ĐẢO SONG TỬ TÂY - KÝ ỨC MỘT THỜI BIỂN ĐẢO CỦA THIẾU TƯỚNG HOÀNG KIỀN

Ngày đăng: 10:01 02/06/2021 Lượt xem: 358
ĐẢO SONG TỬ TÂY - KÝ ỨC MỘT THỜI BIỂN ĐẢO
CỦA THIẾU TƯỚNG HOÀNG KIỀN


         Sáng nay xem VTV1 phát phóng sự về đảo Song Tử Tây, bỗng dưng bao kỷ niệm về Trường Sa lại ùa về và tôi lại cầm bút viết những dòng ký ức một thời này…
 
ĐẾN VỚI TRƯỜNG SA - SONG TỬ TÂY
         Vào đầu tháng 4 năm 1986 hai Đại uý - Kỹ sư Hoàng Kiền và Đỗ Văn Thông được phân công thay mặt thủ trưởng Phòng công binh đi kiểm tra quần đảo Trường Sa. Đoàn do Phó đô đốc Giáp Văn Cương Tư lệnh Hải quân dẫn đầu,
         Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang - Phó tư lệnh Chính trị và Chuẩn Đô đốc Phạm Huấn Phó tư lệnh làm phó đoàn. Thành phần có các cơ quan của Bộ Quốc Phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân. Đoàn khá đông có cả văn công và điện ảnh của Hải Quân, đi trên ba con tầu là HQ 505 là tầu đổ bộ lớn nhất và tàu kéo HQ961 ta thu được từ Hải quân nguỵ, tầu đổ bộ HQ 511 do Liên Xô viện trợ.
         Chuyến đi kéo dài trong một tháng kiểm tra toàn quần đảo. Trường Sa là quần đảo nằm giữa Biển Đông bao gồm 17 đảo nổi và khoảng hơn 100 bãi đá ngầm còn gọi là đảo chìm. Phi líp pin chiếm giữ 7 đảo, Đài Loan chiếm đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất, chúng ta giải phóng đóng giữa 5 đảo do quân Ngụy Sài Gòn đóng giữ là Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. Còn lại 4 đảo nhỏ không có người, đến năm 1978 Hải Quân Việt Nam đóng giữ nốt gồm Trường Sa Đông, Sinh Tông Đông, Phan Vinh, An Bang, thế là chúng ta quản lý 9/17 đảo nổi ở Trường Sa .
         Nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa được bắt đầu từ năm 1976 với kế hoạch mang tên Z76 và kết thúc vào năm 1984. Tôi được Trung tá Phan Năng Giả Chủ nhiệm Công binh Hải quân giao cho thu thập số liệu viết tổng kết kế hoạch này. Nay ra đảo càng thấy rõ kết quả đã xây dựng và những vấn đề đặt ra cần khắc phục. Công trình trong giai đoạn này đã xây dựng cơ bản đồng bộ, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước sau chiến tranh nên cơ bản là công trình bán lâu bền. Chúng ta tận dụng đá cát san hô tại chỗ để xây dựng lô cốt hầm hào nhà ở cho bộ đội. Từ năm 1980 khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra có đưa bê tông thanh lắp ra làm hầm ở Trường Sa.
         Tới đảo việc đầu tiên là Song Tử Tây, Tư lệnh đi kiểm tra công sự trận địa, ông yêu cầu Tôi và anh Thông lắp ghép công sự thanh lắp 3C - 15 cho ông xem, do làm chậm lại chưa thành thạo, ông hỏi trong hai đại uý ai làm sếp?
          Tôi thưa: Báo cáo thủ trưởng Tôi ạ ( khi ấy tôi là chi uỷ viên được giao phục trách).
         Thế rồi Tư lệnh phê bình tôi là nắm chưa chắc, cần nghiên cứu kỹ để hướng dẫn cho anh em lắp dựng ngay công sự trận địa để sẵn sàng chiến đấu. Thực tế thanh bê tông mới đưa ra đảo do tổ thiết kế thi công của Phòng Công binh chỉ đạo, Ban Công binh vùng 4 đảm nhiệm hướng dẫn lắp ghép thành công sự, tôi không phụ trách công việc này nhưng vẫn nhận khuyết điểm.
