Nhà ngoài giao Nguyễn Cơ Thạch với báo chí - Nguyễn Văn Vinh.

Ngày đăng: 10:44 19/05/2021 Lượt xem: 265
Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với báo chí.

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh,
Cố vấn Truyền thông đối ngoại Hội Trường Sơn Việt Nam

 
Vậy là đã đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921 – 15/5/2021) và cũng vừa mới qua ngày Ông mất năm thứ 23 (10/4/1998).
Thời gian dù có trôi nhanh, thời thế có biến chuyển thế nào đi nữa thì hình ảnh của ông vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều giới ở trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là trong giới báo chí. Tôi xin được chia sẻ những câu chuyện về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người mà tôi có ấn tượng sâu sắc và luôn ngưỡng mộ.
Là phóng viên quay phim của Đài truyền hình Việt Nam, tôi có may mắn được tiếp xúc với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từ sau khi kết thúc Hội nghị Paris, tháng 1 năm 1973 và những năm tiếp theo. Tôi có chuyến đi dài ngày đầu tiên với ông khi tháp tùng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm Ấn Độ và Sri-Lanka vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1978. Ông đã từng là Tổng Lãnh sự ở Ấn Độ từ năm 1956 và nay thăm lại đất nước này trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao.
Trong chuyến đi đó, ấn tượng của tôi về ông là một người dễ gần, lúc nào cũng tươi cười và rất quan tâm đến người khác. Tôi đã được ông kéo lên ngồi cùng xe để thuận tiện tác nghiệp khi tôi bị trẹo chân bởi đôi giày mượn của Bộ Tài chính theo chế độ khi đi nước ngoài.
Sau khi quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Polpot, thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ ngày 7 tháng 1 năm 1979, tình hình khu vực và thế giới có những chuyển biến bất lợi cho Việt Nam.
Đầu tháng 2 năm 1979, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tiếp nhiếp ảnh gia, nhà báo Pháp Jean Claude Labbe, người rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Ông đã chỉ đạo tổ chức chuyến đi Campuchia cho Labbe cùng với phóng viên Takano, báo Akahata của Đảng cộng sản Nhật bản. Ngoài việc chụp ảnh, ông Labbe còn cộng tác với Hãng truyền hình Mỹ CBS nên đã mang theo máy quay phim Canon và gần 2.000 m phim nhựa màu Kodak 16mmm. Tôi được Đài truyền hình cử đi quay cho Labbe còn Bộ ngoại giao cử anh Đinh Quang Tiến, cán bộ Vụ báo chí đi tổ chức và phiên dịch cho đoàn.
Chúng tôi đã ghi những hình ảnh ngày đầu giải phóng tại thủ đô Phnompenh, vùng phụ cận, lên Siemriep giáp với Thaí Lan và chuyến thăm Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để ký kết Hiệp ước Hòa bình và hữu nghị giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia.
Khi Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979, chúng tôi tác nghiệp tại các điểm nóng dọc biên giới Việt-Trung. Cuộc phỏng vấn độc quyền Thủ tướng Phạm Văn Đồng về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Bộ ngoại giao thu xếp cho nhà báo Labbe đã được đăng trên Tạp chí Paris Match và trên các phương tiện truyền thông khác ở phương Tây.
Cùng với các đoàn báo chí trong nước và quốc tế khác, họat động của đoàn chúng tôi đã góp phần cho thế giới hiểu rõ sự thật về tình hình Campuchia và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Việt Nam bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn, trong đó quan hệ đối ngoại được coi là khó khăn nhất. Đúng lúc này ông Nguyễn Cơ Thạch được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao (từ tháng 1 năm 1980). Ông nhận trọng trách với nhiều bài toán được đặt ra cùng một lúc và phải giải được chúng.
