"Đảo Cô Tô – Những kỷ niệm một thời biển đảo" – Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền
Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền
ĐẢO CÔ TÔ - NHỮNG KỈ NIỆM MỘT THỜI BIỂN ĐẢO
Giữa năm 1983 đang ở Bạch Long Vĩ, nhận được điện báo về Phòng Công binh Hải quân ngay. Thế là tạm biệt nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên hòn đảo Phù Thuỷ Châu (hòn ngọc trên mặt biển) để vào bờ, Thượng úy Hoàng Kiền được giao làm Tổ trưởng tổ Tác huấn của Phòng Công binh Hải quân thay đồng chí Thượng uý Nguyễn Văn Quí, đồng đội Sư đoàn 472 Trường Sơn trước đây, xin chuyển ngành. Là Kỹ sư công trình quân sự, nay đảm nhiệm cương vị mới, một lĩnh vực mới, chưa được đào tạo sâu ở trường, phải tìm hiểu nghiên cứu từ đầu về Tác chiến và Huấn luyện của Công binh Hải quân.
Khi ấy cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta do Trung Quốc phát động từ ngày 17/2/1979 diễn ra vô cùng ác liệt, đến 18/3/1979 họ đã rút quân, nhưng xung đột vũ trang vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi rất ác liệt, nhất là khu vực Vị Xuyên - Hà Giang. Trên biển tình hình hết sức căng thẳng, họ cho tàu chiến uy hiếp đảo Bạch Long Vĩ và một số đảo trên vịnh Bắc Bộ.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ tư lệnh Hải quân triển khai chuẩn bị các phương án tác chiến. Cuối năm 1983 một đoàn cán bộ đi khảo sát các đảo trên Vịnh Bắc Bộ để xác định các luồng lạch cho tàu cơ động, và các bến bãi đổ bộ, xây dựng phương án chiến đấu đổ bộ đánh chiếm lại đảo trong các tình huống có thể xảy ra.
Đại tá Hùng Sơn Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 làm trưởng đoàn, cùng các cơ quan: Phòng tác chiến, Phòng Binh chủng, Phòng Công binh, Phòng Bảo đảm hàng hải, Phòng Thông tin, Phòng Quân báo, Phòng Tham mưu / Cục Hậu cần, Phòng Tham mưu / Cục Kỹ thuật, Phòng Tuyên huấn / Cục chính trị và các cơ quan của Lữ đoàn 147. Đoàn khá đông, hơn hai chục người đi trên tàu đổ bộ LCM 8 do Đại uý Mai Quang Lộc làm Thuyền trưởng. Thượng uý Hoàng Kiền là đại biểu của Phòng Công binh đi nghiên cứu về bến bãi đổ bộ để xây dựng kế hoạch Bảo đảm Công binh cho Hải quân đánh bộ đổ bộ đánh chiếm lại đảo. Đoàn xuất phát từ Bến Bính - Hải Phòng, hành trình tròn 1 tháng đi khảo sát hết các đảo có vị trí quan trọng trong Vịnh Bắc Bộ.
1. Vịnh Bắc Bộ
Vịnh Bắc Bộ nằm về phía tây bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển và hải đảo của miền Bắc Việt Nam ở phía tây; bởi lục địa Trung Quốc ở phía bắc, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam ở phía Đông. Vịnh Bắc Bộ trải rộng từ khoảng kinh tuyến 105036’ Đông đến khoảng kinh tuyến 109055’ Đông, trải dài từ vĩ tuyến 21055’ Bắc đến vĩ tuyến 17010’ Bắc. Diện tích khoảng 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km và nơi hẹp nhất khoảng 220 km.
Vịnh Bắc Bộ là vịnh tương đối nông, độ sâu trung bình khoảng từ 40 - 50 m, nơi sâu nhất khoảng 100 m; đáy biển tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ. Thềm lục địa thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam ra biển khá rộng, độ dốc thoải và có một lòng máng sâu trên 70 m gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Bờ vịnh khúc khuỷu và ven bờ có nhiều đảo. Phần vịnh phía Việt Nam có hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, trong đó đảo Bạch Long Vĩ diện tích 2,5 km2 cách đất liền Việt Nam 110 km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 130 km. Vịnh Bắc Bộ có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 44 vạn tấn) và tiềm năng dầu khí.