          Việc thứ hai là vật cản chống đổ bộ dường biển.
        Ta đã đưa ra Trường Sa loại mìn chống đổ bộ đường biển loại do Liên Xô viện trợ. Mỗi quả mìn có một miếng đường ép lắp vào trước khi thả mìn để làm cơ cấu an toàn khi bố trí mìn, trong 8 phút nước vào làm tan miếng đường đưa quả mìn vào trạng thái chiến đấu. Do khó khăn thiếu thốn bộ đội ta đã lấy mất một số miếng đường pha nước uống. Tôi kiểm tra phát hiện ra thật là nguy hiểm nhưng không dám báo cáo mà chỉ làm việc riêng với bộ phận Công binh và chỉ huy đảo, vào bờ sẽ có kế hoạch bổ sung .
         Khi làm tổ trưởng tổ Tác Huấn tôi ngồi cưa ngòi nổ quả mìn này ra nghiên cứu rồi viết tài liệu huấn luyện cho Công binh Hải quân nên nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của loại mìn này. Tư lệnh giao cho tôi mang mìn ra đặt rồi buộc đây vào cần gạt tháo chốt an toàn lên bờ. Mặc quần đùi cùng Trợ lý Công binh của đảo khênh quả mìn lội ra bãi san hô, sóng đánh rất mạnh, đến độ sâu gần 2 mét đặt mìn xuống, lắp cần gạt xong, buộc dây vào đầu cần gạt, tháo chốt an toàn mà cũng thấy tim rung trong lồng ngực....
Toàn đoàn đứng ở cự ly an toàn xem Chúng tôi cầm dây kéo cần gạt tương tự như khi tầu xuồng gạt vào cần, mìn nổ cột nước tung lên cao trắng xoá kèm theo khói thuốc nổ đen ngòm, mục tiêu bị tiêu diệt. Tư Lệnh và đoàn rất hài lòng.
MỘT THỜI XÂY DỰNG
         Cuối năm 1989 sau khi đào tạo ba năm Chỉ huy - Tham mưu ra trường, tôi về nhận công tác tại Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, trực tiếp gắn bó với Trường Sa để xây dựng công trình từ đây. Tiếp tục xây dựng công trình chiến đấu giai đoạn mới sau sự kiện Gạc Ma 14 tháng 3 năm 1988 do Trung quốc đơn phương dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi đá ngầm, đánh chiếm "đảo chìm" Gạc Ma của ta.
         Tôi ra chỉ huy đơn vị xây dựng công trình trên đảo Song Tử Tây. Suốt tám năm gắn bó với Trường Sa nói chung, Song Tử Tây nói riêng, nhãng dấu chân để lại cùng những công trình nơi đây mãi mãi không bao giờ phai mờ.
ĐÈN BIỂN SONG TỬ TÂY
         Năm 1991 anh Phạm Xuân Phái đưa đoàn cán bộ của Bảo Đảm An Toàn Hoàng Hải Việt Nam do ông Bùi Đức Nhuận - Cục phó Cục Hàng Hải Việt Nam dẫn đầu đến thăm làm việc với Ban chỉ huy Trung Đoàn 83 tại cơ sở của đơn vị ở Quân cảng Nha Trang. Đoàn tìm hiểu về địa hình, thời tiết, khí hậu, hải văn và các biện pháp xây dựng công trình các đảo nổi, "đảo chìm" trên quần đảo Trường Sa. Tất cả các kinh nghiệm từ chuẩn bị vật liệu trong bờ, đóng gói chuyển xuống tàu, vận chuyển ra đảo, chuyển tải vào đảo, tổ chức xây dựng được cung cấp hết. Đèn Biển Đá Tây được triển khai xây dựng đầu tiên vào năm 1992, Trung đoàn 83 ký hợp đồng là bên B cung cấp vật liệu đến chân công trình, trừ khâu tàu vận chuyển từ bờ ra đảo. Với kinh nghiệm xây dựng công trình Trường Sa đã nhiều năm, Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đã tham gia đóng góp xây dựng nên Hải Đăng Đá Tây, mộc dấu mốc mới cho Bảo Đảm An toàn Hàng Hải Việt Nam. Năm 1993 đền biển tiếp theo được xây dựng ở đảo Song Tử Tây, đã có kinh nghiệm thi công Hải đăng Đá Tây, lần này bên A tự đảm nhiệm 100%. Tàu ra đến Đá Tây thả neo, chuyến xuồng đầu tiên chở máy móc dụng cụ thi công cẩu xuống xuồng, mẻ cuối cùng thì cũng là mẻ ấn chìm xuồng xuống ở độ sâu mấy chục mét, thế là toàn bộ việc thi công đình trệ. Trung đoàn 83 đang xây dựng công trình trên đảo Song Tử Tây hỗ trợ và đưa giúp trang bị mua mới trong bờ ra để đơn vị kịp triển khai thi công. Hợp đồng chuyển tải được ký kết, Trung đoàn nhận chuyển tải toàn bộ vật liệu từ tàu vào đảo cho đơn vị thi công. Khi công trình hoàn thành, tôi được mời ra dự lễ khánh thành đưa công trình vào sử dụng. Leo bậc thang bên trong lên tận đình Hải đăng cao 36 mét, ngắm biển đảo của Tổ quốc ta bao la mà lòng thêm tự hào xao xuyến.
         Tiếp theo hàng loạt đèn biển trên các đảo của quần đảo Trường Sa được xây dựng tiếp theo, hai đơn vị phối hợp giúp đỡ nhau cùng triển khai nhiệm vụ.


Hải đăng Đảo Song Tử Tây (ảnh minh họa)
 
         Hệ thống đèn Biển Trường Sa được xây dựng góp phần quan trọng vào bảo đảm An toàn Hàng hải trên đường hàng Hải. Trên quần đảo Trường Sa hiện diện 9 cây đèn biển tại các đảo Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa lớn. Những ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn và đang ngày đêm khẳng định một điều hiển nhiên “biển này là của ta, đảo này là của ta".
         Đèn biển giúp cho tàu thuyền đi đúng hướng, không bị mắc cạn hay vướng vào đá ngầm. Việc xây dựng những đèn biển này theo luật pháp quốc tế là trách nhiệm của quốc gia có biển, vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam, được Cơ quan quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm báo hiệu hàng hải, quốc gia thiết lập. Trong khu vực quần đảo Trường Sa – nơi có nhiều đảo đá, bãi san hô – hải đăng càng khẳng định vị trí của người lính gác.
ÂU TẦU SONG TỬ TÂY
         Tháng 4 năm 2006 với cương vị Tư lệnh Công binh tôi tham gia Đoàn công tác Trường Sa do Trung tướng Nguyễn Khắc nghiên - Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu đi kiểm tra các mặt sẵn sàng chiến đấu và xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa, trong gần hai mươi ngày. Hệ thống công trình chiến đấu được kiểm tra đánh giá cao. Trên đường về đoàn họp tổng kết rút kinh nghiệm. Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Tư lệnh Hải quân đề nghi cho làm âu tàu trên đảo Song Tử Tây và đề nghị Bộ Tư lệnh Công binh giúp thi công. Tổng Tham mưu trưởng hỏi ý kiến của Tư lệnh Công binh. Tôi ủng hộ việc làm âu tàu và xin đảm nhiệm thi công công trình khó khăn và quan trọng này. Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên kết luận giao cho Bộ Tư lệnh Công binh thi công tại hội nghị và sau đó có văn bản chính thức của Bộ Quốc phòng gửi xuống.
         Tôi về triển khai cho Công ty xây dựng Lũng Lô: đồng chí Lý Hùng - Giám đốc Công ty Lũng Lô, đồng chí Tăng Văn Chúc - Giám đốc Công ty cổ phần Lũng Lô 2, đồng chí Bùi Văn Bàn - Giám đốc xí nghiệp nổ của công ty xây dựng Lũng Lô đến giao nhiệm vụ và vạch ra phương án thi công, kinh nghiệm đã thi công luồng vào Hồ Đá Lớn. Chuẩn bị báo cáo thiết kế thi công với Bộ Quốc phòng.
         Sau đó mấy hôm, Đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên điện cho tôi lên làm việc và thông báo: Bộ Tư lệnh Hải Quân đã tìm được công ty tàu cuốc của Hải Phòng có gầu ngoạm nặng 60 tấn, họ nhận ra đào luồng không cần nổ phá.
         Tôi nói luôn: chúng tôi đã chuẩn bị, nếu Bộ Quốc phòng giao cho họ làm chúng tôi chấp hành, nhưng khó thành công.
         Về Bộ Tư lệnh, các cán bộ của Công ty Lũng Lô vào gặp đề nghị Tư lệnh xuống làm việc với Hải quân xin cho công ty làm. Tôi nói luôn: không phải xin ai cả, cứ yên tâm, Hải quân sẽ quay lại đề nghị ta làm.
         Đúng như thế, mấy tuần sau, đồng chí Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân đến làm việc với Bộ Tư lệnh Công binh và thông báo là công ty tàu cuốc Hải Phòng đã ra khảo sát về và xin rút lui. Đề nghị Bộ Tư lệnh Công binh giúp thi công. Là người gắn bó với Hải quân gần 16 năm, tình nghĩa với Hải quân không bao giờ phai nhạt, chúng tôi vẫn đang chuẩn bị để triển khai. Với quá trinh mở luồng Đá Lớn đã quan sát là kinh nghiệm có một không hai, đá san hô đào xuống nó vừa cứng vừa dẻo, không có gầu nào có thể bổ xuống ngoạm lên được, kéo đoàn tàu cuốc ra gặp trận bão thì chìm cả đoàn. Có ra thực tế mới biết.
         Bộ Quốc phòng tổ chức nghe báo cáo phương án thi công, Thượng tướng Phan Trung Kiên - Thứ trưởng chủ trì. Thứ trưởng hỏi Thiếu tướng Hoàng Kiền: Có rất nhiều nhà cửa công trình đã xây dựng, vũ khí đã bố trí, các anh đánh thuốc nổ mà gây hư hỏng công trình, vũ khí thì sao.
         Tôi báo cáo: nổ phá là nghề của Công binh, chúng tôi có cách nổ vi sai, thủ trưởng yên tâm. Đồng chí Tăng Văn Chúc báo cáo phương pháp thi công cụ thể.
         Thứ trưởng kết luận đồng ý.
         Rất nhiều khó khăn khi phải đào đá san hô xuống sâu hơn ba mét thành một cái hồ rất rộng bên cạnh những công trình đã xây dựng bao nhiêu năm nay....
         Âu tàu đảo Song Tử Tây hoàn thành đúng kế hoạch, an toàn tuyệt đối. Với diện tích 60.000 mét vuông, âu tầu bảo đảm cho khoảng 400 tàu cá neo đậu tránh gió bão và tiếp nhận hậu cần tại đây để bám biển đánh bắt dài ngày, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ đây mở ra một giai đoạn làm các âu tàu trên quần đảo Trường Sa.
         Đến nay đã có thêm các âu tầu ở các đảo: Sinh Tồn, Trường Sa, Đá Tây.
         Sau 46 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, với sự đầu tư của nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước, công sức trí tuệ lao động rất lớn của bộ đội công binh Hải quân cùng các lực lượng trong và ngoài quân đội liên tục, không ngừng. Đến nay hệ thống công trình chiến đấu, công trình sinh hoạt, công trình bảo đảm đã được xây dựng đồng bộ vững chắc trên 9 đảo nổi, 12 đảo chìm, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa trong đó có Song Tử Tây một hòn đảo lớn ở Trường Sa, góp phần rất quan trọng vào nâng cao sức mạnh phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngày 1 tháng 6 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền

tin tức liên quan