ĐẾN VỚI TRƯỜNG SA
Vào đầu tháng 4 năm 1986 hai Đại uý - Kỹ sư Hoàng Kiền và Đỗ Văn Thông được phân công thay mặt thủ trưởng Phòng công binh đi kiểm tra quần đảo Trường Sa. Đoàn do Phó đô đốc Giáp Văn Cương Tư lệnh Hải quân dẫn đầu, Chuẩn Đô đốc Phạm Huấn Phó tư lệnh làm phó đoàn. Thành phần có các cơ quan của Bộ Quốc Phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân. Đoàn khá đông có cả văn công và điện ảnh của Hải Quân, đi trên hai con tầu là HQ 505 là tầu đổ bộ lớn nhất của ta thu được từ Hải quân nguỵ và tầu đổ bộ HQ 511 do Liên Xô viện trợ.
Chuyến đi kéo dài trong một tháng kiểm tra toàn quần đảo. Trường Sa là quần đảo nằm giữa Biển Đông bao gồm 17 đảo nổi và khoảng hơn 100 bãi đá ngầm còn gọi là đảo chìm. Phi líp pin chiếm giữ 7 đảo, Đài Loan chiếm đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất, chúng ta giải phóng đóng giữa 5 đảo do quân Ngụy Sài Gòn đóng giữ là Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. Còn lại 4 đảo nhỏ không có người , đến năm 1978 Hải Quân Việt Nam đóng giữ nốt gồm Trường Sa Đông, Sinh Tông Đông, Phan Vinh, An Bang, thế là chúng ta quản lý 9/17 đảo nổi ở Trường Sa .
Nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa được bắt đầu từ năm 1986 với kế hoạch mang tên Z76 và kết thúc vào năm 1984. Tôi được Đại tá Phan Năng Giả Chủ nhiệm Công binh Hải quân giao cho thu thập số liệu viết tổng kết kế hoạch này. Nay ra đảo càng thấy rõ kết quả đã xây dựng và những vấn đề đặt ra cần khắc phục. Công trình trong giai đoạn này đã xây dựng cơ bản đồng bộ, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước sau chiến tranh nên cơ bản là công trình bán lâu bền. Chúng ta tận dụng đá cát san hô tại chỗ để xây dựng lô cốt hầm hào nhà ở cho bộ đội. Từ năm 1980 khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra có đưa bê tông thanh lắp ra làm hầm ở Trường Sa.
Tới đảo việc đầu tiên là Tư lệnh đi kiểm tra công sự trận địa, ông yêu cầu Tôi và anh Thông lắp ghép công sự cho ông xem, do làm chậm lại chưa thành thạo, ông hỏi trong hai đại uý ai làm sếp? thưa thủ trưởng Tôi ạ.
Thế rồi Tư lệnh phê bình tôi là nắm chưa chắc, cần nghiên cứu kỹ để hướng dẫn cho anh em lắp dựng ngay công sự trận địa để sẵn sàng chiến đấu. Thực tế thanh bê tông mới đưa ra đảo do tổ thiết kế thi công của Phòng Công binh chỉ đạo, Ban Công binh vùng 4 đảm nhiệm hướng dẫn lắp ghép thành công sự, tôi không phụ trách công việc này nhưng vẫn nhận khuyết điểm. Việc thứ hai là vật cản chống đổ bộ dường biển.
Ta đã đưa ra Trường Sa loại mìn chống đổ bộ đường biển loại do Liên Xô viện trợ. Mỗi quả mìn có một miếng đường ép lắp vào trước khi thả mìn để làm cơ cấu an toàn khi bố trí mìn, trong 8 phút nước vào làm tan miếng đường đưa quả mìn vào trạng thái chiến đấu. Do khó khăn thiếu thốn bộ đội ta đã lấy mất một số miếng đường pha nước uống. Tôi kiểm tra phát hiện ra thật là nguy hiểm nhưng không dám báo cáo mà chỉ làm việc riêng với bộ phận Công binh và chỉ huy đảo, vào bờ sẽ có kế hoạch bổ sung .
Khi làm tổ trưởng tổ Tác Huấn tôi ngồi cưa ngòi nổ quả mìn này ra nghiên cứu rồi viết tài liệu huấn luyện cho Công binh Hải quân nên nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của loại mìn này. Đến các đảo Tư lệnh đều giao cho tôi mang mìn ra đặt rồi buộc đây vào cần gạt tháo chốt an toàn lên bờ. Toàn đoàn đứng ở cự ly an toàn xem Chúng tôi cầm dây kéo cần gạt tương tự như khi tầu xuồng gạt vào cần, mìn nổ cột nước tung lên cao trắng xoá kèm theo khói thuốc nổ đen ngòm, mục tiêu bị tiêu diệt. Tư Lệnh và đoàn rất hài lòng.
Đến đảo Trường Sa tôi được phân công theo bộ phận sang kiểm tra đảo Trường Sa Đông cùng Phó tham mưu trưởng Mai Quang Thái, ở đảo Trường Sa Lớn việc thử nghiệm mìn không thành công, do anh em lúng túng lắp cần gạt không chắc không đóng chốt nên khi kéo dây lôi cả cần gạt lên bờ mìn không nổ, bị Tư lệnh Cương mắng cho một trận.
Các đảo chìm lúc này chưa được quan tâm nhiều . Trong chuyến đi đến đảo chìm Thuyền Chài vào buổi chiều Tư lệnh cho tàu dừng thả neo nghỉ đêm. Đêm trăng lên thuỷ triều xuống giữa biển khơi mênh mông nổi lên một hòn đảo lớn ai cũng ngỡ ngàng, chiều dài khoảng 30 ki lô mét, chiều ngang khoảng 5 ki lô mét. Sáng hôm sau Tư lệnh cử một đoàn 7 người do anh Sâm phó phòng tác chiến chỉ huy vào kiểm tra tình trạng trên đảo. Đã phát hiện ra nước ngoài đặt trộm bia chủ quyền ở đây. Khi mang lên tầu, Tư lệnh xem xong rồi bảo khênh quẳng xuống biển. Khối đồng lục lăng có biểu tượng của nước ngoài đã vĩnh viễn chìm xuống đáy Biển Đông mang theo mưu đồ xâm chiếm đảo Thuyền Chài của họ. Tư lệnh nói sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra, các lực lượng cần chủ động đề xuất biện pháp đối phó. Tôi đã viết bài thơ
ĐẢO THUYỀN CHÀI
Mênh mông giữa đại dương xanh
Biển ru gió hát mát vành trăng non
Bỗng dưng bừng tỉnh mắt tròn
Nước ròng sóng nhả ra hòn đảo to
Bình minh bới tới lội dò
San hô mừng vẫy ngao sò đón reo
Nhìn Nam, ngắm Bắc dõi theo
Dài mười lăm dặm, ngang nghèo hơn hai
Khen em tên đẹp Thuyền Chài
Ngày mai anh đến pháo đài dựng xây
Chủ quyền biển đảo chung tay
Lá cờ Tổ quốc tung bay sáng ngời.
Trong chuyến đi đến đảo nào cục chính trị chỉ đạo các hoạt động văn hoá văn nghệ phục vụ bộ đội. Phim duy nhất chỉ có một bộ là Nghêu Sò Ốc Hến, Văn công cũng chỉ có một chương trình duy nhất. Chẳng có chỗ nào chơi nên ai cũng phải xem thế là sau một tháng thuộc lầu cả phim cả các bài hát vở kịch của văn công Hải Quân. Không có gì khác xem mãi vẫn vui
Trường Sa xa mãi trùng khơi
Chuyến đi thêm thắm tình đời Hải quân
Sóng reo theo những bước chân
Hành trình tròn tháng tinh thân đậm đà
Đảo chìm đảo nổi mở ra
Chung tay ta hát bài ca công trình
Tự hào truyền thống Công binh
Chủ quyền biển đảo chương trình dựng xây.