Vịnh Bắc Bộ có hai cửa thông với bên ngoài: Cửa phía Nam ra trung tâm Biển Đông, nơi hẹp nhất khoảng 240 km, cửa phía Đông qua eo biển Quỳnh Châu (nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam) ra phía bắc Biển Đông, nơi hẹp nhất khoảng 18 km.
2. Các đảo trong Vịnh Bắc Bộ
Vịnh Bắc Bộ có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, phía gần cửa vịnh có đảo Bạch Long Vĩ, còn lại tập trung trong khu vực Vịnh Hạ Long là chính.
Đoàn đã đi khảo sát hầu hết các đảo lớn có vị trí quan trọng trong Vịnh Bắc Bộ, gồm các đảo: Cát Hải, Cát Bà, Cái Bầu, Thượng Mai, Hạ Mai, Ngọc Vừng, Cao Lô, Ba Mùn, Thanh Lân, Phượng Hoàng, Trà Bản, Vĩnh Thực, Trần, Trần Nhạn, Cô Tô, Bạch Long Vĩ.
Đảo Bạch Long Vĩ do Trung đoàn 952 / Vùng 1 Hải quân đóng giữ, Các đảo còn lại do Trung đoàn 242 Quân khu 3 bố trí lực lượng giữ đảo.
Các đảo trong khu vực Vịnh Bắc Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc giúp Việt Nam đào rất nhiều đường hầm pháo, các khẩu pháo 122 ly, 85 ly, 76,2 ly do Trung Quốc sản xuất viện trợ nay vẫn còn tốt, việc đưa được những khẩu pháo vào hầm trên các đảo rất khó khăn, có đảo vô cùng khó khăn, đó cũng là những kỳ công. Một thời quan hệ hữu nghị giữa hai nước tốt đẹp như thế, như môi với răng. Bây giờ chính những hầm pháo, những khẩu pháo Trung Quốc giúp ta, chúng ta lại sử dụng để đề phòng Trung Quốc đánh chiếm đảo của ta.
Đi trong chuyến khảo sát ấy tôi nghĩ đến câu nói của Đặng Tiểu Bình: "Không có kẻ thù vĩnh viễn; Không có bạn bè vĩnh viễn; Chỉ có quyền lợi của dân tộc Trung Hoa là vĩnh viễn". Chủ nghĩa quốc tế vô sản không còn ở Trung Quốc nữa, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thay đổi nhiều rồi...
Các đảo trên vịnh Bắc Bộ trước đây phần lớn là người Hoa sinh sống.
Đảo Bạch Long Vĩ rất đông người hoa, năm 1965 Mỹ dùng Không quân, Hải quân đánh phá, người Hoa vào hết đảo Hải Nam - Trung Quốc, người Việt vào hết Quảng Yên - Việt Nam, trên đảo cho đến năm 1983 chỉ toàn Bộ đội.
Các đảo gần bờ khi Trung Quốc gây ra "sự kiện người Hoa" năm 1978, người Hoa về nước hết chỉ còn lại số ít người Việt.
Đảo Trần và Trần Nhạn không còn người dân nào. Đảo Trần tiếng Trung Quốc là Lí nhì - Nghĩa là cá chép, vì nó giống hình con cá chép. Đảo Trần Nhạn tiếng Trung Quốc là Lý nhì chảy - tức là cá chép con. Cả hai đảo do 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 242 đóng giữ. Đảo Trần rất nhiều cam, người Hoa về Trung Quốc hết, những vườn cam, rừng cam quả nhiều vô cùng, Bộ đội ăn không xuể, bấy giờ đang tập trung vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, không ai nghĩ đến cam quít gì cả. Đoàn công tác mỗi người hái một ba lô đầy mang đi ăn đường và về làm quà cho gia đình mặc dù còn chua do chưa chín. Đảo Trần Nhạn ở phía Đông Bắc đảo Trần, đứng trên điểm cao nhìn thấy cảng Đầu Ruồi của Trung Quốc mờ mờ khi trời quang.
