"Những nhạc trưởng trên con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại". TG: Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 06:57 19/05/2021 Lượt xem: 502
-------------------------------------------------------------

Những nhạc trưởng trên con đường Trường Sơn-    
đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Hoàng Minh Đức
 
         Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, với mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch đều gắn liền với tên tuổi của những chiến sỹ, những người chỉ huy lập nên chiến công, mang nhiều dấu ấn.
         Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, con đường chiến lược Trường Sơn, con đường mang tên Bác luôn gắn liền với Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559). Và những tên tuổi nổi tiếng như Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Đặng Tính, Nguyễn Đôn, Vũ Xuân Chiêm, Hoàng Thế Thiện, Phan Khắc Hy, Võ Sở, Nguyễn An…những người trực tiếp gắn bó với con đường. Đặc biệt là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn, người nhạc trưởng chỉ huy dàn đồng ca mặt trận Trường Sơn cho đến hết cuộc chiến tranh giữ nước. Tên tuổi ông gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh. Đây là con đường mà giới quân sự Mỹ coi là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” là“một trong những thành tựu vĩ đại của nền quân sự ở thế kỷ 20”.
          Đường Trường Sơn ban đầu chỉ mới là con đường giao liên trong những năm chống Pháp. Sau hiệp định giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm rắp tâm phá hoại cuộc tổng tuyển cử (1956) và ban bố luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam. Chúng đặt những người cộng sản miền Nam, những người từng tham gia kháng chiến ra ngoài vòng pháp luật. Trước tình hình đó, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng quyết định phải tiến hành đồng thời đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa xây dựng quân đội chính quy, ở miền Bắc vừa chuẩn bị lực lượng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. 
         Người được giao trọng trách mở đường Trường Sơn là đồng chí Võ Bẩm (sau này là Thiếu tướng anh hùng Võ Bẩm). Ông chọn Khe Hó ở phía tây nam Vĩnh Linh, gần giới tuyến quân sự tạm thời làm địa điểm đầu tiên tiến vào Trường Sơn lập trạm. Đoàn chọn ngày 19/5/1959, ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác Hồ làm ngày truyền thống và lấy tên là Đoàn 559. Với phương tiện vận tải thô sơ dựa vào sức người là chính, sau 8 ngày xuất phát, ngày 20/8/1959 chuyến hàng đầu tiên được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, có những cán bộ chiến sỹ đã ngã xuống khi đụng độ với thám báo địch, nhưng hàng ngàn tấn lương thực vũ khí và nhiều đoàn cán bộ quân đội, tướng lĩnh đã vào tới chiến trường miền Nam.
          Tháng 5 năm 1962, Đoàn trưởng Võ Bẩm ra Hà Nội báo cáo tình hình và bất ngờ được gặp Bác Hồ. Bác nói: “Các chú phải tận dụng thiên thời, địa lợi, nhân hoà để phát triển đường Tây Trường Sơn, sắp tới phải đưa ô tô vào. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn, có đường chính, đường dự bị và phòng khi tình hình ở Lào không thuận lợi cho ta”.
         Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thì những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cũng tăng lên gấp bội. Từ buổi đầu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đến tháng 4/1965, theo ước tính của Mỹ, quân số Đoàn 559 đã lên tới 24.000 người. Đến năm 1966 số quân qua đường Trường Sơn vào miền Nam là từ 58.000 đến 90.000 người.
         Giữa lúc đó, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên bị thương ở mặt trận Trung - Hạ Lào về Quân y viện 108 điều trị. Lành vết thương ông được điều về làm chính ủy Bộ Tư lệnh – Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đóng ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, do đồng chí Hoàng Văn Thái (Thái B) làm Tư lệnh.
           Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhiều lần ném bom xuống thành phố Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Ngày 17/6/1966,  Bác Hồ đã ra lời kêu gọi: “ Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
         Mùa khô năm 1966 - 1967 đánh dấu bước chuyển lớn về chiến thuật vận tải từ “phòng tránh tích cực” sang “tiến công”, hợp đồng binh chủng. Đường Trường Sơn vươn dài về phía trước và phát triển thành một hệ thống đường dọc đường ngang, đường kín, đường hở dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Để nối giữa Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn lực lượng Giao thông, Công binh, Bộ binh, Thanh niên xung phong phải làm một đường trục ngang vượt qua biên giới Việt Lào dài trên 120 cây số gọi là tuyến đường 20 Quyết Thắng. Trên tuyến đường này mọi người ngày đêm trần mình ra đào đất đục xuyên núi đá mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thán phục gọi là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan.

