"Cuộc hội ngộ sau 48 năm " - Ký ức của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:32 19/04/2021 Lượt xem: 682
Cuộc hội ngộ sau 48 năm
(Viết về cuộc gặp mặt của những người Chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14).
Hoàng Văn Kính

 
          Khoảng 9h sáng ngày 25 tháng 3 năm 2021 điện thoại réo chuông. Tôi vội nhấc máy,  tiếng nói từ đầu dây bên kia nghe vừa lạ lại vừa quen. Rồi tôi ngỡ ngàng nhận ra anh: Lưu Minh Xuân đồng đội cũ, bạn chiến đấu thời chống Mỹ cứu nước ở hệ thống trọng điểm liên hoàn Cua chữ A, Ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích ( ATP) trên đường 20 Quyết- thắng những năm đầu thập niên 70 cuẩ thế kỉ 20.
          Bùi ngùi, xúc động, vỡ òa hạnh phúc. Tưởng rằng không có cơ hội nào để được gặp nhau ấy vậy mà cơ duyên lại đến. Chúng tôi xa nhau đã 48 năm. Hồi ấy ( tháng 8/1974 ) tôi được cử đi đào tạo tại Học viện Chính trị-Quân sự, còn các anh: Lưu Minh Xuân Đại đội trưởng, Đỗ Ngọc Đảm Đại đội phó và Lê Xuân Chiến Chính trị viên phó Đại đội và Lê Ngọc Phượng Đại đội phó tiếp tục ở lại chỉ huy đơn vị. Đã nhiều lần tôi lần mò, dò tìm số điện thoại, thông tin về các anh chị  nhưng tất cả đều không thành.
          Úp máy vào tai mà lòng xao xuyến, nghẹn ngào, hai khóe mắt cay cay, kí ức của một thời đánh Mỹ ùa về. Từng cái tên, từng gương mặt, từng giọng nói thân quen với biết bao kỉ niệm vui buồn. Từng mét đường, từng địa danh nơi chúng tôi đã sống: Hang 82, Hang 34, những căn hầm trực chiến kề bên mép hố bom, từng chiếc cọc tiêu qua ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích ùa về. Những trận bom giặc điên cuồng đánh phá, mất mát thương vong, những trận sốt rét quay quắt, mùa hè đổ lửa, mùa mưa trắng trời. Bưng bát cơm chan nước mắt, những tiếng nấc nghẹn lòng, gương mặt đồng đội đã anh dũng hy sinh hôm nào hiện về trước mắt…
          Một cuộc hẹn và sáng ngày 11/4/2021 tôi bắt chiếc Limousine tăng tốc một lèo đến nơi anh em hẹn gặp tại nhà Đại đội phó Lê Ngọc Phượng ở Ngã Ba Chè, Thiệu Đô, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

 
Từ phải qua trái: Chính trị viên Hoàng văn Kính, Đại đội trưởng Lưu Minh Xuân,
Chính trị viên phó Lê Xuân Chiến, Đại đội phó
 Lê Công Phượng và Đại đội phó Đỗ Ngọc Đảm

