CÓ MỘT THỜI VƯỢT RỪNG TRƯỜNG SƠN

Ngày đăng: 04:58 15/05/2021 Lượt xem: 329
CÓ MỘT THỜI VƯỢT RỪNG TRƯỜNG SƠN

Hoàng Việt Quân
 

   Vào Nam (đi B) một thời đồng nghĩa với vượt rừng Trường Sơn trong bom rơi đạn nổ, trong gian nan thử thách khắc nghiệt. Vào Nam còn là niềm vui của người ra trận trong không khí rạo rực cả nước lên đường “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” (Bác Hồ). Vào Nam năm 1972 lại gợi nhớ những tháng ngày Tổng động viên không thể nào quên: biết bao giảng viên và sinh viên các trường đại học, trung cấp trên miền Bắc tình nguyện nhập ngũ, biên chế thành các tiểu đoàn sinh viên ra trận. Có lẽ vì vậy mà một người lính sinh viên như tôi đã từng hành quân trên giải Trường Sơn năm 1972 rất tò mò và háo hức khi nhận được sách bạn tặng, liền đọc một mạch trong đêm hết cuốn tiểu thuyết “Vượt rừng” của nhà văn Hà Lâm Kỳ, dày 196 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành quý I năm 2007.
Hiện lên trong trang sách biết bao gương mặt thân quen từ trường Đại học sư phạm Việt Bắc và gương mặt những đồng đội sinh viên cùng thời. Họ là những tân binh còn trẻ, yêu đời, có học thức, tâm hồn lãng mạn thuộc nhiều thành phần dân tộc phía Bắc như: Tày, Nùng, Hoa, Thái, Mường, Dao, Mông v.v… Họ được biên chế vào một đơn vị bộ đội thuộc Sư đoàn 304B, huấn luyện ở Phú Bình (Bắc Thái), đóng quân theo đơn vị nhỏ và khá rõ nét: cảnh luyện tập nơi thao trường, cảnh hành quân dã ngoại, cảnh lính ta đi xin tre với vô vàn cách dân vận khéo léo để hoàn thành nhiệm vụ, những mối tình đầu chớm nở, tình thương yêu đùm bọc của đồng bào, tình bạn sinh viên, tình đồng chí, tình đồng đội, công việc ở trạm thu dung, sự quyến luyến chia tay của người thân v.v… Tất cả như sống lại thông qua lời kể của tác giả, qua bóng dáng ba nhân vật tân binh Bắc, Hà, Hiếu được cấp trên chú ý, rút lên công tác tại Ban chỉ huy các cấp chuẩn bị cho đội hình hành quân: Bắc làm liên lạc Đại đội rồi được rút lên làm cần vụ cho Tham mưu trưởng Trung đoàn, Hà thay Bắc làm liên lạc đại đội rồi được cử đi học sơ cấp quân y về làm y tá đơn vị, Hiếu được đào tạo lớp tiểu đội trưởng để về làm cán bộ khung. Bộ ba ấy đã cùng cả tiểu đoàn lên đường vượt Trường Sơn khói lửa và tập kết ở chiến trường Tây Nguyên trong bối cảnh giặc Mỹ đang điên cuồng dùng “pháo đài bay” B52 dánh phá miền Bắc trong tháng 12/1972 đến khi ký kết Hiệp định Pari và những ngày đánh địch lấn chiếm ở miền Nam.
