NHỚ NGÀY Ở TRÀ KÍP
Trà Kíp nằm trong khu vực Nước Oa ở phía tây của huyện Bắc Trà My ngày nay. Là căn cứ địa của Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ năm 1960 tới 1975). Được công nhận là : Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ trẻ. Là một điểm nhấn trong bản đồ Du lịch của tỉnh Quảng Nam. Ngày nay muốn tới đó, rất đơn giản, chỉ cần đi một chuyến xe ca từ Thành phố Tam Kỳ lên thị trấn Trà My, rồi từ đó đi xe đò, xe ôm , thậm chí đi bộ cũng được vì đoạn đường không xa mà. Nhưng ngày trước ( thời kháng chiến) đi được vào khu vực này không hề đơn giản . Vì đây là căn cứ địa Cách mạng của miền Trung, công tác bảo mật rất nghiêm ngặt có thể nói là “ Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bên cạnh đó còn phải nói tới điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt…Theo yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị tôi đã sống ở đây ngót nửa năm . Bây giờ nhớ lại, buồn vui lẫn lộn , chính mình cũng thấy khó mà tin được . Với tôi - Tôi mạnh dạn viết ra đây đúng như những gì đã có…
1) NẮM CƠM TRÊN ĐỈNH ĐÈO MÂY
Khoảng giữa năm 1969, tình hình của lực lượng vũ trang Quân khu V gặp rất nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được. Ở đồng bằng, Mỹ - Ngụy và chư hầu tăng cường việc bình định nông thôn. Chúng liên tục mở các cuộc càn lớn với những cái tên: Bình định cấp tốc ; Bình định đặc biệt ; Bình định tăng cường vv… Trong khoảng tiếp giáp của hai con sông Thu Bồn và Cẩm Lệ, chúng dùng xe thiết giáp và xe ủi đất san ủi làng mạc, bắt và cưỡng bức dân vào các trại tập trung, triệt diệt các cơ sở Cách mạng. Chia rẽ nhân dân với chính quyền Cách mạng. Nhiều thôn , xã đã trở thành vùng trắng ( không còn cơ sở Cách mạng). Ở vùng núi, bọn ngụy tăng cường tung biệt kích, thám báo nhằm phát hiện và đánh phá căn cứ, kho tàng, đường hành lang của ta.Chúng đã mò tới cả nhiều nơi thuộc khu căn cứ của ta như Làng Rô; Bà Huỳnh; Bà Xá; Trạm 11vv… Ở vùng giáp ranh, Mỹ tăng cường hoạt động dưới hình thức “ Mỹ lết”, dùng lực lượng nhỏ chà đi xát lại án ngữ các trục đường vận chuyển của ta từ đồng bằng lên đã gây cho ta nhiều khó khăn. Các cơ sở Hậu cần của ta trong vùng địch hậu mua được gạo, thực phẩm, thuốc tây nhưng không có đường vận chuyển lên. Đơn vị đi lấy gạo về ăn cũng phải tổ chức bám địch, đánh địch như đi chiến đấu . Đứng trước tình hình đó, lực lượng vũ trang của Quân khu phải căng ra để hoạt động. Vừa phải chống càn đánh vào xương sống của chiến lược bình định. Vừa phải hỗ trợ cho địa phương hoạt động phá ấp dành dân. Vừa phải chuẩn bị lực lượng cho nhiệm vụ tiếp theo. Sư đoàn 2 chúng tôi cũng không ngoại lệ. Để vừa giữ thế trên chiến trường, vừa để giải quyết ba vấn đề lớn của đơn vị lúc đó là thiếu quân số, thiếu gạo ăn, thiếu vũ khí, đội hình của Sư đoàn 2 phải phân tán trên một diện rộng. Trung đoàn bộ binh 31 trụ bám ở vùng Quế Sơn; Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Trung đoàn 21 bộ binh vào Quảng Ngãi thay cho Sư đoàn 3 chuyển vào Bình Định. Trung đoàn Ba Gia là đơn vị chủ công được ưu tiên củng cố xây dựng nhưng phải hành quân lên tận vùng biên giới phía tây tỉnh Quảng Đà để tận dụng sự chi viện của đường dây Trung ương (559) và một phần các dẫy sắn chiến lược của quân khu. Truyện tôi kể cũng bắt đầu từ đấy .
Đầu tháng 10 năm 1969, sau khi điều trị vết thương ở bệnh xá IK38 của Sư đoàn, tôi trở về đơn vị thì đơn vị đã hành quân di chuyển cách đó một tuần. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách bộ phận thu dung của Tiểu đoàn hành quân đuổi theo đơn vị. Tất cả có 16 người đều là Thương bệnh binh mới ở Bệnh viện về hoặc sốt rét ở đơn vị chưa hành quân đợt đầu được. Lương thực mỗi người được cấp 2 lon gạo ( 1/2kg); cả đoàn được cấp 1kg muối và 1 lạng mỳ chính. Thế cũng là được ưu tiên lắm rồi và thế cũng có nghĩa là trong 4 ngày chúng tôi phải hành quân tới nơi. Phải nói thật rằng không phải là lính cùng một Đại đội mà là của các Đại đội trong toàn Tiểu đoàn nên rất khó quản lý. Gạo ăn 4 ngày nhưng được 3 ngày đã hết nhẵn. Sáng ngày thứ 4 anh em nhịn đói hành quân. Đã vậy đồng chí Trung xạ thủ trung liên của Đại đội 3 ( nay là Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 2) lại lên cơn sốt rét hồi đêm. Ba lô của đồng chí đó phải phân tán cho đồng đội mang hộ. Nặng nhất là khẩu trung liên RBD thì cứ đùn đẩy nhau không ai chịu nhận. Cuối cùng tôi đành phải chấp nhận mang thay. Người còn yếu mệt, bụng đói, hành quân vất vả nhưng chúng tôi đều xác định rằng : “ còn một ngày đường nữa, phải cố gắng hết sức. Nếu ngày nay không tới đích, phải nằm lại dọc đường thì biết trông cậy vào đâu”. Cung đường hành quân ngày cuối cũng thật gian nan . Muốn vào được vị trí đóng quân, phải leo một cái dốc rất cao : “ dốc mây”. Gọi là “ dốc mây” vì dốc nằm giữa hai ngọn núi, quanh năm có mây phủ. Tôi đi trong tốp đầu. Vừa lên tới đỉnh dốc gặp ngay một người lính đã đứng tuổi (cũng chạc tứ tuần ). Người tầm thước, quần áo gọn gàng sạch sẽ, mái tóc đen, dầy. Bên cạnh là chiếc ba lô trông cũng sạch sẽ. Trên ba lô quàng một chiếc thắt lưng da có khẩu súng ngắn K59. Tôi đoán “ người này nếu không phải cán bộ Trung đoàn thì cũng là cán bộ cơ quan cấp Sư đoàn trở lên”. Thấy tôi bước tới gần, ông cất tiếng hỏi “ Đồng chí là Chính trị viên Đại đội 2 Tiểu đoàn 3 phải không?”. Tôi vờ như không nghe , bước dấn lên vài bước hạ khẩu trung liên xuống, cố tình dúi mạnh báng gỗ của khẩu súng xuống đường làm khẩu súng rung lên, kêu đánh “ chạch”. Tụt chiếc ba lô đặt bên vệ đường. Chiếc ba lô vừa chạm đất, lưng áo đẫm mồ hôi bị gió đèo thổi vào lạnh đến rùng mình. Tôi vội ngồi thụp xuống dựa lưng vào chiếc ba lô, duỗi thẳng hai chân, hai tay cho thư dãn rồi mới hỏi lại ông “ Thế anh già thấy tôi giống một xạ thủ trung liên hay một Chính trị viên Đại đội”. Ông cười vui vẻ “ giống cả hai, ít nhất là lúc này”. Tôi mỉm cười, gật gật đầu tán thưởng bởi tôi đã hiểu được ý của ông . Chắc ông đoán rằng : tôi mang trung liên hành quân thì đích thực là xạ thủ trung liên rồi . Còn là Chính trị viên vì chắc là ông nhìn thấy chiếc túi mìn Mo mà tôi đeo trước bụng. Ngày ấy cán bộ từ Đại đội trở lên được cấp Xắc côt ( cặp đựng tài liệu). Thường thì là cặp da của Nga hoặc cặp bằng vải bao bố của Tầu nhưng cả hai loại ấy đều to và dài không tiện cho việc cơ động chiến đấu nên phần nhiều cán bộ mình dùng đồ tự may. Nguyên liệu bằng vải bạt đi mưa hoặc vải dù Ba lô của Mỹ. Ai khéo tay thì tự may lấy. Ai quen được với chị em Quân nhu hay nữ Quân y thì nhờ may hộ . Còn loại tay chân vụng về lại không quen phụ nữ như tôi thì tốt nhất là lấy một cái túi đựng mìn Mo của Mỹ mà dùng. Ngoài đựng mấy quyển sổ ghi chép hàng ngày còn đựng được cả bộ võng ni non và bọc võng dù pháo sáng. Lý giải như vậy không sai vào đâu được . Giọng thân mật, ông hỏi tiếp :
-Chắc là cậu mệt hả ?
