Giữa những ngày vui tươi chào đón lễ Giáng sinh của đồng bào theo đạo Thiên Chúa nói riêng; của cộng đồng người Việt Nam và cả cộng đồng nhân loại toàn cầu nói chung - Trang thông tin Trường Sơn vừa nhận được bài viết dự thi " Gương sáng Trường Sơn" có tựa đề " Người anh hùng sinh ra từ mảnh đất Tốt đời, đẹp đạo" của tác giả Bùi Thanh Bình viết về Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Hạnh - Người chiến sỹ lái xe Trường Sơn năm xưa ...
Nguyễn Quang Hạnh - Gương mặt thân quen của các thế hệ chiến sỹ Trường Sơn, ông thật xứng đáng với danh hiệu cao quý ( Anh hùng LLVT ND ) Và chúng ta cả hôm qua và hôm nay cũng luôn ghi nhận rằng ông là con người " Sống phúc âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" bởi ông là " Người anh hùng sinh ra từ mảnh đất Tốt đời, đẹp đạo" .
Trang thông tin Trường Sơn trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc bài viết này.
Bài dự thi: Gương sáng Trường Sơn.
NGƯỜI ANH HÙNG SINH RA
TỪ MẢNH ĐẤT “TỐT ĐỜI, ĐẸP ĐẠO”
Tác giả: Bùi Thanh Bình
Những năm tháng chiến tranh ác liệt đã qua đi nhưng Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Hạnh, (Tên thật là Nguyễn Văn Hiệm) vẫn còn nhớ như in một thời “vào sinh, ra tử” trên những cung đường Trường Sơn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, để đưa những chuyến xe hàng ra tiền tuyến an toàn, chi viện cho chiến trường Miền Nam.
Ông sinh ngày 15 tháng 10 năm 1941 tại xóm 25 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Học hết lớp 7 phổ thông, tháng 5-1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Hạnh hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 312. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Nguyễn Quang Hạnh được đơn vị cử đi học lái xe. Đến năm 1966, ông được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội lái xe công binh, phụ trách 20 xe, sẵn sàng chờ lệnh lên đường vào mặt trận Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Tháng 7-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Nguyễn Quang Hạnh được biên chế về Đoàn 559 Trường Sơn và nhận lệnh lên đường vào Binh trạm 35, Tây Trường Sơn (khu vực Hạ Lào, ngã ba Đông Dương). Nhiệm vụ của đơn vị ông lúc bấy giờ là tiếp nhận vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang, quân dụng trên tuyến đường Tây Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Nắm được tầm quan trọng của tuyến đường Trường Sơn chiến lược của ta, quân địch ngày đêm ném bom rải thảm, bắn phá ác liệt trên khắp các cung đường, trên bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay địch quần thảo, gầm rú dội bom nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc với miền Nam. Khí hậu ở Trường Sơn lại vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa thì đường trơn trượt, mùa khô thì bụi mù, nhiều tuyến đường độc đạo đi qua vách núi. Đơn vị của Nguyễn Quang Hạnh thường phải đi vào ban đêm để tránh sự phát hiện của máy bay địch, ban ngày thì phải ngụy trang và đi vào đường được ngụy trang kín. Trong điều kiện khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn đại ngàn, đường xá phải đi qua đèo cao, dốc thẳm, bom đạn quân thù ngày đêm đánh phá, những người lính lái xe chỉ sơ sẩy một chút là có thể gặp nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người, cho hàng, cho xe, Nguyễn Quang Hạnh đã mưu trí vừa “vững tay lái” vừa chỉ huy anh em trong đơn vị dùng nhiều cách “nghi binh” qua mắt máy bay địch, khi thì dùng mìn chống tăng quét mìn vướng nổ của địch, gây nổ quét một đoạn đường “gây nhiễu” ra-đa tránh tầm kiểm soát của địch, khi thì sử dụng bộc phá gây bụi mù một vệt giả là đường xe ta đang chạy để đánh lạc hướng của địch, lợi dụng địa vật vượt qua trọng điểm, với mục tiêu “Hàng tới đích an toàn” phục vụ cho chiến trường. Trên những cung đường Trường Sơn gian khổ và ác liệt, trong suốt 6 năm (từ 1967-1973), đã không biết bao nhiêu lần trong ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng Nguyễn Quang Hạnh đã dũng cảm vượt qua làn “mưa bom, bão đạn” của quân thù để vận chuyển hàng trăm chuyến hàng ra tiền tuyến an toàn, và là người đầu tiên đạt kỷ lục vận chuyển cao nhất của Trung đoàn 36. Vào năm 1967, trên đường vận chuyển, một chiếc xe bị máy bay địch đánh cháy, Nguyễn Quang Hạnh đã dũng cảm lao vào dập lửa và cấp cứu lái xe bị thương an toàn. Ngày 17/3/1969, đoàn xe đơn vị đang chạy thì chiếc đi đầu bị trúng bom, lái xe bị thương. Nguyễn Quang Hạnh xung phong lái chiếc xe đó để thông đường. Trong lúc anh đang lái chiếc xe đó, thì địch thả 6 quả bom nổ xung quanh xe, Nguyễn Quang Hạnh vẫn chắc tay lái đưa chiếc xe bốc cháy ra giải phóng mặt đường để đoàn xe 19 chiếc vượt qua bãi bom an toàn. Ngày 25/12/1972 một chiếc xe chở xăng trúng đạn địch bốc cháy, Nguyễn Quang Hạnh không quản nguy hiểm lái chiếc xe đang cháy chạy sang một hướng khác thu hút hỏa lực địch, rồi chạy bộ trở lại chỉ huy đoàn xe chở người vượt qua trọng điểm.
Với trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm của nhiều năm lái xe trên những cung đường Trường Sơn ác liệt, ông được kết nạp vào Đảng CSVN tại Trường Sơn tháng 5/1969, đến tháng 1-1973, Tiểu đoàn 59 của Nguyễn Quang Hạnh được điều chuyển về Trung đoàn 17 (Sư đoàn 471). Nguyễn Quang Hạnh được giao chức vụ tiểu đoàn phó, có nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật cho gần 500 xe phục vụ chiến đấu. Năm 1974, Nguyễn Quang Hạnh là một trong số những cán bộ kỹ thuật được chọn để bổ sung vào lực lượng “dự phòng” chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 với chức vụ Tham mưu trưởng Trung đoàn, quản lý, phụ trách đảm bảo kỹ thuật cho gần 600 xe vận tải. Ý thức được nhiệm vụ của mình trong nhiệm vụ chung của các đơn vị chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, Nguyễn Quang Hạnh luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, đảm bảo tốt kỹ thuật cho các phương tiện vận tải hàng hóa, quân lương chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Với những thành tích đạt được trong công tác phục vụ chiến đấu, Nguyễn Quang Hạnh được Nhà nước tặng thưởng một Huân chương chiến công hạng nhì, 4 Huân chương chiến công hạng 3; Ba lần là chiến sỹ quyết thắng, 5 lần là chiến sỹ thi đua, 18 bằng khen. Ngày 31 - 12-1973 Nguyễn Quang Hạnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là niềm vinh dự và cũng là động lực để ông tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước trọn niềm vui thống nhất, Nguyễn Quang Hạnh lại gắn bó với Binh đoàn 12 trên cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 17. với nhiệm vụ vừa tham gia xây dựng kinh tế vừa sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc dựng xây đất nước. Tham gia công tác, đến năm 1996 Nguyễn Quang Hạnh nghỉ hưu.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Hạnh ( quân phục) tiếp đón người anh cả - Đại tá Vương Hạnh
người tiền nhiệm và là người đầu tiên sáng lập ra Ban LL Bộ đội Trường Sơn Hải Hậu đến thăm gia đình.
Và đưa các đồng chí trong BCH Hội TT Trường Sơn đi thăm vườn ao nhà mình
Trở về với cuộc sống đời thường bên người vợ hiền tần tảo. Bà Nguyễn Thị Lụa, phu nhân của ông là một trong những người phụ nữ chuyên cần, đảm đang ở xứ đạo Nam Đường. Đại tá, Anh hùng Nguyễn Quang Hạnh luôn gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Trồng cây cảnh, chăn nuôi, thả cá để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Giữ lễ nghĩa gia phong, uống nước nhớ nguồn, nhớ về Tổ tiên, giáo dục cháu con trở thành những người có ích cho xã hội, sống tốt đời đẹp đạo... Năm 2014 Ông đã vận động con cháu trong Họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng ngôi Từ đường của dòng Họ trị giá hơn một tỷ đồng, và ông có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào ở địa phương, cho xóm Đạo nơi ông đang sinh sống. Hiện ông là Trưởng Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trung đoàn 17. Đặc biệt thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hải Đường quê ông được chọn là 1 trong 11 xã điểm của toàn quốc xây dựng nông thôn mới. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, ông đã tích cực tham gia vận động bà con quê hương sinh sống và làm việc ở các địa phương tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Cổ vũ, động viên các hộ gia đình lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, công trình vệ sinh, chủ động mở thêm nghề mới, phát triển kinh tế hộ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần và xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu đạt tiêu chí gia đình nông thôn mới. Làm đường giao thông nông thôn; vận động bà con trong thôn, xóm đóng góp vật chất, hiến đất mở rộng đường dong, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Xã Hải Đường quê hương ông là cánh chim đầu đàn triển khai và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện. Tháng 8/2015 huyện Hải Hậu đã được công nhận là huyện nông thôn mới cùng với 5 huyện trên toàn quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Hải Hậu có trên 3.000 bộ đội, TNXP, DCHT đã chiến đấu và công tác trên tuyến đường Trường Sơn. Ông đã tham gia vào BLL bộ đội Trường Sơn huyện Hải Hậu, thu hút, tập hợp, đoàn kết bộ đội, TNXP, DCHT Trường Sơn của quê hương tham gia sinh hoạt Hội. Luôn tích cực trong việc xây dựng tổ chức Hội, tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của địa phương và với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thực hiện các chế độ chính sách đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, CCB, TNXP; tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ hội viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Giữ vững và phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng trên quê hương Hải Hậu. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, uy tín và trách nhiệm, lòng nhiệt tình, gần gũi với đồng đội. Tại Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội truyền thống Trường sơn huyện Hải Hậu ngày 06 tháng 11 năm 2014, ông được Đại hội bầu vào BCH Hội. Hiện nay ông được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Hải Hậu.
Anh hùng trong chiến đấu, dung dị giữa đời thường, người CCB Trường Sơn Nguyễn Quang Hạnh vẫn cần mẫn đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm những việc có ích cho quê hương. Lối sống khiêm nhường, tác phong sinh hoạt giản dị, chân thành, ông được mọi người ở quê hương quý trọng. Màu áo mãi xanh, vẫn luôn sáng mãi tinh thần người lính Trường Sơn một thời xông pha đạn lửa./.
Hải Hậu, ngày 10 tháng 12 năm 2015