Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã tạo ra thế và lực mới, tạo đà đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến toàn thắng. 50 năm qua, với bao đổi thay nhưng giá trị lịch sử của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào vẫn được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bản hùng ca Đường 9 - Nam Lào

Chúng tôi về Quảng Trị giữa những ngày quân và dân nơi đây đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9-Nam Lào (1971-2021), nghe những ca từ trong “Bài ca Đường 9 chiến thắng” của Nhạc sĩ Văn Dung trong lòng mỗi người lại trao dâng niềm tự hào xúc động. “… Anh giải phóng ơi! quê hương vui sao/Trên đường Chín anh ghi bao chiến công …”, tiếng hát giục giã lòng người, thôi thúc chúng tôi tìm gặp những con người huyền làm nên chiến thắng cách đây 50 năm về trước và đến thăm các địa danh như: Đầu Mầu, cao điểm 241, Cùa, cầu Chui, Làng Vây, Tà Cơn…

Đường 9 - Nam Lào, khúc tráng ca vọng mãi
Nhân dân xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) ươm giống cây hồ tiêu trồng trên cao điểm 241, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. 

Người chúng tôi tìm gặp là ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, người có biệt danh “Hùm xám" của Đường 9 - Nam Lào lẫy lừng thuở nào. Tại nhà riêng ở phường 5, thành phố Đông Hà, trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức về những ngày sục sôi 50 năm về trước trong trí nhớ của “Hùm xám" như vẫn còn vẹn nguyên: Tháng 3-1971, trước cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy mang tên “Lam Sơn 719” nhằm cắt đứt nguồn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Để đánh lại cuộc hành quân của địch, ta đã sử dụng Binh đoàn 70 (3 sư đoàn: 308, 304 và 320), Sư đoàn 324, Sư đoàn 2 và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang B4, B5, Đoàn 559; 4 trung đoàn Pháo binh; 4 trung đoàn Cao xạ, 3 trung đoàn Công binh, 3 tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp; một số tiểu đoàn Đặc công… Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước cũng huy động lực lượng vũ trang và Nhân dân địa phương đẩy mạnh tiến công địch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam. Trải qua hơn 50 ngày đêm liên tục tiến công quân địch (từ ngày 31-1 đến 23-3-1971), Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi giòn giã.

Chia tay ông Nguyễn Minh Kỳ, chúng tôi ngược theo Đường 9 lên với miền Tây Quảng Trị. Ngồi trên ô tô nhìn qua ô cửa sổ chúng tôi chứng kiến cuộc sống mới bên con Đường 9 – con đường xuyên Á phẳng lì, rộng thênh thang, đang hồi sinh mãnh liệt. Hai bên đường bạt ngàn những đồi cao su, cà phê, hồ tiêu, thấp thoáng xen kẽ các khu dân cư trù phú và các nhà máy chế biến nông, lâm sản. Ngồi cạnh tôi, ông Hồ Văn Tiến, người dân ở huyện Đakrông nói rằng: “Đường 9 năm xưa là bãi chiến trường. Hầu hết các xã ven Đường 9 là vùng đất trắng, bị địch đánh phá không biết bao nhiêu lần bởi xe tăng, pháo hạm bắn vào; rừng núi, sông suối ken dày bom đạn, cây cối xác xơ bởi chất độc da cam. Để có những đồi cao su, hồ tiêu, rừng keo… ngút ngàn màu xanh, những bản làng trù phú hai bên Đường 9 hôm nay, chúng ta đã đánh đổi không biết bao nhiêu máu xương của chiến sĩ, đồng bào cả nước”.

Đường 9 - Nam Lào, khúc tráng ca vọng mãi
Một góc thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa hôm nay. 

Bản hùng ca còn vọng mãi

Đến thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa những ngày tháng Ba này, không khí tưng bừng chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào toàn thắng cũng hết sức rộn ràng, sôi động. Rất đông các đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, ai ai cũng trào dâng niềm tự hào về những chiến công 50 năm về trước. Gặp bà Hồ Thị Chòng ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh, cựu thanh niên xung phong, người từng tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào chia sẻ: “50 năm trôi qua nhưng kỷ niệm những lần vào sinh ra tử dưới làn bom đạn với tôi vẫn còn vẹn nguyên. Ngày đó, để ngăn chặn cuộc hành binh “Lam Sơn 719” của Mỹ, ngụy đã có không biết bao chàng trai, cô gái xung phong ra trận. Nhiều người bị thương nhưng vẫn gắng xông lên phía trước cùng đồng đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.

Gặp Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt, nguyên lái xe trong những năm tháng trên đường Trường Sơn trong dịp ông cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, trong câu chuyện với chúng tôi, ông tự hào nói rằng: “Trong lịch sử chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào được coi là kiệt tác chiến lược, mốc son ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thế hệ chúng tôi ngày đó, ai ai cũng mong được góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Dù có phải hy sinh cả tính mạng vẫn không sờn lòng”.  

Đường 9 - Nam Lào, khúc tráng ca vọng mãi
Du khách tham quan sân bay Tà Cơn, một trong những căn cứ quan trọng của Mỹ, ngụy trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào toàn thắng tạo bước ngoặt quan trọng trên cục diện chiến trường, làm phá sản âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy tại miền Nam Việt Nam; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để thừa thắng xông lên, làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Đến hôm nay giá trị của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào về tổ chức và nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, về tình hữu nghị quốc tế ba nước Đông Dương và sự góp công, góp sức của toàn dân vẫn còn nguyên giá trị. Giá trị lịch sử của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã trở thành bản anh hùng ca tiếp thêm sức mạnh, động lực cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trên con đường mới, con đường xây dựng đất nước định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG