“Lần đầu tiên tôi cùng đồng đội bắc cầu tại Trường Sơn” - Ký ức của Phạm Văn Việt

Ngày đăng: 06:10 24/04/2021 Lượt xem: 342
 
-----------------------------------------------------------------------------------------------
LẦN ĐẦU TIÊN TÔI CÙNG ĐỒNG ĐỘI BẮC CẦU TẠI TRƯỜNG SƠN
Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống của Binh chủng Công binh (25/3/1946 – 25/3/2021)
và 62 năm mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2021)

 
         Đó là vào khoảng đầu năm 1967, tôi đang là Trung đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10CB, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559.
          Đại đội tôi dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Vũ Khanh và Chính trị viên Phạm Văn Cận. Chúng tôi cùng cả Trung đoàn làm nhiệm vụ mở một tuyến đường vắt ngang từ đất Lào qua dãy núi A Túc, thuộc địa phận xã Hồng Vân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên – Huế), quê hương nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kan Lịch, vào A So, A Lưới. Đường chạy giữa lưng chừng núi. Rừng nhiều tầng, gần như nguyên sinh. Giai đoạn đầu, đường chỉ mở đủ rộng cho xe con chở hàng qua, sau mới mở thêm ra nhưng cũng chỉ loại xe GAT 63 đi được thôi. Tất nhiên là chạy đêm. Vì thế, nó bắt đầu từ chỗ nào, địch không biết. Nhưng đến địa phận xã Hồng Vân thì nó phải đi qua một con suối, (chúng tôi gọi là suối A Túc), rộng chừng 4 – 5 mét. Mức nước vào mùa khô chỉ khoảng trên dưới một mét, nhưng đáy suối rấy lầy. Địa hình hai bên suối rất trống trải. Cho nên khi đoạn lên xuống hai hai bên bờ suối mở ra thì địch lập tức phát hiện và tập trung máy bay đánh phá rất ác liệt. Dạo ấy, tại chiến trường này chúng tôi chưa thấy máy bay phản lực của địch xuất hiện mấy mà chủ yếu là L19 và AD6. (L19 là loại máy bay trinh sát mà các đồng chí bộ đội chống Pháp thời kỳ 1945 – 1954 thường vẫn gọi là “Máy bay bà già”). Nó trinh sát rồi chỉ điểm mục tiêu cho AD6 đến đánh phá. Trong khi đó lực lương phòng không của ta chưa có mà chúng tôi thì chưa được lệnh dùng súng bộ binh bắn máy bay địch. Cho nên bọn chúng mặc nhiên quần lộn như hoạt động ở chỗ không có người!
         Nhiệm vụ bảo đảm giao thông đoạn đường hai bên bờ suối, tiểu đoàn giao cho trung đội tôi và một trung đội của đại đội 6, do đồng chí Thắng (quê tỉnh Hà Bắc) làm trung đội trưởng đảm nhiệm. Trong đó, riêng việc bảo đảm cho xe qua suối được phân công cụ thể như sau: Ngay trong ngày đầu tiên, trung đội của tôi bên bờ Bắc phải bắc xong một chiếc cầu dã chiến chiều dài khoảng 10 mét, rộng ba mét vào trước 23 giờ. Sau khi xe vượt qua, trung đội của anh Thắng ở bờ Nam phải rỡ cầu giấu đi trước khi trời sáng.
         Để thực hiện mệnh lệnh của trên, trung đội của tôi phải chuẩn bị vật liệu từ mấy ngày trước, không phải chỉ đủ bắc một mà là ba chiếc cầu. (Chỉ có cây rừng và dây rừng thôi, không có dây thép và đinh!) Khi trinh sát để tính toán mọi việc cho nhiệm vụ bắc cầu, chúng tôi mới phát hiện ra rằng, do tính chất phức tạp của địa hình, để nối khớp giữa bờ Nam và bờ Bắc của cầu thì cây cầu này không thể nào bảo đảm đúng được một nguyên tắc tối thiểu theo lý thuyết là phải vuông góc với dòng suối! Nhưng biết làm sao được? Đường mở thông rồi, địa hình tại đây lại không thể mở đường vòng hoặc chuyển vị trí cầu ra chỗ khác được nữa. Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi quyết định bỏ qua cái lý thuyết kia với tinh thần “Miễn xe qua được là được!” Sau khi xin ý kiến và được chỉ huy đại đội cho phép, chúng tôi khẩn trương thực hiện với một tinh thần rất hào hứng.
         Cái đêm đầu tiên bắc cầu trên Trường Sơn ấy đối với tôi không bao giờ quên! Trời vừa tối là chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Nhoáng cái, khắp núi rừng đã tối đen như hũ nút. Không ánh trăng. Không ánh sao. Và tất nhiên là không đèn đuốc. Anh em chúng tôi cứ theo tiếng nói của nhau phía trước mà đi. Khiêng, vác, lôi cây và dây…từ các vị trí tập kết ra, rồi đào mố, bắc cầu. Những cây gỗ được hạ xuống làm dầm cầu dài 5 mét, nặng hàng trăm ki – lô – gam. Những cây gỗ lát mặt cầu dài 3- 5 mét, đường kính 5 – 7 cm, bó 3 cây làm một, 2 người khiêng…Những chiến sỹ tuổi 18, 20, bữa chiều mỗi người chỉ có một bát cháo sắn, làm việc liên tục, không có nghỉ giải lao, thậm chí nước cũng không kịp uống. Giữa đêm đông mà ai nấy đều lã chã mồ hôi !


Ảnh minh họa
 
         Cầu vừa bắc xong thì cũng là lúc chúng tôi nghe thấy tiếng xe rì rầm từ xa vọng lại. Chẳng ai có đồng hồ nên cũng chẳng biết mấy giờ rồi. Chỉ biết rằng thế là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ bắc cầu đúng (hoặc trước) giờ quy định ít phút. Cả trung đội tôi (22 người) không ai bảo ai cứ thế đứng thành hai hàng ở hai bên đường vào cầu, vỗ tay chào đón những chiếc xe GAT 63 nặng trĩu hàng lao lên phía trước. Không nhìn rõ mặt nhau, các chiến sỹ lái xe quờ tay qua cửa xe tìm bàn tay của những lính công binh ruột thịt, cố nắm chặt lấy vài giây!
         Sáng hôm sau cả trung đội chúng tôi lại ra mặt đường làm nhiệm vụ. Sau khi giao việc cụ thể cho từng tiểu đội, tôi khoác khẩu AK cùng 2 chiến sỹ lững thưỡng đi xuống thăm cầu. Toàn bộ mặt cầu đã được trung đội của anh Thắng tháo gỡ mang giấu ở đâu đó. Cũng như bên bờ Bắc, ở phía bờ Nam có mấy chiến sỹ đang di tu mặt đường. Chúng tôi đang nói chuyện với nhau thì 2 chiếc L19 vè vè lao tới. Mọi người vội nhảy xuống hầm. Máy bay địch lượn trên khu vực vầu khoảng 10 phút. Có lúc chúng sà xuống thấp đến mức mặt nước suối nổi sóng lăn tăn! Chúng vừa đi khỏi, tôi bảo anh em nhanh chóng tránh xa vị trí cầu, tìm nơi ẩn nấp.
         Mọi người vừa chạy được khoảng 50, 60 mét, có người còn chưa kịp xuống hầm thì 2 chiếc AD6 đã ập đến trên đầu. Chúng lượn quanh mục tiêu mấy vòng rồi lao xuống, mỗi chiếc cắt 2 loạt bom và đi luôn. Tôi từ dưới hầm lên, nhìn bốn phía cảm thấy không gian nơi đây hình như yên lặng hơn trước lúc máy bay địch đến rất nhiều. Tôi chạy xuống kiểm tra cầu thì tất cả đều như không còn dấu vết gì nữa. Hố bom trồng lên nhau. Mặt suối đã biến dạng!
         Quan sát hiện trường xong, tôi tìm đồng chí trung đọi phó và 3 đồng chí tiểu đội trưởng lại hội ý. Đây cũng là toàn bộ đảng viên trong tổ đảng của trung đội. Chúng tôi nhận định: Thứ nhất, bắt đầu từ giờ phút này, cuộc chiến đấu giữa chúng ta với kẻ địch tại đây chắc chắn sẽ ngày càng ác liệt hơn. Do đó phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho anh em, dù bất kể khó khăn, gian khổ nào cũng vẫn bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai, máy bay địch đánh phá ác liệt thế náy chắc là chúng đã phát hiện ra cầu của ta. Lý do chúng phát hiện ra cầu phải chăng là vì trung đội của anh Thẳng bên bờ Nam khi rỡ cầu vẫn để lại toàn bộ rầm cầu? Nếu đúng như vậy thì chứng tỏ chúng ta chưa có kinh nghiệm và đánh giá không đúng về địch. Vì thế, phải báo cáo tiểu đoàn chỉ thị cho đại đội 6 giao nhiệm vụ cho trung đội anh Thắng đêm nay sau khi xe qua, rỡ cầu là rỡ hết cả rầm cầu. Thứ ba, ngay bây giờ toàn trung đội cần khẩn trương chuẩn bị để đêm nay bắc lại cầu. Mà việc bắc cầu lần này sẽ khó khăn hơn lần trước rất nhiều. Chiều dài cầu sẽ dài hơn. Hai bên bờ suối địch đã đánh phá nát rồi nên khâu xây dựng mố cầu cho chắc chắn là không đơn giản!
         Hội ý xong, cả tổ đảng chúng tôi cùng nhau xuống nghiên cứu lại địa hình, bàn tại chỗ phương án cụ thể và tôi điện báo cáo ngay với đại đội. Đêm hôm đó chúng tôi lại thông cầu đúng thời gian quy định, kịp tiễn mấy chục xe vào phía trong an toàn. Trung đội của anh Thắng ở bờ Nam cũng thực hiện rỡ sạch cả mố cầu. Nhưng khoảng 14 giờ ngày hôm sau, L19 của địch lại đến trinh sát rồi gọi AD6 đến đánh. Bọn AD6 đến lần này không phải chỉ 2 chiếc như hôm qua mà chúng thay phiên nhau đến 6 lần chiếc, mỗi chiếc ném bom 2 lần, sâu cả về hai bên đầu đường lên xuống cầu hàng trăm mét!
         Hồi đó có lẽ địch nó cho rằng, đánh như thế là “Việt cộng chịu rồi” nên đánh xong là chúng gần như “không thèm nhìn lại nữa” (!?) Ngớt tiếng bom, tôi và 3 đồng chí tiểu đội trưởng lao ngay xuống vị trí cầu. Nhìn cảnh tượng tan hoang, dễ đến mấy phút đầu, anh em chúng tôi lặng người đi, không ai nói với ai câu nào, nhưng tôi biết trong tim mọi người đang sôi sục lắm! Quá trình bàn phương án khắc phục, có một câu hỏi đặt ra là: Lần này bắc cầu kiểu gì? Tính đi tính lại mãi, cuối cùng chúng tôi quyết định làm cầu trệt, nghĩa là không cần “mố miếc” gì nữa! Vì hai bên bờ suối đến giờ này địch đánh nát hết rồi, làm gì còn chỗ để dựng mố cầu.
         Chiếc cầu trệt chúng tôi làm đêm đó chỉ có 2 vệt, mỗi vệt gồm 3 cây gỗ đường kính 20 – 30 phân ghép lại bằng dây rừng rồi đóng cọc dìm xuống lòng suối. Còn lại hai bên đường lên xuống thì chỉ việc lấy xẻng, cuốc san qua là xe đi được. Khi chiếc xe đầu tiên xuống đến bờ suối, đồng chí lái xe thò đầu qua cửa xe hỏi tôi: “Cầu đâu mà đi?” Tôi chỉ xuống mặt nước đang lấp loáng lờ mờ trong đêm, trả lời: “Cầu dưới suối này. Các cậu cứ đi đi, đã có cánh tớ “xi nhan” và đứng hai bên làm cọc tiêu rồi!” Đồng chí lái xe không nói gì nữa, chỉ lắc đầu rồi rú máy!
         Xe qua hết, trung đội của anh Thắng chỉ còn làm một việc là ngụy trang, xóa dấu vết hai bên đường lên xuống, lấy cành cây mà địch vừa đánh gẫy ngổn ngang đó, vứt xuống cả hai bên đường và mặt suối nữa là xong. Hôm sau, bọn L19 đến lượn mãi, rà đi rà lại mãi vẫn không thấy gọi AD6 đến nữa. Chắc chúng đã thông báo với nhau “Việt cộng thua rồi” (!?) Nhưng chúng không ngờ rằng từ đêm đó trở đi, chúng tôi chỉ việc dọn ngụy trang, sửa lại một chút hai vệt cầu là hàng chục con Tuấn mã Trường Sơn băng qua được.
       Một thời gian sau, có lẽ địch đã hiểu được điều gì đang diễn ra trước mũi chúng nên chúng lại cho máy bay đến đánh phá ác liệt hơn, cả ngày và đêm, thậm chí có những ngày không cần có L19 hay OV10 trinh sát nữa! Ban đêm chúng còn thả pháo sáng cho chúng tôi sửa đường. Lúc này, lực lượng phòng không của ta đã triển khai. Ban đầu là 12, 7 ly, sau là 14, 5 ly, rồi 37 ly! Tính chất khốc liệt của cuộc chiến đấu tại đây tăng lên từng ngày. Máu của chiến sỹ ta đổ ra ngày càng nhiều hơn, nhưng đường của chúng ta cũng ngày càng mở rộng hơn, không một phút giây nào bị tắc. Những chiêc xe GAT 63 trên đường thưa dần, thay vào đó là đội hình hùng hậu của những chiếc Zin 157, Zin 130 nối đuôi nhau đưa hàng ra phía trước, góp phần cùng quân dân Miền Nam trút bão lửa xuống đầu thù!
         Chuyện “Lần đầu tiên tôi cùng đồng đội bắc cầu tại Trường Sơn” cách nay đã hơn nửa thế kỷ rồi. Bây giờ ngồi viết lại những dòng này, tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi nhớ chiến trường xưa mà chưa một lần được thăm lại. Tôi da diết nhớ các đồng đội của tôi quê Hà Nam Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phú, giờ này ai còn, ai đã mất? Nếu đồng chí nào còn mà đọc được những dòng này thì xin hãy coi đây là lời tri ân của tôi đối với mọi người.

 
Phạm Văn Việt
(Nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công Binh 77/ Đoàn 559)
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
(ĐT: 0976915675)

tin tức liên quan