-Anh già hỏi lạ. Sáng nay tôi nhịn, vác khẩu trung liên, leo dốc hơn bốn giờ đồng hồ lên tới đây không mệt mới là chuyện lạ. Mà anh hỏi như vậy là có ý gì. Nếu tôi bảo mệt chắc anh lại cho rằng tôi là thanh niên hoi. Nếu nói không mệt là nói dối mà sợ quái gì ai mà tôi phải nói dối nhỉ!
-Thẳng thắn, chí khí. Mình cũng thích cái tính như vậy đấy. Mình xin lỗi nhé vì đã không biết điều đó. Ông nhích lại gần tôi hơn. Giọng ông nhỏ và đều :
-Chắc là cậu đói lắm. Mình còn nắm cơm đây, cậu ăn tạm cho đỡ đói. Vừa nói, ông vừa lấy chiếc túi đựng nắm cơm đưa cho tôi. Mắt tôi như sáng lên.Tôi đưa hai tay đỡ lấy nắm cơm. Không, phải gọi chính xác hơn là “dúm cơm” mới đúng. Trong thời buổi thiếu đói, trình độ nắm cơm của nuôi quân giỏi thật,có thể nói đã lên tới đỉnh cao của nghệ thuật. Nửa bò gạo nắm làm hai nắm cơm dùng cho hai bữa ăn. Chắc là lực tác động của bàn tay phải rất nhẹ và đều vừa đủ cho hạt cơm bám vào nhau nhưng chỉ xôm xôm không chặt mà vẫn có dáng tròn tròn như quả trứng vịt. Tôi dùng hai ngón tay khẽ bửa, dúm cơm vỡ làm đôi, cho vào miệng nhai trệu trạo rồi nuốt vội. Ông thân mật đặt tay lên vai tôi:
-Ăn từ từ thôi kẻo nghẹn. Chẳng hiểu sao, câu nói ấy của ông lại làm tôi tự ái. Tôi quay sang ông giọng bỡn cợt :
-Chắc là anh già không có tuổi thanh niên nhỉ?
-Nghĩa là sao ?
-Nghĩa là ông chẳng hiểu gì về thanh niên cả. Thanh niên là ăn không biết no, làm không biết mệt. Tôi mới 20 tuổi, đang là thanh niên mà. Dù ông có đưa cho tôi chục túm cơm như thế tôi cũng ăn hết, nói gì đến có mỗi túm cơm con con mà sợ nghẹn với chả nghẹn. Ông cười vui vẻ :
- Cậu khéo đùa dai . Nhưng cách lập luận của cậu sai rồi. Mình có tuổi thanh niên chứ. Qua thanh niên rồi, nay mới là trung niên. Sau này còn lên thượng niên, đại niên nữa ấy chứ. Mà có tuổi thanh niên thì mình mới có vợ con chứ. Nói thật nhé, con gái đầu của mình cũng phải chạc tuổi với cậu đấy. Nó đang học năm 2 khoa Vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa . Nếu cậu gặp nó mà bén duyên thành đôi lứa thì cậu phải gọi mình là gì nhỉ. Là bố vợ chứ không phải là anh già đâu nhé !. Moi người ngồi chung quanh thi nhau gọi ông là bố vợ và cười đùa làm cho không khí thật vui vẻ. Còn tôi thì ngượng chín mặt.
