Người thương binh và những kỷ vật chiến tranh

Ngày đăng: 03:41 26/11/2015 Lượt xem: 728

 

Người thương binh và những kỷ vật

 chiến tranh

     Lời Ban biên tập

      Hội TS Bắc Ninh đã phát động hiến tặng kỉ vật chiến tranh cho Bảo tàng Bắc Ninh được hơn 300 hiện  vật đã được tổ chức trưng bày năm 2014. Bảo tàng được nhiều đoàn khách đến thăm trong đó có đoàn khách của Nhật, một số nước Châu Âu và một số trường phổ thông của tỉnh tổ chức học sinh đến tham quan ngoại khóa.

Trong đợt hiến tặng lần này phải kể đến sự đóng góp của đồng chí Bùi Xuân Chúc (31 hiện vật), đồng chí Nguyễn Trung Phụng (70 tài liệu, hiện vật), đồng chí Trương Tấn Khả (25 hiện vật), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Lưu (15 hiện vật)… và nhiều đồng chí khác

Cảm nhận về những giá trị của  kỷ vật đã tiếp nhận,

tác giả Phan Thị An Ngọc cán bộ Bảo tàng đã viết về một thương binh với những kỷ vật chiến tranh. 

      BBT giới thiệu bài viết này để chia sẻ cùng bạn đọc.

 

Là một cán bộ Bảo tàng, trong nhiều năm liền tôi đi sưu tầm kỷ vật của những lão thành cách mạng và người có công trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phục vụ các nội dung trưng bày của Bảo tàng Bắc Ninh. Hiện số lão thành cách mạng không còn nhiều, một số cụ thì mắc bệnh tuổi già không đủ minh mẫn để nhớ lại những kỷ niệm về thời kỳ chiến tranh gian khổ. Một trong số những lão thành cách mạng đã từng kinh qua hai cuộc chiến mà tôi đã gặp vẫn còn minh mẫn là ông Đào Hữu Hồi sinh năm 1934 ở Trúc Ổ, Mộ Đạo, Quế Võ. Có thể nói ông Hồi là một trong những hiện thân của hình ảnh người lính cụ Hồ mà tôi được gặp. Những câu chuyện kể cùng kỷ vật thời kỳ tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ mà ông còn nâng niu cất giữ là chiếc huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, chiếc “áo trấn thủ”, đôi dép cao su và chiếc hộp đựng thức ăn gợi cho tôi nhiều xúc động lẫn cảm phục tấm gương anh hùng nhưng rất đỗi bình dị của những thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ như ông.

Ông Đào Hữu Hồi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là Cụ Đào Hữu Mạo . Cụ  là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu bất khuất. Cụ là du kích Bạch Đầu Quân nổi tiếng ở Bắc Ninh với cách đánh tỉa “độc nhất vô nhị”. Mẹ là cụ Nguyễn Thị Gần. Hai cụ thân sinh ra 5 người con trai và một người con gái. Ông Đào Hữu Hồi là con thứ 3 trong gia đình. Năm anh em ông Hồi sau này cũng tiếp bước cha trở thành người lính “Bộ đội Cụ Hồ” với nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người em gái duy nhất trong gia đình cũng lấy chồng là thương binh. Hiện 6 anh em ông cùng vợ, chồng vẫn còn sống khỏe mạnh tại địa phương. Duy chỉ có ông Đào Hữu Hồi là người phải gánh chịu nhiều hậu quả của cả hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong trận đánh ngày 17/5/1970 tại Trường Sơn. Ông bị đạn pháo của giặc Mỹ bắn bị thương ở vùng thắt lưng cắt ngang một phần cơ, gãy xương bả vai trái, cẳng chân phải còn mảnh đạn pháo, vết thương ở đỉnh sọ bên trái và nhiều vết thương nhỏ khác. Chính vì vậy mà thời gian ông nằm viện nhiều hơn ở nhà, lần nào đi viện ít nhất cũng phải 1 tháng. Vì vậy mà 5 lần về thì tôi chỉ gặp ông được 2 lần. Lần gần đây nhất là vào dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014 thì tôi chỉ gặp bà Nguyễn Thị Thái (vợ ông) và nghe bà kể về tình hình bệnh tật của ông, “sợ ông không qua khỏi dịp Tết năm nay” - bà sụt sùi.

Ông Đào Hữu Hồi tham gia phong trào du kích từ năm 1950, trong đó có các trận chống càn năm 1950 - 1952 tại địa phương. Sau đó ông tham gia bộ đội địa phương rồi chuyển sang quân chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam.  - ông kể lại. Ngày 7/1/1954 đơn vị của ông được bổ sung vào Sư đoàn 304 trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Kể đến đây, ông đưa cho chúng tôi xem một số kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp của mình. Có thể với thế hệ trẻ chúng ta hiện nay, ký ức về thời chiến tranh gian khổ sẽ phai mờ dần nhưng với những người lính đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp như ông Hồi thì đây là những kỷ vật vô giá, bởi đó là minh chứng sống và mãi mãi không thể phai mờ trong tâm trí ông. Những kỷ vật kháng chiến của ông còn lại rất nhiều nhưng chủ yếu chỉ là các bằng khen, giấy khen, huân huy chương... Những đồ dùng quân tư trang được phát trong kháng chiến còn lại không nhiều. Vì vậy, ông rất trân trọng nó và dự định thành lập một phòng truyền thống của riêng mình.

Áo trấn thủ là loại áo phổ biến để chống rét của bộ đội  Có chiếc áo này, ông và đồng đội bám trụ, chống lại cái rét  của núi rừng Tây Bắc, núi rừng Trường Sơn, qua mùa đông giá lạnh, góp phần làm nên thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Nguồn gốc của đôi dép cao su chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp do bộ đội ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc năm 1947 gửi cho Bác Hồ như một vật lưu niệm về chiến thắng. Và sau này đôi dép được sản xuất đại trà để phát cho bộ đội sử dụng khi vào chiến trường miền Nam. 

 Những phần thưởng cho những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến có rất nhiều, nhưng với những người lính  tham gia trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thì chiếc huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” là một phần thưởng cao quý và cũng là biểu tượng truyền thống đầy tự hào dành cho những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 6 thập kỷ đã trôi qua, cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nay người đã mất, người tuổi rất cao nhưng chiếc huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” luôn được ông Hồi, các cựu chiến binh và gia đình tự hào, gìn giữ.

Những kỷ vật của người lính trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ như chiếc áo trấn thủ, đôi dép cau su, chiếc ăng gô, võng bạt, mảnh dù pháo sáng v.v.. sẽ mãi là những nhân chứng sống và những tư liệu hiện vật bảo tàng quý, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của dân tộc và tư tưởng độc lập, tự do của Bác Hồ vĩ đại.

          Phan Thị An Ngọc – Bảo tàng Bắc Ninh

 

Biểu diễn văn nghệ trong Lễ khai mạc triển lãm kỷ vật chiến tranh.

 

Cắt băng khai mạc triển lãm.

 

 Quan khách xem triển lãm.

 

Những bà vợ hội viên Trường Sơn đã hiến những kỷ vật của gia đình cho Bảo tàng.

 

Lãnh đạo Tỉnh Hội TS dự khai mạc triển lãm.

Ảnh Trung Phụng.

 

 

 

tin tức liên quan