Ban Tuyên huấn Sư đoàn 471 cũng được trang bị một chiếc. Ngày ấy, trong ban chỉ có tôi biết sử dụng máy ảnh do cha tôi là một nhiếp ảnh gia, từng dạy tôi sử dụng các loại máy ảnh và kỹ thuật buồng tối. Vì thế, tôi nhanh chóng “mở lớp” hướng dẫn cả ban sử dụng máy ảnh. Đặc biệt, tôi đã "truyền nghề” rất kỹ cho Nguyễn Chí Công-một họa sĩ nghiệp dư của ban, người cùng tổ tuyên truyền với tôi.

Tôi được Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn Ngô Mạnh Thu giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách bản tin của sư đoàn kiêm nhiếp ảnh tư liệu. Vì thế, sổ tay, bút, súng và chiếc máy ảnh Kiev trở thành những vật bất ly thân của tôi ngày ấy. Tôi đã ghi lại qua ống kính nhiều hình ảnh hoạt động của các đơn vị vận tải; hình ảnh chiến đấu trên các trận địa pháo tại các trọng điểm Nậm Bạc; hình ảnh công binh bảo đảm giao thông, rải rong đanh chống lầy và ngụy trang đường kín; rồi xuống Đại đội 7 bộ binh phòng thủ phía tây tuyến hoạt động của sư đoàn; xuống Tiểu đoàn Thông tin 446 đang làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt tại nhiều trọng điểm, nhiều căn cứ của sư đoàn... 

 Chiếc máy ảnh Kiev hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Thời gian này, chúng tôi chưa được trang bị máy phóng ảnh, vì thế những hình ảnh mà tôi chụp ở các đơn vị chỉ in ra được những tấm ảnh 3x4cm. Để có thể phóng được ảnh cỡ lớn hơn phục vụ công tác tuyên truyền, tôi nghĩ phải tự chế ra chiếc máy phóng ảnh. Tôi liên tưởng đến chiếc máy phóng ảnh mà cha tôi đã tự chế sử dụng ánh sáng trời với chiếc máy ảnh cỡ phim 9x12cm của Tây Đức. Thế là sau mấy ngày mày mò, thiết kế, tôi đã vẽ xong phác thảo làm chiếc máy phóng ảnh sử dụng ánh sáng của đèn pin (loại đèn 3 pin con thỏ). Tôi đem phác thảo thiết kế chiếc máy phóng ảnh sử dụng ống kính máy Kiev ấy xuống Xưởng Sửa chữa ô tô X340 của sư đoàn. Tôi được Xưởng trưởng Nguyễn Nhơn dẫn xuống gặp các anh ở Tổ Gò hàn của xưởng để được giúp đỡ. Anh Nguyễn Văn Thái (nay ở số 2 Xuân Diệu, quận Tây Hồ) và anh Nguyễn Quyết (ở phố Hàng Bột xưa) đều là trai Hà Nội. Hóa ra, tôi đã từng biết hai anh trong hội diễn đầu tiên của sư đoàn. Anh Quyết có giọng nam cao rất hay và anh Thái là một tay chơi ghi-ta giỏi. Hai anh đã rất nhiệt tình giúp tôi “sản xuất” ra chiếc máy phóng ảnh thủ công.

Chiếc máy phóng ảnh khá đơn giản. Một thanh sắt dài 60cm được bắt vít xuống một miếng gỗ kích thước 50x35cm. Trên thanh sắt được gắn với một “buồng” làm bằng tôn mỏng. “Buồng” tôn này được di chuyển lên xuống bằng một vít hãm rất dễ điều khiển... Sau hai ngày, chiếc máy phóng ảnh tự chế đã hoàn thành. Chúng tôi đem thử thì mọi việc thật tốt đẹp. Các bộ phận đều được vận hành trơn tru. Tôi vui mừng cảm ơn các anh rồi vội tháo các bộ phận máy phóng cho vào ba lô băng rừng, gùi nhanh về sư đoàn.

 Có máy phóng ảnh, tổ tuyên truyền của chúng tôi lao vào làm chiếc buồng tối bên cạnh ngôi nhà chính của ban. Gần như một nửa Ban Tuyên huấn đã chui vào buồng tối xem tôi và Chí Công phóng tấm ảnh đầu tiên bằng chiếc máy phóng tự chế mang tên Trường Sơn. Việc lấy nét và thu phóng theo kích cỡ đều rất tốt. Song do ánh sáng đèn pin có quầng sáng không đều nên ảnh khi phóng ra độ sáng tối trên ảnh khá “lổn nhổn”. Sau một hồi suy nghĩ, tôi vội chạy sang Phòng Tham mưu gặp Hồng Quang (quê Phủ Lý) phụ trách vẽ bản đồ. Tôi xin Hồng Quang ít giấy can vẽ bản đồ rồi mang về cắt giấy can theo kích thước của đèn pin. Sau khi lắp vào đèn pin, ánh sáng chiếu qua hai lớp giấy can đều cho ra kết quả không ngờ... Chiếc máy phóng ảnh tự chế Trường Sơn ấy tuy chỉ phóng được cỡ ảnh to nhất là khổ 18x24cm (vì ánh sáng đèn pin chỉ đủ cung cấp cho kích cỡ như vậy). Nhưng thế cũng là đủ. Tại Đại hội Thanh niên Quyết thắng rồi Đại hội mừng công năm 1973 của sư đoàn, chúng tôi tổ chức một triển lãm nhỏ với hơn 30 tấm ảnh 18x24cm, đó là các hình ảnh hoạt động, chiến đấu của sư đoàn. Triển lãm đã tạo sự ngạc nhiên và thích thú cho nhiều người...

Tháng 12-1975, tôi phải nhập Viện Quân y 175 ở Sài Gòn. Sau đó, tôi cùng 120 thương binh, bệnh binh được chuyển viện ra Bắc. Trước khi rời sư đoàn, tôi bàn giao toàn bộ máy móc, tư liệu cho Nguyễn Chí Công ở lại. Nguyễn Chí Công tiếp tục sử dụng chiếc máy ảnh hiệu Kiev để ghi lại hình ảnh hoạt động của sư đoàn...

Cuối tháng 12-2020, Nguyễn Chí Công từ TP Hồ Chí Minh đã gửi chiếc máy ảnh Kiev ra Hà Nội cho tôi. Cầm lại trên tay chiếc máy ảnh từng gắn bó thân thiết suốt gần 4 năm trên các nẻo đường Trường Sơn, tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Giờ thì chiếc máy ảnh đã được Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tiếp nhận để trưng bày. Tôi nghĩ nó hoàn toàn xứng đáng là “nhân chứng lịch sử” góp phần vào công tác tuyên truyền của Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Bài và ảnh: PHẠM THÀNH LONG