TẤM LÒNG NHÂN ÁI VÌ ĐỒNG ĐỘI
Trung tá, Bác sỹ Trần Thị Thục Oanh phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác
Cơ quan Hội trường Sơn Việt Nam, ngày 20/1/2025
Trong một ngày đầu xuân thời tiết ấp áp, lấp lánh nắng vàng; chúng tôi may mắn được gặp Trung tá, Bác sỹ Trần Thị Thục Oanh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 của Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Bác năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn…
Khi được hỏi về thời gian phục vụ trong quân ngũ, Bác sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về một thời tuổi trẻ hào hùng của mình. Bác nhập ngũ năm 1951, vào làm y tá ở Quân y Viện 6 tại Tây Bắc – Việt Bắc. Năm 1953 đến 1954 Bác trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này cô y tá trẻ, xinh đẹp vinh dự được tặng Bằng khen và Huân chương Chiến Thắng Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô và vào làm việc tại Quân y Viện 108. Tại đây Bác vừa làm việc, vừa tiếp tục học lên quân Y sỹ và làm việc tại Khoa Sinh hóa của Bệnh viện 108. Sau đó làm cô giáo hướng dẫn viên thực tập cho sinh viên ở Học Viện Quân y (Viện 103).
Năm 1965, Bác tình nguyện vào phục vụ chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn, tuy dáng người Bác thời con gái xinh đẹp, nhỏ bé; nhưng rất tháo vát, nhanh nhẹn và dẻo dai. Cô Y sỹ trẻ đẹp cùng đồng đội đi bộ dòng dã hơn 3 tháng trời, dọc rừng Trường Sơn, trên vai lúc nào cũng cõng trên 30 kg hành lý vượt qua không biết bao nhiêu suối sâu, đèo cao, vực thẳm; dưới làn bom đạn ác liệt của kẻ thù… Không ít lần Bác suýt chết hụt bởi bom đạn của kẻ thù, hay những trận sốt rét ác tính kinh khủng của núi rừng Trường Sơn thời còn hoang sơ, thiếu thốn đủ thứ từ lương thực, thực phẩm đến thuốc men. Mỗi khi mùa mưa đến kéo dài hơn nửa năm trời, quần áo lúc nào cũng ẩm ướt, hôi hám…
Đi đến Tây Nguyên, Bác được biên chế vào Viện 211 B3 – Tây Nguyên. Sau đó cô Y sỹ trẻ được điều về làm công tác hậu cần ở Sư đoàn 470. Thời kỳ này Sư đoàn 470 của Đoàn 559 đang đóng quân dọc sông Sê Kông ở Hạ Lào. Ở đây, cô Y sỹ xinh đẹp được phân công làm nhiệm vụ bí mật, chuyên theo dõi nắm tình hình hoạt động trong 3 cứ điểm đồn bốt của địch. Trong đó, có đồn Đôn Phầy… phục vụ cho công tác vận chuyển bằng Cano chở vũ khí của ta từ Đông Nam bộ vào Tây Nam bộ và chở lương thực, thực phẩm từ trong ra cho bộ đội ta ở chiến trường Đông Nam bộ.
Năm 1969, qua hơn 4 năm phục vụ ở chiến trường, cô Y sỹ trẻ được ra Bắc tiếp tục học bổ túc để trở thành Bác sỹ. Sau đó Bác sỹ Thục Oanh được chuyển về phục vụ tại Cục Ô tô, Máy kéo; Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Tại đây Bác làm việc cho đến lúc nghi hưu. Trong quá trình làm việc tại Tổng cục, Bác sỹ Thục Oanh luôn được anh em, động đội quý mến về đức tính cần cù chụi khó, ham học hỏi và nhiệt tình giúp đỡ, thương yêu đồng chí, đồng đội của mình. Trên tinh thần phục vụ: “Lương y như từ mẫu”…
Sau khi nghỉ hưu Bác sỹ Thục Oanh có hơn 2 năm mở phòng khám tư, nhưng chủ yếu là khám chữa bệnh cho đồng đội và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hầu như không lấy tiền khám, chữa bệnh… Sau này, bằng số tài sản tích cóp được của mình và bằng tiền tiết kiệm từ đồng lương; Bác sỹ Thục Oanh đã ủng hộ tiền, để xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội đã từng là bộ đội Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, ốm đau bệnh tật. Mỗi căn nhà được hỗ trợ từ 50 triệu đến hơn 70 triệu đồng, tùy từng hoàn cảnh; có căn nhà được hỗ trợ trên cả 100 triệu đồng… Tính ra trong những năm qua, Bác sỹ Thục Oanh đã hỗ trợ hơn 2 tỷ động để xây nhà tình nghĩa cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn!
Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và các đồng chí, đồng đội trân trọng ghi nhận tấm lòng nhân ái, cao cả, Vì đồng đội của Bác sỹ Trần Thị Thục Oanh…
Bài và ảnh: Phan Vĩnh Điển
Ban BT Trang Websai và Bản tin TS