Tiểu thuyết “Vượt rừng” mô tả cuộc hành quân của Tiểu đoàn 4 mang phiên hiệu Đoàn 3005 bắt đầu từ Đại Từ, Thái Nguyên đi Hà Nội, vào Nam với bao kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Mười hai trường đoạn văn khác nhau như những mảng phim tài liệu theo trình tự thời gian dẫn ta đi theo đội hình hành quân dọc dài đất nước. Biết bao chuyện muốn kể, muốn nói. Nào là chuyện hành quân trong đêm qua làng phải thật im lặng thì lại “xoảng một cái, người chiến sĩ đi trước rơi cái xoong” làm cho đàn chó kêu ầm ĩ, cả làng thức giấc đốt lửa chạy ra xem khiến anh chiến sĩ trẻ bị kiểm điểm. Nào liên lạc vốn “là tai mắt của thủ trưởng” thì lại bỏ đi ngủ ở lán bạn vì “ở cạnh các sếp, nóng lắm” bị Đại đội trưởng bắt được quả tang, đưa ra kỷ luật. Nào là cảnh hành quân vượt núi ban đêm đến Thái Nguyên, chứng kiến trận đánh máy bay Mỹ B52 và tốp con ma F4H hộ tống, Bắc cứu được một em bé giữa bom đạn của địch. Hành quân đến Thanh Hóa, tập kết bên sông Mã, Hàm Rồng, ở nhà sàn dân mà không biết ông cụ chủ nhà  nhường giường cho bộ đội, còn ông thì “chui xuống thùng rơm” dưới bếp ngủ, thế là cả tiểu đội bị kiểm điểm rút kinh nghiệm để nhớ rằng: “Đóng quân ở nhà dân, không được phiền nhiễu dân, đó là điều 4 trong 12 điều kỷ luật quân đội”. Người dân ở tuyến lửa thật tốt, hoàn toàn tin tường bộ đội nên mới có cái cảnh “bộ đội đến, dân nhường nhà, bộ đội đi tự mình khép cửa” khiến bộ đội luôn cảm thấy “căn nhà đơn sơ mà ấm áp” nghĩa tình nhưng trong lòng lại “như có gì buồn buồn văng vắng”. Ngồi trên đoàn xe Din ba cầu vượt qua bến phà Long Đại, các anh chứng kiến cảnh các o thanh niên xung phong phá bom nổ chậm, trong bom đạn các o đứng bên bến vai đeo súng, tay cầm cờ hiệu dũng cảm hướng dẫn cho xe qua, thái độ phục vụ tận tụy mà hồn nhiên vui vẻ. Tập kết trên đất lửa Quảng Bình, chia tay với cánh lính lái xe, sáng hôm sau tiếp tục hành quân thì được thông báo tin đặc biệt: Hiệp định Pari đã được ký kết, Mỹ tuy ngừng bắn nhưng nhiệm vụ lúc này vẫn còn rất nặng nề, phức tạp và còn ác liệt.
Bắt đầu từ đây, nhà văn Hà Lâm Kỳ tập trung kể chuyện vượt rừng Trường Sơn trên đường dây 559 gian khổ, ác liệt, ngày đi, đêm nghỉ ở các “bãi khách” trong rừng, có những cung đường phải vòng qua nước bạn Lào hoặc Căm Pu Chia. Họ luôn gặp những tình huống bất ngờ xảy ra. Có lúc vừa tới bãi khách tập kết lập tức có lệnh hành quân gấp vì bọn thám báo đã biết. Đói, khát, mệt mỏi, sốt rét có lần làm cho cuộc hành quân bị chậm trễ. Gặp xác chết của người chiến sĩ giải phóng trôi trên sông Xê Phiêng, lính ta sợ hãi bỏ chạy, bị Ban chỉ huy phê bình gay gắt vì thiếu “trách nhiệm với thương binh liệt sĩ”. Gặp đoàn 572 chưa kịp hàn huyên đã nghe tiếng súng nổ, thì ra có 2 tên đào ngũ bò vào trạm cắt dây điện thoại bị lộ, chống cự lại, bắn một chiến sĩ bị thương, C25 được lệnh đi vây bắt tóm