Người chiến sỹ - Đại biểu Quốc hội Khoá VIII
Ngày đăng:
01:44 01/03/2024
Lượt xem:
196
NGƯỜI CHIẾN SỸ - ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ VIII
Cựu chiến binh Trường Sơn Sử Mạnh Phi
Hàng ngày, một người cao tuổi trầm chậm đạp chiếc xe thể thao đi về từ phường Hùng Vương đến xã Hà Thạch. Ông vẫn trong màu áo giản dị, chiếc mũ vải mềm, động tác tay chân, giọng nói đôi khi không được bình thường biểu hiện di chứng của người bi tai biến mạch máu não nặng. Nhưng mấy ai biết ông chính là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 8 năm 1987-1992 (và đến bây giờ vẫn là đại biểu duy nhất của khu vực thị xã Phú Thọ) và tham gia đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú, dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 năm 1982, ông cũng là ủy viên ban chấp hành đảng bộ thị xã Phú Thọ từ khóa 14 đến khóa 19. Đúng vào thời kỳ khó khăn nhất của công cuộc đổi mới sau chiến tranh. Có lẽ phải nói rằng ông là một trong những người lính cựu binh tận tâm nhiệt huyết xây dựng đất nước, dám làm, dám hy sinh khi làm không màng danh lợi.
Trong lần vào viếng thăm nghĩa trang Trường Sơn. Ông đã tâm sự với các anh hùng liệt sĩ : "...Thưa các đồng chí ! trong chiến tranh có gian khổ, mất mát hy sinh nhưng hòa bình làm kinh tế cũng đầy những gian nan, những mối quan hệ kinh tế bao cấp kìm hãm mà không phải một sớm một chiều gỡ ra được, vi phạm luật luôn là nỗi lo thường trực đối với các giám đốc nhất là đối với các cơ sở kinh tế nhỏ,..". Khi ấy chúng tôi đứng bên cạnh rất cảm phục người lính mạnh mẽ, thẳng thắn trung thực đầy khát khao này. Người cựu chiến binh ấy là ông: Sử Mạnh Phi ông sinh năm 1953 quê thị xã Phú Thọ, nhập ngũ tháng 5 năm 1971, huấn luyện tân binh tại Hiệp Hòa Hà Bắc trong biên chế của sư đoàn 304B. Ông đi Nam năm 1971 biên chế vào binh trạm 45 đường 559 trong đơn vị công binh bảo vệ tuyến đường 24 kéo dài, sau chuyển sang đơn vị pháo phòng không bảo vệ tuyến đường trước sự đánh phá ác liệt của lực lượng không quân Mỹ.
Năm 1972, ông vào miền Đông Nam Bộ bảo vệ vùng Giải phóng và các đơn vị quan trọng của miền, tháng 10 năm 1974 chuyển sang đơn vị pháo mặt đất F28 di chuyển về miền Tây Nam bộ, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đoàn 232 giải phóng Long An và sau đó ở Sư Đoàn 5 bộ binh bảo vệ Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến năm1976 phục viên. Ở vị trí nào ông cũng là người lính khỏe mạnh, dũng cảm, sống kỷ luật và với sự thông minh nhanh nhẹn vốn có Ông đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao
Một kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông đó là tháng 2 năm 1975 trong một trận chiến bảo vệ vùng giải phóng Kiến Tường, đơn vị ông chỉ khoảng gần 20 cây súng bộ binh, duy nhất một khẩu B40, đánh chặn lực lượng quân địch đông đảo có 17 xe thiết giáp lội nước, lính Ngụy đông vừa đánh vừa bao vây đơn vị. Không quân quần đảo trên trời thả bom, đại liên trực thăng bắn yểm trợ và chỉ điểm mục tiêu. Trận địa lửa khói, bom rơi mịt mù. Với khẩu súng B40, ông nhanh nhẹn cơ động từ đầu đến cuối trận địa, bắn xe lội nước và những nhóm Ngụy hung hăng lấn sát chiến hào; tiếp cận bí mật tiêu diệt cụm thông tin và bọn sỹ quan chỉ huy. Trận này ông và đồng đội đã bắn cháy xe thiết giáp lội nước, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, bảo vệ vững chắc căn cứ. Với lối đánh linh hoạt cơ động, dưới sự yểm trợ , bắn nghi binh hiệu quả của đồng đội đã làm cho địch hoang mang lo sợ vì tưởng rằng đơn vị Việt cộng đông quân, có rất nhiều súng B40 ở tất cả các vị trí trận tuyến.
Tổng kết sau trận đánh những kinh nghiệm tác chiến cơ động, cũng như tinh thần của đồng đội ông được tuyên truyền lan rộng đến toàn mặt trận. Với những thành tích xuất sắc tháng 12 năm 1975 ông được vào Đảng. Một người lính, trên ngực lấp lánh huân huy chương một thời ấy, vậy mà tháng 10 năm 1976 phục viên về quê hương, Ông vẫn bình dị là một xã viên HTX Tiền Phong, quá trình làm việc tích cực, sáng tạo, nhiều đổi mới có hiệu quả, được tập thể bầu làm phó chủ nhiệm HTX, quyền chủ nhiệm kiêm bí thư chi bộ Đảng.
Sau năm 1982, công cuộc đổi mới đất nước vào giai đoạn nở rộ ông chuyển sang làm giám đốc Công ty Cổ phần Thành Trung - một cơ sở chuyên sản xuất phèn nhôm và Sunphats phục vụ cho nhà máy giấy Bãi Bằng. Một nhà máy thuộc loại to và hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, do Thụy Điển xây dựng tặng nhân dân Việt Nam.
Những nhiệm vụ phức tạp mới, chất lượng sản phẩm đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, khối lượng 3.000 tấn một năm luôn luôn là những mục tiêu mà ông và ban lãnh đạo ngày đêm phải suy nghĩ, phấn đấu hoàn thành.
Phát huy bản chất của người lính vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ông chủ động gặp gỡ trao đổi và mời các chuyên gia kỹ thuật của các viện, trường đại học về cơ sở và có sự đãi ngộ hợp lý để nhận được sự giúp đỡ chân tình và thiết thực của các nhà khoa học; kèm theo sự đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương, sản phẩm và chất lượng, cũng như giá cả của công ty đáp ứng được yêu cầu của đơn vị bạn hàng.
Đó là niềm vui, hạnh phúc là thành quả sản xuất của công ty. Ghi nhận đóng góp của công ty. Chính phủ đã hai lần tặng huân chương lao động hạng ba và Ông nhiều lần được khen thưởng từ cấp trung ương đến địa phương, ông cũng đi dự đại hội tiêu biểu của các đơn vị sản xuất vừa và nhỏ toàn quốc. Những năm đó, ông thực sự là hình ảnh của một giám đốc trẻ tài năng, một người CCB mà hình ảnh làm rung động xao xuyến bao trái tim xa gần.
Dòng đời vẫn cứ trôi đi và ông vẫn đi trên con đường quê hương, vẫn các câu chuyện nồng ấm, những câu chuyện của người lính hành quân mùa khô qua rừng khộp Tây Nguyên, tiếng lá vụn vỡ dưới chân và nắng như thiêu như đốt trên các tuyến đường. Bụi khói mù mịt, bom rơi lửa cháy đạn cày các chuyến xe hàng băng qua đèo dốc, khi lăn qua trọng điểm dầy đặc hố bom. Những cái vẫy tay vội vã, những lời hứa hẹn chìm trong âm thanh trận địa, những bóng dáng các nữ chiến sỹ thanh niên xung phong thoát hiện thoát ẩn.
Toàn tuyến đường không gian chiến tranh khốc liệt đến tận cùng. Những ngày đó các ông mong được gặp được các thủ trưởng đi thị sát mặt trận, vì được cho mấy bao thuốc lá, mũ gạo , thịt hộp ..., khẩu phần của các tướng lĩnh. Ông vẫn nhớ như in ánh mắt đồng cảm có phần xót thương lính cùng những lời nói gần gũi giản dị, động viên lính trẻ các ông trong những thời khắc khó khăn khốc liệt của chiến tranh của các vị Tư lệnh.
Đó cũng là cội nguồn tình cảm vô tận, để sau này khi Doanh nghiệp nhỏ của ông phát triển có của ăn của để và ông là một trong những người rất tích cực ủng hộ các phong trào của các đơn vị và cá nhân ở địa phương. Nói đến ông các đồng chí lãnh đạo ở địa phương trong các thời kỳ đều rất trân trọng. Người lính xứng danh với những gì của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, xứng danh với ý chí kiên cường và mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vượt qua cơ chế quản lý, không ngừng xây dựng và phát triển cơ sở sản xuất để tạo nhiều công ăn việc làm cho những người lao động.
Ông là một trong những tấm gương hiện thực của người lính trong công cuộc phát triển kinh tế xây dựng quê hương. Mỗi lần gặp ông chúng tôi như được tiếp thêm nguồn cảm hứng sống tích cực từ thế hệ những người lính đi trước để tiếp bước theo các thế hệ cha anh .
Xin kính chúc ông mạnh khỏe, hạnh phúc trên con đường mình đã chọn. Chúc người Cựu chiến binh Trường Sơn, vị nguyên đại biểu Quốc hội vẫn mãi là nguồn sáng, là tấm gương cho thế hệ mai sau noi theo.
Lê Đắc Tư
Hội Trường sơn tỉnh Phú Thọ
tin tức liên quan