"Đảo Sơn Ca" - Ký ức một thời biển đảo của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 02:43 06/06/2021 Lượt xem: 674
ĐẢO SƠN CA

         Những ngày qua VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam liên tục phát sóng chương trình nói về Biển đảo… Sáng nay xem phóng sự về đảo Sơn Ca, trong tôi thấy bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời với Trường Sa, với đảo Sơn Ca. Ngồi viết lại mấy dòng gửi tới đồng đội đã cùng gắn bó trên những công trình Trường Sa nói chung và đảo Sơn Ca nói riêng. Theo đó cũng xin gửi đến những người quan tâm về chủ đề này đọc để hiểu thêm về Sơn Ca - hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc chúng ta.
 

Đảo Sơn Ca chụp từ trên cao qua Vệ tinh
 
         Tôi về công tác tại Phòng Công binh Hải quân cuối năm 1981. Năm 1985 được Trung tá Phan Năng Giả - Chủ nhiệm Công binh Hải quân giao cho viết báo cáo tổng kết xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa giai đoạn 1976 - 1984 với tên gọi là Z76. Từ đó biết đến đảo Sơn Ca, một hòn đảo có diện tích trung bình, nằm ở cụm giữa của quần đảo Trường Sa..
         Tháng 4 năm 1986 tôi là thành viên đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân do Phó đô đốc Giáp Văn Cương- Tư lệnh Quân chủng dẫn đầu đi thăm và kiểm tra các mặt công tác trên quần đảo Trường Sa. Trên hành trình từ Song Tử Tây xuống phía nam. Đến Sơn Ca, tầu neo lại, cả đoàn lên đảo, lúc này đảo đã được xây dựng bước đầu nhưng còn rất nhiều khó khăn.
          Sơn Ca, một đảo trung bình trong xã đảo Nam Yết thuộc Huyện đảo Trường Sa mang tên một loài chim nằm trong nhóm Tứ đại danh ca có giọng hót mê hoặc tuyệt vời và kiểu bay liệng kỳ dị nhất. Sơn Ca hình bầu dục, hẹp chiều ngang, nằm dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dài 450 mét, rộng 102 mét và có thảm thực vật phong phú, đa dạng bậc nhất trong các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, nhiều hơn cả là Cây bàng quả vuông, Sồi, Phi lao, Muống biển, Phong Ba, Bão táp, Nhầu…Trên đảo còn có nhiều đu đủ và các loại cây thân mềm do bộ đội ta mang từ đất liền ra đảo. Chim ở đây cũng rất nhiều và đặc biệt, nhiều nhất vẫn là Sơn Ca. Có lẽ cũng vì vậy mà đảo nhỏ mang tên loài chim tuyệt đẹp này?
         Khi kiểm tra đảo, sự xói lở diễn ra trong nhiều năm và rất nghiêm trọng, chiều ngang đảo có 102 mét, sóng đánh lở chỗ sâu nhất mất gần một nửa, trông gần như đứt đôi đảo ra. Một số lô cốt đã bị sụt nghiêng mất khả năng bảo đảm chiến đấu. Tư lệnh đến nghiên cứu và giao cho phòng Công binh chuẩn bị báo cáo.
         Kết thúc chuyến đi, trên hành trình vào bờ, Tư lệnh họp rút kinh nghiệm và giao nhiệm vu cho các cơ quan đơn vị. Thay mặt Phòng Công binh tôi báo cáo các đảo đang bị xói lở nghiêm trọng, đảo Sơn Ca là nặng nhất có nguy cơ sóng đánh lở cắt đôi đảo.
         Nguyên nhân chính là do con người, hàng nghìn năm qua đảo vẫn tồn tại chỉ từ khi bộ đội ta ra tiếp quản mới gây ra sói lở như hiện nay. Nguyên nhân thứ nhất là bao quanh đảo có vành san hô, cây san hô mọc lên bao bọc làm vật cản ngăn chặn giảm cường độ sóng đánh vào bờ, từ khi có con người ra hoạt đông nhiều khai thác dẫm đạp làn nát chết san hô chúng không mọc lên nữa và mất di lớp lớp vật cản tiêu sóng.
         Nguyên nhân thứ hai là do các ụ đá san hô rải rác trên bãi cạn quanh đảo cũng là những vật cản chống sóng, vừa qua bộ đội ta cậy hết lên xây dựng công trình chiến đấu và nhà ở, mất đi vật cản chống sóng tự nhiên thế là gây sói lở đảo.
          Nguyên nhân thứ ba là chúng ta khơi các luồng lạch cho xuồng vào đảo làm thay đổi dòng chảy cũng gây ra sói lở đảo. Qua đó cần phải dừng ngay việc khai thác đá cát san hô tại đảo để xây dựng công trình và phải có kế hoạch xây tường kè chống sói lở bảo vệ đảo.
         Nghe xong Tư Lệnh Cương nói: Đồng chí nói đúng, tôi biết tôi dốt kỹ thuật rồi, từ nay trở đi cấm khai thác đá san hô xây dựng công trình, phải có kế hoạch mang từ đất liền ra, phải nghiên cứu phương án kè khôi phục và bảo vệ đảo.
         Năm 1990 sau khi đào tạo 3 năm về Chỉ huy - Tham mưu, tôi được điều về công tác tại Trung đoàn Công binh Hải quân 83.
         Tháng 3 năm 1994, với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, Thiếu tá Hoàng Kiền giao nhiệm vụ cho khung xây dựng công trình trên đảo Sơn Ca, trọng tâm là nhà 2 tầng - Nhà Chỉ huy của Đảo. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886 làm khung trưởng, các đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Đặng Văn Dương, Nguyễn Văn Ngụ là khung phó. Hai kỹ sư Vũ Ngọc Xuân, Trần Ngọc Tuyên là cán bộ kỹ thuật. Trung đoàn trưởng ra động viên bộ đội, chỉ đạo thi công. Sau 5 tháng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Có ngôi nhà 2 tầng đầu tiên, cùng công sự trận địa, đảo thêm khang trang bề thế. Nhìn bờ đảo vẫn đang sói lở sâu, mới xây kè chống sóng tạm thời, Trung đoàn đã báo cáo lên Phòng Công binh và Bộ Tư lệnh quân chủng, đề nghị cần quan tâm đầu tư xây dựng kè chống sói lở đảo Sơn Ca.
         Tháng 3 năm 1995 Trung đoàn trưởng Hoàng Kiền tổ chức cho đơn vị ra xây dựng công trình chiến đấu trên đảo Sơn Ca, trong đó kè chống sói lở đảo là hạng mục lớn nhất và khó khăn nhất. Khung xây dựng được thành lập do Kỹ sư Bùi Quang Hải - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886 chỉ huy. Đồng chí Nguyễn Trung Tiến - Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị làm khung phó, đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Đại đội trưởng Đại đội 5 làm khung phó về quân sự. Quân số 209 cán bộ chiến sĩ, chia làm 5 đội tổ chức thi công. Trung đoàn trưởng trực tiếp ra cùng cán bộ khung xây dựng và chỉ huy đảo nghiên cứu các mặt để tổ chức xây dựng. Đảo nhỏ, người đông, sói lở sâu, vật liệu mang ra nhiều ngồn ngang, hầm hố súng pháo đạn dược đầy ăm ắp. Thật là khó khăn.
         Ngày 1 tháng 3 năm 1995 chuyến tàu đầu tiên rời quân cảng Nha Trang ra đảo, ngày 31 tháng 7 năm 1995 toàn bộ công trình trên đảo hoàn thành. Bằng sức lực của hơn 400 đôi bàn tay chiến sĩ, đã đào đắp 6.285 m3 đất đá, đổ 2.105 m3 bê tông, vận chuyển ra đảo 18.300 tấn vật liệu. Điều đau xót là ngày 10 tháng 5 năm 1995 , Binh nhì, chiến sĩ Lê Văn Thìn hy sinh, do bị chìm xuồng trong quá trình chuyển tải hàng từ tàu vào đảo. ( Đồng chí Lê Văn Thìn là cháu ruột đồng chí Lê Đình Dũng - Trợ lý tác huấn của Trung đoàn, Chú xin cho Cháu nhập ngũ ngang từ Hương Sơn - Hà Tĩnh vào đơn vị đi đảo chuyến đầu tiên ).
         Công trình do Trung tâm kỹ thuật các công trình đặc biệt của Học viện Kỹ thuật Quân sự thiết kế. Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hà Huy Cương làm Giám đốc, Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Lượng làm chủ nhiệm đồ án thiết kế. Phòng Công binh Hải quân cử Kỹ sư ra giám sát hướng dẫn kỹ thuật.
         Một con đê bê tông cao sừng sững mọc lên bao quanh kín đảo Sơn Ca, các công sự trận địa được khôi phục lại và xây dựng mới đồng bộ.


Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.
 
         Từ một đảo không có nước ngọt, nhờ có kè chắn sóng, nước mưa tích tụ lại, làm ngọt hoá đảo. Ngày nay cây cối lên xanh tốt, xây dựng công trình khang trang bề thế, đặc biệt có tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng tôn thêm vẻ đẹp hùng tráng của Sơn Ca.
         Tám năm gắn bó xây dựng công trình trên đảo Sơn Ca, để lại trong lòng rất nhiều kỷ niệm. Tôi mong có ngày trở lại Sơn Ca sau gần phần tư thế kỷ chia tay.
Bồi hồi nhìn lại Sơn Ca
Phần tư thế kỷ đã qua hiện về
Biển xanh bao bọc bốn bề
Vẫn nguyên sừng sững con đê vững vàng
Bốn mùa sóng vỗ âm vang
Cây xanh bao phủ khắp làng đảo xa
Gió reo lá vẫy chim ca
Vẳng nghe hai tiếng Trường Sa vọng vào
Đảo nay thêm đẹp biết bao
Tượng đài Đại tướng tự hào trong tim
Hiên ngang tỏa sáng niềm tin
Chủ quyền biển đảo bốn nghìn năm nay.

Sáng 4 tháng 6 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền

tin tức liên quan