“Áo bào thay chiếu …”
NGUYỄN KIM CHÚC
Đã hơn năm mươi năm trôi qua; chúng tôi - những Chiến sỹ quân giải phóng miền Trung Trung bộ - Đoàn pháo binh 3017 không bao giờ quên ngày anh rời xa bọn tôi về với đất mẹ. Định đưa anh về vị trí khác để an táng mà không thể. Đành để anh nằm lại đất mẹ thuận theo lẽ tự nhiên.
Anh là Trần Miên nhập ngũ từ Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo Hà Nội. Anh được bổ xung về Tiểu đoàn bộ đoàn 3017 đóng quân trong khu rừng già thuộc Hiệp Đức - Quảng Nam cuối mùa mưa 1969. Đoàn pháo binh 3017 là phiên hiệu đơn vị trong suốt quá trình hành quân từ quân khu Tây Bắc theo đường Trường Sơn từ đầu tháng 3 năm 1968 mãi tới tháng 6 năm đó cả đoàn xe pháo mới theo đường 16 về dấu quân ở nơi đây để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sau này.
Cả đoàn xe pháo được sự chi viện tích cực của Trung đoàn 10 Công binh Trường Sơn. Đường xá, cầu cống được khôi phục đến đâu, xe pháo chúng tôi bám theo tới đó. Mà cũng lạ, chúng tôi đi trong mưa bom bão đạn của giặc Mỹ nhiều lần bị bom tọa độ, bị địch oanh tạc vào đội hình, bom nổ, bom bi cày xới mà xe pháo không hề hấn gì. Xe pháo ngược đường 14 về ngã ba làng Hồi theo đường 16 được hơn chục km từng đại đội rẽ theo dòng suối tìm vị trí đóng quân. Lúc này chúng tôi thuộc biên chế Phòng pháo binh Quân khu 5 mang phiên hiệu Tiểu đoàn 17 Pháo binh và cuộc chiến sinh tồn bắt đầu …
Cán bộ Quân khu thuộc các cơ quan tới đơn vị. Phần lớn họ đều mặc bà ba, đeo gùi trên lưng. Thắt lưng lủng củng súng ngắn, bi đông nước, địa bàn… Còn được dắt thêm mấy quả lựu đạn US. Trong khi đó chúng tôi quần áo Tô Châu, ba lô bạt, tăng võng bạt, dép đúc, mũ cối, thắt lưng nhựa đỏ ối … thật khác xa với họ. Việc đảm bảo hậu cần cả tiểu đoàn phải tự xoay xở. Mấy tháng đầu còn được ra đầu mối B46 cõng gạo, thực phẩm về. Nhưng việc cõng gạo về để đảm bảo cho cả tổ chức biên chế: người làm (đi cõng gạo được) thì ít, người ăn thì nhiều. Trong khi nhiệm vụ được giao nặng nề: phải đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xe, pháo; tham gia vận chuyển hàng hóa cho các hướng chiến dịch. Dần dần chúng tôi nhận ra phải thay đổi để thích nghi. Khẩu phần ăn bắt đầu cắt giảm và làm quen với đơn vị đo lường là ang, lon gạo.
Theo năm tháng áo quần Tô Châu phai màu, đỉa quần sau lưng, thắt lưng nhựa ngoại quốc cắt đứt cả. Bắt đầu lột bớt dây lưng. Dép đúc đi đường, cát sỏi cứ hất lên sạn hết bàn chân, đành gạ đổi lấy dép lốp. Mũ cối hầu như không còn thấy đội. Ba lô được thay thế bằng túi gùi để dễ chui lủi hơn… Nhưng có cái không thể thay đổi được là vẫn phải duy trì đội ngũ “thượng sỹ Đông Dương” cũng chả hiểu từ đâu mà lại gọi các bác là lái xe, thợ sửa xe, thợ sửa súng pháo… họ đều mang quân hàm thượng sỹ, là quân nhân chuyên nghiệp là “thượng sỹ Đông Dương”. Cả tiểu đoàn cũng phải hơn hai chục bác thuộc biên chế của tiểu đoàn bộ. Các bác đều lớn tuổi, điều kiện sinh hoạt khó khăn nên sức khỏe giảm sút trông thấy không thể làm các công việc nặng. Nhưng cuộc chiến lại rất cần sự có mặt của các bác “Thượng sỹ Đông Dương” này.
Trong bối cảnh như thế, Trần Miên và một số đồng chí hành quân từ miền Bắc vào được bổ xung cho tiểu đoàn bộ. Anh là Đảng viên, là tiểu đội phó nên về đơn vị anh được biên chế về tiểu đội trinh sát giữ chức tiểu đội phó. Lính tiểu đoàn bộ pháo mặt đất đều phải gắn một chuyên môn kỹ thuật: trinh sát, kế toán, thông tin, hậu cần, kỹ thuật… đều phải trải qua một quá trình huấn luyện mới đảm nhận được. Trần Miên bắt đầu làm quen với các máy: đo xa, phương hướng bán, pháo đối kính, ống nhòm. Làm quen với bảng tính Logarít với các hàm số lượng giác. Với trình độ cấp 3, anh dễ dàng tiếp thu nghiệp vụ trinh sát, kế toán. Anh có dáng người ưa nhìn, khuôn mặt vuông chữ điền, miệng rộng, hàm răng đều đặn, ăn nói có duyên dễ cảm mến người nghe. Trần Miên nhanh chóng được anh em yêu mến, hứa hẹn một tương lai tươi sáng với anh.
Chuyến công tác đầu tiên của anh là đi gùi xăng về đơn vị. Cả tiểu đoàn có một chiếc máy nổ để nạp ác quy cho máy 2w P105 do Liên Xô viện trợ. Máy nặng, ác quy cũng nặng mà tuổi thọ ác quy thấp, điện áp luôn sụt giảm. Vì vậy máy phải hoạt động thường xuyên để nạp ác quy. Từ vị trí đóng quân phải mất bảy ngày đi, về mới cõng được một can xăng về chạy máy. Trần Miên cùng hai Chiến sỹ mỗi người một can 20 lít đi cõng xăng về. Ba người với ba can xăng trở về hậu cứ. Chẳng may can xăng Trần Miên bị chảy. Xăng chảy ướt lưng mới phát hiện ra. Tưởng chẳng hề hấn gì với thân thể cường tráng của anh. Nào ngờ mấy tiếng sau cả mảng lưng bỏng rát, đỏ ửng tróc da. Nghiến răng chịu đau cõng xăng về đơn vị… Chỗ xăng thấm vào lưng da bong tróc xưng tấy nằm võng cũng đau, anh đành phải nằm nhà dưỡng thương …
Thời kỳ này quân giải phóng miền Trung Trung bộ gặp khó khăn về đảm bảo hậu cần. Các đơn vị phải tự cử những đoàn về vùng địch mua lương thực, thực phẩm về cho đơn vị. Địch đánh phá ngăn chặn gắt gao việc tiếp tế bị gián đoạn. Vị trí đóng quân không thể di chuyển: xe pháo đã được tháo rời cất dấu đề phòng địch phát hiện. Cả tiểu đoàn phải chia quân thực hiện các nhiệm vụ đột xuất quân khu giao; canh gác bảo vệ xe pháo; duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu khi thời cơ đến. Nằm dưỡng thương Trần Miên vô cùng sốt ruột, muốn làm cái gì đấy để cùng tháo gỡ khó khăn đảm bảo cuộc sống. Anh đề xuất với chỉ huy tiểu đoàn xin được đi tìm nguồn cung cấp lương thực cho đơn vị. Đề xuất của anh được chỉ huy tiểu đoàn chấp thuận.
Trần Miên cùng trinh sát viên Sầm Nhân rời hậu cứ ngược núi tìm về nơi đồng bào sinh sống. Các anh chưa biết đồng bào ở đâu, nhưng vững tin sẽ tìm được họ và sẽ tìm được lương thực, thực phẩm cho đơn vị. Hai anh em theo lối mòn nhằm hướng cách xa đường ô tô địch đánh phá ngày đêm tìm kiếm. Sầm Nhân là một trinh sát viên dân tộc Tày Cao Bằng, anh rất am hiểu rừng núi và tìm kiếm sản vật từ rừng. Quá trưa hôm ấy hai anh em mới tới một mỏm rừng non. Nhìn thấy dòng suối trước mặt và những vạt nương của đồng bào ven suối. Hai anh em tìm đường xuống suối.
Xuôi theo dòng nước tới ngã ba hai dòng suối chảy thành một, hai anh em mừng rỡ đã tìm đến nơi có đồng bào cư trú. Tìm chỗ cao ráo, thoáng mát hai anh em mắc võng nghỉ ngơi, lấy lại sức để sáng hôm sau tính tiếp. Bữa chiều hôm ấy Trần Miên ăn rất ít chỉ húp canh chua nấu với ốc suối rồi về võng nằm luôn. Ở rừng, màn đêm buông xuống rất nhanh. Võng kế bên Sầm Nhân vẫn theo dõi từng cử động của Trần Miên. Anh nhận thấy sự khác với mọi ngày của Trần Miên. Đêm tĩnh lặng nằm võng nghe rõ tiếng gió rừng rung cây và tiếng suối chảy rất đễ làm cho giấc ngủ mau về. Nhưng cũng lạ đang tuổi ăn tuổi ngủ mà sao Sầm Nhân vẫn chưa ngủ được. Anh bắt đầu lo cho người anh võng kế bên. Anh ấy đang bị xăng chì hành hạ. Các anh thợ máy ô tô biết chuyện đã cảnh báo: “thận trọng coi chừng bị ngộ độc xăng”. Với tay sang võng bên, anh hỏi:
- Anh thấy trong người thế nào?
- Mình không sao! Ngủ đi lấy sức mai tính tiếp. Anh nắm chặt tay Sầm Nhân. Tay anh nóng ấm run run.
Sầm Nhân tung bọc võng ngồi dậy:
- Anh bị sốt rồi! Để em lấy thuốc cho anh uống.
Trần Miên phải uống tới hai lần rót nước mới trôi hai viên thuốc “phòng Ba” loại thuốc chống sốt rét cực tốt được phát. Anh lại bảo Sầm Nhân: -“ngủ đi để lấy sức ngày mai tìm vị trí làm rẫy”. Bấm đèn sửa lại màn cho Trần Miên, Nhân bảo:
- Có gì anh gọi em nhớ.
- Không sao đâu! Ngủ đi em.
Nửa đêm Trần Miên lên cơn sốt nặng, uốn éo rung cả võng. Sầm Nhân chỉ biết giữ chặt tay anh khỏi rớt võng. Thế rồi Trần Miên người cứng đờ trên võng, thở hắt, nắm chặt tay Sầm Nhân lịm dần … Sầm Nhân lấy hết sức nâng đầu anh lên xoa mạnh hai thái dương, ấn huyệt nhân trung, xoa bóp vùng ngực… Nhưng tất cả đều vô vọng. Trần Miên đã tắt thở, đầu nghẹo về một bên.
Sự việc sảy ra rất nhanh, một mình trong đêm khuya thanh vắng lúc đầu Sầm Nhân vô cùng hoang mang và có phần hoảng sợ. Sau một hồi cứu chữa không thành, anh suy tính nghĩ việc phải làm tiếp theo. Sầm Nhân bấm đèn đặt Trần Miên nằm ngay ngắn trên võng, vuốt mắt và chùm kín chăn cho anh rồi khoác khẩu CKC về võng. Sương núi đọng cành lá thành giọt rơi lộp độp trên mái tăng. Sầm Nhân trở dậy gỡ màn đắp thêm cho Trần Miên khỏi lạnh rồi cầm súng canh gác chờ trời sáng trở về đơn vị báo tin …
Trời sáng Sầm Nhân cuốn võng, khoác súng nhìn Trần Miên lần nữa rồi ngược núi về đơn vị. Phải đến xế chiều Sầm Nhân mới về tới hậu cứ. Mọi người nhìn thấy anh khoác hai khẩu súng uể oải, lê bước vào lán, đổ xô đến hỏi”
- Trần Miên đâu? Sầm Nhân ngước cặp mắt vô hồn nhìn mọi người môi mấp máy:
- Anh ấy chết rồi. Chỉ nói được có thế, anh lả đi vì đói và mệt trong tay đồng đội …
Được tiêm thuốc trợ lực và uống sữa nóng, Sầm Nhân dần tỉnh táo thuật lại sự việc. Mọi người đều ngỡ ngàng và tiếc thương sự ra đi của Trần Miên. Chỉ huy tiểu đoàn hội ý gấp cử người đi làm công việc an táng theo đúng quy định. Rất nhiều đồng đội xin đi ngay nhưng trời đã muộn, hơn nữa Sầm Nhân còn rất yếu nên mọi người làm công tác chuẩn bị để sáng sớm hôm sau lên đường.
Đoàn công tác được lấy từ những đồng chí có sức khỏe dưới sự chỉ huy của cán bộ chính trị tiểu đoàn Nguyễn Tiến, theo sự chỉ dẫn của Sầm Nhân ra đi từ mờ đất. Đoàn công tác mang theo túi tử sỹ, tăng võng, biển tên … với ý định nhanh chóng đưa Trần Miên về an táng nơi quy định. Mặt trời đứng bóng mới tới vị trí. Sầm Nhân chột dạ không trông thấy võng dưới mái tăng. Bước vội lại anh ngồi phệt xuống đất dụi mắt, không tin vào mắt mình. Dưới mái tăng che mưa Trần Miên đã nằm trên đất, toàn thân được phủ kín bởi một thứ đất mịn do hàng ngàn, hàng vạn con mối đem đến. Một sự kỳ lạ linh thiêng trước mắt mọi người.
Ảnh minh họa
Biết không thể làm gì khác hơn là để Trần Miên về với đất mẹ như tự nhiên sắp đặt. Mọi người xúm vào khuân đá xếp xung quanh mộ phần và xúc đất tôn cao mộ phần cho anh. Công việc hoàn tất, những bông hoa rừng được kết thành vòng hoa, lọ thủy tinh trong đó có thông tin về anh và mảnh nhôm được cắt từ xác máy bay Mỹ ghi tên anh đã được đặt lên mộ anh. Sầm Nhân không quên đặt chiếc thắt lưng có chiếc bi đông và con dao găm vật bất ly thân của anh lên mộ phần của anh. Hàng quân đứng trang nghiêm nghe lời điếu do cán bộ chính trị tiểu đoàn Nguyễn Tiến đọc. Dứt lời điếu Nguyễn Tiến dừng lại một lát rồi xúc động hô khẩu lệnh: “Phút mặc niệm bắt đầu!”. tức thì trong hàng quân vang lên giọng ngâm nghẹn ngào: “Áo bào thay chiếu anh về đất …” Rồi những loạt AK vang lên tiễn biệt Chiến sỹ ưu tú Trần Miên về với đất mẹ thân thương./.
Nguyễn Kim Chúc
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN