"Những ngôi nhà trong đời" - Tuỳ bút của Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 07:11 25/06/2021 Lượt xem: 478
NHỮNG NGÔI NHÀ TRONG ĐỜI
Tuỳ bút của Phan Vĩnh Điển

 
Phần I: Những ngôi nhà tranh
 
         Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị xã bé nhỏ vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tuổi thơ của tôi trôi qua đẹp đẽ và êm đềm trong những căn nhà lợp lá cọ, tường xung quanh được trát bằng đất trộn với rơm. Đó là đặc điểm chung của các ngôi nhà Trung du và miền núi phía Bắc những năm đầu và giữa của thế kỷ 20 kể cả những ngôi nhà ở nông thôn và thị xã thời đó. Cuộc sống lúc bấy không lấy gì làm sung túc giầu có, nhưng ai cũng cảm thấy sung sướng và hạnh phúc, sống trong cảnh thanh bình với các món ăn bình dân. Nhiều khi chỉ là bát canh rau muống luộc chấm tương ăn cùng với cà pháo, thỉnh thoáng lại có nồi canh cua đồng hay canh rau sắn muối nấu với tép, vị chua thanh thanh rất ngon.
         Trẻ con chơi với nhau rất thân mật với các trò chơi đánh bi, đánh đáo, hay đá bóng trên đường phố bằng những quả bóng cuốn bằng rơm hay quả bưởi non. Trẻ em gái thì chơi ô ăn quan, nhảy dây hay chơi trốn tìm sau các gốc cây hay cột điện. Người lớn sống với nhau rất nhân ái, vui vẻ, đoàn kết, ít thấy cảnh vợ chồng đánh cãi nhau hay ly dị như sau này…
         Nhưng cũng chính vì toàn là nhà tranh vách đất, nên tôi đã chứng kiến cảnh cháy nhà hãi hùng vào giữa trưa ngày mùng 2 tết đầu những năm 1960 tại thị xã bé nhỏ này. Mặc dù hồi đó tôi mới chỉ 5 tuổi, nhưng vẫn nhớ tới cảnh ngọn lửa bốc cao hàng chục mét, khói cuộn lên đen xì, tiếng tre, nứa nổ lốp bốp. Đứng xa hàng trăm mét mà vẫn thấy nóng rực. Cảnh người lớn ở những nhà sắp cháy đến chạy nhốn nháo bê đồ chạy ra đường. Đàn bà, trẻ con thì sợ, khóc mếu máo, những đứa trẻ lớn hơn chạc tuổi tôi thì được cha mẹ dặn ngồi im một chỗ để trông đồ đạc, sợ run như cầy sấy, xung quanh chất đầy những quần áo, chăn màn. Tàn lửa bay khắp nơi, chỉ sợ chúng rơi xuống đúng đống chăn màn thì có mà chết cháy. Sau đó, người lớn sợ tàn rơi, chăn màn bắt lửa nên lấy nước dội luôn vào đống chăn màn ướt sũng.
         Sáng hôm sau, khi đám cháy đã nguội, tôi cùng các bạn ra bãi cháy để xem. Một cảnh tượng hãi hùng chưa từng thấy, một bãi cháy mênh mông đen xì, với hơn một trăm nóc nhà bị cháy. Có những cây cột vẫn còn đang cháy dở, âm ỉ nhả ra một làn khỏi trắng mong manh, bên cạnh đó là những chiếc xoong nồi bằng nhôm, néo mó, có cái đã chảy thành nước một nửa, nằm chỏng trơ bên một vài thanh sắt đen xì, đè lên con búp bê bằng nhựa cháy nham nhở, chắc được những người lính cứu hỏa phun nước để cứu, nhưng không thể cứu được !
          Một vài gia đình, đang thu dọn một số đồ dùng chạy được, xếp lên xe ba gác chở đến chỗ ở tạm do Chính quyền thị xã sắp xếp. Đại đa số các gia đình bị cháy hết đồ đạc, không còn thứ gì, đang được Chính quyền và bà con xóm phố quyên góp ủng hộ từ quần áo, chăn màn, xoong nồi, vài bơ gạo, rau, cá và vài hào lẻ để lo cuộc sống trước mắt. Người nhận thì vừa cảm động, vừa mừng mừng, tủi tủi không cầm được nước mắt nói lời cảm ơn !
         Sau này lớn lên đi Bộ đội, những ngày đầu quân ngũ tôi và các bạn phải ở trọ nhà dân ở vùng nông thôn ngay gần thị xã, cũng vẫn là những ngôi nhà lá cọ, vách đất nhưng ở nông thôn vùng Trung du miền núi đất còn rất rộng, nên mỗi nhà cách nhau đến vài trăm mét. Nhiều nhà có vườn cây, ao cá rất rộng, có nhà ở một mình một quả đồi lớn. Xung quanh nhà thường có lũy tre xanh bao bọc, vừa là hàng rào, vừa lấy vật liệu làm nhà, đan lát hàng thủ công như rổ rá, nong nia hay quang giành…
         Bên sườn đồi thường là những nương sắn, nương chè được trồng thành hàng, vòng cung theo độ dốc của sườn đồi. Các hàng chè được tỉa gọn gàng vào cuối mùa đông, nay sang xuân đang đâm chồi xanh mơn mởm. Bên dưới thường là những thung lũng, với các thửa ruộng bậc thang, lúa đang thì con gái, xanh mướt, mỗi khi có làn gió thổi nhẹ, sóng lúa cứ dập dềnh trông xa như những làn sóng biển dịu êm…
         Mọi người sống với nhau rất sởi lởi, nhưng đôi khi hơi sởi lởi quá. Có hôm tôi và thằng bạn thân tên là Phú, hắn cao to đẹp trai, lém lỉnh và rất thích tán các em gái ở quê. Một hôm hắn rủ tôi cùng đi đến chơi nhà em Thắm, người nhỏ nhắn, nước da trắng hồng, mắt bồ câu lúng liếng; nhưng cô là con ông Chủ nhiệm Hợp tác xã rất khó tính, nên Phú sợ, cứ nài nỉ tôi đi cùng. Nể bạn tôi nhận lời đi chơi cùng bạn. Gần đến nhà cô ấy, thì thấy một bác già đang đạp xe đạp đi qua, cô ta gọi với ra, ới bác Kha ơi, bác đi đâu thế ? Vào nhà “chơi” cháu đã !
         Tôi lặng người trong giây lát, sau đó phá lên cười. Anh bạn tức quá hỏi: Mày cười cái gì mà sặc sụa lên thể ? tôi trả lời: Mày không nghe rõ à, cô ta vừa mời bác vào nhà “chơi” cháu đã, thế mà mày còn mất công tán tỉnh mà làm gì… Phú gãi đầu vò tai, tỏ ra hơi lúng túng rồi nói: Mày biết dân vùng này họ vẫn có tính sở lở, tốt bụng và dễ tính thế còn gì, phong tục địa phương nó thế “chấp” làm gì. Có người đến chơi vào giữa lúc gia đình đang ăn cơm, được mời là họ ngồi xuống chiếu ăn luôn, mày cũng biết rồi còn gì. Không khéo thế lại hay, họ không khách khí khí như người thành phố, thị xã chúng mình…
         Thời gian sau, đơn vị Phú được chuyển về đồng bằng, vẫn phải đi ở nhờ nhà dân song nhà ở đồng bằng có vẻ nhỏ hơn nhà ở Trung du miền núi. Thường nhà chỉ có 3 gian lợp rơm, rạ, đôi khi có nhà lợp ngói ta từ xưa nhưng còn rất ít, đã có một số nhà lợp ngói mới, được gọi là ngói Tây. Khung nhà bằng gỗ, tường nhiều nhà được trát tóc xi (tức là người ta đan phên tre sát vào nhau sau đó trát lên lớp tóc xi bao gồm: Vôi tôi trộn với rơm băm nhỏ). Sau khi khô, họ trát ra bên ngoài một lớp cát trộn với vôi xoa phẳng, quyét vôi trắng trông đẹp hơn tường đất rất nhiều. Còn tường đất có quét vôi cũng chẳng đẹp hơn là mấy, nên nhiều nhà ở thị xã dùng báo cũ đóng lên tường cho sạch và đẹp hơn. Nhà tôi, bố cũng làm như vậy; chính vì thế, lúc 4 tuổi anh em tôi đã nghịch diêm, châm vào báo, bùng cháy lên tận mái nhà. May hôm đó, có người qua đường nhìn thấy, hô hoán mọi người mang xô chậu múc nước chạy sang, bắc thang trèo lên mái nhà để dập lửa… Hai anh em được bữa sợ xanh cả mắt !