 

 
          Đầu tháng 7/1966, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chuyển sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương. Đến cuối năm 1967, mạng lưới đường Trường Sơn đã lên đến 2.959 km đường ô tô, trong đó có 275 km đường chính, 576 km đường vòng và 450 km đường vào kho chứa. Trong năm 1967 đã có hơn 81.000 tấn hàng được vận chuyển và cất giữ, với 200.000 quân di chuyển vào Nam an toàn bằng con đường này. Tết Mậu Thân 1968, Đoàn 559 đã chuyển vào chiến trường súng đạn, lương thực vượt mức chỉ tiêu trên giao (đạt mức 141%). Trong cuộc đọ sức với “át chủ bài” của Mỹ- ngụy tại A Sầu, A Lưới, Đoàn 559 đã bắn rơi 86 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên địch.
          Mùa mưa năm 1968, nền đất nhão mềm sụt lở, nhiều cung đường xe chạy hai bên lún xuống như hai đường hào giao thông không thể di chuyển được. Bộ Tư lệnh 559 quyết định đưa thương, bệnh binh và một số xe ra Bắc sửa chữa, chuẩn bị cho cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù hùng mạnh hơn mình rất nhiều lần.
         Sau khi Gôn xơn “xuống thang” ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, mọi bom đạn của không quân, hải quân Mỹ “ưu tiên” cho vùng “cán xoong” nam phần Khu 4 và tuyến 559. Đường vận tải biển bị phong tỏa dày đặc bởi lực lượng hải quân của Mỹ - ngụy. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ dồn hết tàu của lực lượng “Rồng biển” từ phía Bắc vào Khu 4 bắn phá tuyến chi viện chiến lược Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trên trời là không lực Mỹ triển khai các chiến dịch “Sấm rền 57”, “Hổ thép” làm mưa làm gió trên nơi eo thắt hẹp nhất miền Trung. Cuối năm 1968, tình trạng đói gạo, “khát xăng” trên đường 12, đường 20 ngày càng trầm trọng. Bộ đội ở các Binh trạm mỗi người khẩu phần ăn ngày chỉ 2 lạng gạo. Thực đơn của Bộ đội là “Sáng sắn, trưa măng, chiều cháo loãng”. Từ cơ quan Bộ Tư lệnh xuống Binh trạm, Bộ đội ra bìa rừng, bờ suối vỡ đất trồng rau, trồng sắn, đào củ mài, củ chụp cứu đói.
          Khó khăn gian khổ, cái đói, cái rét không ngăn được tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tất cả vì chiến trường miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia. Ở Binh trạm 12, một Tiểu đoàn gần 500 con người đã cõng những ba lô xăng vượt đèo La Trọng, đường 12 như đàn kiến khổng lồ tha mồi về tổ. Không biết bao tấm lưng bỏng rộp lên vì nhiễm độc xăng. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên ra lệnh cho Binh trạm 31 chuyển gần 50 tấn xăng vào Binh trạm 32. Các chiến sỹ đã khéo léo kết mảng chở các phuy xăng theo dòng Nậm Hơ rồi qua sông lăn bộ hàng chục cây số nữa đưa về Lùm Bùm. Một tấn xăng qua trọng điểm có khi phải đổi hàng chục sinh mạng con người.
        Bước vào mùa xuân 1969 ta mở chiến dịch vận tải quy mô lớn. Đúng 17 giờ ngày 14/1/1969 tổng đài sở chỉ huy mở hết kênh phát lệnh “xuất kích”.  Lệnh được đồng loạt tới 11 Binh trạm, 6 Trung đoàn. Hơn 4 vạn quân tung vào trận trong đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành. 15 Tiểu đoàn vận tải nhiều hướng nhiều tuyến đồng loạt lao về phía trước.