gọn bọn chúng. Ở trạm 41 nửa đêm có lính đào ngũ, lấy thêm hai băng đạn, cắt dây điện thoại, anh em phát hiện đuổi theo, tên này hoảng loạn lia cả băng tiểu liên vào đồng đội rồi tự sát. Lại chuyện về tên Bùi vốn là bộ đội bị địch bắt tra tấn không chịu nổi đã đầu hàng, địch cắt gân hai chân Bùi đề phòng chạy trốn rồi cho lên máy bay trực thăng đi gọi loa khắp rừng Tây Nguyên kêu gọi quân ta đầu hàng, đặc công phải tìm đến tận nơi tuyên án tử hình hắn tại chỗ. Đến cao nguyên Bô Lô Ven trên đất Nam Lào khô khốc, gặp các em gái Lào duyên dáng chân thật, bộ đội đổi ảnh cho các cô gái Lào lấy thực phẩm, rồi chuyện hai chàng lính của ta trèo dừa ở gần nhà chùa lấy xuống 4 quả, bị chú tiểu phát hiện, nhà chùa cho người ra tận trạm khách bắt đền, đòi trả 1 quả dừa bằng 1 bao ruột tượng gạo tẻ, thế là C24 mất đứt 4 tiêu chuẩn gạo hành quân, còn bị kiểm điểm vì vi phạm kỷ luật quốc tế. Tú, Minh, Sửu đi lấy rau rừng, Tú bị đạn lạc găm đúng thùy chẩm, ngã vật chết ngay tại chỗ. Vào Trung Lào, gặp đại đội điều trị ĐT52 làm nhiệm vụ thu dung thương binh nặng, chứng kiến cảnh các bác sĩ, y sĩ, hộ lý đều là nữ sinh trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện xung phong vào phục vụ chiến trường hết lòng chăm sóc thương bệnh binh. Hình ảnh anh thương binh trẻ tên Thạch 20 tuổi bị đạn pháo găm váo lá phổi, suốt 5 đêm liền phải ngồi dựa lưng vào y tá Thủy, được Thủy cho ngả đầu lên cặp vú tươi hồng ấm áp, luôn tay xoa nhẹ lên lồng ngực anh cho đỡ đau, cứ như thế cho đến khi anh “ra đi nhẹ nhàng êm ái”. Càng vào sâu chiến trường, tình hình địch đánh phá càng ác liệt. Bom đạn địch lạc vào cuối đội hình cũng làm 2 chiến sĩ hy sinh, 7 chiến sĩ bị thương. Hết đất Lào, cô giao liên Ngần dẫn đường đưa đơn vị về trạm khách bên ta, Ngần lên cơn sốt rét, do sơ suất anh y tá tiêm nhầm thuốc mà cô chết trong đau đớn vật vã. Hành quân đến chiến trường Tây Nguyên tập kết tại Ngã ba Đông Dương, được nghỉ mấy ngày lấy lại sức thì bị dịch cúm lan nhanh, cả tiểu đoàn ốm mất 34 người, nhiều người phải nằm cáng khiêng. Dựng lán trại trong rừng Kông Tum chờ nhiệm vụ mới cũng có tới 7 chiến sĩ hy sinh vì vướng mìn lá của địch thả xuống. Nhận  nhiệm vụ mở đường, thông xe, xử lý bom mìn “đảm bảo cho chiến dịch vận tải lớn từ Bắc vào Nam”, ngay từ tuần đầu tiên Tâm tình nguyện đi gỡ mìn đã hy sinh bên rừng Bứa. Đánh địch lấn chiếm, Huy không bị thương trong chiến trận mà lại bị thương “vỡ nát bàn tay” chỉ vì… đánh mìn cá suối v.v… Ngần ấy chuyện đã thấy biết bao cái lớ ngớ, vụng dại, thiếu kinh nghiệm của cánh tân binh, đồng thời cũng thấy biết bao gian khổ, hiểm nguy, chết chóc rình rập bộ đội trên đường hành quân. Bộ đội có thể bị thương, bị chết bởi muôn vàn lý do khác nhau khó lường trước. Tuy nhiên, đọc toàn bộ cuốn tiểu thuyết “Vượt rừng” ta không hề thấy tâm trạng bi quan, chán