa, bãi đáp trực thăng, đường nội bộ. Kiểm tra công trường, động viên cán bộ chiến sĩ, công nhân xây dựng, sau đó làm việc với Ban chỉ huy công trường và Tư vấn giám sát.
Căn cứ vào hồ sơ thiết kế, tôi đã xem xét trực tiếp chỉ ra và hướng dẫn anh em tính toán lại cho hợp lý và tiết kiệm, bóc những vật liệu thừa ra rồi giao cho anh em thi công. Cán bộ tư vấn giám sát bên A có ý kiến:
- Một là làm đúng thiết kế.
- Hai là tiết kiệm phải chia cho anh ấy với với tỷ lệ thỏa đáng. Tôi nói tiết kiệm là việc tính toán của bên B, vẫn bảo đảm chất lượng công trình, bên B sẽ có bồi dưỡng nhất định. Cứ thi công cho kịp tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, giao cho đồng chí Vũ Ngọc Xuân xem xét báo cáo giải quyết .
* Lần thứ ba:
Khi công trình sắp hoàn thành, ban A thông báo có chuyên gia của hãng Thomson sang kiểm tra để chuẩn bị lắp đặt ra đa. Tôi vào Quảng Ngãi đón đại diện của hãng Thomson là ông Banocay, từ Pháp sang, có anh Nguyễn Lưu Giang phiên dịch của Ban A cùng đi, lên tàu khách chuyến đầu tiên sáng sớm ra Lý Sơn mất gần 2 tiếng đồng hồ. Tôi cho anh em mua thịt bò, bánh mì và hoa quả mang theo. Đi đường khá lâu, ngôn ngữ bất đồng nên cũng chẳng nói chuyện được, lõm bõm mấy câu tiếng Anh thôi.
Ra đảo làm việc kiểm tra xong, chuyên gia đánh giá công trình bảo đảm kỹ thuật đủ điều kiện lắp để đặt thiết bị ra đa. Tất cả đều hài lòng, bữa ăn trưa muộn vào lúc hơn 12 giờ, chúng tôi ăn cơm, mời khách thịt bò hầm khoai tây với bánh mì, nâng ly bia chúc sức khoẻ nhau với tình cảm thân thiện.
* Lần thứ tư:
Tháng 7 năm 1996 trên máy bay trực thăng Mi8 của Công ty trực thăng miền Nam cất cánh từ sân bay Vũng Tàu bay ra đảo Lý Sơn. Trên máy bay có Thượng tá Hoàng Kiền - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 kiêm Giám đốc Công ty xây lắp Hải Công, anh Nguyễn Lưu Giang cán bộ Ban quản lý dự án Biển Đông thuộc Bộ Giao thông- Vận tải, kiêm phiên dịch, ông Banocay - Đại diện của hãng Thomson sản xuất ra đa quan sát biển của Pháp và 1 chuyên gia của hãng cùng bộ thiết bị ra đa Thomson, đưa ra đảo Phú Quí để lắp đặt.
Máy bay hạ cánh xuống bãi đỗ trực thăng của Trạm ra đa Lý Sơn an toàn, kỹ sư Vũ Ngọc Xuân - Giám đốc xí nghiệp của Công ty xây lắp Hải Công trực tiếp chỉ huy xây dựng công trình ra đa đón đoàn, tiếp nhận thiết bị để chuẩn bị lắp đặt. Việc lắp đặt ra đa diễn ra rất khẩn trương, đúng kế hoạch, sau 2 ngày là hoàn thành. Lắp đặt xong, chuyên gia hãng Thomson bật máy cho chúng tôi xem để nghiệm thu. Hôm ấy trời quang nên ra đa quan sát trên biển rất tốt. Để đón hai chuyên gia từ bên Pháp sang, ban A yêu cầu bên B phải mua lắp đặt máy điều hoà, tủ lạnh bảo đảm sinh hoạt cho họ, chúng tôi chỉ có quạt quay kẽo kẹt thôi, lính công trường mà.
* Lần thứ năm:
Khi công trình hoàn thành, bên B bảo đảm cho Hội đồng nghiệm thu có đại diện của Bộ giao thông vận tải, Bộ tư lệnh Hải quân và Ban quản lý dự án Biển Đông ra Lý Sơn kiểm tra, nghiệm thu công trình và thiết bị ra đa. Công trình đã hoàn thành đúng thiết kế, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt, tôi đã ký biên bản bàn giao cho bên A đồng thời bàn giao tay ba cho đơn vị ra đa Hải quân tiếp nhận quản lý luôn.
Liên hoan mừng thành công của công trình, thật phấn khởi.
Ra đảo Lý Sơn lần nào về cũng mang được ít hành tía, tỏi trắng và cá khô, đây là những đặc sản của Lý Sơn - Quảng Ngãi, chỉ có tiếng Biển ngữ Lý Sơn là chưa học được.
Những việc ngoài lề.
Chúng tôi ra Hà Nội làm việc với BQLDA Biển Đông, mọi việc diễn ra thuận lợi, hai bên thông cảm hỗ trợ nhau để thanh quyết toán nhanh gọn. Giao cho Thượng uý Vũ Ngọc Xuân đi hoàn chỉnh các thủ tục. Chú Xuân về báo cáo là văn thư chưa đóng dấu, họ bảo cứ để đấy sẽ giải quyết. Mấy anh trong BQLDA Biển Đông nói, mỗi một lần đóng dấu cứ đưa phong bì 100 nghìn đồng là lấy ngay, thành lệ rồi. Chú Xuân đếm số văn bản, đếm phong bì vào bồi dưỡng là lấy được ngay.