Lục lại khối tài liệu, cả những bài báo lẫn hình ảnh mới thấy “ Ngoại trưởng Thạch”, như cách gọi thân mật của cánh báo chí nước ngoài, đã hóa giải được những khó khăn chồng chất mà tưởng như không thể vượt qua!
Ông đã thể hiện là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có phong cách vừa thẳng thắn, vừa khéo léo, kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và bản lĩnh với tầm nhìn xa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Lúc này, Trung quốc cấu kết chặt chẽ với Mỹ cùng một số đồng minh phương Tây ủng hộ và đòi duy trì ghế của chính phủ “Campuchia Dân chủ” (đã bị lật đổ) tại Liên hợp quốc và các Tổ chức quốc tế khác. Tại hầu hết các diễn đàn quốc tế, họ đưa ra cái gọi là “VẤN ĐỀ CAMPUCHIA” để lên án, cô lập Việt Nam, một mực đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia ngay lập tức!
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thực hiện một loạt hoạt động “ngoại giao con thoi”, đến thăm nhiều nước, mà trước hết là các nước ở Đông Nam Á. Ngoài các cuộc hội đàm chính thức với Lãnh đạo cấp cao nước sở tại, ông luôn tìm cơ hội tiếp xúc, nói chuyện, trả lời câu hỏi của các nhà báo với thái độ cởi mở, thân thiện và tự tin để chuyển thông điệp của Việt Nam hướng tới việc “đối thoại thay cho đối đầu”.
Từ năm 1979 đến 1989, một năm hai lần Bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương họp với nhau, đối trọng với các cuộc họp thường niên của các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN lúc đó. Mỗi chuyến thăm, mỗi cuộc gặp gỡ hay họp báo luôn có rất đông phóng viên báo chí, truyền hình túc trực săn tin. Những dịp như thế, tôi thấy ông có một lực hút rất mạnh đối với báo chí. Ông thể hiện cái uy khi cần, nhưng lại biết cách thuyết phục người nghe bằng lối nói hài hước, hấp dẫn. Câu trả lời của ông luôn đầy đủ và mạch lạc về nội dung, rõ ràng về thông điệp.
Đối với những vấn đề hóc búa, phóng viên phương Tây thường đặt câu hỏi thẳng thắn, gây sốc. Không ít lần, rất bình tĩnh ông bắt đầu câu trả lời bằng một câu hỏi lại: “vậy bạn nghĩ về điều đó như thế nào?”. Có lúc phóng viên hỏi dồn 3, 4 câu hỏi, ông mỉm cười và hỏi: “bạn đã hỏi hết chưa? Đó là cách ông khiến mọi người chú ý vào câu trả lời của ông hơn, và cách tiếp nhận nó cũng nhẹ nhàng hơn.
Khi tất cả phóng viên cười rộ lên thì cũng là lúc ông chuyển thông điệp chính mà mọi người đang chờ đợi một cách dễ chịu. Các đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng ông Thạch là nhà ngoại giao Việt Nam hiếm có không né tránh phóng viên, thường chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.
Ấn tượng mạnh và sâu đậm nhất của tôi đối với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là 2 chuyến đi làm phóng sự về Hội nghị không chính thức tại Jakarta (Jakarta Informal Meeting - JIM1, 7-1988 và JIM2, 2-1989). Có thể nói sự khơi thông dòng chảy, khởi đầu quá trình hội nhập quốc tế đầy gian nan của Việt Nam là từ đây.
Đây là sáng kiến của ngoại trưởng Indonesia, Ngài Mochtar Kusumaatmadja đưa ra khi thăm Việt Nam vào tháng 7.1987 với tên gọi "Jakarta Cocktail" hoặc là "Tiệc rượu Jakarta".
Khi chiếc chuyên cơ của Liên Xô chở đoàn đại biểu “khối 3 nước Đông Dương” đáp xuống sân bay Sukarno, thủ đô Jakarta – Indonesia thì một lực lượng hùng hậu phóng viên đến từ các nước ASEAN và phóng viên phương Tây đã vây kín đoàn, rồi vừa di chuyển vừa tác nghiệp. Bỗng chốc phòng khách đã trở nên chật chội, phóng viên chen nhau vòng trong, vòng ngoài. Tất cả họ đều muốn ghi được những hình ảnh và phát biểu đầu tiên của 3 Trưởng đoàn khi vừa đặt chân tới Jakarta.