nản, hoang mang, dao động của những tân binh. Họ vẫn đoàn kết bên nhau trong đội hình hành quân thầm lặng, dũng cảm tiến vào chiến trường, không một lời kêu than, oán trách. Thậm chí họ còn lạc quan yêu đời. Cảnh sinh hoạt, vui đùa, tranh luận, kể chuyện tiếu lâm trong chiến trường đan xen tâm trạng nhớ gia đình, nhớ thầy cô giáo, nhớ bạn bè như làn gió mát dịu của đời thường thổi vào không khí nóng bỏng của chiến tranh. Một lời chúc Tết của Bác Tôn nghe qua đài, một lần bắt gặp đồng hương, gặp thầy giáo cũ, gặp các o thanh niên xung phong, các cô y bác sĩ, các đơn vị bạn trong sâu thẳm Trường Sơn cũng làm cho lính ta bồi hồi xao xuyến, ấm áp tình người, tình đồng đội. Ngay cả cảnh họp hành, hội ý kiểm điểm, tiếng quát tháo của Thông đối với Chính “Tư tưởng không thông thì đeo bi đông cũng nặng, hạng  ấy làm ăn gì” nghe thật nặng trĩu, xót xa nhưng cũng đủ thấy sự thẳng thắn, trung thực của người lính mong muốn đồng đội mình tốt hơn, có kỷ luật hơn. Thấp thoáng đó đây hiện lên bóng dáng các nhân vật Bắc, Hiếu, Hà, Hạnh, Hưng, Hoạt, Huấn, Hoan, Nần, Nhân, Trí, Đạo, Lực, Thản, Thịnh, Thông, Tuấn, Thục v.v… vốn là những người bạn sinh viên  viờn  có thật ngoài đời cùng nhập ngũ được tác giả giữ nguyên tên đưa vào tác phẩm có tác dụng gợi nhớ gợi thương cho bạn đọc cùng thời, cùng trường, cùng lớp.
Có thể gọi đây là tập sách kể chuyện Cể M?T TH?I VU?T R?NG TRU?NG SONngũ của nhà văn Hà Lâm Kỳ thì đúng hơn, chứ chất tiểu thuyết ở đây chưa rõ lắm. Nhân vật chưa rõ tính cách và cũng chưa có nhân vật nào được tập trung miêu tả từ đầu đến cuối. Bộ ba Bắc, Hà, Hiếu được tác giả chú ý xây dựng từ đầu tưởng như sẽ được khắc sâu trong tập sách, trở thành những nhân vật trung tâm với những diễn biến tư tưởng, tính cách quán xuyến toàn bộ cuộc hành quân, nhưng càng vào sâu trong chiến trường, hình ảnh họ lại càng mờ nhạt. Một vài nhân vật có chút cá tính nhưng không được đẩy lên. Một số mâu thuẫn, xung đột được mở ra nhưng không tạo ra được tình huống phát triển. Hình như Hà Lâm Kỳ không có chủ ý đi đến cựng các vấn đề đặt ra, các nhân vật thường bị bỏ lửng không rõ cá tính. Đó là những hạn chế rất cơ bản trong cuốn tiểu thuyết.
Hà Lâm Kỳ chắc chắn biết rõ điều đó nên anh đã có Lời cuối sách rằng: Cuốn sách nhỏ này trước hết kính tặng đồng đội 3005 -  những người đã hy sinh, những người còn sống trở về sau tháng năm dài đánh Mỹ. Biết rằng nội dung và nghệ thuật chưa làm vừa lòng bạn đọc, nhưng dẫu sao cũng là một kỷ niệm sâu sắc. Và nói như  Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, y viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu II một người trong cuộc: Ta cố gắng ghi lại, để động viên nhau và để làm tốt hơn nhiệm vụ mới.
Có lẽ chúng ta cũng đồng tình với tâm sự của tác giả.

 
Nguồn : Hào khí Trường Sơn Yên Bái, NXB Hội Nhà Văn 2019

tin tức liên quan