‘Có lúc, nghe những ý kiến trái chiều, tôi không khỏi nản lòng nhưng cuối cùng con đường cũng được hoàn thành’, ông Phùng Văn Hải kể.
Mất ăn, mất ngủ tìm cách vận động mở rộng đường
Ông Phùng Văn Hải (SN 1965, Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội) kể về chuyện vận động người dân làm đường của mình bằng một kỷ niệm.
Ông cho biết: ‘Con đường cũ của thôn Mộc Hoàn Đình, Vân Côn được làm từ những năm 1990- 1991, chiều rộng chỉ khoảng 2,7 m. Bình thường nếu một chiếc xe ô tô chạy vào, các xe máy đều phải lùi lại để nhường đường. Cơ cực nhất là vào ngày mưa, con đường bị ngập ứ, người dân đi lại rất khó khăn.
|
Ông Hải và cuốn sổ ghi lại những lần họp, chi phí xây dựng con đường. Ảnh: Ngọc Trang |
Thời điểm đám cưới con gái tôi, mùi nước thải ứ đọng tại rãnh hai bên đường bốc lên khiến quan khách đều phải bịt mũi, nhăn mặt.
Tôi nghĩ, chúng tôi phải cải tạo con đường. Thế hệ chúng tôi đã già, gia đình tôi cũng không có ô tô nhưng sau này các con, cháu sẽ có, sẽ cần đường lớn để đi’.
Cuối năm 2018, câu chuyện làm đường lại xuất hiện trong một lần ông Hải cùng những người hàng xóm uống nước cùng nhau. Một người dân nói với ông Hải: ‘Nếu ông đứng lên vận động, may ra mới làm lại được đoạn đường’.
Thôn có 60 hộ dân, 30 hộ bị ảnh hưởng mất đất nếu như cải tạo, mở rộng đường. Cuối cùng, ông Hải quyết tâm bắt tay vào việc bằng cách tiến hành đi vận động người dân hiến đất mở đường.
Ông đến từng nhà để trò chuyện và không phải ai cũng đồng tình. Giá đất của vùng thời điểm cuối năm 2018 là 22 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã xây các công trình nhà, cổng, bể nước… khá kiên cố trên phần đất đó.
|
Ông Hải cùng con rể phá bức tường kiên cố của gia đình mình, hiến hơn 8,5m2 đất để mở rộng đường. Ảnh: NVCC |
Ban đầu, ông vận động mỗi hộ hiến 50cm đất tuy nhiên sau khi bàn bạc mọi người đưa ra phương án mỗi gia đình lùi vào 32cm để mở đường.
‘Một số gia đình tôi phải đến nhà 4 lần, nhờ cả chính quyền địa phương đi cùng để thuyết phục. Thậm chí có gia đình họ xây cổng rất đẹp, tốn kém xây mất mấy chục triệu. có những gia đình nếu mở đường sẽ vướng vào bể nước, có gia đình nếu mở đường sẽ phải phá tường, ảnh hưởng đến việc kinh doanh…
Tôi đều đến gặp và cam kết ‘đập đến đâu chúng tôi xây trả như vậy’. Chúng tôi sẽ làm cổng chào, xây lại bể nước, xây tường cho họ… chỉ mong có được cái gật đầu của người dân để làm đường’, ông Hải nhớ lại.
Hơn 1 tháng vận động, ông Hải đã có sự đồng tình của tất cả các hộ dân. Ban vận động làm đường gồm ông Hải là người đứng đầu, chỉ huy; 1 người làm thủ quỹ và 2 người khác thay nhau ghi ngày công cho thợ, trông coi công trình.
Cuối năm 2018, họ tiến hành giải phóng mặt bằng.
Những ngày mở đường
Kinh phí cũng là một vấn đề khiến ông Hải đau đầu. ‘Chúng tôi phải lo tiền thuê máy xúc, máy cẩu, nhân công phá tường, phá hàng rào. Sau đó, đội lại thuê người, mua vật liệu xây trả lại tường, cổng, hàng rào cho người dân nên mỗi hộ được vận động ủng hộ thêm 2 triệu để làm đường’, ông nói.
'Ban đầu chúng tôi chỉ vận động người dân hiến 32cm tuy nhiên trong quá trình làm, để con đường thẳng, đẹp một số hộ đã tình nguyện hiến nhiều hơn. Bản thân tôi hiến khoảng 8.5m2 đất (ông Hải mua năm 2010 với giá 25 triệu/m2)’, ông kể.
|
Người đàn ông sinh năm 1965 trong ngày hoàn thành đường. Ảnh: NVCC |
Trong lúc làm đường, có gia đình phải phá bể nước (7 khối) và phải sang hàng xóm xách nước dùng tạm trong suốt 1 tuần.
Với những gia đình sau khi phá tường, hàng rào, ông Hải phải huy động người xây trả lại cho người dân ngay để tránh nguy cơ mất cắp tài sản trong nhà.
‘Với hộ kinh doanh ở ngã ba, chúng tôi lại phải lên phương án xây tường bảo vệ bên trong, sau đó mới tiến hành đập tường ở ngoài để đảm bảo việc làm ăn của họ không bị ảnh hưởng. Tất cả phải làm trong sự gấp rút để đảm bảo cho người dân đón Tết'.
|
Con đường với chiều rộng 2,7 m đã được cải tạo rộng 4-5m sạch sẽ và kiên cố. Ảnh: Ngọc Trang |
Suốt 2 tháng làm đường, ông Hải phải bỏ công ăn việc làm, đi theo giám sát công trình. Cứ trước ngày chuẩn bị tiến hành phá dỡ mặt bằng gia đình nào, ông lại phải đến trình bày, thông báo để họ chuẩn bị.
‘Ngày 25 Tết âm lịch, con đường hoàn thành. Chiều rộng của đường là 4m, có chỗ rộng đến gần 5m, sạch sẽ và kiên cố’, ông Hải cười cho biết.
Ngày 26 Tết, gia đình này ủng hộ bia, gia đình khác ủng hộ nước ngọt, đồ ăn… hàng chục hộ dân thôn Mộc Hoàn Đình mở tiệc liên hoan ngay trên con đường mới.
|
Ông Phùng Văn Hải (ngoài cùng, bên phải) đã được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt - việc tốt năm 2019. Ảnh: NVCC |
‘Đường đã hoàn thành, đi vào sử dụng hơn 1 năm, nhớ lại quãng thời gian đi vận động, xây dựng tôi vẫn cảm thấy xúc động. Chúng tôi không có mục đích gì lớn lao, chỉ là muốn làm một điều gì đó cho thế hệ con, cháu sau này’, ông Hải nói thêm.