Điểm mặt anh em trong đơn vị thấy đã đủ cả, Tôi moi trong túi cóc sau ba lô ra một gói Pô ly vi ta min cỡ nhỏ loại 100 viên mà tiểu ban cán bộ Trung đoàn mới cấp bồi dưỡng cho tôi trước khi hành quân. Viên thuốc to bằng hạt ngô, màu vàng, khi ăn thấy chua chua, ngọt ngọt. Chẳng biết có bổ béo gì không nhưng chỉ ăn sau mươi phút là đi tiểu ra nước vàng lòe. Chúng tôi thường gọi đùa đó là : “ sâm đại đội”. Tôi dùng răng cắn, xé bao ninon bốc chia cho mỗi người mấy viên. Tôi nheo mắt nhìn ông già như muốn nói : “ Lúc nãy ông cho tôi một túm cơm , bây giờ tôi chia cho Bộ đội cả một gói “ sâm đại đội” , thế là coi như một đều nhé”. Tôi chia tay ông già để tiếp tục hành quân. Về sau do nhiều lần về Phòng Chính trị Sư đoàn họp hoặc học tập, tôi mới biết : ông là Nguyễn Văn Ấp trợ lý bảo dưỡng của Ban cán bộ Sư đoàn. Ông quê ở thành phố Hải Phòng. Trước khi về làm trợ lý bảo dưỡng, ông là Đại úy Chính trị viên Tiểu đoàn pháo cối 120 mm trực thuộc Sư đoàn. Công việc của ông hôm đó là đứng đón và chỉ đường cho các đơn vị hành quân trong đó có bộ phận của tôi. Ngày nay xã hội phát triển, kinh tế tăng trưởng, thức ăn bổ dưỡng có nhiều. Nhưng tôi dám khảng định một điều rằng: dù các vị có ngậm sâm Ngọc Linh hoặc hồng sân Hàn Quốc ngâm với mật ong rừng cũng không thể hồi sức nhanh như tôi được ăn một túm cơm giữa đỉnh dốc Mây ngày ấy.
2) BỤNG ĐÓI CẬT RÉT
Tới Trà Kíp, Đại đội tôi được ở doanh trại cũ của một đơn vị thuộc quân khu bộ ( vì lý do bảo mật, chúng tôi không được biết cụ thể là đơn vị nào). Nhà cửa, hầm hố tương đối vững chắc. Có cả hội trường để sinh hoạt nên tiết kiệm được nhiều thời gian xây dựng nán trại, đẻ tập trung thời gian làm thao trường phục vụ cho huấn luyện và bước vào học tập chính trị. Về vấn đề lương thực trước mắt chưa có gì gọi là khả quan cả. Mỗi Đại đội chỉ được cấp mấy chục bò gạo để nấu cháo cho người ốm. Đơn vị thì được ăn củ sắn. Như đã nói ở trên “…. Tận dụng một số dãy sắn chiến lược của Quân khu”. Đúng là sắn chiến lược thật. Hai bên bờ của sông Nước Oa, đất đai mầu mỡ. Bộ phận sản xuất của Quân khu tận dụng nương rẫy cũ của dân trồng sắn. Sắn tốt, nhiều củ. Gọi là chiến lược vì nó chỉ được sử dụng khi thật cần thiết trên nguyên tắc “ nhổ một bụi sắn phải trồng lại tại đó một hom sắn mới” . Cũng chính bởi tính chiến lược nên sắn không được thu hoạch đúng lứa mà để lưu cữu năm này qua năm khác nên khi chúng tôi được thu hoạch thì củ sắn già và to như bọng đùi. Mỗi người dùng ba lô để gùi sắn chỉ được hai đến ba củ. Sắn to thì lõi cũng to nên phần chất bột xử dụng được không nhiều. Một hai ngày đầu ăn củ sắn còn cảm nhận được sắn bở, bùi và thơm. Sang đến ngày thứ tư trở đi sắn chảy nhựa và ngả màu vàng ăn rất đắng. Đắng cũng phải ăn và ăn rồi cũng hết. Cuối cùng phải ra hố rác bới tìm kiếm những mẩu vụn đã bỏ đi và cả lớp vỏ đỏ, cạo lớp vỏ nâu mỏng bên ngoài đi để nấu ăn . Còn rau ăn thì lúc đầu được hái