Sự học “không tuổi” của tân sinh viên U70
Nguồn:Báo Điện tử Lao Động
Ngày khai giảng ở Đại học Cần Thơ, một phụ nữ tóc hoa râm tay ôm cặp sách xăng xái đi vào lớp học, thoạt nhìn cứ ngỡ phụ huynh của sinh viên, nhưng không, đó là tân sinh viên tuổi 61 Vi Thị Kiên ở huyện Tri Tôn, An Giang.
Trong lớp, bà Kiên luôn chăm chú nghe giảng bài.
Có một ước mơ khôn nguôi
Suốt cả thời thanh xuân, ước mơ được cắp sách đến trường mãi âm ỉ trong lòng bà, nhưng vì hoàn cảnh gia đình và chiến tranh nên không thể thực hiện. Năm học hết lớp 9 (1978) quân Ponpot tràn xuống thị trấn Ba Chúc, gia đình bị giết hết, bà may mắn sống sót vì đi chơi xa.
Bà vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ quay lại với trường lớp. Nhưng rồi bà đến ngày thành gia thất, phải cùng chồng bươn chải nuôi con, xây dựng mái ấm gia đình…
Khi gia đình đã tạm ổn, con cái thành đạt, có thời gian rảnh rỗi, ước mơ được quay lại trường học lại trỗi dậy… Đợi lúc chồng vui, bà thủ thỉ bày tỏ mong muốn được đi học. Ông chồng trố mắt nhìn bà: “Bà tưởng mình còn mười tám đôi mươi sao?”. Bà phải cố nằn nì mãi, cuối cùng ông chồng đành chấp thuận.
Bà Kiên đến Phòng Giáo dục huyện và Sở Giáo dục tỉnh, nhờ người tìm giúp bảng điểm mà hơn 40 năm rồi vẫn còn lưu giữ. Sau đó, bà được cấp lại bằng THCS và đến học cấp ba tại Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thời gian đầu bà phải đánh vật với từng con chữ, từng dãy số, nên việc đi học thật không dễ dàng gì. Khoảng cách 10 cây số từ nhà đến trường sao thấy xa vời vợi… Tuy vậy, bà vẫn không bỏ buổi học nào cho dù mưa dầm gió dữ.
Học để giữ lấy ước mơ của đời người
Thi tốt nghiệp THPT xong, bà Kiên không nghĩ mình sẽ thi đậu vào Đại học Cần Thơ với ngành Cử nhân Luật. Anh Nguyễn Thanh Chơn - con trai bà Kiên cho biết: “Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển, mẹ tôi mừng đến khóc. Lo lắng lớn nhất của gia đình là khi lớn tuổi, các giác quan của mẹ sẽ yếu đi, khó khăn cho việc đi lại và học hành, nhất là chương trình học chính quy rất nặng”.
Học phổ thông đã khó, học đại học càng khó hơn. Một phần, do kiến thức rộng, bà tiếp thu không kịp, phần khác một số môn không phù hợp với sức khỏe của bà như thể dục, giáo dục quốc phòng...
“Học khó mà mình phải cố gắng, với lại, thấy mình lớn tuổi, thầy cô cũng quan tâm đặc biệt hơn. Chỗ nào không hiểu thì hỏi, thầy cô sẵn sàng trả lời. Mấy bạn trẻ cũng vậy, tụi nó cũng giúp đỡ. Mình giờ lớn tuổi rồi, độ nhạy của đầu óc đã sụt giảm nên luôn phải đối phó với cái sự chậm nhớ, mau quên".
Nguyễn Minh Thông - bạn cùng lớp bà Kiên nói: “Lúc mới gặp cô, mình rất bất ngờ, không nghĩ đó là bạn cùng lớp, tưởng phụ huynh. Học chung rồi mình thấy rất khâm phục nghị lực ham học của cô, rất đáng để lớp trẻ noi theo”.
Hiện bà Kiên đã lên Cần Thơ sống cùng con trai để tiện cho việc đi học. Mỗi tuần bà học vào buổi tối từ thứ 2 đến thứ 7. Sắp đến ngày thi môn đầu tiên, hằng ngày, sau khi lo việc nhà, cơm nước cho con cháu xong, bà lại cặm cụi học.
Thầy Võ Duy Nam - Giảng viên môn Lịch sử và Pháp luật Nhà nước - nhận xét: “Từ ngày nhập học đến nay, sinh viên Kiên chưa bỏ sót một buổi học nào và luôn đến lớp đúng giờ. Mặc dù lớn tuổi nhưng trong giờ học sinh viên Kiên luôn chăm chú nghe giảng và ghi chép đầy đủ”. Các thầy đánh giá cao tinh thần miệt mài học tập ấy.