Tất cả các đảo Bộ đội ta đang tăng cường xây dựng công sự trận địa vững chắc, luyện tập các phương án chiến đấu chống đổ bộ đường biển, diễn tập thường xuyên. Đoàn của Hải quân ra trao đổi cùng chỉ huy các đảo và Trung đoàn 242 để phối hợp phương án chiến đấu với các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi ngủ đêm tại Sở chỉ huy Trung đoàn 242 trên đảo Trà Bản, thăm đảo, giao lưu với Cán bộ Chiến sĩ được hiểu thêm về tình hình biển đảo khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
ĐẢO CÔ TÔ
Đảo Cô Tô nằm ở cực Đông Nam của quần đảo trên vịnh Bắc Bộ. Con tàu há mồm loại nhỏ cập cảng Pắc Tài Vàn, đoàn lên đường đi bộ dọc đảo, dân thưa thớt, nhìn những dãy ổi, vườn ổi hai bên đường quả chín nhiều lắm. Người Hoa trồng trước đây đã về nước, nay bỏ hoang, quả không ai thu hái rụng kín mặt đất, chúng tôi ai cũng no ổi còn hái mang lên tàu đi ăn dọc đường. Đoàn đến khảo sát bến bãi đổ bộ tại vịnh Cô Tô, vịnh hình cánh cung, nhìn ra biển Đông theo hướng Đông Nam, cửa vịnh khá rộng và thoải, điều kiện đổ bộ rất thuận lợi. Hai bên cửa vịnh có hai đường hầm pháo do Trung Quốc xây dựng giúp ta trước đây, cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong chống đổ bộ lên đảo .
Ngày 9/5/1961 Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với quân dân trên đảo Cô Tô và ngày đó mãi là một ngày lịch sử không thể quên đối với quân dân đảo.
Quần đảo Cô Tô nằm cách xa đất liền trên 100 km, với hơn 40 hòn đảo lớn, nhỏ, diện tích đất nổi là 4.620 ha có chiều dài biên giới biển khoảng 200 km, từ ngoài khơi Đảo Trần đến phía Đông Nam huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng).
Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô trên chiếc trực thăng, đã đáp xuống đúng nơi nay là khu tượng đài Bác. Cũng chính tại đây buổi nói chuyện với quân dân trên đảo Người đã ân cần căn dặn, động viên quân dân trên đảo đoàn kết cùng tiến bộ, Bác nói "Thủ đô Hà Nội tuy khoảng cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ".
Trong thời gian trên đảo Cô Tô Bác đã đến thăm một số cơ sở sản xuất như: Đồng muối, ruộng khoai đang đến mùa thu hoạch, sau khi bới xem một bụi khoai Bác khen khoai tốt, phù hợp với đất cát trên đảo.
Khu Di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch: Năm 1962, khi chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vùng Đông Bắc, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh xin phép cho dựng tượng trên đảo Cô Tô, xây dựng nhà lưu niệm, dựng bia ở những nơi Bác đến thăm, đã được Bác đồng ý. Đây là nơi duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng lúc sinh thời.
Năm 1983 chúng tôi ra đảo, đến thăm vịnh Cô Tô, ngắm nhìn bức tượng Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc phóng xa tầm mắt, giơ tay ra hướng Biển Đông, lòng tôi thầm nghĩ về tầm nhìn chiến lược thiên tài của của Bác đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đã viết bài thơ
THĂM ĐẢO CÔ TÔ
Lên Cô Tô giữa vịnh xanh
Đảo xa Bác đã vi hành nơi đây
Người cho đặt tượng dựng xây
Sinh thời chỉ một nơi này nước ta
Chỉ ra biển lớn bao la
Mấy trăm hải lý nhìn xa của mình
Thanh cao dáng đứng tầm nhìn
Chủ quyền Tổ quốc niềm tin sáng ngời
Đến đây thêm kính yêu người
Tượng đài toả sáng đất trời biển xanh
Tự do độc lập đã giành
Bảo vệ biển đảo đấu tranh kiên cường
Sau chuyến đi hơn một tháng, khảo sát hết các luồng lạch, lên hết các đảo lớn trên Vịnh Bắc Bộ, thấy được cảnh đẹp của Vịnh Bắc Bộ nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng thật kỳ diệu. Ngày ấy cũng nghèo chả có máy ảnh mà chụp lại, chỉ lưu nhớ trong đầu, cũng tiếc thật. Mỗi đảo có một đặc điểm, độc đáo riêng về địa hình, địa lý, kinh tế xã hội rất đa dạng và phong phú. Một điều cảm nhận là đảo của Việt Nam, nhưng dân trên đảo người Hoa đông hơn nhiều, năm 1978 chính Trung Quốc đã bày trò dựng lên "sự kiện người Hoa", Hoa kiều về nước hết, khó khăn khi ấy nhưng cũng là điều hay cho ta về lâu dài.
