GS Phan Đình Diệu,tâm và tầm của một trí thức Việt

Ngày đăng: 08:42 15/05/2018 Lượt xem: 652

Phan Đình Diệu

 
 

Hồi đầu Xuân 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bỗng đi thăm một số trí thức lão thành, trong đó có GS. Phan Đình Diệu. Khi đó, GS đã không còn minh mẫn. Nhưng cuộc viếng thăm của Thủ tướng tới tận nhà ông, chứng tỏ sự trọng thị trí thức của Chính phủ mới, đó là tín hiệu tốt lành cho thời kỳ kiến tạo và phát triển.

Tôi đón nhận tin này với tâm trạng rất vui bởi GS. Diệu là đồng nghiệp, một nhà khoa học lớn, một nhân sỹ đáng kính với sự chính trực của một trí thức theo đúng nghĩa.

Phan Đình Diệu
GS Phan Đình Diệu và GS Nguyễn Văn Đạo. Ảnh: Bùi Tuấn

Có một kỷ niệm nho nhỏ. Năm 1977, tôi đang học năm cuối của khoa Toán Tin của Đại học Tổng hợp Warsaw, tốt nghiệp thì về nước, còn trẻ nên chả lo tìm việc. Nhớ trưa đó, có người gõ cửa và bảo, muốn nhờ cắt tóc cho một vị khách từ trong nước.

Gặp một người trán rộng, rất trẻ khoảng trên dưới 40 tuổi, giọng Nghệ Tĩnh khỏe và khá thân thiện, tự giới thiệu là Phan Đình Diệu, Viện trưởng Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, tiền thân của Viện Công nghệ Thông tin bây giờ.

Sinh viên học nước ngoài 5-6 năm nên chả biết trong nước ra sao, chẳng có thông tin như bây giờ, thư đi cả tháng mới tới so với thời internet có thể inbox nhắn nhau vài giây với khoảng cách hàng chục ngàn km. Vừa cắt tóc cho anh (thực là xén qua cho gọn bằng kéo) vừa được anh hỏi chuyện thân tình.

 

Hỏi cậu học gì. Dạ em học tin học ạ. Ôi, viện mình đang tìm người tốt nghiệp ngành này đây. Mình thật thà, nhưng em học kém lắm, không có bằng đỏ. Mình lấy người về làm việc chứ không lấy bằng đỏ. Và anh ghi cho tôi mảnh giấy hẹn, nếu về Hà Nội thì tìm anh.

Cứ nghĩ anh hứa cho qua, nhưng tốt nghiệp về Hà Nội mới thấy xin việc với bán kính quanh hồ Gươm vài km, mốt thời thượng hồi đó, là không hề dễ vì ngành tin mới quá. Chợt nhớ ra địa chỉ liên lạc, tìm lên khu Đồi Thông trong làng Liễu Giai hoang vắng, nhà cửa tồi tàn, dân trồng hoa tưới phân tươi, thế mà vẫn có một viện khoa học đầu ngành với những cán bộ nghiên cứu trẻ măng đang miệt mài bên những trang sách với những giấc mơ đưa đất nước bay xa. 

Thật bất ngờ, GS Diệu vẫn nhớ bạn trẻ cắt tóc ấy và bằng một cái giấy viết tay lên Bộ Đại học, sau vài tuần, tôi nhận việc ở viện mà không hề tốn một điếu thuốc nào.

Làm việc với giáo sư sau gần hai chục năm, tôi hiểu ông nhìn vào hiệu quả công việc chứ không dựa vào bằng đỏ bằng xanh hay học vị, học hàm. Chỉ cần chi tiết đó thôi đã làm cho lớp trẻ khoa học như tôi lao động hết mình, cơm cặp lồng rau muống luộc nhưng thức thâu đêm để tìm lỗi cho hàng ngàn dòng lệnh ngôn ngữ máy. 

Phan Đình Diệu
 

Đi theo ông là những nhà khoa học trẻ, muốn cống hiến hết mình cho cái máy vi tính đầu tiên tại Việt Nam cũng như ở châu Á, mà bản thân ông cũng phải xách tay nhưng chip từ Pháp về thay vì mua xe máy Peugot tương đương với một căn hộ cao cấp.

Nhưng theo một nghĩa nào đó, chúng tôi chỉ là những thợ lập trình, thợ công trình khoa học, thợ các dự án, nhưng chưa phải một trí thức biết suy nghĩ về thời cuộc. Nói chuyện với ông lúc trà dư tửu hậu mới biết sự trăn trở của ông về hệ thống, về phe Liên Xô, Đông Âu, bên này bên kia, mà ông từng phát biểu trong các hội nghị, nói với các nhà lãnh đạo cao cấp thời đó, cái được và chưa được với những giải pháp cấp bách.

Phan Đình Diệu
 

Cách đây gần 30 năm, khi bàn về vai trò của trí thức, GS cho rằng, nước ta có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư, và nhà kinh tế. Theo GS, đào tạo những “nhà trên” thành chuyên viên thì dễ nhưng thành trí thức khó hơn bởi họ phải học để độc lập trong tư duy và luôn suy nghĩ về những vấn đề của xã hội.

So sánh ba thời kỳ, ông chỉ rõ, trí thức thời Pháp thuộc có những người dũng cảm và đáng kính, lớp người được đào tạo sau 1954 mang bóng dáng các chuyên viên, lớp trí thức miền Nam sau 1975 thì phần lớn đã ra đi hoặc chọn sự im lặng, nếu họ muốn quay về phục vụ thì cũng khó bởi họ xa rời môi trường trong nước mà hải ngoại không phải là mảnh đất thuận lợi cho lực lượng trí thức tích cực.

Phan Đình Diệu
 

Theo ông, lực lượng trí thức phải độc lập về xã hội và chính trị, là cánh chim báo bão cho thời đại. Thế hệ chúng tôi quả là thiếu vắng tầm nhìn đó bởi cơm áo gạo tiền, ăn chưa đủ, nước điện phập phù, bụng đói làm sao nghĩ được vĩ mô, có tâm chưa đủ.

Làm việc một thời gian dài, tôi biết ông sinh ra trong một gia đình giầu truyền thống hiếu học ở Can Lộc, Hà Tĩnh, cha là giáo viên thường xa nhà, mẹ làm ruộng nuôi 7 người con ăn học, từ nhỏ ông đã tỏ ra là học sinh xuất sắc trong vùng. Năm 1954 tốt nghiệp cấp 3, cậu học trò Diệu đi bộ 10 ngày từ Hà Tĩnh ra học ĐH Sư phạm ở Hà Nội.

Phan Đình Diệu
Vợ GS Phan Đình Diệu là Văn Thị Xuân Hương, em gái nhà giáo Văn Như Cương. Gia đình GS Diệu có 3 người con, đều theo nghiệp khoa học giáo dục. 

Từ đó là đam mê toán học và sau này thành tài năng khi đi nghiên cứu sinh năm 1962 ở Liên Xô, bảo vệ tiến sỹ khoa học lúc 30 tuổi, công trình Tiến sỹ này được in như một cuốn sách của tạp chí khoa học uy tín Steklov của Nga và năm 1974 được Hiệp hội Toán học Mỹ dịch và xuất bản bằng tiếng Anh.

Nhớ hồi về viện dự các buổi seminar do ông giảng về otomat hữu hạn, lưới Petri, dù kiến thức toán tin rất cao siêu nhưng cách giảng của ông rất dễ hiểu, hội trường lúc nào cũng đông nghịt. Nhưng ít ai biết vị giáo sư này thường dậy từ 3 giờ sáng đợi hứng nước và xách lên tầng 5 cho vợ đang nuôi con nhỏ ở cái thời mà “ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước”.

Dù kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Viện phó Viện Khoa học Việt Nam, Viện trưởng KH Tính toán và Điều khiển, sáng lập Hội Tin học và Chủ tịch đầu tiên, Đại biểu Quốc hội 1976-1981, nhiều chức danh khác hay chủ trì nhiều dự án lớn tầm quốc gia, nhưng có lẽ ông không thích nhắc đến. Nhưng là người biết ông khá rõ, tôi tin ông sẽ rất vui khi được nhắc đến như một người đóng góp lớn cho nền toán tin và nhất là khởi xướng thời đại vi tính tại Việt Nam ngay từ đầu những năm 1980 và coi đây là cuộc cách mạng lớn thay đổi nhân loại. Năm 1981, chiếc máy vi tính đầu tiên sản xuất tại VN và Đông Á có tâm huyết không nhỏ của ông.

Ngoài chuyện làm khoa học, với tư duy độc lập, logic và kết hợp với triết học của người làm toán, GS Diệu đã có những cách nhìn sâu rộng về thời cuộc, xu hướng phát triển và những sự đổi thay cần thiết để đổi mới đất nước. Những ý kiến phản biện thẳng thắn và chân thành của ông có ý nghĩa lớn vào sự đổi mới, góp phần giúp đất nước phát triển hơn, dân chủ hơn.

Phan Đình Diệu
 

Những bài viết của ông được xây dựng trên cơ sở khoa học, phân tích các dữ liệu thực tế, phân tích các vấn đề cốt lõi của sự phát triển nền kinh tế và xã hội, mang một tầm nhìn xa và vẫn còn giá trị sau nhiều thập kỷ.

Không phải bỗng nhiên mà ông được gọi là trí thức – nhân sỹ bởi sự trung thực, tâm tài song toàn, những bài viết, những phát biểu để đời, những tiếng nói lay động thuyết phục, nhằm đóng góp chung.

40 năm trước ông đi tìm người cho nền tin học nước nhà và tôi may mắn gặp được ông. Giữ một lời hứa mà tôi có việc làm tại Hà Nội và nhân cách của ông giúp tôi hiểu thêm, trí thức ngoài việc giỏi chuyên môn cũng cần một tầm nhìn thời cuộc, biết chắp cánh ước mơ cho tuổi trẻ, dù đời thường vẫn phải xách nước giúp vợ đẻ.

Rất có thể từ một chuyện nhỏ GS Diệu nhớ cậu sinh viên trẻ cắt tóc bên Warsaw, nên một hôm có Thủ tướng nhớ tới ông có tâm và tầm của trí Việt để hỏi về chính phủ kiến tạo, bởi kiến tạo thì không thể thiếu giới trí thức đúng nghĩa. 

Phan Đình Diệu
 
Phan Đình Diệu
 

tin tức liên quan