Trên đường về Tư lệnh họp rút kinh nghiệm và giao nhiệm vu cho các cơ quan đơn vị. Thay mặt Phòng Công binh tôi báo cáo các đảo đang bị xói lở nghiêm trọng, đảo Sơn Ca là nặng nhất có nguy cơ sóng đánh lở cắt đôi đảo. Nguyên nhân chính là do con người, hàng nghìn năm qua đảo vẫn tồn tại chỉ từ khi bộ đội ta ra tiếp quản mới gây ra sói lở như hiện nay.
Nguyên nhân thứ nhất là bao quanh đảo có vành san hô, cây san hô mọc lên bao bọc làm vật cản ngăn chặn giảm cường độ sóng đánh vào bờ, từ khi có con người ra hoạt đông nhiều khai thác dẫm đạp làn nát chết san hô chúng không mọc lên nữa và mất di lớp lớp vật cản tiêu sóng.
Nguyên nhân thứ hai là do các ụ đá san hô rải rác trên bãi cạn quanh đảo cũng là những vật cản chống sóng, vừa qua bộ đội ta cậy hết lên xây dựng công trình chiến đấu và nhà ở, mất đi vật cản chống sóng tự nhiên thế là gây sói lở đảo.
Nguyên nhân thứ ba là chúng ta khơi các luồng lạch cho xuồng vào đảo làm thay đổi dòng chảy cũng gây ra sói lở đảo. Qua đó cần phải dừng ngay việc khai thác đá cát san hô tại đảo để xây dựng công trình và phải có kế hoạch xây tường kè chống sói lở bảo vệ đảo.
Nghe xong Tư Lệnh Cương nói: Đồng chí nói đúng, tôi biết tôi dốt kỹ thuật rồi, từ nay trở đi cấm khai thác đá san hô xây dựng công trình, phải có kế hoạch mang từ đất liền ra. Đồng thời ông nói: Đất nước chúng ta còn nghèo việc xây dựng công trình ở Trường Sa rất khó khăn, quê tôi ở Bắc Giang dân làm nhà bằng phương pháp trình tường, các đồng chí Công Binh nghiên cứu lấy cát san hô, mang xi măng ra trộn, ghép ghi nhôm trình tường nhà ở kết hợp công sự chiến đấu cho bộ đội.
Thế là khi tầu vào bờ tôi ở lại tiểu đoàn Công Binh Vùng 4 một tháng để nghiên cứu thiết kế rồi lấy ghi nhôm ghép lại dùng xi măng trộn cát trình tường một ngôi nhà mẫu kết hợp công sự ở Cam Ranh thành công. Đồng thời ông cũng giao cho Công Binh nghiên cứu làm nhà chốt giữ đảo chìm, anh Thông cùng với anh Dũng Công binh V4 nghiên cứu tận dụng cột điện gỗ thông dầu của Mỹ để lại, ghi nhôm, tôn vòm , đổ thêm cột bê tông cốt thép để thiết kế nhà C3 sẵn sàng lắp dựng đóng giữ đảo chìm.
Chuyến đi Trường Sa đầu tiên của tôi với biết bao kỷ niệm, được đi và làm việc với Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương một vị tướng tài ba sâu sát cụ thể, đã giúp cho tôi mở rộng tầm nhìn, yêu mến Trường Sa, tự hào với Tổ quốc ta và xác định trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam.
Năm năm ở Hải quân hết Bạch Long Vỹ rồi đến Trường Sa, biết bao nhiêu chuyến tầu trên biển , đặc biệt là chuyến đi Trường Sa hàng tháng trời lênh đênh trên biển, có những lúc mặt biển xanh êm dịu như mặt hồ, bầu trời trong xanh cao vời vợi, trời biển một mầu con tầu rẽ sóng băng băng, tôi quên hết cả mệt nhọc và nghĩ rằng tâm hồn tôi cũng có thể được trong sáng như thế, vô bờ bến như thế, trào dâng trong long tôi tình yêu biển đảo, một phần máu thịt của Tổ quốc ta.
Sau chuyến đi này tôi từ Trường Sa vào bờ nhận quyết định đi đào tạo dài hạn tại Học viện Lục quân, tạm xa Trường Sa hẹn ngày trở lại.
TRƯỜNG SA DẬY SÓNG
Ngày 15/3/2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền