Có một doanh nhân- Chiến sỹ Trường Sơn như thế.

Ngày đăng: 11:35 12/05/2024 Lượt xem: 109
CÓ MỘT DOANH NHÂN
CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN NHƯ THẾ!
                                                                        Ký của Phạm Huy Chương
            Từ chiến trường trở về,  sau 19 năm trong quân ngũ, trở về hậu phương với cuộc sống đời thường. Từ hai bàn tay trắng, sau 27 năm phấn đấu xây dựng đã trở thành “ Tập đoàn Kinh tế Chân - Thiện - Mỹ ”. Với hệ thống 8 Công ty thành viên trải rộng 7 tinh, thành phố trên cả nước và một trường “Đại học Kinh Bắc”. Thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhưng có điều ít ai được biết, “Tập đoàn Kinh tế Chân Thiện Mỹ” ấy - người có công sáng lập và gây dựng nên. Đó là Cựu chiến sỹ Trường Sơn, Thương binh – Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp.  
 
 
                

Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp, Chủ tịch Tập đoàn Kinh tế Chân Thiện Mỹ   
       
             Đoàn Xuân Tiếp mồ côi cha từ lúc còn rất nhỏ, cha anh hy sinh trong một đêm cùng du kích và bộ đội chống giặc Pháp càn vào quê hương. Sau một thời gian tần tảo nuôi con thờ chồng rồi mẹ cũng đi bước nữa, để lại Tiếp cùng chị gái sống trong vòng tay yêu thương nuôi dậy của ông bà nội. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn cam go nhất Đoàn Xuân Tiếp xin phép ông bà được đi đánh Mỹ. Sau nhiều lần viết đơn, phải đến lá đơn viết bằng máu, tháng 5/1972 anh mới được tuyển vào quân ngũ.
           Sau một khóa đào tạo lái xe, Tiếp được biên chế vào Trung đoàn 13, Sư đoàn 571, Đoàn 559. Bốn năm làm lính lái xe trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, đến tháng 12/1976, anh được Quân chủng Phòng không Không quân tiếp nhận về lái xe cho đơn vị. 15 năm công tác tại đây sức khỏe dần giảm sút do vết thương thường xuyên tái phát và bị phơi nhiễm chất độc da cam Đio-xin, anh xin  nghỉ chế độ, mang trong mình thương tật – Thương binh hạng ba.
            Trở về sau gần 19 năm phục vụ trong quân ngũ, anh nhận ra quê hương mình làng Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cuộc sống thời hậu chiến của bà con còn muôn vàn khó khăn. Thương mình, thương người nhiều đêm anh trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để giúp bà con có thêm thu nhập và anh đã tìm ra một hướng đi mới trước mắt giúp những gia đình, đặc biệt những người khuyết tật, con em thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách…vượt qua cảnh thiếu thốn, đói nghèo.
.           Vốn bản chất của người lính “đã nói là làm, đã làm phải bằng kỳ được”.  Được sự giúp đỡ tận tình của đồng đội và anh em bạn bè thân hữu. Tháng 6/1996, Đoàn Xuân Tiếp chính thức đứng ra thành lập “Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc” tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, một cơ sở dậy nghề và sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là cơ sở giành riêng cho thương bệnh binh và người khuyết tật ra đời sớm nhất cả nước ở thời điểm đó.
Khởi đầu gây dựng cơ nghiệp từ con số không, Trung tâm  gặp bộn bề khó khăn thiếu thốn từ kinh phí, mặt bằng, cơ sở vật chất, xin giấy phép… nhưng khó hơn cả là công tác đào tạo, dạy nghề. Khả năng tiếp thu có hạn, thời gian đào tạo kéo dài,  thêm vào đó là sự mặc cảm của người khuyết tật… dẫn đến kết quả đào tạo không cao. Nhưng bằng tất cả tình thương, lòng nhân ái và ý chí của người lính, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc của Đoàn Xuân Tiếp đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, từng bước vươn lên khảng định vị thế trong xã hội. Đối với con em Liệt sỹ, Thương binh, người khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc tổ chức dạy nghề miễn phí, sau học nghề được bố trí việc làm ổn định ngay tại các phân xưởng sản xuất. Từ 60 học viên theo học lớp dạy nghề đầu tiên, sau 3 - 4 tháng đào tạo, họ đã trở thành những người thợ của Trung tâm. Theo thời gian, qua năm tháng, số thợ làm việc của Trung tâm cứ thế nhân lên: 120, 240, 320, rồi tới hơn 400 người. Các sản phẩm  may mặc, thêu tranh, chế tác đá, chạm khắc mỹ nghệ, kim hoàn đã được khách hàng và thị trường ghi nhận.
Phát huy thành quả đã đạt được, năm 2004 Đoàn Xuân Tiếp đã mạnh dạn thành lập “Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc” tại phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh trên khuôn viên rộng 5,7 ha. Với gần 500 lao động làm việc tại 4 phân xưởng sản xuất và hệ thống các cửa hàng kinh doanh, trong đó có tới 57% số lao động là người khuyết tật, đối tượng chính sách xã hội. Năm 2005, cơ sở thứ 2: “Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ” được thành lập tại huyện Quế Võ (nay là thị xã Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh với diện tích mặt bằng 4,1 ha, nằm kề quốc lộ 18 với các ngành nghề: may mặc, làm tranh thêu, sơn mài, chạm, khắc đá, chế tác kim hoàn mỹ nghệ. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề phục hồi chức năng cho Thương binh và người tàn tật tỉnh Bắc Ninh, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Công ty đã đào tạo dạy nghề cho hơn 300 em, trong đó có 117 học viên khuyết tật được dạy nghề miễn phí. Ngoài 400 công nhân lao động, sản xuất tại các phân xưởng, Công ty còn phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh mở 8 lớp đào tạo cho gần 3 ngàn lượt lao động có tay nghề ổn định, đảm bảo đủ điều kiện tham gia lao sản xuất trong các HTX nông nghiệp, thủ công nghiệp tại các địa phương. Điều đặc biệt, sau hơn 25 năm đi vào hoạt động, cái tên: “Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc (tỉnh Hải Dương); “Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ” (tỉnh Bắc Ninh), đã trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng trong và ngoài nước.
        “Thương người như thể thương thân”. Từ năm 2000 đến nay, Đoàn Xuân Tiếp đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, các tổ chức phi Chính phủ Quốc tế, tổ chức phẫu thuật chỉnh hình miễn phí nhiều đợt cho hàng chục người khuyết tật trong Công ty; những người đi lại khó khăn đều được Tổng Công ty cấp xe lăn miễn phí; những gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, được tặng nhà tình nghĩa. Cũng nhờ cái duyên của Tổng giám đốc mà trongTổng Công ty đã có 17 đôi nam nữ khuyết tật nên vợ nên chồng và hàng trăm công nhân là người khuyết tật đã xây dựng gia đình với người khỏe mạnh làm ngoài công ty. Tâm sự với mọi người ông bảo: “ Ở đây phần đông các em, các cháu người lao động của Tổng Công ty là con em các Liệt sỹ, Thương binh, người bị nhiễm chất độc da cam, đồng đội của mình cả, bởi vậy chúng ta phải làm tất cả những gì có thể, để góp phần xoa dịu nỗi đau cho họ”.
        27 năm liền hoạt động kinh tế, năm nào Tổng Công ty Chân Thiện Mỹ và Tổng Giám đốc Đoàn Xuân Tiếp cũng được UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương và các Bộ, Ngành ở Trung ương tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý. Riêng Tổng Giám đốc Công ty - Đoàn Xuân Tiếp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác thương binh và xã hội (năm 1998 -2001), năm 2004 ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Đặc biệt năm 2007, niềm vinh dự lớn đến với Cựu chiến binh, thương binh, Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới.”
         Sự đam mê cống hiến của CCB Đoàn Xuân Tiếp chưa dừng lại ở đó. Với ý tưởng đào tạo nghề ở trình độ cao cho người khuyết tật. Đầu năm 2011 ông đã chủ động cùng các chuyên gia cao cấp về quản lý giáo dục; các nhà giáo có bề dày kinh nghiệm; các nhà đầu tư có uy tín, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và có khả năng tài chính vững chắc…  bắt tay xây dựng “Đề án khả thi thành lập trường Đại học Kinh Bắc” vởi tính đặc thù riêng, là mô hình đào tạo hệ Đại học chưa có tiền lệ ở Việt Nam.  Ngoài việc tạo điều kiện cho mọi công dân trong độ tuổi được vào học, trường còn đặc biệt quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ cho các đối tượng là sinh viên khuyết tật (với cam kết không dưới 15% sinh viên là người khuyết tật) và sau khi tốt nghiệp sinh viên khuyết tật sẽ được ưu tiên nhận vào làm việc tại các Công ty của Tập đoàn và hệ thống các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Hiệp hội VAIDE.
            Trường Đại học Kinh Bắc chính thức đi vào hoạt động sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 26/3/2012, đến nay trường đã có 18 chuyên ngành đào tạo cử nhân và 2 ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ. Tại đây tập hợp đội ngũ  gồm: 200 giảng viên chính thức, trong đó có 9 Giáo sư, 25 Phó giáo sư, 35 Tiến sỹ khoa học, 131 Thạc sỹ là những người có tâm huyết, kinh nghiệm giảng dậy, có chuyên môn vững vàng. Trường có đủ cơ sở vật chất hiện đại gồm 2 tòa nhà 9 tầng với 60 phòng học bộ môn, 3 phòng vi tính, có tòa Ký túc xá 7 tầng với đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đào tạo từ 8.000 – 10.000 sinh viên. Trường có cơ chế khuyến khích: Sinh viên Thủ khoa đầu vào, được tặng học bổng 30 triệu đồng, Á khoa 20 triệu đồng, sinh viên đạt danh hiệu học giỏi xuất sắc, được tặng học bổng và chuyến du lịch trải nghiệm hàng năm. Các sinh viên khuyết tật được giảm 50% học phí toàn khóa và được hỗ trợ 100% chi phí sinh hoạt tại Ký túc xá. Từ mái trường này, 11 năm qua đã có hơn 10.000 sinh viên đến từ 52 tỉnh thành trong cả nước theo học, 95% sinh viên sau tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ổn định, hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế và các cơ quan nhà nước trên moi miền của Tổ quốc. Năm 2018 Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “ Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh tế Chân Thiện Mỹ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật nhất.” Năm học 2022  trường Đại học Kinh Bắc được công nhận “ Trường đạt chuẩn chất lượng Giáo dục” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành. Định hướng và mục tiêu những năm tới đây của Trường là: Tập trung nguồn lực cùng với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đúng tiến độ công trình Trụ sở và Trung tâm trường Đại học Kinh Bắc tại thành phố Từ Sơn, trên một khuôn viên đẹp rộng hơn 28 ha, cách thủ đô Hà Nội chưa đến 20 km. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong các trường đại học có chương trình đào tạo mang tính ứng dụng hàng đầu cả nước, góp phần cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam đội ngũ có tay nghề cao, đóng góp hiệu quả vào chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thăm và tặng quà cho học sinh
khuyết tật tại Trường Đại học Kinh Bắc - Năm 2016

 
 
         Cựụ Chiến sỹ Trường Sơn, Thương binh - Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp năm nay đã bước sang tuổi 74. Từ hai bàn tay trắng ông đã gây dựng thành công một trường Đại học danh tiếng và 8 Công ty  trải rộng trên các tỉnh, thành phố (Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Yên bái, Phú thọ, Nghệ An. ) thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, trở thành một trong những Tập đoàn Kinh tế mạnh trong cả nước. 27 năm lao động và cống hiến là cả một hành trình phấn đấu nỗ lực không biết mệt mỏi, CCB, Chiến sỹ Trường Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Kinh tế Chân Thiện Mỹ - AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp đã dày công kiến tạo và gây dựng được một cơ ngơi đồ sộ, đặc biệt đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người khuyết tật, những gia đình chính sách, con em thương binh liệt sỹ và những người có công với niềm tin yêu trân quý của mọi người và sự ghi nhận của cộng đồng xã hội dành cho ông: Cựu chiến sỹ Trường Sơn, Thương binh – Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp - Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
                                                            
                        Phạm Huy Chương

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Bắc Ninh

tin tức liên quan