 
         Hơn 3h ngồi xe,  những năm tháng chiến đấu  với bom đạn Mỹ bảo vệ từng mét đường trên 2 tọa độ lửa ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích lại ùa về. Con đường bé nhỏ, mong manh như một sợi chỉ mà hiên ngang, quật cường không biết khuất phục, không chịu đầu hàng. Những chàng trai, cô gái với một trái tim rực lửa,  cái xẻng, cái cuốc trên tay đã làm nên kì tích phi thường mở đường trên đỉnh Trường Sơn và giữ đường trong mọi tình huống đánh phá vô cùng ác liệt của máy bay Mỹ. Mặc dù ngày nào cũng phải đương đầu với cả chục lần địch đánh phá. B52 rải thảm, tọa độ, bom laze, bom tấn, bom tạ, bom lân tinh, bom nổ chậm, bom từ trường. Mìn lá, mìn bướm, mìn cóc, mìn vướng… Hàng chục quả bom trúng đường, hàng ngàn m3 đất đá sạt lở, đường ngầm bị bom và lũ quấn trôi…ấy vậy mà tháng này qua năm khác con đường vẫn hiên ngang không bao giờ  bị tắc qua đêm, không bao giờ bị lỗi hẹn với những chuyến xe cõng đầy hàng vào Nam.
          Đón tôi ở Ngã Ba Chè còn nguyên vẹn Ban chỉ huy Đại đội năm xưa. Tay bắt mặt mừng, vòng tay ôm hôn, những lời thăm hỏi nghẹn ngào trong khóe mắt. Còn cả, nguyên vẹn từ giọng nói đến cử chỉ thân thuộc, chỉ có điều trên khuôn mặt của mỗi người đã hằn sâu nhiều nếp nhăn, mái tóc có nhiều sợi bạc, có anh đã rụng đi phân nửa. Cũng phải thôi, tất cả đã sang tuổi “ thất thập cổ lai hy ”. Điều sung sướng nhất là mọi người đều khỏe mặc dù bị nhiều bệnh tật đeo bám, ai cũng có một gia đình hạnh phúc, con cháu nội ngoại đề huề, ngoan ngoãn, có 2 anh đã được thăng hàm lên chức “ cụ”.
          Chị Kính bà xã Đại đội phó Phượng cũng là lính Thông tin của Binh trạm 14, ngắm nhìn bức ảnh chụp đại gia đình gần hai chục người, đủ các thế hệ treo trang trọng ở phòng khách tôi nâng chén chúc mừng hạnh phúc gia đình anh chị. Chuyện chiến trường xưa vòng quanh mâm cơm thịnh soạn, mặc dù chúng tôi không ai biết uống rượu nhưng vì  say cái tình của ngày gặp mặt sau 48 năm mới tìm được nhau, mới được ngồi cùng nhau nên chén cứ vơi rồi lại đầy. Rượu vào lời ra và một thời chiến trường, một thời ATP trong kí ức của mỗi người lại hiện về.
         Trong những câu chuyện ấy sự hy sinh quả cảm của Trang, Trương, Hải…được nhắc đến với tất cả lòng kính trọng và sự thương tiếc. Những lần xả thân đi đánh bom, cứu đường, cứu xe, cứu hàng hiện vể như mới xẩy ra ngày hôm qua. Những cái chết cận kề tưởng mãi mãi không còn gặp nhau. Những gương mặt, cái tên thân thuộc: Trung đội trưởng Tửu, Trung đội trưởng Tầm, Trung đội trưởng Chương, Trung đội phó Trình cùng các chị Khương, Lương, Toán… Hình ảnh lê Thị Sơn em gái nhỏ nhắn vừa trẻ, vừa xinh đẹp nhưng lại vô cùng dũng cảm thuộc “Trung đội nữ Công binh thép”(*) lần lượt được nhắc đến với những câu chuyện, những kỉ niệm in đậm dấu ấn từng người từ tính cách, giọng nói, nụ cười, hình dáng, lòng dũng cảm không tiếc thân mình, tất cả “ Vì miền nam ruột thịt”, “ tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chuyện về những  đêm dầm mình làm cọc tiêu sống trên ngầm ta-lê chỉ lối cho mỗi chuyến xe qua. Chuyện về những đêm cứu hàng, cứu xe, cứu Thương binh trong ngùn ngụt lửa cháy trên đèo Phu-la-nhích. Chuyện về những lần cả một Trung đội phải nằm ngay trên trọng điểm hứng chịu hàng trăm quả bom B52 dải thảm. Chuyện về mối tình vụng trộm của một Chiến sỹ nữ với anh lái máy ủi được tăng cường cho đơn vị… Kí ức lần lượt hiện về, chúng tôi ngồi đấy mà như đang sống ở thời kì đánh Mỹ  50 năm trước…
          Vui có, buồn có. Sau ngày đất nước mới thống nhất, cuộc sống khốn khó, mỗi người một nơi, phiêu bạt ra Bắc, vào Nam. Tuổi xuân bỏ lại nơi chiến trường, về với đời thường mỗi người một hoàn cảnh, có chị em gặp trắc trở phải chịu nỗi bất hạnh trong cuộc sống riêng tư; bom đạn, sốt rét rừng,  vất vả, thiếu thốn, gian khổ nơi rừng thiêng nước độc đã bào mòn sức lực, cướp đi tuổi thanh xuân, hầu hết đều mang bệnh trong người, có người đã sớm qua đời vì bạo bệnh.
         Nhưng vượt lên tất cả hầu hết anh chị em đều có một  cuộc sống khá ổn định. Nghị lực phi thường của những người lính Trường Sơn năm xưa một lần nữa lại được thể hiện trong cuộc chiến đấu xóa đói, giảm nghèo. Một số tiếp tục ở lại trong Quân đội đến tuổi nghỉ hưu, nhiều anh chị được tín nhiệm  tham vào Chính quyền, các tổ chức hội đoàn các cấp ở địa phương.
         48 năm một cuộc gặp, ôn lại những kỉ niệm xưa chúng tôi rất vui và tự hào về quãng thời gian được sống bên nhau, cùng vào sinh ra tử trên con đường Trường Sơn huyền thoại tại trọng điểm lửa ATP. “ Tất cả để đánh thắng giặc mỹ xâm lược”. Chúng tôi đã sống, chiến đấu và hy sinh như vậy.
         Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Ai cũng muốn giữ tôi ở lại để rộng dài thời gian tâm sự, tìm gặp bạn bè. Chia tay trong sự bịn rịn, lưu luyến chúng tôi cùng hứa với nhau phải sống thật vui, thật khỏe dù còn một ngày cũng phải sống thật tốt, nuôi dậy con cháu cho nên người và luôn nhớ về nhau, nhớ về những kỉ niệm của một thời đánh Mĩ trên đỉnh Trường Sơn. Thường xuyên liên lạc, giữ chặt mối liên hệ, nếu có dịp lại tiếp tục hội ngộ…
         Cuộc gặp của những người lính Trường Sơn năm xưa xúc động và thắm đượm nghĩa tình. Cảm ơn tất cả các anh, các chị.
-------------------------------
(*) “ Trung đội nữ Công binh thép ” là tên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên dương Trung đội nữ B3 thuộc C3, D33, Binh trạm14 khi Đại tướng ghé thăm đơn vị tháng 3/1973 tại đỉnh đèo Phu-la-nhích.

Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
tin tức liên quan