          Ních xơn, người thừa nhiệm Giôn xơn đẩy cuộc chiến tranh lên một nấc thang mới, thả xuống hàng vạn khí tài điện tử xác định số lượng, hướng xe đi, Bộ đội hành quân và cho máy bay đến đánh phá. “Độc trị độc”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên ra lệnh đem các đầu xe đã bị bắn cháy đến nổ máy ở các núi đá để “pháo đài bay” B52 đến dội bom cho ta chở đá đi “đá hóa mặt đường”. Giặc Mỹ ném bom từ trường xuống đường Trường Sơn gọi là “kẻ hủy diệt” chặn phía trước thì ngay lập tức Viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam đã cho ra đời những chiếc xe phóng từ đem vào chiến trường. “Võ quýt dày đã có móng tay nhọn”. Những “kẻ hủy diệt” đã bị “hủy diệt”. Ta đã tận dụng “thiên thời” những ngày trần mây thấp cho xe chạy ban ngày cung cấp gạo kịp thời cho Tây Nguyên và Khu 5, Khu 6. Kết thúc mùa khô năm 1969, toàn tuyến đã mở mới trên 1.000 cây số, nâng chiều dài tuyến đường mang tên Bác lên ba nghìn rưỡi cây số, phá dần thế độc đạo.
          Ngày 30 tháng 1 năm 1971, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Chúng điều hơn 40.000 quân chủ lực Sài Gòn, 6.000 quân Mỹ cùng 4 Tiểu đoàn quân ngụy Lào ngăn chặn đường Hồ Chí Minh. Ngày 8 tháng 2 Mỹ ngụy chính thức phản kích vào hành lang chiến lược của ta ở Nam Lào. Sư đoàn 968 đổi thành phiên hiệu mặt trận Y, do Đại tá Hoàng Kiệm Phó tư lệnh 559 chỉ huy. Trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể lại: Bộ Tư lệnh Trường Sơn yêu cầu các đơn vị nhử địch vào thật sâu để tiến công vào các đội hình trực thăng của địch. Khẩu hiệu được đưa ra: “Cứ cho nó đến, quyết không cho về”.  Trong ba ngày đầu, trực thăng địch bay đầy trời khu vực Sê Pôn, Bản Đông để đổ quân, Bộ Tư lệnh vẫn kiên quyết không cho các loại pháo phòng không khai hoả mà chỉ dùng súng máy để khiến đối phương chủ quan. Ngày thứ tư thấy mẻ vó đã nặng tay các cổ pháo phòng không mới lên tiếng. Quân lính Mỹ và nguỵ Sài Gòn đã bị đánh tả tơi vứt cả xe pháo luồn rừng chạy về không dám ngoái đầu trở lại. Chiến thắng Đường 9- Nam Lào đã làm thay đổi cục diện chiến tranh. Trên chiến trường miền Nam, Mỹ - ngụy chuyển hẳn sang thế phòng ngự.
         Ngay sau khi cuộc tiến công chiến lược mùa xuân 1972 nổ ra. Mỹ đã huy động toàn bộ lực lượng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc lần thứ 2. Đặc biệt các bến vượt sông Lam, sông Gianh, sông Nhật Lệ…bị chúng thả thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm bịt chặt các cửa sông, cảng biển. Chính phủ giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất chỉ huy giao thông vận tải từ bờ bắc sông Gianh vào tận hậu phương chiến dịch Đông Hà, Quảng Trị. Lúc này Đại Bản doanh Bộ Tư lệnh đóng ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đại diện Quảng Bình do Tỉnh đội trưởng Trần Sự làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch kiêm trưởng ty Giao thông vận tải Lại Văn Ly làm Ủy viên. Từ đồng chí Bí thư Nguyễn Tư Thoan, Chủ tịch tỉnh Cổ Kim Thành, đồng chí Đặng Gia Tất và nhiều cán bộ khác luôn có mặt tại các điểm nóng.
         Mùa hè 1972, đối với người dân Quảng Bình là một mùa hè “thử lửa”. Cả tỉnh phải gồng mình lên để chống chọi với với đạn bom giặc Mỹ. Trên mặt trận này hầu như mỗi người dân Quảng Bình là một dân công; trai gái đều là Thanh niên xung phong. Nhà dân là doanh trại Bộ đội, là “quân y xá”, là kho hàng. Trong khi cả gia đình bữa ăn hàng ngày chủ yếu là khoai sắn nhưng gạo của chiến trường không hề suy suyển một hạt…Tình trạng thiếu lương thực trên chiến trường rất nguy ngập. Lương thực đã cạn kiệt nhưng những người dân ở đây sẵn sàng dành những hạt gạo cuối cùng cho tiền tuyến. Chỉ trong một thời gian ngắn Quảng Bình đã huy động được 500 tấn gạo, giao Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuyển gấp tiếp tế cho Bộ đội. Những hạt gạo được chắt ra từ mồ hôi nước mắt và máu của bà con, cô bác, lam lũ tảo tần. Nếu dè sẻn lắm cũng chỉ đủ nuôi 10 vạn quân trong một tuần. Nhưng hiểu đây là hạt gạo của tuyến lửa Quảng Bình, được sản xuất giữa bom đạn mới thấy hết giá trị của nó, mới thấy sự hy sinh của nhân dân là vô bờ bến. Giặc Mỹ thực hiện âm mưu “Chặn hai đầu, hủy ở giữa”, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định mở 4 tuyến vận tải R1, R2, R3, R4 từ Bắc Gianh vào nam Long Đại. 
          Dồn hết sức vào canh bạc cuối cùng, giặc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn quan trọng khác. Quân dân thủ đô đã kiên cường đánh trả. Những xác “Siêu Pháo đài bay” rơi lả tả trên đường phố Hà Nội. Giặc lái Mỹ trở thành “sứ giả nhà trời” của khách sạn “Hin tơn” Hà Nội. Cuộc đọ sức cuối cùng trong trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” dập tắt hy vọng của Mỹ - ngụy, buộc phải ký Hiệp định Pa-ri theo ý muốn của ta.
          Đầu xuân Quý Sửu 1973, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng vào thăm chúc Tết Bộ đội Trường Sơn. Ông phát biểu: “Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại! Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hãy phát huy truyền thống oanh liệt của quân đội ta để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường chiến lược vẻ vang này trong giai đoạn mới của cách mạng”.
       Mỹ cút, ngụy quyền Sài Gòn như rắn bị mất đầu. Chúng sống thoi thóp từng ngày, chờ Mỹ hà hơi tiếp sức nhưng tình thế không thể đảo ngược. Ta đã làm chủ cả bầu trời và mặt đất. Đến đầu tháng 4 năm 1974, lực lượng làm đường trên toàn tuyến hàng vạn người làm rung chuyển cả núi rừng. Chiến trường Trường Sơn thành một công trường xây dựng khổng lồ. Đường Đông Trường Sơn đã được rải đá theo tiêu chuẩn, chuyển toàn bộ lực lượng vận tải cơ giới sang chạy ban ngày. Đặc biệt đã bỏ những trạm trung chuyển đưa hàng thẳng tới chiến trường. Đến mùa xuân năm 1975 ta đã có một lực lượng Bộ đội Trường Sơn hùng mạnh trên 120 ngàn người, bao gồm lực lượng Thanh niên xung phong có trên mười ngàn người, và 9 Sư đoàn (trong đó có một Sư đoàn tên lửa cao xạ phối thuộc). Hệ thống đường vận tải tổng cộng trên 16.700 km. Trong cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, hai Sư đoàn vận tải với mười ngàn đầu xe đã chở gọn ba Quân đoàn, ba Sư đoàn bộ binh từ Nam Quảng Bình vào miền Nam chiến đấu, đồng thời bảo đảm cơ động hàng chục Sư đoàn, Lữ đoàn, quân - binh chủng tham gia trận đánh cuối cùng. Nhấn để phóng to ảnh
        Nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng”.
         Con đường Trường Sơn - hay “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thực hiện di nguyện của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thống nhất non sông đất nước. Cả dân tộc Việt Nam, mỗi một người dân, mỗi một cán bộ chiến sỹ, “muôn người như một” đã lao vào cuộc chiến tranh giữ nước. Và chúng ta không quên những nhạc trưởng, người trực tiếp chỉ huy mở đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh để làm nên bản hùng ca dân tộc, “ngày hội non sông 30 tháng tư lịch sử”.

 
Hoàng Minh Đức
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648
 
Tài liệu tham khảo: Lịch sử Sư đoàn 968- NXB Quân đội Nhân dân năm 1998; Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Quảng Trạch tập I - năm 1998; Lịch sử Đảng bộ một số xã thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. “Đường xuyên Trường Sơn”- Hồi kí của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - Năm 2004. Hồi ký “Trọn một con đường” của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-NXB Quân đội Nhân dân năm 2012 và lời kể của ông.
                                                                                                   

 
tin tức liên quan