lá sắn về muối chua nấu canh nhưng chỉ được phép hái lá bánh tẻ . Cấm được bẻ ngọn và hái lá còn mang mầu tím ( búp non). Chẳng hiểu mấy ông hậu cần học lỏm được ở đâu về tuyên truyền rằng ăn một kg lá sắn có lượng dinh dưỡng nhiều hơn một kg thịt trâu. Lính tráng chúng tôi thì chẳng tin đâu nhưng thiếu thì phải ăn thôi. Một Trung đoàn trên hai ngàn miệng ăn chứ chơi à. Lá sắn, rau rừng được huy động hết. Có những loại rau ăn cũng ngon như rau xanh, nõn ngọn cây đót; rau cần dại; hoa chuối rừng vv…Có những thứ bây giờ nói ra thấy sợ như cây vòi voi, củ móng ngựa ; ruột của thân cây đu đủ vv… cũng ăn tất. Mùa đông năm ấy rét kinh hồn. Ở cái vùng cao sơn cùng cốc này, suốt ngày sương mù bao phủ, chỉ tầm bốn giờ chiều trời đã tối mịt .Đúng như cổ nhân nói : “ Bụng đói cật rét”. Mỗi người lính chỉ có hai bộ quần áo; một chiếc võng nằm; một tấm đắp ( vỏ chăn chiên), không được trang bị quần áo ấm. Khi ngủ ai cũng như ai, hai bàn tay đan vào nhau ôm quàng qua gáy, đầu gối co lên đến ngực, toàn thân co quắp trông hệt như con số 4 bởi chỉ có như vậy mới bớt lạnh, mới ngủ được một chút. Hai ống tay áo ôm đầu nên dầu của tóc bết lại bóng nhẫy rất khó giặt vì khó thấm nước. Cái nạn “ rận” mới thật khủng khiếp . Có lẽ do khí hậu và it tắm giặt nên cái loại ký sinh ấy phát triển quá nhanh. Đơn vị phải ra quy định mỗi tuần mỗi người phải luộc quần áo một lần nhưng cũng chỉ bớt được phần nào vì chúng lại chuyền từ người này qua người khác mà. Anh Tô Ngọc Chuyết người Tiền Hải Thái Bình là Đại đội trưởng nói đùa : “ Nhiều rận chấy là điềm báo sắp đến ngày thống nhất đấy anh em ạ”. Tôi phản bác lại ngay “ Tôi không phải là người duy tâm, chẳng tin vào điềm báo nào cả mà chỉ biết rằng muốn chiến thắng thì quân đội phải mạnh, sức chiến đấu phải cao chứ cái đội hình toàn người như số 4 này thì còn phải cố gắng nhiều và còn lâu đấy ông ạ”.
Rồi cái đói, cái rét ở cái xứ rừng núi đại ngàn ấy cũng qua đi. Sang Xuân, trời ấm dần, đã nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Sự chi viện của đường dây Trung ương đã phát huy được. Bộ đội có gạo ăn, được bổ xung súng đạn lại khẩn trương bước vào huấn luyện nâng cao sức chiến đấu để rồi đầu tháng Tư năm 1970 quay trở lại Hiệp Đức tham gia chiến dịch Xuân Hè ( Mật danh là Chiến dịch 180). Trong hơn một tháng chiến đấu đã tiêu diệt gọn một Tiểu đoàn, đánh thiệt hại một Tiểu đoàn khác của Trung đoàn 5. Đánh tiêu hao ba Tiểu đoàn của Trung đoàn 6. Thu hút và kìm chân toàn bộ lực lượng cơ động của Sư đoàn 2 ngụy trên chiến trường Quảng Nam hỗ trợ đắc lực cho lực lượng địa phương chống bình định, diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ của các địa phương trên địa bàn hai huyện Hiệp Đức và Tam Kỳ.
Để trưởng thành và làm nên chiến thắng đã có lúc chúng tôi phải vượt qua những khó khăn như vậy đấy.,.
Trung tá Đặng Kim Âu
Nguyên Trợ lý Tuyên huấn Học viện Hậu cần QĐNDVN
Tel : 0917366836