Với kết quả thu được, về Phòng Công binh tôi đã lập nên sơ đồ các bến bãi đổ bộ, các phương án mở cửa mở bảo đảm cho Hải quân đánh bộ đổ bộ đánh chiếm lại từng đảo chi tiết cụ thể. Từ đó viết ra các tài liệu để có kế hoạch, biện pháp huấn luyện cho các đơn vị Công binh Hải quân nói chung và Hải quân đánh bộ nói riêng.
TRỞ LẠI CÔ TÔ LẦN THỨ HAI
Trong ngành Công Binh quân đội ta, có thể Hoàng Kiền là người duy nhất đã đi hết các đảo trên Vịnh Bắc Bộ, nắm chắc tình hình công trình, đặc biệt là các đường hầm pháo trên các đảo. Khi là Tư lệnh Công binh, tôi trao đổi với Đại tá Phạm Ngọc Thành - Chủ nhiệm Công binh Quân khu 3 tổ chức một chuyến đi xem lại một số đường hầm pháo trên các đảo.
Tháng 6 năm 2004 đoàn công tác gồm: Thiếu tướng Phạm Quang Hợi - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 3 trưởng đoàn; Đại tá Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh; Đại biểu Cục Tác chiến / Bộ Tổng tham mưu; Đại tá Phạm Ngọc Thành - Chủ nhiệm Công binh Quân khu 3. Cùng một số cán bộ của Quân khu 3 và Bộ tư lệnh Công binh.
Chuyến tàu của Quân khu đưa đoàn cán bộ đi kiểm tra các đảo lớn trên vịnh Bắc Bộ do Quân khu 3 quản lý, thăm lữ đoàn 242 giữ đảo, đến các đường hầm pháo, xem xét kiểm tra cụ thể cả công trình và vũ khí. Sau chuyến đi, chúng tôi thống nhất kế hoạch sửa chữa một số đường hầm, đường cơ động . Quân khu 3 có văn bản báo cáo Bộ Tổng Tham mưu bố trí kinh phí để triển khai, Cục Tác chiến thẩm định dự án, Bộ tư lệnh Công binh thẩm định thiết kế, dự toán và chỉ đạo về chuyên nghành để triển khai.
Chuyến đi này ngắn hơn, trong điều kiện tình hình chung trên biển Vịnh Bắc Bộ là ổn định sau khi hiệp định được ký kết.
Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ là thoả hiệp ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 giữa chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Đây là kết quả sau nhiều đợt đàm phán kể từ năm 1973 kéo dài suốt 27 năm. Hiệp định này thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887.
Đoàn đi chỉ tập trung vào xem xét các đường hầm nên cũng nhanh hơn và có điều kiện tham quan cảnh biển đảo nhiều hơn. Biển, đảo trong Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Hạ Long thật tuyệt vời với do thiên nhiên ban tặng cho đất nước Việt Nam của chúng ta, rất nhiều kỷ niệm đẹp với chuyến đi cùng những phong cảnh đã thu vào tầm mắt trong trí nhớ của mình.
Tôi quay lại đảo Cô Tô lần thứ hai, rất vui mừng với sự phát triển kinh tế xã hội của đảo Cô Tô sau 21 năm, thăm lại khu tượng đài Bác Hồ tại vịnh Cô Tô vẫn bồi hồi xúc động. Lần đầu tiên tôi ngủ đêm tại đảo Cô Tô, nằm nhớ lại những kỉ niệm 21 năm trước mà thao thức suốt đêm.
Lần hai thăm lại Cô Tô
Thăm khu lưu niệm Bác Hồ Chí Minh
Tự hào chiến sĩ Công binh
Năm canh thao thức lung linh ánh đèn
Bước chân dẫn dạo mọi miền
Trùng trùng ký ức bừng lên diệu kỳ
Biển khơi sóng vỗ ầm ì
Bồi hồi xao xuyến mãi ghi trong lòng
(Còn nữa)