Chúng tôi liên hoan chia tay với Ban quản lý dự án Biển Đông vui vẻ, thân tình. Mối quan hệ mở ra thêm gắn bó.
Năm 1997 tôi được điều ra công tác tại Bộ tư lệnh Công binh, ba lần nhận được thư của hãng Thomson mời sang tham quan thiết bị ra đa mới của hãng tại nước Pháp. Đang công tác trong quân đội, lại không phải là chủ đầu tư không thể đi được, nhưng vẫn nhớ đến ông Banocay đại diện của hãng Thomson rất hiền lành thân thiện. Không biết tiếng Pháp, lại bận công việc nên không viết thư trả lời hãng được.
ĐẢO LÝ SƠN XƯA VÀ NAY
Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.
Trước đây, Lý Sơn được gọi là Cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm. Có 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.
Huyện Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Nói về huyện đảo này, nhân dân địa phương có ca dao thủy trình:
Trực nhìn ngó thấy Bàn Than
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ.
Huyện đảo nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Diện tích của huyện Lý Sơn là 10,39 km², dân số năm 2019 là 22.174 người, mật độ dân số đạt 2.134 người/km². Gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, hoặc gọi Cù Lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía bắc đảo Lớn và hòn Mù Cu ở phía đông của đảo Lớn.
Cách ngày nay khoảng 25 - 30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống .
Huyện đảo Lý Sơn có ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình nằm trên hai hòn đảo nhỏ là đảo Lớn và đảo Bé, tổng diện tích gần 10 km vuông. Theo sử liệu, đến cuối thế kỷ 16, Lý Sơn vẫn còn hoang vu. Năm 1604, đời vua Lê Kính Tông mới có người từ đất liền đến khai phá. Chung quanh tứ bề biển cả mênh mông, xa cách đất liền. Thế nhưng sản vật biển nơi đây lại vô cùng phong phú, cho nên các gia đình đầu tiên đã an cư. Ngày càng có thêm nhiều hộ dân khác chọn đảo làm nơi sinh sống. Cho đến nay, dân số trên đảo đã lên tới hơn hai mươi nghìn người. Nghề chính là nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Giống hành tía và tỏi Lý Sơn được trồng trên cát trắng đã tạo được thương hiệu trên cả nước. Ra đảo nhìn thấy những vườn hành tía, tỏi rộng chạy dài ven bờ biển hoàn toàn trồng trên cát trắng như những mảnh vụn san hô, vỏ sò mà lên xanh tốt mơn mởn, chúng tôi đến xem người dân đang vun những luống tỏi, hành tía, thật kỳ lạ, chỉ có cát trắng mà nó lên được lại rất tốt, hay thế chứ, có thể rễ nó đâm xuống lớp đất bazan bên dưới, nhưng cũng rất lạ.
Ở huyện đảo Lý Sơn có hàng chục Đền Chùa, Đình làng, Lăng, Miếu được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó hơn một nửa di tích liên quan trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa; thế nhưng bất cứ du khách nào vừa đặt chân lên cầu cảng đảo Lý Sơn là muốn đến ngay với Âm Linh tự, như là để có lời cần cáo với những bậc tiền hiền khai sinh ra đất đảo rằng hôm nay mình đến thăm hòn đảo phên giậu của Tổ quốc và để thắp nén hương kính vọng những người lính trong hải đội Hoàng Sa mà những hy sinh của họ đã trở thành huyền thoại.
Biển đảo Lý Sơn giờ đây như là một bức tranh sinh động – cảnh vật quanh vùng đã biến biến đổi từ hoang sơ xưa kia thành một một bức tranh đô thị phát triển khi xem giới thiệu trên tivi, khiến bản thân tôi cũng hết đỗi ngạc nhiên. Cảm nhận sâu hơn - đặt một bước chân vào tâm hồn, ngày trở lại - biển đảo đón khách như một gã bạn già đón người tri kỉ, đôi khi là những giọt sương, đôi khi là những màn mưa chứa sự bao la, mạnh bạo của biển cả, thôi thúc lòng mình trở lại Lý Sơn.
SẼ THĂM LẠI ĐẢO LÝ SƠN
Tôi sẽ quay trở lại thăm đảo Lý Sơn vào năm 2025, kỉ niệm tròn 30 năm đặt chân đến nơi này. Sẽ kết nối với Thượng tá Vũ Ngọc Xuân cùng một số đồng đội Công ty xây lắp Hải Công tham gia xây dựng Trạm ra đa Lý Sơn ba thập kỷ trước. Sẽ thăm lại Trạm ra đa Lý Sơn, Hải đăng Lý Sơn, Cột mốc đường cơ sở của Việt Nam và những danh lam thắng cảnh khác trong đó có Đền thờ những người lính trong Hải đội Hoàng Sa đã hi sinh trên biển bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhất định chuyến đi sẽ thành hiện thực.
Xuân Tân Sửu 1 / 3 / 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền