"Những chàng trai lái máy trên Cao Nguyên" - Ký ức của Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 07:16 20/07/2021 Lượt xem: 340
 
------------------------------------------------------------------

       Bên thềm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng. Những bài thơ, đoạn văn là ký ức một thời của những người lính Sư đoàn lại được ra đời để nhắc lại những kỷ niệm khó quên của họ trong những tháng ngày Trên Đại ngàn Trường Sơn khói lửa đơn vị của họ đã góp bao công sức, máu xương cùng Bộ đội Trường Sơn làm nên con đường huyền thoại… Và cả những tháng ngày sau giải phòng Sư đoàn 471 Anh hùng nhận nhiệm vụ mới – Làm kinh tế xây dựng Tây Nguyên kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ Biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
       Nguyên là chiến sỹ của Trung đoàn 49 thuộc Sư đoàn 471. CCB Phan Vĩnh Điển nay là Trưởng Ban LL Truyền thống Trường Sơn Trung đoàn 49, Sư đoàn 471 Anh hùng đã trải lòng mình với bài viết dưới đây gợi lại dòng ký ức dài dài nhằm gửi tới những người đồng đội của anh trong những ngày lớp lớp cựu Cán bộ Chiến sỹ Sư đoàn đang hướng về sự kiện long trọng và đầy ý nghĩa đã diễn ra cách nay tròn ½ Thế kỷ của Sư đoàn.
       Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc .

 
 

NHỮNG CHÀNG TRAI LÁI MÁY TRÊN CAO NGUYÊN
Tùy bút: Phan Vĩnh Điển
 
       Đầu năm 1975 cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn tổng tiến công, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, kêu gọi thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
       Định tạm thời gác lại ước mơ thi vào giảng đường đại học, tự nguyện viết đơn lên đường tòng quân giải phóng đất nước. Một ước mơ trong sáng theo như lời ông Ngoại Định nói:
       Thời cơ đánh đuổi đế quốc Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước chỉ có một lần; còn học đại học thì sau này về học cũng được. Ôi một ước mơ trong sáng làm sao…!
       Định bước vào đợt huấn luyện bộ binh thời gian rất ngắn. Sau đó, được cấp tốc chuyển sang học lái xe để chi viện cho chiến trường miền Nam. Vừa học lái xe được ít ngày; niềm vui sướng bất ngờ là miền Nam đã hoàn toàn giải phóng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cả dân tộc tưng bừng trong ngày hội mừng chiến thắng. Anh bạn thân của Định vui quá nói:
       Đến cỏ cây thấy cũng như reo vui, như rung rinh cành lá… Định cùng các bạn vui mừng, tưởng mình có thể giải ngũ về nhà tiếp tục ôn thi đại học; bước vào giảng đường đại học theo ước mơ của mình… 
       Ai ngờ, được lệnh cấp trên:
       Hòa bình rồi, không học lái xe để chi viện cho chiến trường miền Nam nữa; chuyển vào miền Nam để học lái máy vừa xây dựng kinh tế vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ai cũng ngao ngán, vì ước mơ không thành, nhưng nghe nói được vào miền Nam, vùng đất vừa được giải phóng, ai cũng háo hức, làm quên đi phần nào những thất vọng của mình… 
       Ngày lên đường vào Nam ai cũng vui mừng. Tuổi trẻ thật dễ, nhanh chóng quên đi nỗi buồn; vì dù sao cũng được vào miền Nam, một vùng đất vừa được giải phóng có bao điều mới lạ… Khi xe vượt qua cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, ai cũng tranh nhau thò đầu ra cửa sổ xe để xem cột cờ và cầu Hiền Lương. Một địa danh nổi tiếng trong phim: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, nó thật hư ra sao ?
       Xe đi thêm hơn chục km nữa là đã gần đến địa điểm đóng quân, xe dừng lại, để các chàng lính trẻ xuống xe; xếp hàng đi bộ ngược sông Bến Hải hơn chục km nữa để đến khu doanh trại mới của Trường Trung cấp Cầu đường, đóng ngay bên bờ sông Bến Hải. Dòng sông về mùa cạn, nước trong xanh có nhiều đoạn có thể xắn quần lội qua mà không sợ ướt. Bên kia bờ sông là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đang khẩn trương xây dựng, ngổn ngang gạch đá và hàng dẫy tiểu sành được xếp thẳng hàng, chờ để xếp hài cốt Ciệt sỹ vào, trông mới buồn làm sao !
       Định cùng đồng đội, sau một thời gian khẩn trương xây dựng doanh trại là bắt tay vào học tập. Thường chỉ học lên lớp vào buổi sáng, buổi chiều các học viên tự học. Tranh thủ những giờ nghỉ, Định và đồng đội thường sang xem các anh, chị Bộ đội xây dựng Nghĩa trang làm việc. Nhiều hôm những chiếc xe Zin 3 cầu chở hài cốt liệt sỹ từ Lào hay Căm Pu Chia về. Hài cốt Liệt sỹ được xếp thành hàng ngay ngắn trên thùng xe, lần lượt được chuyển xuống. Mỗi hài cốt các anh được bọc kín trong các lớp tăng ni lon, trên đầu có bát hương được cắm các cây hương đang cháy. Không khí thật trang nghiêm, nhưng cũng thật buồn, mọi người lặng lẽ làm việc, có người quay đi lau những giọt nước mắt.
       Đa số những bộ hài cốt chỉ còn lại một ít xương và lọ bisilin ghi tên tuổi, địa chỉ quê quán của Liệt sỹ, nhưng cũng có lọ bisilin bị ngấm nước, nhòe mực không còn tên tuổi địa chỉ… Có những bộ hài cốt đã hóa thân, chỉ còn lại ít đất đen chua xót. Nhưng đáng buồn hơn có những bộ hài cốt do bọc quá kín lại được mai táng ở vùng đất khô cằn nên thịt tiêu không hết, phải mang xuống sông Bến Hải róc, rửa hài cốt cho sạch sẽ. Thật là tình cảnh bần cùng bất đắc dĩ. Xin các anh thứ lỗi…! Có lẽ các anh, chị đã từng dũng cảm làm việc này; cả đời sẽ không bao giờ quên và không bao giờ dám làm điều gì xấu, mỗi khi nghĩ tới các anh đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc trường tồn…  
       Thấm thoát đã hết hai năm trời học tập, các chàng lính trẻ phấn khởi ra trường đi nhận nhiệm vụ mới. Định được phân công phụ trách 14 người vào nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 49, đang làm nhiệm vụ chấn áp Fullro và xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên.
       Ngày đầu vào nhận nhiệm vụ, đi hết tuyến xe đò từ Buôn Mê Thuột về đến thị trấn Buôn Hồ; sau đó phải đi bộ hơn 16 km nữa mới tới đơn vị. Đi trên đường mòn toàn rừng Khộp với cỏ tranh chắn lối, nhiều đoạn phải vạch cỏ tranh mà đi. Định đi sau để quản lý và thúc giục anh em đi nhanh kẻo tối, thì thấy đội hình cứ dồn lại, chạy lên hỏi có chuyện gì, sao mà đi chậm thế ? 
       Anh bạn Thái ậm ờ trả lời: Hình như phía trước có Fullro tôi nghe có tiếng chân đi rậm rịch. Định lắng nghe nhưng không thấy động tĩnh gì rõ ràng. Chỉ thấy tiếng xào sạc của lá rừng và tiếng rì rào của cỏ tranh mỗi khi có đợt gió thổi đến; thỉnh thoảng có tiếng hoãng kêu mà thôi. Định đoán ngay, chắc mấy anh chàng này sợ Phullro nên không dám đi đầu. Thế là Định phải dũng cảm xông lên dẫn đầu đoàn quân, mặc dù trong đầu cũng có đôi chút lo lắng.
       Vừa đi vừa hỏi thăm đường, về đến đơn vị thì trời đã sẩm tối. Trung đoàn bộ được đóng trong một buôn cũ của đồng bào Tây Nguyên do tập quán du canh, du cư đã bỏ đi từ lâu. Xung quanh được bao bọc bởi một lũy tre xanh dầy đặc, như bức trường thành để bảo vệ Trung đoàn. Đêm đó, các anh em trong đoàn được phân chia ra, ở chung với đồng đội cũ của Trung đoàn trong những căn nhà tranh vách đất.
       Ngay sáng hôm sau, tất cả anh em phải dậy sớm, ăn sáng xong là bắt tay ngay vào việc phát cỏ, san nền dựng 2 căn nhà bạt để ở tạm. Vài ngày sau lại đi vào rừng chặt tre, gỗ và cắt tranh làm nhà, xây dựng doanh trại mới để thành lập Đại đội xe máy.
       Những ngày đầu vào Tây Nguyên thật lạ, trời cứ mưa ra rích suốt ngày cả tháng trời. Sáng dậy, mở mắt ra là thấy rừng chắn ngay trước mặt, xung quanh thì ẩm ướt, muỗi rĩn nhiều vô kể. Chỉ ít ngày sau là có đồng đội bị lên cơn sốt rét, người cứ run lên cầm cập, đắp mấy cái chăn bông mà vẫn thấy rét run. Nhưng đo nhiệt độ thì thấy sốt lên đến 39, 40 độ là chuyện thường. Nhiều người phải đi Trạm xá của Trung đoàn để điều trị. Các cô Y tá trẻ, xinh đẹp bắt cởi quần dài ra để tiêm quynin vào mông, làm mấy anh lính trẻ xấu hổ cứ lúng ta, lúng túng đỏ mặt vì xấu hổ; còn các cô Y tá thì cứ bịt miệng cười…
       Khi việc xây dựng doanh trại đã tương đối hoàn chỉnh thì nhận được lệnh đi ra Đông Hà- Quảng Trị để nhận máy kéo. Chủ yếu là những chiếc máy kéo của UTB của Bungari và máy kéo MTZ của Liên Xô do các nước bạn viện trợ. Mọi người phải tự lái máy kéo kèm theo rơ mooc về đơn vị. Oái oăm thay là khi học ở khoa máy trường Trung cấp Cầu đường của Tổng Cục Xây dựng Kinh tế thì Định và các bạn chỉ được học lái máy ủi bánh xích, chứ có ai dạy lái máy kéo bánh lốp đâu ! 
       Trong tình huống đó chỉ còn cách, nhờ mấy anh Công nhân viên Quốc phòng của đơn vị cùng đi nhận máy, hướng dẫn tự học lái máy kéo, quanh khu nhận máy có 1 ngày. Ngày hôm sau là lái máy ra đường quốc lộ số 1 để đi về đơn vị trên Cao Nguyên. Cũng may ngày ấy, ô tô, xe máy đi trên đường còn vắng nên không xẩy ra tai nạn đáng tiếc nào. Nhưng cũng có những phen sợ hú vía, vì trên đường đi qua thành phố, thị trấn các em học sinh đi xe đạp đi học về, trên vai quàng khăn quàng đỏ, ríu rít, chuyện trò, không mấy khi để ý quan sát đường. Vừa thấy đầu máy kéo đi qua là đã nhào ngay ra giữa đường, cũng may là nhanh chóng phát hiện ra còn chiếc rơ mooc kéo đằng sau, nên nhanh chóng dạt vào, làm mấy anh lính trẻ lái máy sợ kinh hồn…
       Còn những chiếc máy ủi T-100 và ĐT-75 thì được đơn vị thuê xe rơ mooc chở về đến tận nơi. Tiếp theo là những ngày cả Trung đoàn phát động thi đua bước vào khai hoang mở đất xây dựng nông trường. Lúc này thời tiết Tây Nguyên đã bước vào thời điểm cuối mùa mưa, nên trời đã ít mưa hơn, nếu có mưa thì lượng mưa còn rất nhỏ, không mấy khi mưa to như trút nước, suốt ngày đêm nữa. Những cây rừng lên xanh tốt, nhất là lau, sậy, cỏ tranh xanh tốt cao lút đầu người…
       Những lô canh tác rộng khoảng trên dưới 10 đến 20 ha dần được hình thành, theo quy hoạch từ đầu mùa mưa, được cày bừa gieo reo trồng ngô và đã được thu hoạch xong. Nay cỏ lau và cỏ tranh mọc lên xanh tốt phải phát cỏ đi để trồng vụ 2 vào cuối mùa mưa. Các đơn vị Bộ đội phải phát cỏ tranh và lau sậy bằng tay rất vất vả. Sau đó, máy cầy mới có thể vào cầy đất lên được.
       Trước tình hình đó, Tổ cơ khí của Trung đoàn kết hợp với nhóm thợ của Đại đội Xe máy, dưới sự phụ trách và giúp đỡ của đồng chí Trường, Kỹ sư tải ba của Trung đoàn thông tin 49 trước đây. Ông nổi tiếng là người thông minh, có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong thông tin liên lạc thời chiến tranh chống Mỹ; nay làm Trưởng Ban cơ khí của Trung đoàn. Đồng chí Trường cùng anh em đồng đội nghiên cứu ứng dụng chiếc Bu ly máy bơm nước, là phụ kiện đi kèm theo máy kéo MTZ của Liên Xô trước đây làm máy động lực để cắt cỏ.
       Chiếc máy cắt cỏ cải tiến được đóng trong một chiếc hộp khung sắt bịt nhôm ở phía trên. Bên trong hộp là chiếc bu ly bơm nước được cải tiến, truyền động lực từ động cơ ra phía sau máy, trục cát đăng được cải tiến từ trục cát đăng xe ZEP của Mỹ gắn vào Bu ly. Bên dưới trục Bu ly được gắn 2 lưỡi dao tự rèn lấy từ nhíp ô tô hỏng…
       Ngày đầu tiên mang ra thử máy cắt cỏ, biết bao nhiêu hồi hộp; máy chạy tốt, cỏ được băm nhỏ, có thể cày lên vùi cỏ xuống làm phân, hoặc nếu trời nắng thỉ có thể gom lại để đốt… Nhưng khi mang ra làm đại trà thì lưỡi dao cắt vấp phải đá, gãy lưỡi liên tục phải đưa máy về rèn và thay lưỡi khác. Sau nhóm kỹ thuật nghiên cứu, rèn lưỡi cắt ngắn hơn và lưỡi dao được gắn linh hoạt lỏng với một trục gắn lưỡi dao, có hai ngoàm sắt được bắt với một chiếc bung lông có chốt trẻ. Sau đó được bắt lưỡi dao có đục lỗ ở chuôi dao vào. Từ đó máy cắt cỏ hoạt động rất có hiệu quả, một ngày máy làm việc có thể thay thế cho vài trăm lao động thủ công.
       Sau này Tổ cơ khí dưới sự phụ trách của đồng chí Trường còn sáng chế ra rất nhiều loại máy công cụ khác như máy tẽ ngô, máy khoan lỗ và máy vun luống để trồng Cà phê; tiết kiệm được hàng ngàn ngày công lao động nặng nhọc hàng ngày của Bộ đội. Đồng chí Trường và nhiều anh em trong tổ sáng kiến này được tặng nhiều Bằng khen và Chiến sỹ thi đua các cấp. Nhưng ngày đó chưa được Báo chí, truyền hình tuyên truyền rùm beng và tôn vinh các nhà sáng chế chân đất như bây giờ.
       Sau này, có rất nhiều ông nông dân chân đất khác sáng chế ra máy tẽ ngô, máy vun luống, máy rạch hàng tương tự, được Báo chí ca ngợi. Không biết bao nhiêu người trong số họ đã thực sự sáng chế hay là cũng học lại của Bộ đội làm kinh tế trước đây đã từng làm…
       Sau những ngày đầu bỡ ngỡ tự học, tự điều khiển những chiếc máy kéo UTB của Bungari và MTZ của Liên Xô trong việc cầy bừa trên những cánh đồng đất đỏ thành thạo. Các chàng trai lái máy tưởng chừng không có việc gì khó đối với mình. Ai ngờ, đến khi khai hoang, khai phá đầm lầy để trồng lúa 2 đến 3 vụ như ở đồng bằng thì gặp không ít khó khăn. Cứ tưởng trên Cao Nguyên mùa khô kéo dài đến hơn nửa năm thì làm gì có nước mà có đầm lầy; nhưng thật bất ngờ có những chỗ trũng lầy ghê gớm.
       Một lần Định đang cầy đầm lầy thì máy kéo MTZ bị sa xuống một hố lầy rất sâu; cố lấy đà để thoát ra khỏi vũng lầy thì chiếc máy kéo với 2 chiếc bánh lồng càng chìm sâu, khiến đầu máy gần như chổng đứng lên trời gần vuông góc, phải nghiêng tới 80 độ. Định phải về báo với Ban Chỉ huy để điều máy kéo bánh xích ra để kéo lên. Khi máy kéo bánh xích cứu hộ đến nơi; mấy anh lính già trong đội cứu hộ dày dạn kinh nghiệm, trông thấy chiếc máy kéo chổng gần như vuông góc lên trời, lắc đầu sợ hãi ! Không ai dám lên máy kéo bị sa lầy để hỗ trợ đưa máy thoát ra khỏi vũng lầy. Định nói:
        Các anh cứ để tôi, Định bước lên máy vẫn còn lạc quan nói đùa, các anh nhìn kỹ mặt tôi nhé ! Kẻo không máy bị chìm thì không còn nhìn thấy tôi nữa đâu. Nói mạnh vậy thôi, nhưng trong lòng Định cũng thấy lo lo. Nhưng Định tin chắc rằng máy sẽ lên được, vì có cáp kéo căng ghìm đằng trước, máy sẽ không chổng ngược lên được nữa. Hơn nữa, trước lúc vào máy, Định đã nói với anh em, vét bùn chắn cửa máy để mở cửa máy trước khi kéo rồi. Không lo, có gì mình vẫn thoát ra kịp mà. Qủa nhiên, sau 3 hồi còi kết hợp đã kéo được máy lên. Mọi người không ai nói ai tự động bắt tay nhau và ôm hôn, chúc mừng khi Định từ trên máy bước xuống, chẳng khác gì mới từ cõi chết trở về !
       Có lần Định đang cầy đất ở một lô 15 ha mới khai hoang, đã được máy rà rễ chạy trước để nhổ bớt rễ cây to đi rồi; tự nhiên thấy bụi đỏ tung mù mịt, đất đá bay rào rào. Định tưởng máy kéo bị nổ lốp, dừng máy xuống xem xét. Thấy bốn lốp máy kéo vẫn căng hơi, Định đi ra đằng sau thì thấy có một hố đất to bằng cái thúng, ngay sau thân của máy cầy, vẫn còn một số mảnh kim loại găm vào trên vành ngoài bánh của chiếc máy kéo. Định hú vía, thì ra mình chỉ thoát chết trong gang tấc mà mình không biết. Giá quả mìn đó mà nổ, nhanh một vài giây nữa thì chắc Định và chiếc máy kéo đó đã bị nổ tung…  
       Vui nhất là những ngày đi làm về mệt nhọc, lại bắt được những con trăn hay con hoãng để cải thiện. Không khí của Đại đội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn hẳn các ngày thường. Bởi vì, hàng ngày lao động vất vả, nặng nhọc, đến ăn uống còn chẳng đủ no; nói gì đến đời sống tinh thần giữa rừng núi cũng khó khăn và thiếu thốn rất nhiều !
       Tuy nhiên, những chàng trai lái máy trẻ tuổi đa số trước đây đều chuẩn bị tốt nghiệp cấp III, có người đã là Giáo viên cấp II, có rất nhiều năng khiếu về văn hóa văn nghệ. Cứ mỗi dịp chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước; ngoài việc phát động phong trào thi đua sản xuất, lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn. Trung đoàn còn phát động các đơn vị tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng. Nhất là phát động và khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ, tự biên tự diễn rất sôi nổi. Cứ mỗi lần có dịp Hội diễn là các cô Bộ đội trẻ, rất thích chờ đợi để được xem các tiết mục của các anh ở Đại đội xe máy biểu diễn các tiết mục hề như: 
       Tiết mục cắt tóc, hay nhổ răng; với những chiếc kéo, chiếc lược, dao cạo, xi lanh… tự chế bằng gỗ dài đến hàng mét. Người biểu diễn thì bôi râu, ria đen sì với các động tác biểu diễn ngộ nghĩnh… Làm chị em cười ngặt nghẽo, thích thú. Hội diễn nào, các tiết mục tham gia Hội diễn Văn nghệ quần chúng của Đại đội xe máy cũng thường được giải cao nhất Trung đoàn. Nhưng khổ nhất là sau biểu diễn là phải rửa đi những bộ râu ria giả đó; vì nó được pha chế từ mỡ lợn và nhọ nồi ở đít chảo hay nồi quân dụng. Trong khi đó Xà phòng 702 hôi xì của Liên Xô thì lại hiếm và qúy như vàng… Có thể, chính vì những tiết mục văn nghệ đặc sắc này của Đại đội xe máy mà nhiều em Bộ đội sau này rất yêu và xây dựng gia đình với các anh ở Đại đội xe máy. Có một số cặp đôi đã tình nguyện ở lại xây dựng Nông trường lâu dài… Mặc dù, nếu gặp các anh sau ca máy đi làm về thời ấy, thì người hôi còn hơn tổ cú; quần áo dính đầy bụi đỏ, tay chân thì dính đầy dẫu mỡ đen xì xì…     
       Vài ngày trước đó mấy anh thợ lái máy kéo, cắt cỏ về kể chuyện:
       Đang lái máy cắt cỏ thỉnh thoảng thấy có con hoãng hoặc con nai từ trong các lùm cỏ phóng ra chạy biến mất. Chưa kịp định thần để bắn thì nó đã chạy mất hút… Sau Định bàn với anh em, bây giờ đưa máy vào lô cắt cỏ, hãy chạy theo chu vi hình chữ nhật của lô trồng cây lương thực. Sau đó khép dần chu vi nhỏ lại, khi gần hết trung tâm của lô thì dừng máy lại, đi vào đám cỏ tranh hoặc lau còn lại, thế nào cũng bắn được thú hay bắt được trăn. Quả nhiên sáng kiến này rất có hiệu quả, nhiều hôm anh em bắt được con trăn nặng đến gần 30 kg…
      Có một hôm, Định đi làm về đến cổng Đại đội cứ thấy con gì đó kêu be be nghe rất lạ. Ngạc nhiên hơn, khi vào đến sân Đại đội thì thấy bạn Thái bắn được một con hoãng, hay còn gọi là con mang vẫn còn sống, mà không thể đi được. Sau nghe bạn ấy kể lại là đang lái máy cắt cỏ thì thấy con mang chạy ra, chắc nhìn thấy máy cắt cỏ lạ quá, cứ dương mắt ra nhìn. Thế là Thái tựa luôn khẩu CKC lên thành máy bắn đúng một phát thì thấy con mang ngã ra mà kêu be be thảm thiết mà không chạy được. (Vì đề phòng phullro tấn công hoặc phục kích bất ngờ, nên xe máy nào; thời kỳ này cũng được trang bị 1 khẩu AK 47 hoặc một khẩu CKC để đề phòng và sẵn sàng chiến đấu).
        Xuống máy, đến gần tới nơi mới phát hiện ra con mang bị bắn mất một đốt xương sống ở lưng, nên không thể nào chạy được, kể ra cũng thương con hoẵng; nhưng thôi, may quá, chiều nay cả Đại đội được bữa cải thiện, ấm chân răng. Cả tháng nay cả Đại đội đi làm vất vả dưới nắng, mưa và bụi đỏ, trưa về chỉ được ăn cơm độn sắn với rau xanh và cá khô; nhiều hôm làm về mệt quá, nuốt không trôi… Gía như bây giờ thì bị quy là hành động phá hoại môi trường; nhưng ngày đó khó khăn giữa ốm đau, bệnh tật; giữa cái sống và cái chết; con người trước hết phải tìm cách sinh tồn trước, nên các bạn thông cảm…!
       Một lần khác, vừa mới vào đầu buổi sáng, bình minh đang trải nắng vàng rất đẹp, trên trời mây trắng bồng bềnh trôi… Định bắt đầu cầy đất trồng Cà phê ở lô 20 ha, thì thấy đằng trước có một con trăm rất to đang trườn nhanh ở phía trước. Định bèn lấy máy kéo chạy theo đè lên con trăn, hình như nó bị gẫy xương sống không sao chạy được nữa; gọi thêm anh bạn lấy dây trói nó lại, mang về Đại đội để nấu ăn. Sau đó, Định tiếp tục đi làm, trưa về nghĩ bụng sẽ được ăn thịt trăn ngon lành. Không ngờ mọi người nói:
       Đại đội trưởng bảo: Mổ trăn xong cho vào nồi quân dụng để nấu cao. Đang đói và mệt, Định liền nói:
       Ăn ngay cho nó bổ, cao, lão gì cho nó rách việc. Nói xong Định vớt luôn mấy khúc thịt đuôi của con trăn còn nguyên cả xương sống cho mấy anh, chị nuôi quân và Định ăn thử xem sao ? Khúc thịt trăn trắng ngon lành vừa ăn vừa tước như kiểu ăn sắn dây hay gặm cổ gà, chấm thêm tí muối ớt thật là ngon lành. Mọi người ai cũng phấn khởi vui đùa hỏi Định:
       Anh ơi người ta bảo: Ăn tim bổ tim, ăn gan, bổ gan; mình đang ăn khúc đuôi thế này thì bổ vào đâu anh nhỉ ? Định suy nghĩ một lát thấy có vẻ rất khó trả lời. Cuối cùng Định cũng nghĩ ra một câu và nói: Thì bổ quanh đâu đấy, tất cả cười lên vui vẻ !
       Nhưng không ngờ, sau khi ăn xong một lúc, Định thấy trong người nóng ran và bắt đầu ngứa khắp người. Có mấy anh chàng cũng bị như Định, chỉ còn biết, ra sức gãi đến chấy máu da, mãi đến sáng hôm sau mới thấy đỡ ngứa. Nhưng có điều đặc biệt là mấy em Nữ nuôi quân cũng ăn mà không thấy kêu ngứa ngáy gì là làm sao ? À có lẽ chị em chỉ ăn ít, gọi là cho biết chứ không phàm ăn như mấy anh lính trẻ háu đói bọn Định…      
       Cánh lính lái máy ủi thì lại có niềm vui khác. Vì lái máy ủi để khai hoang có hôm vào khu rừng già để khai hoang ủi đổ những cây to, trên cây thường có rất nhiều loại Phong lan đẹp… Có lần vào giữa mùa khô Tây Nguyên mà anh Đức chặt được cả một khúc gỗ có cây hoa Phong lan bám vào đang nở nhiều chùm hoa tím rất đẹp. Hoa tươi cả tháng trời, đến ngày giáp tết vẫn đẹp nên có anh bạn đã làm câu thơ:
Tây Nguyên không có hoa đào
Hoa Phong lan nở đón chào xuân sang.
       Ôi tâm hồn những người lính trẻ, dù trong khó khăn, gian khổ vẫn lạc quan yêu đời phải không các bạn…
      Về mùa khô ở Tây Nguyên, cỏ lau và cỏ tranh héo úa, vàng suộm, những cây Khộp già cũng rụng lá khẳng khiu như những bức tranh mùa thu vàng của Lôpitan. Đồng bào Tây Nguyên với nếp sống du canh, du cư hàng ngàn đời nay. Về cuối mùa khô họ thường hay đốt rẫy để chuẩn bị cho vụ trồng mới; nên lửa cháy lan đi khắp nơi, cháy bén cả vào các lô Cà phê mới trồng của Bộ đội; nên về mùa khô lúc nào Trung đoàn cũng ở trong tình trạng báo động, sẵn sàng đi chữa cháy cứu Cà phê cả ngày lẫn đêm. 
       Có lần, có không ít pha nguy hiểm xẩy ra trong tích tắc. Định nhớ một lần Định cùng đồng đội nghe thấy kẻng báo động giữa nửa đêm. Tập trung trước cửa nhà của Ban chỉ huy Đại đội thì được lệnh tất cả lên xe máy đi cứu chữa lô Cà phê bị cháy. Đại đội trưởng ngồi trên chiếc máy kéo do Định lái, mặc dù lúc này Định đã là Trung đội trưởng Trung đội máy canh tác; nhưng vẫn trực tiếp cầm lái. Ra đến hiện trường thì đã thấy đồng chí Trung đoàn trưởng Tùng, người quê ở Cà Mau rất nóng tính đang chỉ huy Bộ đội dùng cuốc, xẻng và cành cây dập lửa theo phương pháp thủ công.
       Định nhanh chóng đưa máy vào cầy những đường băng chặn lửa, nhưng những chỗ cỏ lau và cỏ tranh quá dầy thì không thể cầy được. Định xuống máy nói với đồng chí Đại đội trưởng điều những chiếc máy húc ra ủi thành những đường băng cản lửa thì sẽ có hiệu quả hơn. Khi máy húc ra đến nơi Định xuống máy hướng dẫn máy ủi và soi đèn máy kéo cho máy ủi làm việc. Vì những chiếc máy ủi dùng trong khai hoang lâu ngày, do cành cây quyệt gẫy, chẳng còn chiếc nào còn đèn pha. Có lúc đang mải hướng dẫn chiếc máy đằng trước làm việc; không để ý đến chiếc máy ủi đằng sau đang lùi. Trời tối, đồng chí lái máy ủi đằng sau nhìn không rõ; suýt đè lên người Định. Rất may đồng chí Trung đoàn trưởng kịp nhìn thấy, đẩy Định ngã xoài ra ngoài. Vừa ngã xuống, thì chiếc bánh xích của máy ủi chạy qua cách bàn chân của Định chỉ khoảng 5 cm  ! Lại một lần nữa chết hụt trong gang tấc… 
       Lại có lần, đang khai hoang thì chiếc máy ủi T.100 bị đứt cáp. Mấy anh em phải hì hục mãi mới thay được cáp mới. Trong giây phút giải lao hiếm hoi giữa rừng già, một anh bạn nhìn thấy một đàn chồn đang truyền cành ăn những quả sung chín trên cây sung cổ thụ. Sẵn súng CKC trên máy, một anh thiện xạ, hạ ngay được một con chồn hương. Ba, bốn người chạy đi tìm khi chồn rơi xuống; một anh lính trẻ nhất may mắn tìm thấy, mang về chỗ anh thiện xạ hỏi:
       Anh ơi con chồn này người ta gọi là con chồn gì hả anh ?
       Anh thiện xạ bèn đủng đỉnh, mỉm cười và trả lời: Con chồn này người ta gọi là “con chồn tiến”…?
      Anh bạn tìm được chồn cãi lại: Em nghĩ không phải là “con chuồn tiến”, mà là chồn hương anh ạ; vì rõ ràng em ngửi thấy mùi thơm mà…? 
       Mọi người cùng cười lên vui vẻ và nói: Chàng ngốc ạ, anh ấy là dân Xứ Nghệ, nói lái đấy, mày phải hiểu ngược lại… Lúc sau anh lính trẻ nghĩ ra bèn đỏ mặt cười và nói, thế mà các anh không nói, lại còn trêu em…!
Thế đấy các bạn à, đời lính hy sinh, khó khăn, gian khổ trăm bề; nhưng trong gian khổ họ vẫn tìm ra được niềm vui, lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ…!

 

 
 Thành quả sau bao ngày gian khổ (Ảnh minh họa)

Phan Vĩnh Điển
Trưởng Ban LL Truyền thống Trường Sơn
Trung đoàn 49, Sư đoàn 471 Anh hùng
tin tức liên quan