Nhà ở vùng đồng bằng thường làm nhà gần sát nhau, có sân nhỏ lát gạch đất nung, không rộng như sân đất của nhiều nhà nông thôn ở vùng Trung du miền núi. Nhiều nhà chỉ có một khu vườn nhỏ, ngăn cách nhau bằng một bức tường gạch thấp ngang người, còn không gian trống để giao lưu chuyện trò với hàng xóm.
         Cánh đồng làng thường rộng mênh mông, xa tít tắp. Bên cạnh cánh đồng, thường có những con kênh uốn lượn như những dải lụa trắng, ôm ấp lấy cánh đồng lúa đang vào vào hạt, uốn câu, có nơi lúa đã bắt đầu ngả sang mầu vàng nhạt. Mỗi khi có làn gió thổi qua, không còn dập dềnh uốn lượn nữa, nếu như chúng ta chụi khó lắng nghe thì thấy những âm thanh rì rào nho nhỏ như tâm tình. Ở giữa các cánh đồng thỉnh thoảng còn lại một vài cây Mộc miên (*), vẫn còn chút hoa hoa đỏ thắp lửa như những ngọn đèn chiếu xa mỗi buổi hoàng hôn về…
Đường làng cũng được lát gạch tương đối sạch sẽ, Người ở nông thôn đồng bằng có vẻ giao lưu hoạt bát hơn, họ hay đi chợ phiên trao đổi hàng hóa như rau, cá và một vài lạng thịt. Nhiều nhà trẻ con cứ gần trưa là ra cổng ngóng mẹ đi chợ về, xem mẹ có mua cho vài viên kẹo bột hay kẹo vừng.
         Tối đến ở sân phơi Hợp tác xã là khu sinh hoạt cộng đồng rất vui vẻ. Ngày mùa, là nơi để trục lúa (tức là ban ngày xã viên đi gặt về, rải lúa ra sân kho, còn các bác nông dân khỏe mạnh, ngồi trên một chiếc xe có hai trục bằng gỗ, do trâu kéo, chạy vòng tròn cho hạt thóc rụng ra khỏi bông). Hồi nhỏ, lúc đi sơ tán về vùng nông thôn Tôi rất thích xem các bác nông dân trục lúa. Trẻ con nhiều đứa chạy theo xin các bác nông dân cho ngồi ké bên ghế của chiếc xe trục lúa. Những ngày không phải là ngày mùa; nhất là những đêm sáng trăng là nơi biểu diễn văn nghệ quần chúng của nan nữ Thanh niên. Còn trẻ con thì chơi trò đuổi bắt, trốn tìm, nhẩy dây hay chơi ô ăn quan. Đó cũng là nơi hẹn hò, tâm sự với nhau của đôi nam nữ Thanh niên bắt đầu tìm hiểu, nhưng ngày đó, yêu nhau lắm cũng chỉ dám nắm tay nhau ở nơi công cộng mà thôi…
         Bước sang mùa thu tôi và đồng đội được chuyển về đơn vị mới, được ở Doanh trại hẳn hoi. Nói thế cho oai vậy thôi, tôi và đồng đội được chuyển về đơn vị huấn luyện mới ở một tỉnh bắc miền Trung. Doanh trại là một khu đất rộng khoảng vài chục nghìn mét vuông được xây dựng dang dở, có hai dẫy nhà dài lợp bằng cỏ tranh, vách đất. Bên trong nhà là hai dãy sạp dài từ đầu nhà cho đến cuối nhà bằng tre rát nứa. Bên trên là giá để ba lô, cũng bằng tre được treo lên xà ngang của mái nhà. Mỗi người dải lên cái chiếu cá nhân, đó là chỗ nằm của mỗi người. Cuộc sống tập thể trong Doanh trại vui và thoải mái hơn ở nhà dân rất nhiều, vì không phải giữ ý, để khỏi làm phiền đến chủ nhà.
         Mặc dù, đa số họ đều là những người dân hiền lành tốt bụng, sẵn sàng chia sẻ với các chú lính trẻ mới lần đầu tiên xa nhà mọi thứ cần thiết. Nhiều đôi bạn thân rì rầm tâm sự như những cặp tình nhân. Có những anh chàng có khiếu văn nghệ thì nghêu ngao hát lên những bài hát mà mình ưa thích.
         Tuy nhiên, là những ngày đầu sống chung với nhau, mọi người còn chút ít giữ ý, chỉ đến khi mùa đông kéo đến, Doanh trại lại gần các dãy núi đá, lạnh thấu xương, nhiều đêm rất khó ngủ. Vì Bộ đội thời ấy, mỗi người thường chỉ được phát một chiếc chăn chiên mỏng, mặc cả quần áo dài đi ngủ mà vẫn lạnh. Dần dần các đôi bạn nằm cạnh nhau, không ai bảo ai, tự động ghép đôi nằm chung, chồng hai chiếc chăn lên nhau mới đủ ấm. Thế là vừa được ngủ ngon, lại càng ấm thêm tình đồng đội…
         Sau này vào Tây Nguyên tôi và các đồng đội của mình vẫn tự đi chặt tre gỗ và cắt cỏ tranh về làm những căn nhà doanh trại của mình. Chỉ khác Tây Nguyên ngày đó rừng còn tương đối nguyên sinh, bên dưới những rừng khộp thưa là bạt ngàn cỏ tranh, không cón hiếm như ngày ở Bắc miền Trung nữa. Địa hình ở Tây Nguyên từ vùng hạ Phú Yên, Khánh Hòa đi lên sau khi lên đèo Phượng Hoàng là những cánh rừng Khộp thưa, tương đối bằng phẳng, rộng ngút ngàn rừng lau và cỏ tranh. Xem kẽ là những con đường mòn đất đỏ ngoằn nghèo như những con trăn khổng lồ đang trườn đi. Thỉnh thoảng lại thấy đồng bào dân tộc Tây Nguyên, vai khoắc nỏ, cưỡi voi ngạo nghễ đi qua, trông rất oai hùng và bí hiểm…
         Về mùa khô thì đất đỏ khô ran, cây Khộp rụng lá, chỉ còn lại một ít lá trên cây, trông gần giống cây ở xứ ôn đới, nhưng bên dưới là những bụi lau, cỏ tranh đã ngả sang mầu vàng úa. Mỗi khi có xe máy chạy qua là bụi cuốn lên mù mịt, chỉ biết nhắm mắt lại cho bụi đỡ rơi vào mắt, chứ hồi ấy Bộ đội mấy ai có kính râm mà đeo đâu. Nhưng ngộ nhất là khi xe chạy qua hoặc xe gần đi đến nếu chú ý lắng nghe thì thấy âm thanh đã ù ù trong lòng đất phát ra từ xa, nên sau này cánh lính trẻ khi đi rừng về hay chơi trò, tháo dép cao su ra, rậm chân xuống đất để nghe âm thanh âm vang rậm rịch, thậm thình như tiếng trống hào hùng từ ngàn năm đang vọng về trong lòng đất.
         Cuối mùa khô, do đồng bào đốt nương làm rẫy, cháy lan ra, cỏ tranh bị cháy trụi, chỉ còn lại lớp tàn cỏ tranh đen xì, nhiều cây khộp bị cháy xém, trụi cả lá. Nhưng lạ thay cuối tháng tư, đầu tháng 5 mùa mưa về, chỉ vài ngay sau, cỏ tranh bắt đầu nẩy lên những mầm xanh tua tủa như những mũi tên đâm lên từ lòng đất. Cây Khộp mặc dù thân bị cháy xém, cũng bắt đầu nhú lên những chồi non xanh mướt. Thế mới biết sức sống mạnh mẽ và diệu kỳ của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Chỉ một tháng sau, cỏ tranh và rừng đã xanh lá, các loài chim đua nhau hót líu lô, đêm đến tiếng thú kêu gọi bạn nghe văng vảng nỗi buồn, làm các chàng lính trẻ càng nhớ nhà, nhớ quê hương… Về mùa mưa, muỗi, rĩn cũng sinh sôi nẩy nở rất nhiều, nên tỷ lệ Bộ đội bị sốt rét ác tính cũng tăng lên. Nếu nghe thấy tiếng xe ô tô chạy trong đêm là biết ngay có trường hợp Bộ đội rốt rét ác tính phải đưa đi cấp cứu…
         Những ngày mới vào Tây Nguyên gỗ và tre còn rất nhiều, nhưng để tìm được những cây gỗ thẳng để làm cột dựng nhà, thường phải đi xa vào trong những khu rừng già nguyên sinh ở những thung lũng hay ven các con sông, suối. Bên cạnh các cây to, cổ thụ cao hàng mấy chục mét, vài người ôm không xuể là những cây gỗ con, thon nhỏ thẳng vút, chặt về làm cột nhà thì hết ý.
         Tre thì còn rất nhiều, vừa to và vừa xanh tốt; nhưng tre ở ở Tây Nguyên rất nhiều gai, nên đồng bào Dân tộc thường chặt ngang cây để lấy phần giữa và phần trên của cây tre. Do vậy, muốn chặt được cả cây là rất khó, nên Bộ đội cũng phải trèo lên lưng chừng bụi tre để chặt, đôi khi quần áo bị rách bươm, tay, chân bị gai tre đâm vào chẩy máu là chuyện thường ngày ở rừng Tây Nguyên đối với các chàng lính trẻ lên Tây Nguyên để chống fulro và khai hoang mở đất !
         Tuy nhiên chỉ ít năm sau, đơn vị đẩy mạnh khai hoang và do sự khai thác mạnh mẽ của con người rừng Tây Nguyên đã lùi xa, thay vào đó là những lô cà phê xanh tốt, đứng thẳng hàng, nghiêm trang như những người lính. Vào đầu mùa khô đã bắt đầu chín đỏ chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch… Sau vài năm, các căn nhà tranh đã dần được thay bằng các căn nhà gỗ, lợp ngói. Sau nữa là những căn nhà xây lợp ngói đỏ. Trường học, Bệnh viện đã được xây dựng khang trang đẹp đẽ, mở ra trang phát triển mới, mạnh mẽ cho mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, giầu có, đầy nắng, gió và tươi đẹp này…
(Còn nữa)
 
Phan Vĩnh Điển
Trưởng Ban LL Trung đoàn 49 Hội Trường Sơn Sư đoàn 471
---------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Mộc miên, Hồng miên - còn có nhiều tên gọi khác nhau như: phía Bắc gọi là hoa Gạo, hoặc Pơ-​lang - theo cách gọi của người Tây Nguyên…

tin tức liên quan