Lúc này, tôi nhận thấy ngay sự linh hoạt của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Thay vì sẽ tổ chức họp báo bên lề hội nghị JIM như kế hoạch ban đầu, ông đã chủ động giới thiệu Trưởng đoàn Campuchia, Bộ trưởng Hunsen phát biểu trước, tiếp theo là Trưởng đoàn Lào, Bộ trưởng Thoongsavat. Sau cùng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói: “Tôi tin tưởng vững chắc rằng Tiệc rượu Jakarta sẽ thành công tốt đẹp. Điều đó sẽ chứng minh sự sáng suốt và dũng cảm của đồng nghiệp của tôi, Ngài ngoại trưởng Indonesia, Ali Alatas. Xin Cảm ơn!”. Sự quyết đoán này đã tạo được dư luận tích cực, kịp thời và rộng rãi ngay trước ngày khai mạc Hội nghị.
Trong quá trình diễn ra Hội nghị, cuộc gặp của đại diện bốn phái Campuchia gồm Hoàng thân Ranariddh, Sonsann, Khieu Samphan và Hunsen diễn ra dè dặt. Cuộc gặp nhóm các nước ASEAN và nhóm ba nước Đông Dương thì sôi nổi, thẳng thắn. Đặc biệt, ngoại trưởng Singapore đã thể hiện thái độ rất cứng rắn. Ông ấy công kích Việt Nam rất mạnh, về mọi vấn đề. Trong khi đó, chủ nhà là Ngoại trưởng Ali Alatas lại rất mềm mỏng, khéo léo. Ông đã cùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tạo nên sự lạc quan và thành công của JIM1 thông qua nhận thức chung về xu hướng "đối thoại thay cho đối đầu".
JIM2 được tổ chức tháng 2 năm 1989, tập trung cho giải pháp về Campuchia khi Việt Nam hoàn tất việc rút quân vào tháng 9 năm1989. Từ đó có tổng tuyển cử năm 1991, sự có mặt của UNTAC và vấn đề Campuchia được giải quyết.
Trong một thời gian dài, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề thuyền nhân trong các trại ở Hồng Kông và một số nước Đông Nam Á. Bộ Ngoại giao Việt Nam, và đích thân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chủ động giải quyết vấn đề này. Ông nói rõ “những người ra đi là vì lý do kinh tế, muốn tìm miền đất hứa chứ không phải vì lý do chính trị”. Vì vậy, ông khẳng định “Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận người trở về”. Năm 1989, Việt Nam đã thoả thuận với Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (HCR) là đưa hết thuyền nhân từ các trại tị nạn về nước theo lộ trình phù hợp.
Giờ đây, Việt Nam phải định lượng được kết quả đối thoại đẩy lùi được đối đầu tới đâu trong quan hệ với các nước trong khu vực, với Trung Quốc, hay với Mỹ. Quyết định bình thường hoá quan hệ với ai trước, ai sau là cả một bài toán khó. Tất nhiên, cuối cùng Việt Nam cũng đã có sự chọn lựa của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình bằng tầm nhìn và bản lĩnh cao khi đương đầu với những vấn đề quốc tế phức tạp và nâng tầm quan hệ đối ngoại của Việt Nam: ông tự tin, lạc quan, và luôn tìm mọi khe hở dù nhỏ nhất để tìm ra lối đi. Sự nghiệp của ông không chỉ thành công trên bàn hội nghị mà còn thành công trong đấu tranh dư luận, thông qua báo chí.
Ở góc nhìn của một người làm báo, tôi cảm thấy thật là tiếc khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rời chính trường đúng lúc Việt Nam bước vào một khúc quanh vô cùng quan trọng, rất cần có vai trò của ông: bình thường hóa quan hệ với hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ và gia nhập ASEAN năm 1995.
Chúng ta đã bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21. Tôi hy vọng sự cống hiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ở thế kỷ 20 sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học xác đáng và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Le Xuan Du và 187 người khác
36 bình luận
3 lượt chia sẻ
 
Thích
 
 
 
Bình luận
 
 
Chia sẻ
 
 

tin tức liên quan