"CHIM ĐẦU ĐÀN” HỘI ĐỒNG NGŨ
Những chị em cùng đơn vị, một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" họ cùng nhau gọi chị Hoàng Thị Hùng là "chim đầu đàn" trong hội đồng ngũ; điều này không chỉ bởi chị cao tuổi hơn, mà thời ấy chị rất xinh đẹp, có con mắt đen nhánh, mái tóc dài óng mượt khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chịu khó được anh chị em mến yêu suy tôn là chị cả. Quê ở Thanh Thủy (Phú Thọ). Cùng bao chị em cùng lứa tuổi quê ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... được điều vào nơi tuyến lửa Quân khu 4 phục vụ chiến đấu, trong điều kiện ngày đêm bom đạn của địch oanh tạc rất ác liệt. Để góp phần nhỏ bé của mình nơi rừng heo hút, thiếu thốn đủ thứ, bệnh sốt rét liên miên đã làm cho mái tóc xanh đen nhánh kia đã dụng dần, thưa thớt.
Tuổi xuân đã trôi đi từ bao giờ cũng không hay, qua các trận chiến đấu ác liệt nơi khói lửa. Vài năm sau chị được điều về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ công tác.
Sau những năm phục vụ trong quân ngũ, về với đời thường Hoàng Thị Hùng vẫn là "chim đầu đàn" ở một làng SOS thành phố Việt Trì. Chị vẫn được hội đồng ngũ nể trọng. Chị được phân công về làng SOS, nơi thành phố công nghiệp nằm trên diện tích khá rộng. Trường có những hàng cây xanh tươi mát bên con đường thênh thang được mang tên công chúa Martha Luise người Na Uy. Với 15 ngôi nhà của 15 gia đình, trường đã đón nhận gần 200 cháu mồ côi, không cha, không mẹ, dị tật, dị dạng... từ lứa tuổi ẵm ngửa trở lên... Các cháu quê từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang (6 tỉnh). Gia đình chị Hoàng Thị Hùng đã tình nguyện vào đây công tác. Với tấm lòng nhân hậu, chị đã gắn bó trên 20 năm qua ở nơi này. Chị được mọi người ở đây thường gọi là "Mẹ Hùng". Chị đã lo toan chăm sóc các cháu như là người mẹ trong một gia đình, từ ăn mặc, học hành, tắm giặt, vệ sinh... cho đến giấc ngủ. Sáng ra, tối vào, ngày cũng như đêm, chị lo cho cuộc sống của các cháu được ăn no, được học hành đến nơi đến chốn.
Do có kế hoạch quản lý chặt chẽ, nghiêm túc... cộng với tấm lòng nhân hậu, mỗi năm CCB Hùng đã tài trợ ba bốn triệu đồng vào sinh hoạt của các cháu từ đồng tiền lương hàng tháng khiêm tốn của chị. Sống tình cảm lại quan tâm đến mọi hoạt động nên chị được mọi người yêu mến. Suốt 20 năm qua, ngôi nhà tình nghĩa này đã tạo dựng cho hơn 20 cháu được vào trường học mang tên Martha Luise rồi đi tiếp vào đại học như cháu: Đinh Thị Hằng. Khi đón Hằng về em còn hẵm ngửa nay đã là cán bộ công tác ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Cháu thứ hai Nguyễn Thị Nga đang theo học năm cuối trường đại học KHXH & NV tại thành phố Hồ Chí Minh. Cháu Hòa đã tốt nghiệp đại học Sư phạm... 100% các cháu đều ngoan ngoãn được ăn học đầy đủ như người con thân yêu của Mẹ Hùng.
Đến giờ này CCB Hoàng Thị Hùng không chỉ là “Chim đầu đàn” của hội đồng ngũ mà chị thật sự là người "Mẹ" - Mẹ Hùng làng SOS nơi thành phố Mgã ba sông đang hàng ngày hàng giờ chăm sóc bao người con cơ nhỡ, không cha, không mẹ, dị tật, dị dạng... Các cháu được Mẹ Hùng nuôi nấng như những hạt máu của chính mình sinh ra. Chị được mọi người nơi đây tự hào, yêu mến, khó quên./.
Phạm Hải Đường